Cây keo dậu

CÂY KEO DẬU (BÌNH LINH)


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 2/10/2013

Mô hình cây keo dậu

1-Tên gọi và danh pháp khoa học

-Tên thường gọi: Keo dậu (Miển Bắc), Táo nhơn (Miền Trung), Bình linh (Miền Nam)
-Tên gọi khác: Keo giậu, keo giun, bọ chét, bọ chít…
-Tên tiếng Anh: White Leadtree, White Popinac, Jumbay.
-Tên khoa học: Leucaena leucocephala ( Lâm. ) de Wit 
-Tên đồng nghĩa:
Leucaena glauca (L.) Benth.
Mimosa glauca L.
Acacia glauca Willd.

2-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Đậu (Fabales)
Họ (familia)
Đậu (Fabaceae)
Phân họ (subfamilia)
Trinh nữ (Mimosoideae)
Tông (tribus)
Trinh nữ (Mimoseae)
Chi (genus)
Keo dậu (Leucaena)
Loài (species)
Phân loài (Subspecies)
L. l. subsp. leucocephala

3- Nguồn gốc và phân bố

Chi Keo dậu (Leucaena) thuộc phân họ Trinh nữ (Mimosoideae) trong Họ Đậu (Fabaceae). Chi này có nguồn gốc từ ở nam Bắc Mỹ và Trung Mỹ, phân bố từ Texas (Hoa Kỳ) tới Peru với 24 loài cây thân gỗ và cây bụi.
Sau khi người Châu Âu phát hiện ra Châu Mỹ, các loài cây trong Chi Keo dậu được giới thiệu rộng rải sang các Châu lục khác và hiện nay chúng được xếp vào nhóm 100 loài thực vật xâm lấn mạnh mẻ nhất.
Cây keo dậu (Leucaena leucocephala) có nguồn gốc từ miền nam Mexico và miền bắc Trung Mỹ (Belize  Guatemala), và hiện nay nó phân bố khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới.
Trong tiếng Anh loài cây này được gọi phổ biến là White Leadtree, White Popinac, Jumbay. Nguồn gốc tên gọi của loài cây này từ tiếng Hy Lạp “λευκό”, có nghĩa là "trắng", và “κέφαλος”, có nghĩa là "đầu", đề cập đến hoa của nó (đầu trắng).
Với nhiều mục đích sử dụng, cây keo dậu được các đế quốc Châu Âu ngày xưa giới thiệu sang các thuộc địa của họ ở Châu Phi, châu Á và Châu Úc và hiện nay keo dậu được xếp vào loài cây xâm lấn toàn cầu.
Ở Đông Nam Á, cây keo dậu do người Tây Ban Nha du nhập vào Philippine từ giữa thế kỷ thứ 19, đến cuối thế kỷ 19 nó lan rộng khắp Đông Nam Á và Austrlia.
Trong tiếng Việt, cây được đặt tên là Keo dậu vì nó được trồng làm hàng rào (dậu) được dùng phổ biến ở Miền Bắc, cây Táo nhơn (Miền Trung), cây Bình linh (Miền Nam). Một số địa phương còn có tên gọi khác như: Keo giậu, keo giun, bọ chét, bọ chít…
Cây Keo giậu (Leucaena esculenta) phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam, nhưng nhiều ở nam Trung Bộ, như ở Khánh Hòa. Keo giậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo giậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.

4-Mô tả

Cây keo dậu Leucaena leucocephala là một loài cây gỗ nhỏ, loài cây này tại Việt Nam thường được trồng làm hàng rào nên người ta thường gọi là keo dậu.

Cây keo dậu
-Thân: Cây gỗ nhỏ, cao tới 5m, không có gai, vỏ thân màu xám nhạt, tán lá hẹp.
-: Lá kép lông chim hai lần; cuống chung dài 12-20mm; lá lông chim 4-8 đôi; lá chét 12-18 đôi gần như không cuống và hình lưỡi liềm, dài 10-15mm, rộng 3-4mm. nhẵn, trên cuống lá cấp 1 có các tuyến hình chậu (một đặc điểm điển hình thuộc phân họ trinh nữ). Lá non mềm, giàu đạm nên dùng làm rau cho người và thức ăn gia súc.
-Hoa: Cụm hoa hình đầu ở nách lá, gồm nhiều hoa màu trắng. Mùa hoa tháng 4-6; quả tháng 7-9.

Hoa cây keo dậu
-Quả:Quả tạo thành chùm. Quả đậu dẹt màu xanh lục khi còn non, màu nâu nhạt khi đã già, dài 13-14cm, rộng 15mm, đầu quả có mỏ nhọn. Quả còn non ăn được như các loại đậu ăn quả

Quả non cây keo dậu

Quả già cây keo dậu
-Hạt: Mỗi quả có 15-20 hạt, hạt dẹt, lúc non màu lục; khi già màu nâu nhạt, cứng, nhẵn. Hạt khi còn xanh có thể ăn được và hạt chín thường dùng làm thuốc trục giun, bột dinh dưỡng cho người và gia súc.

Hạt cây keo dậu
Từ giữa thế kỷ 20 trở về trước cây keo dậu được xem là loài cây thần kỳ dược khuyến cáo trồng làm rau cho người và thức ăn ga súc, nhưng từ cuối thế kỷ 20 khi phát hiện ra độc tố Mimosine trong các loài cây trong Chi Trinh nữ (Mimoseae) nên giá trị của loài cây này không còn được sủng ái và được xết vào danh sách 100 loài thực vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới. (Theo Nhóm chuyên gia của Ủy ban Sự bảo tồn Loài của IUCN). 

5-Thành phần hóa học

Trong lá cây Keo dậu Leucaena leucocephala có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein. Lá chứa tanin, quercitrin và là nguyên liệu cho protein và caroten. Lượng protein trong lá keo dậu biến động từ 270 - 280 g/kg, tỷ lệ xơ thấp (155 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg).  
Tuy nhiên, keo dậu có hạn chế là chứa một lượng nhỏ độc tố mimosine (thường tập trung trong các phần non của cây như lá, chồi non). Vì vậy khi sử dụng keo dậu làm thực phẩm cho người và gia súc cần có biện pháp làm giảm hàm lượng mimosine (như xử lý nhiệt trên 700C; nhúng trong nước qua đêm; ủ chua…) và khống chế lượng keo dậu chỉ chiếm < 5% khẩu phần đối với con người.
Bột keo dậu là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Trong hạt chứa dầu béo, trong đó có các acid béo (palmitic, stearic, behenic, lignoceric, oleic và linoleic); hạt còn chứa chất nhầy gồm mannan, galactan và xylan.
Lưu ý độc tố Mimosine!
Độc tố Mimosine hay leucenol vừa là một axit amin vừa là một alkaloid thực vật xuất hiện phổ biến trong các loài cây thuộc Chi Keo dậu (Leucaena). Mimosine có công thức phân tử là C8H10N2O4 và công thức khai triển là:

Mimosine
Tên hóa học theo danh pháp quốc tế IUPAC (2S)-2-Amino-3-(3-hydroxy-4-oxopyridin-1-yl) propanoic acid. Có khối lượng phân tử là 198.18 g mol−1. Chất này hòa tan mạnh trong nước nên trước khi ăn nên ngâm nước khoảng 24 giờ, tránh ăn tươi hoặc xào hay nấu canh mà chỉ nên luộc và bỏ nước. Bản thân chất Mimosine độc không đáng kể nhưng metyl este của nó tạo thành một dihydrochloride, có công thức C 7 H 9 O 2 N 2 (COOMe) • 2 HCl • ½ H2O là chất gây độc có thể làm rụng tóc, rụng lông vả sẩy thai, vô sinh.
Hiện tượng nhiểm độc do ăn phải hàm lượng cao chất Mimosine đã được phát hiện trên người và gia súc ở Úc, Papua New Guinea , châu Phi  Hoa Kỳ.
Cơ chế gây độc của Mimosine được xác định do dẫn xuất dihydrochloride của nó làm ức chế quá trình sao chép DNA trong giai đoạn cuối của quá trình sinh sản tế bào mới.
Ở Miến Điện đã ghi nhận dê ăn 50% khẩu phần từ lá các cây thuộc Keo dậu (Leucaena) đã bị trụi lông!
Tốt nhất đối với con người không nên ăn lá, đọt non và hạt của loài cây này!

6-Công dụng

6-1-Lá, đọt non và quả non cây keo dậu được dùng làm rau
+Ở Việt Nam
-Lá, đọt non của cây keo dậu mềm, được dùng làm rau ăn. Có thể dùng làm rau sống, luộc, xào, nấu canh rau hay canh chua. Vị của nó giống như rau nhút nên được người dân Nam Bộ dùng để nấu canh chua thay cho rau nhút.
-Quả non của cây keo dậu giống như quả đậu ván, dùng để luộc, xào, nấu canh như đậu que, đậu bún…
+Ở Nước ngoài
-Ở Indonesia các quả non của cây keo dậu được ăn kèm với rau xà lách Java với nước sốt đậu phộng cay  cá cay bọc trong đu đủ hoặc lá khoai môn.
-Nhiều nơi ở Châu Phi và Nam Mỹ đã dùng lá no và quả non của cây keo dậu để làm rau.
Tuy nhiên các bộ phận của câu keo dậu đều có chứa độc tố mimosine ở hàm lượng thấp, tốt nhất không nên dùng các bộ phận của cây keo dậu làm thức ăn.
6-2-Lá, đọt non và quả non cây keo dậu được dùng làm thức ăn gia súc
Keo dậu là cây tiên phong trên vùng đất khô hạn, nó có thể phát triển trên đất khô cằn và đồi trọc nên được khuyến cáo trồng làm thức ăn gia súc và gia cầm.
Bột keo dậu khô là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá keo dậu khá cao (270 - 280 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg).
Tuy nhiên trong lá và quả cây keo dậu có chứa độc tố mimosin nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần cho gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm.
6-3-Cây keo dậu dùng để phủ đồi trọc, tạo sinh khối và cải tạo đất
Keo dậu là cây tiên phong trên vùng đất khô hạn, nó có thể phát triển trên đất khô cằn và đồi trọc nên được khuyến cáo trồng để cải thiện môi trường vùng cao bị sa mạc hóa.
Indonesia là nước tiên phong trong lĩnh vực này. Các kết quả nghiên cứu ở Indonesia cho biết:
-Hiện nay nó được coi như là một nguồn cung cấp than củi và năng lượng (tương đương 1 triệu thùng dầu hàng năm từ diện tích 120 km²). Nó được coi là một cỗ máy sản xuất sinh khối, do sản lượng lá của nó tương đương với khối lượng khô khoảng 2-20 tấn/ha trong một năm và củi khoảng 30 - 40 m³/ha trong một năm, với sản lượng có thể gấp đôi trong những khu vực có khí hậu thích hợp.
-Keo dậu là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm, với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm.
-Sau khi trồng keo dậu đất được phục hồi, trồng cây đại mộc tái tạo rừng rất hiệu quả.
Ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn QuangViện Chăn nuôi Quốc Gia, khuyến cáo trồng cây keo dậu để phủ kín đồi trọc ở các tỉnh Miền Trung, lá và quả cây keo dậu vừa bổ sung nguồn thức ăn cho gia súc (bò, dê, cừu) vừa cải thiện đất bị sa mạc hóa sau đó phục hồi lại rừng đồi bằng cây đại mộc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn văn Quang, do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng keo dậu làm 1 loài cây tiên phong phục hồi rừng. Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, keo dậu nảy mầm và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng.
Ông đã đưa ra quy trình trồng keo dậu đại trà rất thành công.
Xem chi tiết tại đây:
Quy trình kỹ thuật trồng Keo dậu (Leucaena Leucocephala)

Ươm cây giống keo dậu

Trồng cây keo dậu ở Miền Trung
6-4-Dùng các bộ phận cây keo dậu để làm thuốc
+Theo Đông y:
-Tính vị, tác dụng: Hạt Keo giậu sao vàng thì có vị hơi đắng nhạt, mùi thơm bùi, để sống thì mát, tính bình; có tác dụng trị giun.
-Công dụng: Để trị giun, thường dùng hạt tươi ăn hoặc dùng hạt khô rang lên cho nở, tán bột uống, hoặc thêm đường làm thành bánh. Ngày dùng 10-15g (trẻ em) hoặc 25-50g (người lớn) uống vào sáng sớm lúc đói, liền trong 3-5 buổi sáng. Không cần dùng thuốc tẩy. Có thể phối hợp với các loại hạt khác như Sử quân tử thì hiệu quả càng cao.
Ở Ấn độ, người ta còn dùng vỏ cây làm thuốc chữa bệnh đường tiêu hoá.
Chú ý!: Ăn nhiều hạt keo dậu có thể bị rụng tóc.
+Theo Tây y:
Cảnh báo độc tố Mimosine trong cây keo dậu có tác hại đến sức khỏe, có thể gây bệnh rụng tóc, sẩy thai, vô sinh khi ăn nhiều.
Trong hạt cây keo dậu chứa nhiều kim loại nặng Selenium được tích tụ lại do quá trình hấp thụ nguyên tố này trong đất trồng. Chất này có hại cho sức khỏe con người.
Tây y cũng đã lưu ý đến tác dụng ngừa thai của vỏ rễ và vỏ thân cây keo dậu khi thí nghiệm trên chuột nhắt trắng.
Tóm lại Tây Y khuyên không nên dùng các bộ phận của cây keo dậu là thực phẩm cho người và hạn chế tỷ lệ khẩu phần trong thức ăn gia súc.
Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét