RAU CẦN NƯỚC
Kỹ sư Hồ
Đình Hải
Cập nhật ngày 2/12/2013
Tên gọi và danh pháp khoa học
-Tên thường gọi:
Rau cần nước
-Tên gọi khác:
Rau cần ta, Cần cơm, Cần ống…
-Tên đồng nghĩa:
Oenanthe stolonifera (Wall.)
Oenanthe javanica subsp. stolonifera(Wall. ex DC.)
Oenanthe benghalensis (Benth. & Hook.f.)
Phellandrium stoloniferum Roxb.
Phân loại khoa học (Scientific classification)
Bộ (ordo)
|
Hoa tán (Apiales)
|
Họ (familia)
|
Hoa tán (Apiaceae)
|
Chi (genus)
|
Rau cần (Oenanthe)
|
Loài (species)
|
Oenanthe javanica
|
Nguồn gốc và phân bố
Chi Rau cần (Oenanthe) còn gọi là Chi cỏ muỗi nước, là một chi thực vật trong Họ Hoa tán (Apiaceae) có nguồn
gốc ở vùng Đông Á. Trong chi này có khoảng 15 loài, đa số là các loài cây có
độc hại.
Cây Rau cần nước (Oenanthe javanica) là loài rau ăn được, mọc hoang và được trồng ở
các nước Châu Á như: Trung Quốc , Ấn Độ , Nhật Bản , Hàn Quốc , Indonesia , Malaysia , Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam.
Loài rau này cũng được giới thiệu đến
các vùng khác của Châu Á (vùng Đông Bắc Ấn Độ), Châu Úc (Austrlia), Châu Âu (Ý) và Châu
Mỹ.
Ở Việt Nam cây rau cần nước được trồng
phổ biến từ Bắc vào Nam, là loài rau quen
thuộc trong các bữa ăn hằng ngày, và rau cần còn là vị thuốc chữa được nhiều loại bệnh được dùng rất
phổ biến trong nhân dân.
Lưu ý! Không nên lầm với cây Cần tây có tên khoa học là Apium graveolens L. (Có bẹ lá dẹp và đặc, rể
phình thành củ) và cây "rau mùi tây hoang dã của Nhật Bản" ( mitsuba trong tiếng Nhật ) thuộc chi Cryptotaenia cũng có đặc điểm giống cây rau cần nước.
Mô tả
Rau cần nước là loài cây
thân thảo đa niên, phát triển bằng cách nhảy chồi.
-Thân: Thân xốp,
chia thành nhiều đốt. Mổi đốt có mang một lá. Thân cao 20-30 cm (có thể đến
50-60 cm),
-Rể: Rau cần nước
thuộc nhóm rễ chùm, mọc ở đốt.
-Lá: Mỗi đốt có 1
lá, có bẹ ôm thân, lá xẻ nhiều thuỳ. ở mỗi nách lá có thể đẻ 1 nhánh để hình
thành cây mới. Thường thì các mắt già ở gốc mới đẻ nhánh.
-Hoa, Quả:
Rau cần nước là cây sinh sản vô tính, trong
tự nhiên không ra hoa kết quả. Khi trồng dùng chồi non mọc từ đốt thân.
Về độ cao địa hình từ vùng đồng bằng đến độ cao 3.000 m (ở
Trung Quốc).
Rau cần nước thích hợp đất ẩm ướt và có thể phát triển trong
nước, yêu cầu đất
nhiều bùn và đất thịt và luôn giữ nước : pH 6 - 7. Nhiệt độ thích hợp nhất từ 15 - 200C, trên 250C sinh
trưởng chậm và cằn cỗi.
Thành phần hóa học và dinh dưỡng
Thành phần tính bằng gam (g) hoặc miligrams (mg) trên 100g
chất khô của thân, lá rau cần nước:
-Năng lượng: 298
calori.
-Protein: 19.9g.
-Chất béo: 3.2g.
-Carbohydrate:
62.8g.
-Chất xơ:12.8g.
-Ash: 14.9g.
-Chất khoáng: Canxi:
1202mg; Photpho: 585mg; Sắt: 32mg; Natri: 192mg; Kali: 4713mg.
-Vitamin: Vitamin
A: 24mg; Thiamin (B1): 0.64mg, Riboflavin (B2): 2.34mg, Vitamin C: 149 mg;
Niacin: 10.6mg.
Trong bẹ và lá rau cần nước có chứa các chất chống oxy hóa persicarin và isorhamnetin .
Công dụng
a-Cây rau cần nước dùng làm rau
Ở nhiều nước Châu Á cây rau cần nước và rau cần tây được
dùng làm rau rất phổ biến. Đây vừa là loài rau gia vị vừa là loài rau xanh dể
trồng và dể chế biến làm rau ăn. Cây rau cần nước có thể dùng làm các loại rau
như:
-Thân, bẹ và lá cây
rau cần nước được dùng làm rau ăn sống.
Do thân, bẹ của rau cần nước xốp, mềm, thơm nên được dùng
làm rau ăn sống là phổ biến. Rau thường được ăn chung với các loại rau xanh
khác.
-Thân và lá cây rau
cần nước được dùng làm rau luộc, xào.
Thân, bẹ của rau cần nước được dùng làm rau luộc, rau xào
chung với các loại rau khác để tăng hương vị. Các món xào phổ biến là thịt bò
xào, mực xào với rau cần nước.
-Thân lá cây rau cần
nước được dùng để nấu canh, nấu lẩu.
Thân, bẹ của rau cần nước được dùng làm rau gia vị trong các
món nấu như Hủ tiếu Nam Vang, lẩu hải
sản để tăng hương vị.
b- Cây rau cần nước được dùng làm thuốc
+Theo Đông y:
Rau cần có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh
nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, sáng mắt, giảm áp suất máu…
Tất cả các bộ phận của cây rau này đều có tác dụng chữa
bệnh. Với đặc tính là cung cấp nhiều chất xơ nên rau cần có tác dụng loại trừ
các chất thải có độc trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hương thơm của rau cần còn
kích thích và lưu thông các tuyến mồ hôi, giảm huyết áp.
Mộ số bài thuốc Đông y từ cây rau cần nước
1-Ho lâu ngày: Dùng
1/2 kg rau cần (để cả rễ) rửa sạch, vò nát (hoặc ép) lấy nước, cho thêm tí muối
rồi đem chưng cách thủy để uống mỗi lần 1 chén nhỏ vào hai bữa sáng và tối. Dùng
liên tục vài ngày như thế. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
2-Viêm chi khí quản: Gốc rau cần cả rễ 100 g, vỏ quýt 9 g, kẹo mạch nha 30
g. Cho kẹo mạch nha vào nồi, đun sôi, sau đó cho gốc rau cần và vỏ quýt, sao
cháy, đổ thêm nước, sắc uống trong ngày. (Theo Lương y Huyên Thảo -ykhoa.net).
3-Hen do viêm phế quản mạn : Rễ rau cần 15 g, hoa kinh giới 6 g, hoa tiêu 10 hạt, phục
linh 9 g, đường phèn 12 g. Rễ rau cần, hoa tiêu và phục linh đun sôi trong
10 phút, cho hoa kinh giới đun sôi thêm 5 phút, chắt lấy nước, hòa với 6 g
đường phèn vào uống. Nước thứ 2 đun sôi trong 10 phút, chắt nước, pha nốt 6 g
đường phèn. Mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
4-Ho gà: Rau
cần cả cây 500 g rửa sạch, vắt lấy nước cốt, thêm vài hạt muối, hấp cách thủy,
chia 2 phần uống vào sáng sớm và tối, liên tục trong nhiều ngày. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
4-Ho do lao phổi: Rễ rau cần 30 g rửa sạch, thái nhỏ, trộn với mật hoặc
đường đỏ, xào chín, ăn ngày 2-3 lần. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
5-Mất ngủ: Lấy 100g rễ rau cần, 9g nhân hạt táo chua đem nấu chung lấy
nước uống. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
6-Đau đầu:Dùng
một lượng rễ rau cần vừa đủ, rửa sạch, vò nát, rồi đem rán với trứng gà để dùng
ngày 2 lần. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
7-Sau sinh bị đau bụng:Dùng 60g rau cần đem nấu với một ít đường đỏ và ít rượu mùi,
uống lúc bụng đói. (Theo Lương y Hoài Vũ
và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
8-Sản hậu xuất huyết: Rễ rau cần 60 g, trứng gà 2 quả, tất cả đem luộc chín, ăn
trứng và uống nước luộc. (Theo Lương y Huyên
Thảo, ykhoa.net).
9-Kinh nguyệt có sớm:
-Rau cần tươi 100g
(rau khô thì khoảng 30g) đem nấu nước uống. Ngày một liều, liên tục trong 1- 2
tháng. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
-Rau cần khô 500 g, sắc nước uống thay trà trong ngày, uống
thường xuyên sẽ có kiến hiệu. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
10. Khó đi tiểu: Dùng
rau cần tươi từ 50 - 100g đem luộc lấy nước uống. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
11-Tiểu ra máu:
Rau cần tươi giã nát, vắt lấy nước cốt, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 chén con.
(Theo Lương y Huyên Thảo
-ykhoa.net).
12-Tiểu tiện nhỏ giọt, đau
nhức: Rau cần tươi bỏ lá, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa với
nước đun sôi để nguội uống. Hoặc: Rau cần tươi 50-100 g, sắc lấy nước uống
nhiều lần trong ngày. (Theo Lương y Huyên Thảo
-ykhoa.net).
13-Tiểu đường:
Rau cần tươi 60 g, gạo tẻ 70-100 g. Rau cần rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi
cùng với gạo, đổ khoảng 600 ml nước, nấu thành cháo, ăn ngày 2 lần vào buổi
sáng và tối khi cháo còn nóng. Cháo có công dụng bổ thận, thanh nhiệt, lợi
tiểu, bình can, nhưng tác dụng chậm, phải dùng lâu mới hiệu nghiệm. (Theo Lương
y Huyên Thảo -ykhoa.net).
14-Máu nhiễm mỡ:Lấy 10 cây rau cần giã nát
với 10 trái táo tàu, vắt lấy nước, đun sôi chia uống 2 lần trong ngày, uống
khoảng 15 - 20 ngày cho một đợt điều trị. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như
Tá-SK&ĐS).
15-Cao huyết áp, thần kinh
căng thẳng, đầu trướng đau, mặt đỏ bừng: Rau cần tươi 250 g rửa
sạch, chần nước sôi, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước uống (mỗi lần 1 chén con,
ngày 2 lần). Thuốc có tác dụng hạ huyết áp và giải trừ trạng thái căng
thẳng, khó chịu.
Nếu không có rau cần tươi, có thể dùng 30-60 g rau cần khô
(thêm 12 g mướp đắng càng tốt) sắc uống. Cách chế rau cần khô: Rau cần tươi
chần qua nước sôi, phơi trong bóng mát cho khô, cất đi dùng dần. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
16-Trị chứng mất ngủ: Lấy gốc rau cần cả rễ 90 g, toan táo nhân 9 g (sao cháy
đen), sắc nước uống. Còn nếu bị nhức đầu, hãy lấy gốc rau cần cả rễ 1 nắm
to, rửa sạch, giã nát, xào với trứng gà, ăn ngày 2 lần. (Theo Lương y Hoài Vũ
và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
17-Viêm gan mãn tính: Lấy 200g rau cần giã nát, vắt lấy nước cốt, pha thêm với
50g mật ong, ngày uống 2 lần liên tục trong một thời gian dài. (Theo Lương y Hoài
Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
18-Viêm khớp tay và chân:
Rau cần tươi giã nát, vắt lấy nước, thêm đường trắng vào đun
sôi, uống thay trà trong ngày. (Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
19-Bệnh thần kinh do
phong thấp: Dùng rau cần tươi ép lấy nước
cho thêm một ít đường trắng vừa đủ, rồi đun sôi lấy nước uống trong ngày. (Theo
Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
20-Quai bị:
Rau cần tươi giã nát, trộn với dầu vừng hoặc dầu lạc, đắp vào chỗ bị bệnh.
(Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
21-Bị mưng nhọt do nhiệt độc: Rau cần tươi 50 - 100g, bồ công
anh, bại tương thảo lượng vừa đủ cùng giã nát đắp vào chỗ đau. (Theo Lương y Hoài
Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
22-Trẻ con nôn ói và tả: Rau cần đem nấu nước, cho thêm đường
uống. (Theo Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
23-Ăn vào nôn ngược trở ra: Rễ rau cần tươi 30 g, cam thảo 15 g, thêm nước vào đun sôi
trong 10 phút, chắt lấy nước, đập vào 1 quả trứng gà, ăn trứng, uống nước.
(Theo Lương y Huyên Thảo, ykhoa.net).
Lưu ý!
Người có bệnh vảy nến thì không nên dùng rau cần; còn người
có tỳ vị hư nên ăn ít rau cần. (Theo
Lương y Hoài Vũ và Lương y Như Tá-SK&ĐS).
Kỹ thuật trồng rau cần nước
Rau cần nước thuộc cây thân thảo, có thân xốp mềm chia nhiều
đốt, cứ ở mỗi đốt cho một lá có bẹ ôm lấy thân chính, rễ mọc thành chùm. Cây
cần nước thích sống nơi đất thịt nhiều dinh dưỡng và luôn ẩm ướt (như đất bùn),
có thể sống nơi nhiều ánh nắng, nhưng tốt nhất nên trồng nơi có chế độ ánh sáng
60%-70 %.
Do rau cần nước dể trồng, chất lượng rau tốt và được tiêu
dùng rộng rải ở nông thôn và thành thị nên rau cần nước được trồng như một loại
rau có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Rau cần nước có thể trồng trong chậu
để dùng trong gia đình hoặc trồng ngoài đất với diện tích lớn để kinh doanh.
a-Trồng rau cần nước trong chậu
1-Nhân
giống và chọn đất trồng rau cần nước
Cây rau cần nước được trồng bằng cách chiết gốc (tách) còn
cả rễ rồi dùng ngón tay cấy gốc vào chậu đất, lưu ý chọn chậu trồng có kích
thước miệng chậu khá lớn khoảng 30 - 35 cm do rau cần nước mau đẻ nhánh.
Đất trồng cây cần nước tại nhà chọn loại đất giữ ẩm tốt như
đất dinh dưỡng phân trùn quế, hay trộn giá thể hổn hợp tro trấu xơ dừa phân
trùn quế theo tỷ lệ 1:1:2.
Chỉ cần lớp đất trồng trong chậu dầy từ 12-15 cm là đủ cho
bộ rễ rau cần nước phát triển.
2- Chăm sóc tưới nước và bón phân
Cây rau cần nước yêu cầu nước tưới rất nhiều, khi mới bắt
đầu cấy gốc cây cần nước vào chậu nên tưới đẫm ngày 2 lần đảm bảo mặt chậu luôn
dư nước với tia nước nhẹ tránh làm dập thân rau, sau đó đặt chậu rau vừa trồng
trên trong bóng râm hay có lưới che để gốc rau mau ra rễ mới.
Sau 2 tuần cây cần nước bén rễ bắt đầu cho lá non thì đưa ra
nơi có thêm ánh nắng.
Khi thấy cây cần nước cho nhiều thân chồi mới ( khoảng sau 1
tháng kể từ khi trồng) thì bón thêm phân NPK 16.16.8 hay DAP cho rau thêm xanh
lá và cứng cáp thân nhánh.
Sau mỗi đợt cắt thu hoạch ( sau 2 tháng kể từ khi trồng) thì
bổ sung thêm đất dinh dưỡng hay phân trùn quế vào mặt chậu dầy 2-3 cm.
Cây cần nước dễ trồng lại ít công chăm sóc do ít bị sâu
bệnh, nếu cây cần nước được cung cấp đủ nước và phân trùn quế thì cây rất mau
lớn.
Chỉ cần trồng một đến hai chậu rau cần nước tại nhà theo như
hướng dẫn cách trồng rau cần nước như trên cũng đủ lượng rau cần nước cho cả
gia đình.
Nguồn: Ngọc Hân (Tổng hợp)
b-Trồng rau cần nước
trên diện tích lớn
Rau cần nước có
ưu thế sinh sản vô tính nên dùng chồi con để trồng là chủ yếu. Loài rau này có
thể được trồng bằng hạt nhưng phải qua vườn ươn rồi bứng ra trồng.
Làm
đất:
hết mùa mưa, tát ao hoặc cho rút nước ở các cống rãnh; ruộng thì cày bừa cho
nhuyễn. Nếu bùn hẩu thì không cần bón phân lót. Nếu ruộng chưa hẩu phải bón 20
- 30 tấn phân chuồng/ha.
Thời vụ: Cấy từ tháng 9
- tháng 1 năm sau, tốt nhất là tháng 11 - 12, khoảng cách cấy 10 x 10 cm.
Chăm
sóc
Sau khi cấy, cây bén rễ thì rắc tro bếp
phủ kín mặt ruộng vừa để chống rét vừa để cung cấp chất khoáng cho cần. Khi cây
cao 15 - 20 cm thúc phân nước 5 - 7 tấn cộng với 100kg đạm và 100kg
kali/ha và đưa nước vào ruộng sâu 5 - 7 cm. Khi cây cao 30 - 35 cm
bón thúc lần nữa, lượng phân như lần 1 và đưa nước sâu 15 - 20 cm.
Khi cây cao 50 - 60 cm bón lần ba;
lượng phân cũng như các lần trên, và đưa nước vào ruộng ngập cách ngọn cây 15 -
20 cm. Trồng được 2 tháng thi cho thu hoạch.
-Biện pháp kỹ thuật
làm tăng mật độ: Nếu để mật độ cây cao, cây
sẽ có thân nhỏ trắng, lâu già ăn giòn ngon, giá trị thương phẩm cao. Khi cây
mọc cao khoảng 15 - 20 cm, dùng tay ấn vùi thân cây vào trong bùn chỉ để hở
ngọn khoảng 3 - 4 cm. Làm như vậy để tăng số đốt thân nằm sâu trong bùn, tăng
số rễ, tăng số đốt lẻ.
-Tưới nước: Khi cây cao 15 - 20 cm cho nước ngập sâu 5 - 7 cm. Cây cao
25 - 30 cm, đưa nước ngập 15 - 20 cm. Cây cao 50 - 60 cm đưa nước ngập cách
ngọn cây 15 - 20 cm.
- Phòng trừ sâu bệnh hại
+ Sâu hại: Rau cần
thường bị các loại sâu xanh, sâu đo, bọ nhảy hại lá... gây hại. Phòng trừ bằng
các loại thuốc thảo mộc như: Neembon, hạt củ đậu, Rotenon ... và các loại thuốc
vi sinh như: BT, DelFil, Dipel...
+ Bệnh hại: Chủ yếu
là bệnh sương mai làm thối đen lá, trong điều kiện nhiệt độ mát ( 15 - 220C),
độ ẩm không khí cao 90 - 100% (trời âm u, mưa phùn). Phòng và trị bệnh bằng
thuốc Alpine 80 WP, Ridomin MZ72 WP, Zineb 80Wp... Chú ý: Nồng độ, liều lượng,
thời gian cách li theo đúng hướng dẫn in trên bao bì thuốc.
-Thu hoạch: Sau trồng 1,5 - 2 tháng là được thu hoạch. Khi thu hoạch dùng
liềm sắc cắt cách gốc 2 - 3cm, rửa sạch, bó thành từng bó đem tiêu thụ. Tiếp
tục bón thúc phân đạm + lân + kali và tro bếp sau khoảng 40 - 50 ngày nữa cho
thu lứa tiếp theo.
Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu
tham khảo
Xem Video: Thịt bò xào rau cần nước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét