Dây trái giác

DÂY TRÁI GIÁC


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 12/2/2014

Dây trái giác

Trái giác

-Tên gọi khác: Dây vác, Dây sạt
-Tên tiếng Anh: Three-leaf cayratia, Slender watervine.  
-Tên khoa học: Cayratia trifolia (L.) Domin
-Tên đồng nghĩa:
Vitis trifolia L.
Cissus trifolia (L.) K. Schum.
-Các loài tương cận:
Cayratia acris (F. Muell.) Domin 
Cayratia debilis (Baker) Suess. 
Cayratia geniculata (Blume) Gagnep. 
Cayratia japonica (Thunb.) Gagnep. 

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo):
Nho (Vitales)
Họ (familia):
Nho (Vitaceae)
Chi (genus):
Cayratia
Loài (species):

2-Nguồn gốc và phân bố

Chi Giác (Cayratia) bao gồm khoảng 45 loài thực vật, một số trong đó có giá trị tiện ích cho người dân. Nó được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi, Australia và các đảo của Thái Bình Dương.
Loài Dây giác (Cayratia trifolia) là một loài dây leo thân gỗ bản địa châu Á và ở Úc. Đây là loài dây leo mọc hoang dại trong trong trảng cỏ và rừng thưa thuộc các nước Châu Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Indonesia, Malaysia, Philippines và ở Australia (Queensland, Bắc và Tây Úc).
Ở Việt Nam dây giác mọc hoang dại trong các quần hệ thứ sinh và dọc các rào, bụi; từ các tỉnh Lào Cai, Nam Hà, Hải Phòng qua các tỉnh miền Trung cho tới An Giang, Kiên Giang.

3-Mô tả

Dây giác là loài dây leo thân hóa gổ, sống đa niên.
-Thân: Thân có tiết diện đa giác, thân non màu nâu đỏ, thân già màu xanh phớt đỏ, nhiều gân dọc, ít lông dài màu nâu đỏ, mấu màu nâu đỏ đậm và có nhiều lông hơn.
Dây leo nhờ tua cuốn mọc đối diện với lá. Tua cuốn thường phân 3 nhánh, đôi khi 4-5 nhánh, màu nâu đỏ, ít lông, có những gân dọc. 
-:  mọc cách, kép lông chim 1 lần lẻ, 3 lá chét, lá giữa kích thước to hơn 2 lá bên. Lá chét hình trái xoan rộng, đỉnh nhọn, đáy tròn, kích thước 4-6 cm x 3-5 cm; lá già mặt trên màu xanh lục, mặt dưới nhạt hơn, gân giữa màu nâu đỏ; lá non mặt trên màu xanh phớt nâu đỏ, mặt dưới màu nâu đỏ; bìa phiến có răng cưa tròn đỉnh nhọn.
Gân lá hình lông chim, 6-8 cặp gân phụ, gân lá ở 2 mặt đều có lông dài màu đỏ.
Cuống lá chính hình trụ dài 5-6 cm, mặt trên có 1 rãnh nông; cuống lá chét mặt trên có 1 gân lồi ở giữa và 2 rãnh ở 2 bên, mặt dưới lồi tròn, dài 0,7-1,6 cm. Cuống lá chính và cuống lá chét màu nâu đỏ hay màu xanh phớt đỏ, có nhiều gân dọc và nhiều lông dài màu đỏ.
Lá kèm rời, hình tam giác, màu nâu đỏ, cao 0,35 cm, rộng 2 cm, có nhiều lông dài màu đỏ, rụng sớm.
-Hoa:
Cụm hoa: Xim 2 ngã kép dạng ngù được mang trên một trục dài 8 - 10 cm, cuống của xim dài 3,5 - 5 cm. Cuống của xim và trục cụm hoa hình trụ, màu xanh, có ít lông như ở thân và có những gân dọc. Cụm hoa thường mọc ở ngọn cành giữa 2 lá trên cùng; đôi khi đối diện lá. 
Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4. Cuống hoa ngắn, hình trụ, màu xanh, hơi phình ra phía đế hoa, có ít lông ngắn màu trắng. Lá bắc và lá bắc con hình tam giác, màu nâu, có lông màu trắng, cao 1 mm, tồn tại. Gốc cuống chung của xim ở giữa cũng có 1 vảy giống lá bắc. 
Đài hoa chỉ còn là 1 gờ màu trắng xanh, miệng gờ hơi dợn sóng, có ít lông ngắn. 
Cánh hoa 4, đều, rời, màu xanh, hình bầu dục nhọn ở đỉnh, cao 3 mm, dễ rụng, mặt ngoài cánh hoa có nhiều lông rất ngắn màu trắng, tiền khai van. 
Nhị 4, đều, rời, đính trên đế hoa thành 1 vòng trước mặt cánh hoa. Chỉ nhị màu trắng, nhẵn, gốc phình to và thon dần về phía trên, dài 1 mm. Bao phấn hình bầu dục rộng, màu trắng ở hoa non, vàng nhạt ở hoa già, 2 ô, nứt dọc, hướng trong, đính giữa, cao khoảng 0,5 mm. 
Hạt phấn rời, hình bầu dục, màu vàng nhạt, có 3 rãnh dọc, kích thước 38 x 25 µm. 
Lá noãn 2, vị trí trước sau, bầu trên 2 ô, mỗi ô 2 noãn, đính noãn trung trụ. Bầu noãn chìm và dính vào đĩa mật. Vòi nhụy ngắn 0,6 mm, màu đỏ đậm, đính ở đỉnh bầu, phía dưới phình to, thon dần về phía trên và thắt lại ở đầu nhụy. Đầu nhụy dạng khối trụ rất ngắn, màu đậm hơn. Đĩa mật dày bao quanh đáy bầu noãn, cao khoảng 0,6 mm, chia 4 thùy không rõ, màu trắng ở hoa mới nở, màu vàng ở hoa già. 
-Quả: Quả mọng, hình cầu dẹt, màu tím đen, quả non màu xanh và đỉnh có gai nhọn màu nâu đỏ (vết tích vòi và đầu nhụy), chứa 1-4 hạt. 
-Hạt: Hạt có tiết diện tam giác, một mặt hình tim, 2 mặt còn lại phẳng, màu xanh nâu, nội nhũ hình chữ T.

Dây trái giác mọc hoang

4-Thành phần hóa học

Lá chứa flavonoids (như cyanidin, delpyridin). Axít hydrocyanic (HCN) cũng có trong thân, lá và rễ.

5-Công dụng của dây giác

a-Trái giác được dùng làm rau gia vị nấu canh chua
Ở vùng ĐBSCL có nhiều loài rau, quả có vị chua được dùng để nấu canh chua như lá me, lá quý mầu, cải dưa chua, khóm, me, trái bứa...nhưng trái giác sẳn có ở vùng hoang vu dùng để nấu canh chua nhưng trái giác xưa kia được dùng để nấu canh chua phổ biến ở các tỉnh ven biển Miền Tây Nam Bộ.
Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn, trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín lại có màu đen thẫm, bên trong tím lịm như mực mồng tơi. Trái giác non có vị chua chát, càng lớn vị thay đổi từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, ai ưa vị canh chua thế nào thì canh trái giác lứa đó mà hái về nấu.
Theo nông dân miệt vườn sành điệu thích nấu canh chua với trái giác “già”, nghĩa là trái đã đến độ sắp chín nhưng màu vẫn còn xanh. Theo họ những trái như thế làm cho nồi canh chua thanh rất ngon. Trái giác được hái về từng chùm, lặt rời từng trái một, sau đó rửa sạch và cho vào nồi nấu canh. Để nồi canh chua ngon, trái giác phải được nấu cùng cá đồng, lươn, ếch cùng với rau muống đồng, ngò om thơm và một số gia vị khác.
1-Canh chua cá đồng nấu trái giác
Trước bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào nấu đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái cho ra tô. Sau đó cho một ít nước sôi vào tô, dầm cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước trút lại vào nồi canh đang nấu. Lược nước chua xong là cho cá đồng đã làm sạch vào nồi, ngon nhất là cá rô đồng lớn (cá rô mề). Khi canh đã sôi, nêm nếm cho nồi canh vừa ăn với các gia vị: ớt, bột ngọt, nước mắm và ít đường. Đợi cá chín, cho tiếp rau vào. Nồi canh vừa ăn, cá và rau chín đều thì nhấc nồi khỏi bếp lửa. Rau ngò om được rửa sạch và cắt nhỏ sẽ cho vào nồi canh sau cùng, để giữ mùi thơm của rau . Vậy là có nồi canh chua ngon như ý.
Nếu ai thích ăn canh chua trái giác tím thì lúc hái trái sẽ chọn thêm một ít trái chín, nhưng hương vị chủ đạo vẫn phải chọn trái giác “già” mới ngon. Chỉ cần thêm một đến hai chùm trái chín mùi, nồi canh đã có màu tím rất đẹp.
Trái giác mát lành, có thể đi hái chứ không tốn tiền mua, vì thế người dân quê luôn ưng bụng mỗi khi nấu nồi canh chua cho bữa cơm gia đình.
Nguồn: Hà Linh- Báo Bạc Liêu.

Canh chua lươn nấu trái giác
2-Canh chua lươn nấu trái giác
Trong văn hóa ẩm thực, lươn được liệt vào món đặc sản có tiếng. Từ quán nhậu bình dân ngoài sân, đến nhà hàng máy lạnh cao cấp, tại nông thôn vùng sâu đến phố thị đông đúc...
Đâu đâu lươn cũng được coi là món ăn hấp dẫn nhiều giới, chế biến được các món hợp khẩu vị: lươn um rau ngổ, lươn xào lăn, xào sả ớt, kho mắm, nướng chao, nấu cháo môn ngọt với nước cốt dừa, lươn dồi. 
Nhưng thực khách thường khoái món “trái giác nấu canh chua lươn” bởi trái giác khi đã “chuyên trị” với lươn thường cho ta một vị chua thanh ở mỗi muỗng canh khi ăn. Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhất là miệt Cà Mau - U Minh Hạ, lươn có nhiều, vì chúng thích nghi môi trường ao hồ nước đọng tù hãm.
Muốn chế biến lươn, người ta chỉ cần đem lươn đổ vô đống tro vuốt cho sạch nhớt. Sau đó đem rửa lại nước giấm cho thật sạch, rồi mổ ruột, để cho ráo nước.
Chuẩn bị một nồi canh chua lươn nấu trái giác, cần có trái giác, cọng bông súng cắt thành từng đoạn khoảng hơn 4cm, một vài tép sả đập dập cắt từng đoạn dài, tỏi để nấu. Lươn cắt thành khúc cỡ 10 cm hoặc để nguyên con tùy thích và tùy con lươn dài hay ngắn. Đầu tiên, bắc chảo mỡ phi tỏi cho nóng, thả lươn vô chảo xào sơ cho gia vị thấm đều, rồi gắp lươn ra đĩa.
Chọn trái giác xanh, nhưng nhớ rằng phải thêm vào một vài trái giác chín để khi nấu cho ra nước màu tim tím trông bắt mắt hơn... Trái giác cùng với những tép sả đập dập cho vào nồi đun sôi với lượng nước vừa phải, khi đã thấy trái giác vừa độ phân rã thì lấy dụng cụ lược hết những xác bã trái giác ra bỏ đi và cho những khoanh lươn đã xào sơ vào nồi nấu chung với những cọng bông súng, đợi lươn chín thì nêm nếm cho vừa ăn. Nhớ khi múc ra tô, đừng quên điểm vào tô canh chua lươn nấu trái giác vài lát ớt, ngò gai, ngò om… cho đầy đủ hương vị nhà quê.
Cả nhà ngồi quanh mâm cơm với tô canh trái giác nấu canh chua lươn bốc khói nghi ngút, một cảm giác đầm ấm và hạnh phúc vô cùng…
Nguồn: NĂM VUÔNG - Báo ảnh Đất Mũi

Cá rô kho trái giác
b-Trái giác dùng làm gia vị trong các món kho
1-Cá rô kho trái giác
Quả dây giác là một loại quả nhỏ, lúc sống màu xanh, khi chín mộng nước và chuyển sang màu tím sậm, vị chua ngọt và ăn được. Loài khỉ rừng rất ưa loại quả này.
Ngày xưa người dân vùng rừng U Minh sống xa chợ, các món rau và gia vị là những loài cây haong dại thu hái trong tự nhiên, ở đây quả dây giác chín được dùng để nêm các món kho thay cho me và đường. Món kho thịnh hành nhất ở các tỉnh vùng biển Nam Bộ trước đây là là món cá rô đồng kho với quả giác chín, món ăn dân giả nhưng có hương vị đậm đà khó quên. Ngày nay tuy có đầy đủ gia vị nhưng cá rô đồng kho trái giác vẩn là món ăn hoài niệm miền quê dân dã thời nào, và là mặt hàng thu hút khách du lịch đếm thăm vùng ĐBSCL.
Cá rô là một loài cá đồng, thịt ngon nổi tiếng. Loài cá này có nhiều cách chế biến, từ món kho tộ cho đến nướng, chiên, nấu canh chua, kho mắm… món nào cũng tuyệt, nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là món kho trái giác.
Chọn khoảng 1 kg cá rô mề còn tươi (loại cá từ 150-200 gr/con), làm sạch, ướp thêm đường, nước màu, tiêu, hành lá, ớt, nước mắm cho thấm độ 10 phút. Sau đó cho vào ơ, rải đều lên cá một lớp trái giác (vừa sống vừa chín) độ 150 gr. Khi ơ cá vừa sôi lên, cho thêm nước vào rồi đun lửa riu riu cho đến khi trái giác chín mềm.
Khi ăn, chúng ta dùng đũa giằm trái giác cho nhừ ra nhằm làm tăng thêm hương vị đậm đà. Thịt cá rô vừa ngọt, vừa béo, ngon hơn nhiều so với các loại cá đồng khác lại được nấu chung với trái giác, một loại hương đồng cỏ nội, tạo thành một mùi vị đặc trưng vừa chua cay, vừa thơm ngon và bổ dưỡng, giúp cho người ăn có một cảm giác lạ miệng vô cùng thích thú.
Muốn ngon và hấp dẫn hơn, chúng ta có thể dùng các loại Rau rừng như bồn bồn tươi, bông súng, bông điên điển, dưa leo, chuối chát… chấm với nước cá. Đúng là một món ngon tuyệt, ít có món kho nào sánh kịp.
Nguồn: naungon.com
Cá rô kho trái giác
2-Trái giác dùng trong các món kho khác
Từ kinh nghiệm dân gian, ngoài món cá rô kho trái giác, nhiều loài cá đồng, cá biển và thịt kho khác cũng có thể kho với trái giác để tạo hương vị lạ trong các món kho ở Miền Tây. Đây là một phát hiện mới trong ẩm thực dân gian Nam Bộ.

Cá dứa kho trái giác
b-Quả giác được lên men lấy rượu
+Rượu trái giác thủ công
Trái giác từ xưa đã được dùng làm một loại gia vị đặc biệt trong các món ăn của người dân vùng U Minh. Trái giác được dùng không chỉ vì hương vị đặc biệt của nó mà còn là vì những tác dụng dược học của nó đối với cơ thể con người.
Trước đây trái giác chín xem như phần bỏ đi, mặc cho chim, chuột, sóc và khỉ rừng xử lý. Nhưng hiện nay thông qua tài liệu ở nước ngoài được biết trái giác chín có thành phần hóa học và mùi vị tương tự như trái nho nên nó cũng được ủ rượu như rượu nho.
Ông cha ta có câu: khách tới nhà không trà cũng rượu. Do đó, đến với vùng đất U Minh, ngoài những giây phút thoải mái khi được đắm mình vào thiên nhiên ra, bạn còn có thể thưởng thức được món rượu Trái giác, một đặc sản của vùng đất U Minh Thượng, được sơ sở sản xuất rượu thủ công Nguyễn Mai sản xuất, đây cũng chính là món quà mà cơ sở muốn dành tặng cho các bạn phương xa và cũng là món quà mà bạn có thể mua để tặng cho những người thân yêu của mình, minh chứng cho một lần đến U Minh, nơi thành đồng.
Rượu trái giác được sản xuất bằng công nghệ lên men tự nhiên do đó sẽ lưu giữ những gì tinh túy nhất của trái giác rừng, một loại trái cây đặc trưng của vùng đất U Minh Thượng, Kiên Giang.

Trái giác chín để ủ rượu
+Rượu trái giác công nghiệp
Rượu trái giác là một loại rượu được sản xuất từ trái giác (Cayratia trifolia). Nguyên liệu chính để sản xuất rượu trái giác là Trái giác, đường và rượu.
Để sản xuất loại rượu này, người ta dùng trái giác ủ chung với đường để lên men. Sau một thời gian lên men, từ hỗn hợp này sẽ cho ra đời một loại mật có màu đỏ tím và mùi vị rất ngon. Tùy vào mục đích sử dụng mà người ta có thể dùng mật này để pha chế thành các sản phẩm khác nhau.
Phát xuất từ ý tưởng này, Công ty Cổ phần Sim Phát tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu để sản xuất mặt hàng rượu trái giác. Trong 3-4 năm trở lại đây Công ty này đã đặt trạm thu mua trái giác rừng chín tại Ấ 4, Xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau để sơ chế giúp cho hàng ngàn nông dân có thu nhập thêm do hái quả giác rừng chín.
Ông Trịnh Công Phát, Giám đốc Công ty CP Sơn Phát (H.Phú Quốc, Kiên Giang) - người đứng ra thu mua trái giác, cho biết: “Chúng tôi chưa mở rộng diện tích trồng, hiện còn trong giai đoạn khảo sát công dụng của trái giác, hiệu quả kinh tế của nó”.
Nếu sản phẩm Rượu vang trái giác sản xuất công nghiệp thành công, dây giác sẽ trở thành dây nho hoang dại có sức sống mới ở Miền Tây Nam Bộ.


Rượu trái giác của cơ sở Nguyễn Mai

+Những mặt lạc quan và lo ngại khi Rượu vang trái giác xuất hiện
-Tín hiệu lạc quan:
Hiện nay, bà con sống trên đất rừng U Minh có thêm nguồn thu nhập không nhỏ từ trái giác hoang dã. Cứ vào tháng 7 kéo dài đến tháng 11 âm lịch là mùa trái giác chín. Tại kinh 5 Đất Sét, thuộc ấp 4, xã Khánh Thuận, những năm gần đây, người dân bắt đầu đổ xô đi tìm trái giác để bán cho các cơ sở thu mua.
Trái giác được bán với giá ổn định 8.000 đồng/kg, là một nguồn thu không nhỏ đối với nhiều gia đình. Chị Tôn Thị Mau, ấp 4, xã Khánh Thuận, cho biết: “Mỗi khi chiều xuống, xóm này xuồng ghe hái trái giác về tấp nập. 
Nhờ trái giác có đầu ra mà bà con cũng đỡ khổ. Trước đây không có việc làm, phải đi làm thuê hoặc hầm than, cực khổ lắm, bây giờ khi mùa trái giác đến, cuộc sống đỡ hơn”.
Bà con ở đây cho biết, 1 lao động 1 ngày có thể hái được vài chục ký trái giác, thu nhập bình quân 200.000 đồng. Lúc cao điểm của mùa trái giác chín, có khi thu nhập lên đến 500.000 đồng/người/ngày. 
Cũng chính nhờ trái giác mà những năm gần đây đã tạo được công ăn việc làm cho nhiều gia đình. Không chỉ đối với những lao động chính mà người lớn tuổi, học sinh vào những ngày nghỉ cũng có thể đi hái trái giác giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.
Bà Đoàn thị Dân, ở ấp 4, xã Khánh Thuận, chia sẻ, gia đình bà thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, năm nay bà đã bước vào tuổi 65 nhưng phải làm lụng bằng mọi cách để  kiếm tiền nuôi người chồng bị bệnh suốt 15 năm qua. Nhờ hái trái giác bán, giúp gia đình bà có nguồn thu nhập, không còn chật vật như trước.
Xã Khánh Thuận có diện tích rừng rất lớn nên dây giác mọc rất nhiều, do đó sản lượng trái giác tự nhiên không hề nhỏ. Trong 3 năm trở lại đây, tại ấp 4 đã hình thành một điểm thu mua sản phẩm trái giác chín. Sau khi qua công đoạn sơ chế ban đầu, cơ sở này cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Sim Phát tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để sản xuất mặt hàng rượu trái giác. 
Trung bình mỗi mùa trái giác qua đi, cơ sở thu mua khoảng 70-80 tấn trái giác. Nhưng theo ông Danh Riêng, chủ cơ sở, nguồn nguyên liệu thu mua được vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu mà nhà máy sản xuất đặt hàng.
Dây giác là chủng loại thực vật rất phong phú trên đất rừng U Minh. Vào mùa mưa, hầu như trên tuyến bờ các lâm phần rừng tràm đều có dây giác đeo bám trên các thảm thực vật, trái chín có màu tím sậm trông rất đẹp.
Theo ông Nguyễn Minh Lắm, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, với lợi thế về đầu ra của mặt hàng trái giác sẽ là điều kiện góp phần quan trọng cho việc xoá đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm. Chính vì vậy, hiện nay chính quyền xã đang khuyến khích người dân khai thác triệt để mặt hàng này, tạo được vùng nguyên liệu trái giác cung ứng cho thị trường trong những năm tiếp theo.
Nguồn: Xuân Quang-Báo Cà Mau
-Những băng khoăn, lo ngại
Theo kỹ sư Trần Văn Thước, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau, đây là loại cây dây leo, phát triển và tồn lưu đa niên, thân giác khi bị phân thành các đoạn đều có thể phát triển dây leo mới, thậm chí dây giác vươn dài 1 mét/tuần. Dây giác cũng là loại cây khó diệt và là môi trường thuận lợi để loài vắt sinh sôi. Nếu muốn phát triển việc trồng dây giác thì phải cân nhắc thị trường tiêu thụ có lâu dài không, bền vững không. Quan trọng hơn hết là phải có biện pháp tiêu diệt hữu hiệu nếu thị trường không còn nhu cầu bởi như đã nói, đây là loại rất khó diệt và nó triệt tiêu những cây trồng xung quanh, kể cả cây cổ thụ.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng ĐH Tân Tạo (Long An), nhận định: “Trái giác làm rượu vang rất ngon nên đây là dự án có triển vọng lớn. Trước mắt, trái giác ngoài tự nhiên rất nhiều, chưa phải trồng nên không cần cân nhắc nhiều”.
Nguồn: Gia Bách- Báo Thanh niên
Theo bản thân tôi, dây giác là loài thực vật bản địa, chúng đã từng mọc hoang hàng ngàn năm, khác với những loài thực vật xâm hại. Dù có trồng hay không trồng chúng cũng phát triển bình thường trong tự nhiên.
Nếu quả dây giác được sản xuất rượu vang thành công thì đây là lợi thế của địa phương, vì muốn đưa một cây trồng mới có hiệu quả kinh tế vào đồng bằng nhiểm mặn và chua phèn không phải đơn giản.
Do đó dây giác là nguồn gen quý của Miền Tây Nam Bộ, nên mạnh dạn phát huy, tất nhiên phải có những quy định để bảo vệ môi trường sinh thái và có những biện pháp kiểm soát sinh quần thực vật hiệu quả.
c-Các bộ phận dây trái giác được dùng làm thuốc
Theo Đông y Rễ day giác có vị cay, tính mát, có độc; có tác dụng thanh nhiệt  giải độc, làm săn da. Bộ phận dùng: Rễ và thân lá (Radix et Caulis Cayratiae trifoliae).
Rễ được dùng trị nhọt phổi và đinh nhọt.
Ở Việt Nam thân, lá và quả dây trái giác được nấu để lấy nước tắm trị rôm, sảy cho trẻ em.
Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ giã ra với tiêu sọ đắp trị mụn nhọt.
Ở Campuchia, rễ tươi dùng giã ra, thêm nước lọc uống trị bạch đới và dùng lá sắc uống làm thuốc hạ nhiệt, nước chảy từ thân khi ta chặt ra có thể dùng uống được.

Ở Trung Quốc, rễ được dùng trị đòn ngã tổn thương, nhọt phổi, ghẻ lở, thân lá được dùng trị gẫy xương.

Thu hái trái giác hoang dại chín ở Cà mau
Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo

Xem Video: Trái giác mùa sa mưa 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét