Cây Rượu trời cho


CÂY RƯỢU TRỜI CHO
Mô hình cây Tà vạt

Cây Tà vạt được trồng làm cây cảnh

Cây Tà vạt khi có quả chín

Quả cây Tà vạt
           -Tên gọi khác: Cây Tà vạt, Cây rượu trời, Cây dừa núi, Cây báng, Cây đoác, Quang lang, Bụng báng, Búng báng, Báng búng, Co pảng.
-Tên tiếng Anh: Sugar Palm, Gomuti Sugar Palm, Arenga Palm, Areng palm, Black-fiber palm.
-Tên khoa học: Arenga pinnata (Wurmb) Merr.
-Tên đồng nghĩa:
Saguerus pinnatus Wurmb.
Arenga saccharifera Labill.

Phân loại khoa học


Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
Ngành (phylum):
Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (class):
Một lá mầm (Monocots)
Phân lớp (subclass):
Thài lài (Commelinids)
Bộ (order):
Cau dừa (Arecales)
Họ (familia):
Cau dừa (Arecaceae)
Chi (genus):
Báng (Arenga)
Loài (species):
Arega pinnata

Phân bố

Cây rượu trời cho (cây báng, tà vạt), danh pháp khoa học Arenga pinnata, là giống cây lâu năm thuộc họ Cau dừa, có nguồn gốc khu vực nhiệt đới Châu Á, từ đông Ấn Độ về phía đông tới Malaysia, Indonesia, và Philippines.
Ở Việt Nam, cây Tà vạt (tiếng dân tộc Cơ Tu) hay cây Báng (tiếng dân tộc Kinh) mọc nhiều ở những vùng chân núi ẩm (Cao Bằng, Lạng Sơn, Trường Sơn, Trung Bộ, Tây Nguyên), loài cây này thường mọc hoang ở chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh. Được người dân tộc miền núi trồng để lấy rượu tự nhiên.
Loài “cây rượu” này hầu như có mặt ở khắp vùng rừng núi tỉnh Quảng Nam. Người Cờ Tu gọi là "tavak", do đó gần đây người Kinh cũng gọi với tên Tà vạt.

Mô tả

Cây có dạng hình giống như cây dừa hay cây cọ đầu (nhập từ Mã Lai dược trồng ở nước ta trong những năm 1980s).
-Thân: Ở tuổi trưởng thành cây có đường kính khoảng 40-50 cm (gốc và ngọn tương đương) và cao chừng 8-12 mét. Thân hóa gổ dạng xơ thô như cây dừa, cọ dầu hay thốt nốt. Lõi thân chứa nhiều tinh bột, ăn được (gần giống như ở thân loài cây dừa bột ở malaysia). Thân đục ra làm máng nước. Ruột cây báng đặc, có cấu trúc sợi trải thưa dọc theo chiều thân cây, là chất liệu màu trắng, mềm.
-Lá: kép xẻ lông chim to trông như lá dừa, mặt dưới màu trắng. Cuống và bẹ lá có nhiều sợi dài có thể bện thừng. Lá được dùng để lợp nhà.
-Hoa: Mọc thành buồng như cau hay dừa. Bông mo phân nhánh nhiều, cong.
Hoa đực có 70-80 nhị, hoa cái có ba lá đài còn lại trên quả (dân Nam Bộ gọi là màu), bám vào gốc như ở quả dừa. Cuống hoa chứa nhiều nước ngọt, có thể nấu thành đường hoặc cho lên men rượu.
-Quả: Quả tròn giống như quả cau, đít lõm, có kích thước gần bằng quả cau.
-Hạt: Là cùi giống như quả cau, khi chín ruột đặc chứa nhiều chất dầu. Hạt khô rụng và dể nẩy mầm, cây con sống được khi được con người bứng trồng như cây cau.

Công dụng

a-Củ hũ (cổ hũ) của cây Tà vạt được dùng làm rau:
Củ hũ (thân và đọt non) của cây tà vạt, người Cơ tu gọi là “lam tavak” (lam tà vạt) được dùng làm rau đặc sản, giống như củ hũ dừa được người Miền Nam dùng trong các đám tiệc. Chọn những cây mọc dày, không có địa thế phát triển được, chặt lấy thân và đọt non, bóc ra lấy phần lõi non của cây.
Củ hũ tà vạt làm gỏi ăn sống hoặc dùng để chiên, xào,kho, nấu, nướng với các loại thịt rừng hoặc tôm, cá rất thơm ngon. Trong mâm cơm cúng Yàng và các vị thần linh trong lễ ăn mừng lúa mới của người Cơtu ở Tây Giang thường có các món lam tà vạt (củ hũ cây Tà vạt). Thông thường, nhà trai mang quà đến nhà gái, thăm sui gia trong những ngày lễ, Tết của người Cờ Tu, họ thường mang lam tà vạt đến biếu và được xem là đặc sản của người Cơtu.
Ở vùng núi Đông Giang tỉnh Quảng Nam khách đến chơi nhà được mời thưởng thức món gỏi tà vạt. Chủ mang rựa ra vườn rừng chọn một cây tà vạt vừa phải (loài cây này mọc nhiều gần gốc cây đã già do rụng quả) chặt ngọn, lột bỏ bẹ già, mang vào nhà rửa sạch để ráo, sau đó xắt lát dài khoảng 10 cm, rộng 1cm  để chế biến món gỏi (ađiing) lam tà vạt.
Có thể lấy một ít tép khô, rửa sạch, để ráo. Khử dầu phụng bỏ vào vài tép tỏi đập dập, khi dầu và tỏi đã bốc mùi thơm, bỏ tép vào khuấy đều, nêm nước mắm, gia vị… sau đó đổ lam tà vạt đã xắt nhỏ vào xoong, đảo nhiều lần cho đều. Tiếp theo rắc đậu phụng rang (giã dập), rau thơm, ớt rừng, tiêu rừng vào. Món gỏi này ăn vừa dòn vừa thơm, mát ngọt.
Sành điệu hơn là dùng lá rau rừng hay bánh tráng nướng vàng để xúc, ăn rôm rả mà nghe  thấm đượm hương vị núi rừng đại ngàn Trường Sơn.
Vừa ăn gỏi vừa uống rượu tà vạt thì thật tuyệt chiêu rau rừng!
Củ hũ Tà vạt xào nấm rừng

Gỏi tôm củ hũ Tà vạt
b-Bột cây Tà vạt (cây báng) dùng làm lương thực:
Cây Báng là cây Tà vạt gọi theo đúng từ Việt Nam do người Kinh gọi tên loài cây này cách nay hàng trăm năm. Khi người Kinh di cư từ Bắc vào Nam, đến vùng núi Trung Bộ đã biết sử dụng chất bột trong thân cây này để làm lương thực (hiện nay ở Malaysia có loại cây dừa bột, trong thân chứa rất nhiều bột được khai thác làm lương thực giống như như cây Báng (Tà vạt) ở Việt Nam).
Từ Bột báng chính hiệu của người Kinh xuất phát từ sử dụng chất bột trong thân của loài cây này. Về sau từ Bột báng được biến nghĩa để chỉ loại bột lấy từ thân ngầm (củ) của cây Dong riềng, và gần đây để chỉ loại tinh bột lấy từ củ khoai mì!
Đến đây ta dùng Bột báng chính hiệu đúng nghĩa theo tiếng Việt xưa:
Cho đến giữa thế kỉ 20, người Rục ở miền tây Quảng Bình còn lấy bột báng làm lương thực chính.
Giống như cây dừa bột ở Malaysia, trong lỏi thân cây Báng (Tà vạt) từ gốc đến ngọn có những khối tinh bột khô bám giữa các cuộn xơ, cây càng già lượng tinh bột càng nhiều.
Khi hạ cây báng người ta chẻ nhỏ phần thân, phơi khô và dùng chày đập nát, giủ bỏ phần xơ để lấy phần tinh bột. Qua công đoạn này chất bột khô lẩn nhiều xơ và cặn bả. Không sao! Chỉ cần ngâm bột vào nước cho tan rồn dùng vải lọc, người xưa có được loại tinh bột thuần khiết đúng nghĩa bột báng chính hiệu của nó!
Từ bột báng chế ra đủ kiểu lương thực của người Việt xưa trên vùng núi Miền Trung.
Hiện nay ít có ai chế biến và dùng bột báng chính thống do có nhiều loài cây lương thực khác thay thế.
Ở Trung Quốc người dân miền núi còn sử dụng bột báng rất nhiều để làm đồ uống mát bổ có lợi cho sức khỏe, bột báng còn là chất phụ gia kông thể thiếu trong ẩm thực và làm bánh kẹo.
Bột báng là loại bột sạch, có lợi cho sức khỏe giống như bột sắn dây dược dùng trong dinh dưỡng trị liệu như hiện nay.
c- Bột báng dùng để nấu rượu- rượu báng:
Dân miền núi thường lấy ruột cây để ủ men nấu rượu. Được nấu từ ruột cây báng sau khi đã ủ men rượu. Rượu báng là đặc sản của dân miền núi đá cao. Hiện nay ở một số xã của tỉnh Cao Bằng người dân vẫn làm rượu từ cây báng, nhưng phải mất khá nhiều thời gian để ủ và lên men (4 tháng) mới có thể cất rượu được.
Loại rượu đặc sản từ bột cây báng (Tà vạt) chỉ có ở Cao bằng. Ổ Miền Trung người dân tộc Cơ tu lấy rượu trực tiếp từ buồng quả còn non của cây Tà vẹt.
c-Lấy rượu thiên nhiên (rượu trời cho) từ buồng quả:
Loài “cây rượu” này hầu như có mặt ở khắp vùng rừng núi Quảng Nam.
Rượu Tà vạt là thứ rượu thiên nhiên đặc sản ở miền tây Quảng Nam. Do người dân tộc Cơ Tu có tay nghề lựa chọn cây để thu hoạch.

Lấy rượu từ buồng cây Tà vạt

Chẳng phải ai cũng biết chế biến rượu tà vạt, chỉ những người có kinh nghiệm, phải biết chọn những cây tà vạt to, khỏe, mập mạp sống gần khe suối, sau đó phát quang quanh gốc. Cây tà vạt thường có từ 5-6 buồng, nhưng chỉ chọn những buồng tà vạt quả to từ cỡ ngón tay cái trở lên, bởi những buồng quả cở đó mới đạt nhiều nước và có chất lượng tốt nhất.
Cứ 3 ngày một lần, dùng cây gỗ nhỏ đập nhẹ xung quanh cuống của buồng trái độ một vài giờ. Sau 4 hoặc 5 lần đập, cắt ngang cuống buồng trái, dùng cọng cây môn nước giã dập và bịt ngay đầu mới cắt để kích thích ra nhiều mật (theo kinh nghiệm của người Cờ Tu), bên ngoài bọc bằng lá rừng và buộc lại. Khi thấy mặt vết cắt nhỏ giọt nhanh, nước trong thì có thể lấy được.
Chất nước này lúc vừa chảy ra thì hơi trong, thơm và ngọt, hấp dẫn các loại côn trùng như kiến, ong… nên phải đậy kín. Để dung dịch này lên men, người Cơ Tu dùng vỏ cây chuồn (một loại cây chắc, nặng) đập cho mềm rồi bỏ vào ống nứa hay hũ đựng rượu. Tùy theo khẩu vị mà đưa vỏ cây chuồn vào hũ nhiều hay ít. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng, thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Khi rượu đã lên men thì nước có màu đục, trắng. Chính mật của của cây Tà vạt với vỏ cây chuồng là một bài men là một bài men tự nhiên để cây Tà vạt sản xuất rượu ngay trên cây, do đó có người còn gọi cây Tà vạt là "cây tự nấu rượu".
Rượu tà vạt có vị ngọt, đắng nhẹ, cay cay làm tê tê đầu lưỡi, là món “khai vị” không thể thiếu trong các cuộc vui của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Loại rượu "Trời cho" này không có loại bia hay rượu vang nào sánh được!
Người ở làng bảo rằng phải chờ đến tháng tư, khi ấy trời nắng nóng, lượng nước trong cây tà vạt bốc hơi nhiều, chỉ còn lại chất ngọt tự nhiên trong cây tiết ra, lúc ấy lấy làm rượu thì mới có loại rượu hảo hạng của núi rừng.
Thông thường một buồng tà vạt cho từ 10 đến 15 lít rượu mỗi ngày. Mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, người ta đi lấy rượu. Cây tà vạt có thể cho rượu trong thời gian 2-3 tháng, với số lượng khoảng 300 lít mỗi buồng quả. Tà vạt ra hoa, có trái liên tục nên rượu tà vạt có thể “sản xuất” quanh năm, nhưng rượu có chất lượng tốt nhất trong mùa khô là tháng tư âm lịch.
Ngoài ra ở rừng Trường Sơn còn có một loại cây khác thuộc Họ Đủng đỉnh cũng  (người Cờ Tu gọi lá cây Tr’đin cho rượu từ vết cắt trên thân, có thể rạch một lỗ trên thân cây, đặt ống vào đó để dẫn rượu chảy xuống can, chai. Đó là thứ rượu lấy từ thân cây, loại rượu này ngon và hiếm hơn rượu Tà vạt, có mệnh danh là "Trường Sơn Đệ nhất tữu".
Nhiều già làng dân tộc Cơ Tu gọi rượu Tà vạt là “rượu của Yang” (rượu của Trời). Du khách đến miền Tây xứ Quảng kể cả người Kinh và người nước ngoài vô cùng thích thú với loại rượu đặc biệt này.
Hiện nay phong trào xây dựng Nông thôn mới được phát động trên cả nước, để tạo nguồn thu nhập kinh tế cho người dân, mỗi địa phương cần khai thác thế mạnh địa phương của mình. Người miền Tây xứ Quảng, trong đó có dân tộc Cờ Tu có việc làm mới là đón khách du lịch dã ngoại và du lịch sinh thái đến vùng rừng núi để tham quan, thưởng ngoạn.
Rượu Tà vạt thơm ngon, đậm đà nên được người Cơ Tu ưa chuộng, không những thế mà khách du lịch trong và ngoài nước ngưỡng mộ như một khám mới kỳ diệu.
“Rượu của Yang” là rượu trời cho được người Cờ Tu mến khách đem ra thếch đải, ai đã uống một lần đều muốn quay trở lại để được uống nhiều lần nữa.
Những ai chưa được nếm hương vị “Rượu trời cho” một lần cũng nên về Miền Tây xứ Quảng để uống một lần cho biết!
“Rượu trời cho” không chỉ dành cho nam giới. Phụ nữ Cơ Tu uống loại rượu này có làn da mịn màng, tươi sáng, nhìn như những “tiên nữ apsara” giữa núi rừng!

Lấy rượu từ thân cây Tr’đin , một loài cây thuộc Chi Đủng đỉnh ở núi rừng Tây Giang-Trường Sơn

Tài liệu tham khảo
                                                                               Kỹ sư Hồ Đình Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét