Dưa gang tây


DƯA GANG TÂY


-Tên gọi khác: Dưa tây,
-Tên tiếng Anh: Giant Granadilla, Giant Tumbo , Giant Passion fruit.
-Tên khoa học: Passiflora quadrangularis L.
-Tên đồng nghĩa: Passiflora macrocarpa M.T. Mast.
-Các loài tương cận:
-Lạc tiên hoa tía (Passiflora incarnata)
-Lạc tiên hoa vàng (Passiflora lutea)
-Chanh dây (Passiflora edulis).

Dây dưa gang tây

Hoa dưa gang tây

Quả dưa gang tây

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):
Sơ ri (Malpighiales)
Họ (familia):
Lạc tiên (Passifloraceae)
Chi (genus):
Chanh dây (Passiflora)
Loài (species):
Passiflora quadrangularis
           
Trong hệ thống Cronquist cũ thì người ta đặt Họ Lạc tiên (Passifloraceae) vào trong bộ Violales, nhưng trong các hệ thống phân loại gần đây chẳng hạn hệ thống của Angiosperm Phylogeny Group (APG) thì nó được đưa vào trong bộ Malpighiales.
Theo hệ thống APG III năm 2009, Chi Chanh dây (Passiflora) thuộc Họ Lạc tiên (Passifloraceae), Bộ Sa ri (Malpighiales).
Chi Chanh dây (Passiflora) có khoảng 525 loài (xem danh sách Các Species). Trong đó có các loài quan trọng là:
Chanh dây (Passiflora edulis)
Lạc tiên hoa tía (Passiflora incarnata)
Lạc tiên hoa vàng (Passiflora lutea)
Dưa gang tây (Passiflora quadrangularis).
Loài Dưa gang tây (Passiflora quadrangularis) là loài có quả lớn nhất trong Chi chanh dây (Passiflora) và có phần vỏ quả dầy như ở Họ bầu bí nên được gọi là “Dưa gang tây”.
Lưu ý!
Theo Giáo sư Tôn Thất Trình, trong tiếng Việt “Dưa gang tây” còn chỉ một loài dưa gang nhập nội thuộc Họ bầu bí (Cucurbitaceae) có tên khoa học là Cucumis sativus. Xem thêm thông tin tại http://practicalplants.org/wiki/Cucumis_sativus.

Cần phân biệt Loài dưa gang nhập nội (Cucumis sativus)

Phân bố

Chi Chanh dây (Passiflora) phân bố rộng ở vùng nhiệt đới thuộc Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Úc, nguồn gốc phát xuất của Chi này chưa được xác định.
Loài Dưa gang tây (Passiflora quadrangularis) thuộc Chi Chanh dây (Passiflora) không có liên quan với Họ Bầu bí (Cucurbitaceae)  được xác định có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở Châu Mỹ (không rõ nơi xuất xứ).
Dưa gang tây được trồng nhiều ở các nước Mexico, Brazil, Peru, một số hòn đảo ở Caribbe và Bermuda. Trong thế kỷ 18 được giới thiệu vào Malaya và Indonesia. Năm 1888 được du nhập vào Hawaii, năm 1909 được trồng ở Florida và California (Mỹ).
Hiện nay loài dây leo này được trồng phổ biến ở Ấn Độ, Tích Lan, Việt Nam,  Philippines, Châu Phi nhiệt đới, và Queensland, Australia. 
Loài Dưa gang tây (Passiflora quadrangularis) có thể được nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20 cùng thời kỳ với Loài Chanh dây (Passiflora edulis), là loài dây leo được được nhập trồng ở các vườn gia đình ở các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam. Dưa gang tây được trồng thành giàn cho leo làm cây cảnh, lấy bóng râm che nắng, vừa cho quả ăn sống hay làm rau. Thường trồng dễ dàng bằng cành giâm.
Hiện nay, dưa gang tây được trồng làm cây cảnh dây leo và lấy quả làm rau ăn trong khắp cả nước.

Mô tả

Dưa gang tây là loài dây leo sống đa niên, thân dài đến 10-15 m, thậm chí có thể đến 45 m.
-Thân : Thân có tiết diện hình 4 cạnh và có các tua nách dài đến 30 cm.
-Lá: Lá mọc so le, dài 10-12 cm, rộng 8-15 cm, mặt lá nhẵn, hình tim hoặc hình trứng nhọn, phiến lá đôi khi có dợn sóng, cuống mang 4-6 tuyến.
-Hoa: Hoa lớn mọc đơn độc, rộng 10-12 cm, mọc ở nách lá , màu sắc đẹp, kèm theo 3 lá bắc nguyên làm thành bao chung dưới cụm hoa; vòng tràng phụ hình trụ, có 5 cánh màu trắng hay phớt hồng, có nhiều sợi hẹp màu xanh lam hay trắng, xếp nhiều dãy. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng, khó đậu quả trong môi trường khô hanh.
-Quả: Có dạng quả mọng, nom như quả dưa, dài 20-25cm, màu lục nhạt, có thịt chứa nhiều hạt. Tiết diện dọc của quả có dạng gần như hình chữ nhật. Quả có thịt bở, màu trắng hoặc màu hồng, có mùi thơm nhẹ.
-Hạt: Hạt màu nâu tím, dài 1-1,5 cm.

Hoa dưa gang tây


Quả dưa gang tây chín

Hạt dưa gang tây

Thành phần hóa học

Theo kết quả phân tích được thực hiện ở El Salvador, thành phần hóa học trong 100 gam phần ăn được của quả như sau:

Thành phần
Phần thịt vỏ quả
Phần hạt và bao hạt
Độ ẩm
94,4 g
78,4 g
Protein
0,112 g
0,299 g
Fat
0,15 g
1,29 g
Xơ thô
0,7 g
3,6 g
Tro
0,41 g
0,80 g
Calcium
13,8 mg
9,2 g
Photpho
17,1 mg
39,3 mg
Sắt
0,80 mg
2,93 mg
Carotene
0,004 mg
0,019 mg
Thiamine
-
0.003 mg
Riboflavin
0,033 mg
0,120 mg
Niacin
0,378 mg
15,3 mg
Ascorbic Acid
14,3 mg
-

Trong lá, vỏ quả và hạt non của Dưa gang tây có chứa chất glycoside cyanogenic gây độc cho cơ thể và chất passiflorine gây mệt mỏi và buồn ngủ. Do đó chỉ nên dùng khi quả đã già.

Công dụng

a-Quả dưa gang tây được dùng làm rau
Phần sử dụng để làm rau là quả bì được gọt vỏ và bỏ hạt dùng như quả đu đủ xanh hay quả su su.
-Ở Việt Nam quả dưa gang tây già được gọt vỏ, bỏ ruột và xắt mỏng hay xắt miếng để luộc, xào, nấu canh như quả su su.
-Ở Nam Mỹ và các nước khác phần thịt quả bì già được nấu trong các món súp hoặc có thể được cắt ra, tẩm bột và nấu chín trong bơ sữa với hạt tiêu hay hạt nhục đậu khấu. 
b-Quả dưa gang tây chín được dùng làm thực phẩm
Trong tự nhiên ở các nước có dây dưa gang tây mọc hoang rất hiếm còn quả chín vì chúng thường bị sóc và dơi rất thích ăn.
Ở các trang trại trồng dưa gang tây quả chín được bảo quản để chế ra nhiều món ăn bổ dưỡng.
Ở nhiều nước dùng thịt quả chín muồi, gọt bỏ vỏ, bỏ hạt và cắt nhỏ trộn cùng chuối, đu đủ chín, dứa, nước cốt chanh để làm món tráng miệng.
Phần thịt quả chín cũng được đóng hộp với ri rô, làm mứt.
Indonesia phần thịt quả và bao hạt được pha đường trong món đá lạnh. Nước ép của quả dưa gang tây được phục vụ trong các nhà hàng. Thịt quả chín được lên men ủ rượu để pha vào làm hương liệu cho rượu vang.
Ở Úc phần thịt quả chín được làm kem. Họ cũng dùng thịt hầm với hạt, làm bánh với hạt có cả bao hạt và ăn luôn cả hạt. Nước ép của thịt quả, bao hạt được pha với đường làm thức uống lạnh.
c-Dùng thân và rể cây dưa gang tây làm lương thực
Jamaica người bản địa dùng cả gốc và rể dưa gang tây để nướng và ăn thay thế cho khoai lang, do trong gốc và rể cây già có rất nhiều tinh bột.
d-Các bộ phận cây dưa gang tây dùng làm thuốc
Bộ phận dùng: Quả, hạt, rễ - Fructus, Semen et Radix Passiflorae.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thịt quả nhầy như keo, bở như dưa bở, màu trắng hơi chua và dịu, vị nhạt, mùi dễ chịu, bao bọc các hạt và nằm ở phía giữa của quả. Thịt quả có thêm đường dùng ăn rất ngon được nhiều người ưa thích. Thịt quả chưa chín dùng nấu canh như Đu đủ (do đó người ta còn gọi là Đu đủ leo). Hạt được dùng làm thuốc trị sán. Rễ tươi là loại thuốc gây ngủ mạnh và được xem như là độc. Lá cũng độc vì chứa acid cyanhydric.
                                                                             Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
4-http://danhydatviet.vn/vi/news/Duoc-lieu/Dua-gang-tay-6223/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét