Cây tía tô

CÂY TÍA TÔ


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 9/12/2013

Cây tía tô
-Tên gọi khác: Tử tô, Tô ngạnh, Tô diệp.
-Tên tiếng Anh: Beefsteak plant, Perilla mint, Perilla plant, Chinese basil, Wild basil.
-Tên khoa học: Perilla frutescens (L.) Britton, 1894
-Tên đồng nghĩa:
Perilla macrostachya
Perilla nankinensis (Lour.) Decne
Perilla ocymoides
Perilla urticifolia
Ocimum frutescens)

Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Hoa môi  (Lamiales
Họ (familia)
Hoa môi (Lamiaceae)
Chi (genus)
Tía tô (Perilla)
Loài (species)
Các phân loài (subspecies)
Có 8-10phân loài

Nguồn gốc và phân bố

Họ Hoa môi hay Họ Húng, Họ Bạc hà (Lamiaceae hay Labiatae) có khoảng 236-263 chi với khoảng 6.900-7.173 loài.
Nguồn gốc bản địa của Chi tía tô (Perilla) trải rộng từ Ấn Độ đến Đông Nam Á.
Loài cây tía tô (Perilla frutescens) được xác định có nguồn gốc ở vùng núi Himalayas đến vùng Đông Nam Á.
Ở Trung Quốc cây tía tô được trồng ít nhất từ 500 năm trước Công nguyên.
Ở Nhật Bản cây tía tô được trồng vào khoảng từ thế kỷ thứ 7 – 9 sau Công nguyên.
Loài cây này được du nhập vào Mỹ làm cây cảnh và đã trở thành loài thực vật xâm lấn.
Đây là loài cây rau gia vị được trồng phổ biến ở Châu Á với nhiều thứ (verieties) và dạng (forms) như sau:
Perilla frutescens var. auriculato-dentata
Perilla frutescens var. crispa (đồng nghĩa: Perilla frutescens thứ nankinensis, Perilla ocymoides thứ crispa).
Perilla frutescens form crispidiscolor
Perilla frutescens var. laciniata (đồng nghĩa: Perilla laciniata)
Perilla frutescens var. purpurascens (đồng nghĩa: Perilla ocymoides var.  purpurascens)
Perilla ocimoides form citriodora (đồng nghĩa: Perilla citriodora)
Trong đó quan trọng là các phân loài:
-Tía tô lá tím (P. frutescens var. crispa): Gốc Trung Quốc và Nhật Bản
-Tía tô lá xanh (hay tía tô lá  mè) (P. frutescens var. Frutescens): Được gọi là mè hoang dại ở Hàn Quốc.
-Tía tô hai màu (P. frutescens var. Crispa forma) là dạng lá phía trên màu xanh, phía dưới màu tím.
-Tía tô mép lá quăn (Perilla ocymoides L. var. bicolorlaciniata) có giá trị sử dụng cao hơn.
Ở Việt Nam cả các giống tía tô nói trên đều được mọc hoang hoặc trồng, trong đó giống tía tô lá tím được trồng phổ biến nhất.

Mô tả

-Thân: Cây thảo sống lâu năm, cao 0,3-1m. Thân vuông có rãnh dọc và có lông, có tinh dầu thơm.
-Lá: Lá mọc đối, có cuống dài, mép khía răng, mặt trên xanh lục, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám (tùy theo giống).
-Hoa: Hoa nhỏ mọc thành xim co ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối, 4 tiểu nhị không thò ra ngoài hoa.
-Quả: Quả bế, hình cầu, màu nâu nhạt. Ra hoa quả tháng 9-10. 

Tía tô lá tím

Tía tô lá xanh

Tía tô lá có hai màu

Thành phần hóa học và dinh dưỡng

Trong các bộ phận cây tía tô có chứa chất tinh dầu (khoảng 0,5%) mà thành phần chủ yếu là perillaldehyd (4- isopropenyl, 1-cyclohexen 7-al), limonen, a-pinen và dihydrocumin.
Trong hạt có dầu béo gồm acid oleic, linoleic và linolenic; acid amin: arginin, histidin, leucin, lysin, valin.
Trong lá tía tô là giàu chất xơ dinh dưỡng (dietary fiber), giàu chất khoáng dinh dưỡng (dietary minerals) như canxi (calcium), sắt (iron) , kali (potassium) và vitamin A, C và riboflavin. Thành phần lá tía tô đang được nghiên cứu sơ bộ cho đặc tính kháng viêm tiềm năng, và có thể được sử dụng để bảo quản thực phẩm.

Công dụng

Cây tía tô là cây bản địa của vùng nhiệt đới Châu Á, do mùi thơm của nó nên được dùng làm cây rau gia vị ở các nước Trung Quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ.
Trong y học cổ truyền các bộ phận của cây tía tô cũng được dùng ở Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam…với nhiều công dụng dược liệu khác nhau.
a-Lá cây tía tô được dùng làm rau gia vị:
Ở Việt Nam lá cây tía tô các loại được dùng để ăn sống kèm theo với các loại rau khác để tăng hương vị cay và thơm.
Ngoài ăn sống trực tiếp, lá cây tía tô còn được xắt làm rau gia vị trong các món nộm, gỏi, xào, nấu…

Rau tía tô

Gỏi sứa với lá tía tô
Ở Trung Quốc cây tía tô được gọi là ‘zisu’ là loại rau gia vị phổ biến.
Ở Nhận Bản cây tía tô được gọi là ‘shiso’ được dùng trong các món sà lách.
Ở Hàn Quốc cây tía tô được gọi là ‘deulkkae hay tŭlkkae. Là loại rau gia vị được ăn cùng với dầu mè trong các món rau sà lách. Ngoài ra hạt tía tô cũng còn được ép dầu dùng trong các món ăn cao cấp.
Ở Lào tía tô lá tím được gọi là ‘khao poonđể ăn với món bún như ở Việt Nam.
b-Các bộ phận cây tía tô được dùng làm thuốc
Tía tô vừa là rau gia vị, vừa là cây thuốc phổ biến trong nhân dân. Có 2 loại: tía tô mép lá phẳng, màu tía nhạt, ít thơm và tía tô mép lá quăn, màu tía sẫm, mùi thơm mạnh. Loại tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn. Tránh nhầm với cây cọc giậu (dã tô, cây nhâm) có bề ngoài giống hệt loại tía tô mép lá phẳng, nhưng không có mùi thơm của tía tô.
Theo PGS. TS. Trần Công Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết, dưới góc độ Đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà sát khuẩn. Chính vì vậy, tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn, chữa bệnh bằng cách cho ra mồ hôi, giải cảm, khỏi sốt. Khi cộng với hành (một thứ gia vị cũng kích thích tăng tiết dịch vị) thì cháo hành - tía tô sẽ có tác dụng giải cảm cho những người bị cảm.
Ngoài ra, lá tía tô non khi vò ra đem sát vào các mụn cơm vài lần thì mụn cơm sẽ bay mất. Dầu được ép từ hạt tía tô cũng có thể làm dầu ăn và làm thành một thứ thuốc.
Các bộ phận của cây tía tô như lá, cành, rể, quả và hạt đều có công dụng làm thuốc:
-Lá: Tên thuốc trong y học cổ truyền là tô diệp.
Lá có thể dược dùng tươi hoặc khô, trong vị thuốc thang thường dùng lá khô.
Hái lá già cả cuống làm 2 lần cách nhau một tháng, đem phơi trong mát hoặc sấy nhẹ cho khô để giữ nguyên màu sắc và hương vị.
Dược liệu có vị cay, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng phát tán, phong hàn, hành khí, hóa trung, được dùng trong những trường hợp sau: trị cảm sốt, ho, sổ mũi, cảm cúm, kiết lỵ, tiêu chảy…
-Cành: Tên thuốc là tô ngạnh.
Nhổ cả cây sau khi đã hái lá lần thứ hai, bỏ rễ để riêng, cắt thành từng đoạn dài 5 - 10cm, phơi hoặc sấy khô (chỉ lấy thân chính, không lấy những cành nhỏ).
Cành cây tía tô được dùng để trị các bệnh động thai, băng huyết, sưng vú, suy nhược thần kinh, bế kinh…
-Rễ: Tên thuốc là tô căn.
Được dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy, vết thương tụ máu và sưng tấy.
-Quả: Tên thuốc là tô tử.
Hái quả ở những cây định lấy quả, không hái lá hoặc chỉ hái ít lá ở lần thứ nhất. Phơi hoặc sấy khô.
Dùng riêng, quả tía tô với liều 6 - 12g sắc uống chữa ho, nôn mửa, đau bụng, khó tiêu.

Một số bài thuốc Đông y từ cây tía tô

+Những bài thuốc Đông y từ lá cây tía tô:
1-Chữa cảm sốt, trong người khó chịu, mệt mỏi: Lá tía tô, kinh giới, cam thảo đất, cúc tần hay sài hồ nam, mỗi thứ 3g, kim ngân 4g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát. Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Đồng thời, dùng dạng món ăn, bài thuốc dân gian thay cho bữa ăn trong ngày là ăn cháo giải cảm gồm tía tô và củ hành. (Theo SK & ĐS).
2-Chữa cảm cúm, nhức đầu, nôn nao: Viên cảm “hương tô” chứa 0,263g, lá tía tô 0,187g hương phụ, 0,15g bạch chỉ, 0,075 trần bì, 0,075g cam thảo. Người lớn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 3 viên (thuốc có bán ở các hiệu thuốc). (Theo SK & ĐS).
3-Chữa sốt, sổ mũi, chân tay nhức mỏi: Tía tô, kinh giới, lá tre, cúc tần, bạc hà, cát căn mỗi thứ 20g; cúc hoa, địa liền mỗi thứ 5g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 6g. (Theo SK & ĐS).
4-Chữa ho do cảm lạnh: Lá tía tô, lá xương sông, lá hẹ, mỗi thứ 12g; kinh giới, gừng mỗi thứ 8g. Sắc uống lúc nóng. (Theo SK & ĐS).
5- Chữa cảm lạnh: Lấy vỏ một quả quýt cạo rửa sạch cùng 3 lát gừng dày và một nắm lá tía tô tươi hoặc khô cho vào nồi, thêm vào một bát nước, đun sôi kỹ, uống nóng và đắp chăn ấm.
Bạn cũng có thể lấy một nắm lá tía tô tươi, 2 củ hành và 3 lát gừng, tất cả thái nhỏ cho vào bát, đập một quả trứng gà rồi múc cháo hoa vào trộn đều ăn nóng, bệnh cảm sẽ hết. (theo ykhoa.net).
6-Chữa đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy: Tía tô 20g, rau sam 20g, cỏ sữa 16g, cam thảo đất, cỏ mần trầu, kinh giới mỗi thứ 12g. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc hoàn. Nếu bệnh cấp, có thể sắc uống. (Theo SK & ĐS).
7- Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần. (theo ykhoa.net).
8- Chữa các chứng chảy máu do ho, nôn, tiêu chảy: Lấy nhiều lá tía tô cho vào nồi đun gạn bỏ bã, cô đặc thành cao. Lấy một ít đậu đỏ rang vàng, tán nhỏ trộn với cao trên rồi viên thành từng hạt nhỏ để uống, mỗi lần 50 viên. Thuốc này sẽ hạn chế được phần nào sự chảy máu. (theo ykhoa.net).
9- Chữa ăn phải cua độc: Trong trường hợp này bệnh nhân thường bị đau bụng, nôn mửa hoặc sưng phù, nổi ngứa. Lấy tía tô giã nhỏ vắt lấy nước cho bệnh nhân uống. (theo ykhoa.net).
10- Chữa mụn nhọt độc vỡ mủ lâu ngày, không liền miệng: Dùng ngoài, lá tía tô phối hợp với lá thanh yên, lá chanh, lá ráy, lá lốt, mỗi thứ 50g, giã nhỏ, gói vào một miếng lá chuối tươi, dùi nhiều lỗ thủng, hơi nóng, đắp lên vết thương sau khi đã rửa sạch và sắc bột màng lụa bên trong vỏ quả chanh để chữa mụn nhọt độc vỡ mủ lâu ngày, không liền miệng. Ngày làm một lần trong nhiều ngày. (Theo SK & ĐS).
11-Chữa vết thương chảy máu: Khi bị vết thương chảy máu, bạn có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại. Làm như vậy, vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành.
+Những bài thuốc Đông y từ cành cây tía tô:
12-Chữa động thai: Cành tía tô 8g, rễ cây gai 8g, ngải cứu hoặc cam thảo dây 4g. (Theo SK & ĐS).
Tất cả sắc uống. Nếu thấy ra máu, thêm lá huyết dụ 10g, hoặc cành tía tô, tục đoạn, ngải cứu, mỗi thứ 12g, rễ gai, thục địa, hoài sơn, mỗi thứ 20g, chỉ xác 8g, sa nhân 6g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày. (Theo SK & ĐS).
13-Chữa băng huyết, động thai: Cành tía tô 10g, lá huyết dụ 10g, hoa cau đực 10g, tóc đốt thành than một dúm. Tất cả sao vàng, sắc uống ngày một thang. (Theo SK & ĐS).
14-Chữa sưng vú: Cành tía tô, rễ gai, mỗi thứ 12g, ngải cứu, cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp sao cháy đen, mỗi thứ 30g. Sắc đặc, uống làm một lần. (Theo SK & ĐS).
15-Chữa suy nhược thần kinh: Cành tía tô 8g, câu đằng, thảo quyết minh, cam thảo dây, mỗi vị 12g; cúc hoa, hương phụ, chỉ xác, uất kim, mỗi vị 8g. Sắc uống. (Theo SK & ĐS).
16-Chữa bế kinh: Cành tía tô 8g, đan sâm, ngưu tất mỗi thứ 12g; xuyên khung 10g; quế chi, bạch chỉ, uất kim, nga truật, mỗi thứ 8g. Sắc uống trong ngày. (Theo SK & ĐS).
17-Chữa phù toàn thân: Dùng ngoài, cành tía tô phối hợp với rễ cây vương tùng, vỏ thân cây thông, xác ve sầu (thuyền thoái) mỗi thứ 20 – 30g. Nấu nước tắm rửa chữa phù toàn thân. (Theo SK & ĐS).
18- Chữa ho, tức thở: Lấy cành lá tía tô và đoạn vỏ rễ cây dâu bóc trắng đun lấy độ 1 chén nước cho uống. (theo ykhoa.net).
+Những bài thuốc Đông y từ rể cây tía tô:
19-Chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Rể tía tô thái nhỏ, phơi hoặc sấy khô, dùng trong, rễ tía tô với rễ cây gai, rễ đu đủ và rễ cỏ lào mỗi thứ 20 - 30g. Sắc uống để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. (Theo SK & ĐS).
20-Chữa vết thương tụ máu: Dùng ngoài, rễ tía tô, lá thanh yên, nõn khoai môn, lá lốt, giã nhỏ, gói vào vải xô, hơ nóng, đắp chữa vết thương tụ máu, sưng tấy và đau nhức. Ngày làm 2 -3 lần. (Theo SK & ĐS).
+Những bài thuốc Đông y từ quả cây tía tô:
Dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong những trường hợp sau:
21-Chữa ho có đờm, ho hen lâu ngày ở người cao tuổi: Quả tía tô và hạt cải bẹ, mỗi thứ 10g, tán bột, uống hằng ngày với nước sắc lá táo chua và dây tơ hồng. (Theo SK & ĐS).
22-Chữa ho suyễn, ngực đầy tức, thở đứt quãng: Quả tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 10g; đương quy 8g; cam thảo, nhục quế mỗi vị 6g; tiền hồ, hậu phác, tô diệp mỗi vị 4g; gừng tươi 2 lát; đại táo 1 quả. Sắc uống ngày một thang.
Hoặc quả tía tô 10g; bạch giới tử, lai phục tử mỗi vị 8g. Giã nhỏ, hấp với đường phèn vừa đủ ngọt. Uống lúc nóng. (Theo SK & ĐS).
23-Chữa mày đay: Quả tía tô 12g; kinh giới, ké đầu ngựa, ý dĩ mỗi thứ 16g; phòng phong, đan sâm mỗi thứ 12g; bạch chỉ, quế chi mỗi thứ 8g; gừng sống 6g. Sắc uống trong ngày. (Theo SK & ĐS).
24-Chữa viêm phổi ở trẻ em: Quả tía tô 8g; sài đất, thạch cao mỗi thứ 20g; kim ngân hoa 16g; lá tre 12g; hoàng liên, tang bạch bì mỗi thứ 8g. Sắc uống ngày một thang. (Theo SK & ĐS).
25-Chữa phù khi mang thai (do khí trệ): Quả tía tô, hương phụ, trần bì ô dược, mộc qua, mỗi thứ 8g; cam thảo 4g; sinh khương 2g. Sắc uống. (Theo SK & ĐS).

Kỹ thuật trồng cây tía tô

Chọn và làm đất:
Tía tô có thể trồng được quanh năm trên đất có nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, ẩm, thoát nước tốt, hơi kiềm. Nên trồng xen canh với cây họ đậu.
Cày bừa, phơi ải, băm nhỏ, bón 15-20 kg phân chuồng hoai / 100 m2 đất, lên luống.
Trồng trên diện tích nhỏ:
-Gieo thẳng tía tô (khoảng 5-6 g hạt/100 m2), cũng làm như gieo mạ nhưng không nhổ trồng lại mà để cây mọc đến lúc thu hoạch.
Ưu điểm: không tốn công trồng cây con.
Nhược điểm: gieo thưa nên dễ bị cỏ dại lấn át, tốn công làm cỏ và chăm sóc.
Khi cây mọc được 10-15 ngày hòa phân đạm (có thể urê, có thể DAP: 50 - 100 g cho 100 m2 rồi tưới.
-Trồng làm thuốc: nên trồng thưa 25 x 30 cm. Không hái lá để cây có nhiều hoa, nhiều hạt. Ở miền Bắc, tía tô trồng tháng 1-2, thu hoạch tháng 8-9. Ở miền Nam trồng từ tháng 11- 12, thu quả vào mùa thu.
-Trồng lấy giống: nên trồng thưa 25 x 30 cm. Không hái lá. Bón thúc lân, bánh dầu vào thời gian 1-2 tháng sau khi trồng.
-Trồng làm rau gia gia vị: Nếu trồng với mật độ dày 15 x 15 cm (cây cách cây, hàng cách hàng): thu hoạch 1 lần, nhổ cả cây. Nếu trồng thưa (20 x 25 cm): có thể cắt tỉa cành đem bán, sau đó tưới nước để cây mọc tiếp. Khi cây đã đâm thêm lá, chồi, ngâm 1 kg urê (hoặc 3 kg phân NPK) + 20 kg bánh dầu để tưới 1000 m2.
Trong gia đình có thể trồng trong chậu, hộp xốp.
Trồng trên diện tích lớn:
Trồng bằng cách làm mạ rồi cấy cây con, 15 - 25 g hạt / 100 m2.
- Trộn hạt với tro bếp hay đất bột và một ít nước, gieo đều trên mặt luống.
- Dùng cào, cào đất bột để lấp hạt xuống, ủ luống bằng rơm rạ, trấu.
-Tưới cho đủ ẩm.
- Sau 25 - 30 ngày tía tô mọc được 5 - 6 lá có thể nhổ đem trồng vào luống khác.
Trước khi cấy không nên bón nhiều đạm, vì lá tốt quá khi cấy sẽ bị héo cây, dễ bị dập nát.
Sau khi cấy, cần tưới nước cho cây chống hồi phục. Khi cây được 1 tuần lễ, ta lại hòa phân đạm loãng tưới như lần đầu.
Nếu trồng để làm thuốc: bón 300 - 400 kg phân lân / 1 ha, và hòa bánh dầu tưới vào lúc sau cấy 7 - 10 ngày, trước lúc ra hoa.
Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh:
Trước khi tưới nên vun gốc, làm cỏ. Phân bón nên hòa nhiều nước để không hư lá.
Nếu tía tô cấy theo hàng: làm cỏ vun gốc trước khi bón phân.
Nếu gieo vãi: nhổ cỏ kịp thời để cỏ không lấn át tía tô.
Tía tô ít bị sâu bệnh. Các bệnh có thể gặp là: Bệnh thối cây ở gốc, bệnh héo lá, sâu ăn lá, sâu cuốn lá.
Nếu trồng tía tô trên diện tích nhỏ: nhổ bỏ cây bị héo, hoặc ngắt lá, bắt sâu.
Không phun thuốc, nhất là khoảng 10 - 15 ngày trước khi thu hoạch
Thu hoạch:
Khi năng suất đợt sau giảm hơn đợt trước > 20% thì phá bỏ để gieo đợt khác hoặc trồng cây rau màu khác.
Thu hoạch làm rau gia vị: Sau khi trồng 25 - 30 ngày có thể thu hoạch. Nếu cắt tỉa ta thường dùng liềm hay dao sắc cắt cây cách mặt đất khoảng 10 cm, chừa lại 2 - 3 tầng lá để cây có thể đâm chồi cho đợt thu hoạch sau. Mỗi đợt cắt có thể thu 50 - 60 kg cho 100 m2 . Nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch nhiều đợt.
Thu hoạch làm thuốc: phơi khô, lấy lá, quả cất riêng, cây có thể rửa sạch đất, phơi khô, bó lại từng bó, để trong bao bì rồi bán làm thuốc cùng với hạt và lá.
Thu hoạch giống: Khi hạt chắc, lá già và khô dần, ta cắt cả cành hoặc nhổ cả cây về phơi trong mát, rũ lấy hạt, phơi lại vài nắng (nhưng tránh nắng to) cho khô hẳn, để nguội, trộn ít tro cho vào bình đậy kín để làm hạt giống.
Cành, cây thì phơi khô làm thuốc.
Nguồn: vietlinh.com

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét