Nấm tràm


NẤM TRÀM

Nấm tràm mọc hoang

 
Nấm tràm xào tôm
-Tên gọi khác: Nấm rừng tràm.
-Tên tiếng Anh: Bitter bolete
-Tên khoa học: Tylopilus felleus (Bull.) P.Karst. (1881)
-Tên đồng nghĩa: Boletus felleus Bull., B. alutarius Fr.

Phân loại khoa học


Giới (Kingdom):
Nấm (Fungi)
Ngành (Division):
Nấm đảm (Basidiomycota)
Lớp (Class):
Nấm hương (Agaricomycetes)
Bộ (Order):
Họ (Family):
Chi (Genus):
Loài (Species):
Tylopilus felleus
Loài nấm tràm (Tylopilus felleus) trải qua lịch sử tên gọi như sau:
-Boletus felleus Bull. (1788).
-Boletus alutarius  (Năm 1815).
-Boletus felleus var. roseus Persoon (1825).
-Boletus fuscescens P. Karst. (1859).
-Tylopilus felleus (Bull.) P.Karst. (1881)
-Tylopilus felleus var. alutarius (Fr.) P. Karst. (1882).
-Tylopilus alutarius (Fr.) Rea (1922).

Phân bố

Chi Tylopilus là một Chi nấm lớn trong Họ Boletaceae với khoảng 75 loài tách ra từ Chi Boletus (khoảng 100 loài). Chúng phân bố khắp các vùng nhiệt đới và ôn đới trên thế giới.
Trong tự nhiên tìm thấy loài này phân bố trên vùng Bắc Bán cầu thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ. Mặc dù có trồng ở Nam bán cầu nhưng chúng tỏ ra không thích nghi và hạn chế phát triển.
Ở Việt Nam loài nấm tràm mọc hoang trên cây gỗ mục ở các rừng tràm thuộc Đồng Tháp Mười, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và là món ăn đặc sản của đảo Phú Quốc.

Mô tả

Nấm tràm chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.
Sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, thăm những khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển, độ một tuần sau là có thể đến nơi có nấm để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, cặm cụi hái cả ngày đến khi đầy giỏ mới ra về.
Về hình dạng, nấm tràm có đặc điểm như sau:
-Mũ nấm: Rộng 5-15 cm, nắp có màu xám vàng đến nâu nhạt. Lúc còn non có dạng  sương mai nhưng khi trưởng thành trở nên mịn. Phía dưới mũ mang các lổ bào tử màu hồng.
-Cuống nấm: Dài 4-20 cm, dày 1-3 cm, thường cong. Được bao phủ bởi một lớp màu nâu thô.
-Thịt nấm: Khi còn non thịt nấm màu trắng hoặc màu kem, phía dưới mũ có màu hồng do các bào tử phát triển. Khi nấm già có màu đỏ, nâu xậm.

Thành phần hóa học

Nấm tràm ăn được nhưng có vị đắng rất khó ăn. Chỉ có những người sành điệu biệt thu hoạch và chế biến thì nấm tràm mới trở thành món ăn hấp dẫn.

Công dụng

a-Nấm tràm dùng làm rau

+Nấm tràm chế biến các món xào
Nấm tràm sau khi hái về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch, luộc chín rồi ngâm nước lạnh hoặc trước khi chế biến thì phi tỏi với dầu ăn cho thơm, cho nấm vào xào qua, nêm muối là có thể cất vào tủ lạnh dùng dần.
Khi trời nắng đem nấm đi phơi khô để được lâu hơn. Nấm tràm đắng. Thường thì nấm khô ăn không thơm và không ngon bằng nấm tươi. Muốn nấm bớt đắng thì nên rửa cho thật kỹ. Nấm khô phải ngâm, rửa nhiều lần cho sạch cát, sau đó luộc vài nước rồi mới chế biến. Nấm tươi cũng nên luộc nhiều lần.Khi mang ra nấu sẽ không đắng nhiều nữa về sau lại rất ngọt và mát. Chính cái vị đắng đặc trưng tạo nên món ngon khó quên của món nấm tràm đặc biệt nơi đây. Các nhà hàng ở Phú Quốc thường trữ nấm trong tủ đông quanh năm để bán cho khách phương xa ra thăm đảo như một món ăn độc đáo của người dân bản địa. Các chợ ở huyện đảo nơi nào cũng bán cả thúng lớn nấm cho khách mua.
+Nấm tràm nấu canh, nấu lẫu
Món nấm tràm tươi hoặc khô dùng để nấu canh hay nấu lẫu là món ăn đặc sản của miền Tây Nam Bộ và vùng U minh, Phú Quốc.
Món nấu truyền thống là nấm tràm nấu súp thịt gà và nấm tràm nấu với hải sản.
-Nấm tràm nấu súp gà: Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái đã chuẩn bị sẵn vào. Nồi nước luộc gà trở thành món xúp nấm. Những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẩn cứ lan dần. Húp miếng nước xúp ngọt lừ mùi vị của nấm và thịt gà, lúc này vị của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh. Chính cái vị đắng này mà nhiều người đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà nhâm nhi như để tận hưởng thêm hương vị có một không hai của nấm tràm.
-Nấm tràm nấu canh, lẫu hải sản: Ở Phú Quốc, nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới tuyệt chiêu. Khi chuẩn bị ăn, đập vào nồi nước sôi mấy quả trứng vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm.

b-Nấm tràm dùng làm thuốc

Các tài liệu trong nước không thấy đề cập đến vị thuốc từ nấm tràm. Chỉ biết món ăn có nấm tràm sẽ làm ngon miệng và mát cơ thể.
Tuy nhiên theo Công ty First-nature.com ở Wales, Anh Quốc cho biết nấm tràm có các tính chất dược liệu như sau:
1-Tác dụng kháng viêm
Nấm tràm (T. felleus) đông khô thử nghiệm ở chuột cho thấy ức chế đáng kể tình trạng viêm nhiểm ở liều tiêm dịch chiết trên 50 mg/kg (dưới da), trong khi dùng đường uống không có kết quả đáng kể ( Kohlmunzer et al , 1977 ).
2-Tác dụng chống khối u và tế bào ung thư
Dung dịch polysaccharide chiết xuất từ sợi nấm tràm (T. felleus) và cấy trong phúc mạc của chuột bạch ở một liều 300 mg/kg ức chế sự tăng trưởng của dòng tế bào khối u Sarcoma 180  mô thể rắn ung thư Ehrlich khỏi 100% (Ohtsuka et al , 1973).
Một nghiên cứu khác ở chuột đánh giá hoạt động kháng u tylopilan, một liên kết β-(1→3) (1→6) glucan được phân lập từ nấm tràm (T. felleus), tiêm vào cơ thể chuột đã gây nhiểm ung thư với liều liều tiêm duy nhất (25 hoặc 50 mg tylopilan/ mỗi con chuột) làm kéo dài thời gian tồn tại trung bình của những con chuột được tiêm các tế bào khối u từ 17,5 đến 22,8 ngày so với những con chuột mang tế bào ung thư nhưng không được sử lý dịch nâm (Grzbek et al , 1994).
Nguồn: First Nature.com-Wales, UK: http://www.first-nature.com/news.php
Tài liệu tham khảo
7-http://www.plantguide.org/boletus-felleus.html
                                                                                                 Kỹ sư Hồ Đình Hải
Xem video: Món cháo nấm tràm



2 nhận xét:

  1. Em tên là Phạm Nguyễn Minh Quang. Hiện nay, em đang làm đề tài sinh viên NCKH về thành phần hóa học của nấm tràm nhưng đang gặp một số khó khăn. Thầy có thể chia sẻ tài liệu khác về nấm tràm được không? Rất mong nhận được sự giúp đỡ của thầy...


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em có thể tham khảo thêm trong các trang Web sau:
      1-http://www.first-nature.com/news.php
      2-http://thegioinam.vn/?cat=26
      3-http://www.first-nature.com/fungi/tylopilus-felleus.php
      4-http://vietbao.vn/Doi-song-Gia-dinh/Nam-tram-Phu-Quoc/45174783/239/
      5-http://phuquocnews.vn/nam-tram-dac-san-phu-quoc
      6-http://en.wikipedia.org/wiki/Tylopilus_felleus
      7-http://www.plantguide.org/boletus-felleus.html
      Kỹ sư Hồ Đình Hải

      Xóa