Bồng bồng


BỒNG BỒNG

-Tên gọi khác: Cỏ xà bông, cỏ phổng.
-Tên tiếng Anh: Chicken spike, Goose weed.
-Tên khoa học: Sphenoclea zeylanica Gaertn. Và S. pongatium.
-Tên đồng nghĩa: Gaertnera pongati; Pongatium indicum Lâm;  P. zeylanicum  (Gaertner) Kuntze;  P. spongiosum  Blanco;Rapinia herbacea Lour.; Reichelia palustris  Blanco.

Cây bồng bồng

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):
Cà (Solanales).
Họ (familia):
Cỏ phổng (Sphenocleaceae).
Chi (genus):
Cỏ xà bông (Sphenoclea).
Loài (Species):
Sphenoclea zeylanica Gaertn.
S. pongatium.)
Chi Cỏ phổng (Sphenoclea) là một chi chứa 2 loài cây thân thảo mọng nước mọc thẳng sống một năm. Chúng mọc trong các môi trường ẩm thấp trong toàn bộ khu vực nhiệt đới của Cựu thế giới.
Hai loài trong Chi là cỏ phổng hay cỏ xà bông (Sphenoclea zeylanicaS. pongatium.) có ở Việt Nam. Chi này hiện tại được APG III đặt một mình trong họ Cỏ phổng (Sphenocleaceae).
Cây bồng bồng (theo tên gọi Miền Nam) trong bài viết này đề cập đến loài phổ biến mọc hoang dại trên đồng ruộng mà theo tên gọi Miền Bắc là Cỏ xà bông có tên khoa học là Sphenoclea zeylanica Gaertn, thuộc họ Cỏ phổng /Cỏ xà bông (Sphenocleaceae).
Cần phân biệt với cây bồng bồng (theo tên gọi Miền Bắc) với các tên gọi khác là cây lá hen, nam tỳ bà diệp mọc trên vùng núi ở các tỉnh phía Bắc và vùng núi thuộc tỉnh An Giang dùng để làm thuốc, có tên khoa học là Calotropis gigantea R. Br., họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Và cũng cần phân biệt với cây bồng bồng (theo tên gọi Miền Bắc) để chỉ cây Tỳ bà diệp (Eryobotrya japonica Lindl) thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Sau đây là cách phân biệt các loại cây có tên là bồng bồng:

Cây bồng bồng (tên Miền Nam)
-Tên gọi khác: Cỏ xà bông.
-Tên khoa học: Sphenoclea zeylanica
-Họ: Cỏ phổng (Sphenocleaceae).
-Bộ: Cà (Solanales).
-Nơi sống: Ruộng ngập nước
-Thuộc loại: Cỏ dại.

Cây bồng bồng (tên Miền Bắc)
-Tên gọi khác: Nam tỳ bà diệp, cây Lá hen
-Tên khoa học:Calotropis gigantea R. Br
-Họ: Thiên lý (Asclepiadaceae).
-Bộ: Long đởm (Gentianales). 
-Nơi sống: Vùng cao.
-Thuộc loại: Cây thuốc.
Cây bồng bồng (tên Miền Bắc)
-Tên gọi khác: Tỳ bà diệp
-Tên khoa học:Eryobotrya japonica Lindl.
-Họ: Hoa hồng (Rosaceae).
-Bộ: Hoa hồng (Rosales).
-Nơi sống: Vùng cao.
-Thuộc loại: Cây thuốc, cây cảnh.

Phân bố

Cây bồng bồng phân bố ở Nam và Đông Nam Á: Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, và Việt Nam.
Phần còn lại của thế giới: Bolivia, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Iran, Madagascar, Nicaragua, Nigeria, Paraguay, Peru, Senegal, Solomon Islands, Surinam, Tanzania, Hoa Kỳ, Venezuela, và Zambia
Ở Việt Nam bồng bồng  mọc hoang ở bờ rạch, trên bờ ruộng ẩm, trong các đất lầy, phổ biến ở vùng thấp dưới 300 m.
Ở Nam Bộ cây bồng bồng là loài cỏ dại phát triển mạnh trên đất ruộng phèn nhẹ cùng với rau chốc. Người dân ĐBSCL thường dùng bồng bồng, rau chốc để ăn với mắm kho.

Mô tả

Bồng bồng là loại cỏ thân thảo sống hằng năm trên ruộng ngập nước.
-Thân: Thân mọc thắng đứng, vỏ nhẵn, màu lục, mập, rổng và xốp, cao 0,5-1 m, rộng 1-3 cm.
-Lá: Lá đơn mọc cách, gân lá hình lông chim hoặc hình mạng nổi rõ, cuống mềm.
-Hoa: Hoa nhỏ, không cuống, dính trên một trụ nhẵn; đài 2-3mm (kể cả bầu dưới) tràng trắng hay vàng nhạt, hình lục lạc, dài 3-4mm. Hoa lưỡng tính, đều, tập hợp thành bông ở ngọn, thùy tràng xếp lợp, nhị đính trên vách ống tràng.
-Quả: Quả nang to 4-5mm, chứa nhiều hạt nâu, mở bằng nắp (quả hộp) và hạt gần như không có nội nhũ.

Công dụng

a-Bồng bồng được dùng như một loại rau
1-Dùng làm rau sống: Thân cây bồng bồng non tốt sạch lá, xắt khúc, bóp mềm dùng để ăn sống như rau ghém hoặc trộn giấm hay nước me bóp gỏi.
2-Dùng làm rau luộc: Thân cây bồng bồng non tốt sạch lá luộc riêng hoặc luộc chung các loại rau rừng khác để chấm măm kho, thịt, cá kho.
3-Dùng làm rau xào: Thân cây bồng bồng non tốt sạch lá xắt khúc, để xào với thịt, long, tôm, tép, mực…
4-Dùng để muối dưa: Thân cây bồng bồng non tốt sạch lá được dùng để muối dưa với rau muống, rau ngổ, bông súng…
b-Bồng bồng được dùng làm thuốc
Theo đông y cây Bồng bồng có vị đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc.
Ngọn non được dùng ở Việt Nam, Inđônêxia làm rau nấu canh, luộc hay xào ăn.Thân lá dùng làm thuốc tiêu độc, giải nhiệt ở dạng ăn trực tiếp hoặc sắc uống. Ngoài ra thân lá bồng bồng giả nhuyễn còn dùng đắp vết thương chống nọc rắn, rết cắn.
Ghi chú: Không nên nhầm lẩn các bài thuốc từ cây bồng bồng theo tên gọi ở Miền Nam với cây bồng bồng theo tên gọi ở Miền Bắc vì giữa các loài có tên bồng bồng này hoàn toàn khác loài, khác họ, khác bộ và dược tính của chúng cũng hoàn toàn khác nhau.
                                                                                          Kỹ sư Hồ Đình Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét