Cây khế tàu

CÂY KHẾ TÀU


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 21/5/2014

Cây khế tàu

1-Tên gọi và danh pháp khoa học

-Tên thường gọi: Khế tàu
-Tên gọi khác: Cây khế dưa
-Tên tiếng Anh: Bilimbi, Cucumber tree, Tree sorrel
-Tên khoa học: Averrhoa bilimbi L.
-Tên đồng nghĩa:
Averrhoa abtusangulata Stokes
Averrhoa obtusangula Stokes
-Loài tương cận: Khế thường (Averrhoa carambola)

2-Phân loại khoa học


Bộ (ordo)
Chua me đất (Oxalidales)
Họ (familia)
Chua me đất (Oxalidaceae)
Chi (genus)
Loài (species)
Averrhoa bilimbi

3-Nguồn gốc và phân bố

Chi Khế (Averrhoa) có nguồn gốc vùng Châu Á nhiệt đới với khoảng 10 loài, trong đó có hai loài có quả ăn được quan trọng là:
-Khế thường: Averrhoa carambola (gồm các giống Khế chua và Khế ngọt).
-Khế tàu (Averrhoa bilimbi).
Chi này có danh pháp theo tên của Averroes, một nhà triết học và thiên văn học thế kỷ 12 từ Al-Andalus.
Cây khế tàu (Averrhoa bilimbi) không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng chúng mọc hoang dại ở các Quốc đảo thuộc Đông Nam Á.
Có giả thuyết cho rằng nguồn gốc của cây Khế tàu ở đảo Moluccas (thuộc Indonesia). Loài đang canh tác được tìm thấy ở các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka,  Bangladesh,  Maldives,  Myanmar (Miến Điện), Nam Trung Quốc và Miền Bắc Việt Nam. Đây là loài cây mọc hoang và được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á . Ở Ấn Độ, cây Khế tàu cũng thường được tìm thấy mọc hoang trong các khu rừng nóng ẩm và được trồng trong các vườn cây.
Bên ngoài Châu Á, cây Khế tàu được trồng ở Zanzibar. Năm 1793, cây khế tàu được giới thiệu tới Jamaica từ Timor và sau nhiều năm, được trồng khắp miền Trung Nam Mỹ nơi nó được gọi là mimbro. Nó cũng được giới thiệu đến Queensland (Úc) vào cuối  thế kỷ 19, từ đó nó đã được phát triển thương mại ở Úc.
Khế tàu thực chất là loài cây vùng nhiệt đới, ít chịu lạnh hơn so với khế thường, chúng phát triển tốt trên đất giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, nhưng cũng sống được trên đất đá vôi và đất cát.
Loài cây này cũng được giới thiệu trồng ở bang Florida của Mỹ để làm cây cảnh, tuy nhiên cần phải che chắn bảo vệ trong mùa lạnh.
Ở Việt Nam tên gọi cây Khế tàu là do ta du nhập từ Miền Nam Trung Quốc về trồng ở các tỉnh Miền núi Phía Bắc, gọi là Khế tàu để phân biệt với Khế ta.
Về sau này cây khế tàu cũng được đem trồng rải rác ở Trung Bộ và nam Bộ chủ yếu để làm cây cảnh vì quả của nó không cạnh tranh lại với quả cây me và quả cây khế chua dùng trong ẩm thực.

4-Mô tả

Khế tàu là loài cây thân gổ tiểu mộc, lá thường xanh, thân cao 5-10 mét.
-Thân: Thân chính mọc thẳng đứng, phân nhiều nhánh, mang quả trên cả thân chính và nhánh.
-: kép lẽ dài 30 - 60 cm, trông giống lá chùm ruột, do nhiều lá phụ 21 - 45, lá phụ tròn dài thon hình mũi mác, có ít lông ở mặt dưới, cuống phụ rất ngắn, mọc xen, phần dưới tròn, phần trên nhọn ở đỉnh.
-Hoa: Chùm hoa tụ tán, gắn liền trực tiếp trên thân hay nhánh già, cọng có đốt.
Hoa, lưỡng tính, màu đỏ đậm, dài 5 - 7 mm, tiền khai vặn, 5 đài, 5 cánh hoa màu xanh vàng hay tím có vết đỏ đậm, tiểu nhụy không đều, 5 dài 5 ngắn, bầu noãn 5 buồng, 5 vòi nhụy. Hợp thành cụm hoa gắn liền vào thân hay những nhánh già tạo thành những cụm trái rất kỳ lạ.
-Quả: Phì quả dài 5 - 10 cm, có cạnh tà, xanh vàng, nạt rất chua, hình trụ dài, cuối cùng ở ngọn còn lại 5 sợi nhỏ là vết để lại của 5 cánh hoa.
Quả dòn khi còn non xanh sau dần chuyển thành xanh vàng, ngà voi hoặc gần như trắng, khi chín và rơi xuống đất. Vỏ ngoài láng sáng bóng, mỏng, mềm dịu và thịt màu xanh lá cây giống như thạch, thịt quả có vị rất chua, chủ yếu được dùng để nấu canh chua, làm vị chua cho nộm, gỏi.
-Hạt: hình đĩa khoảng 6 mm rộng, màu nâu.

Các bộ phận của cây Khế tàu

Chùm hoa và quả non cây Khế tàu

Chùm quả cây Khế tàu

5-Thành phần dinh dưỡng

Trong 100 g phần ăn được của quả Khế tàu chín có thành phần dinh dưỡng như sau:
Độ ẩm: 94,2-94,7 g
Protein: 0,61 g
Tro: 0,31-0,40 g
Chất xơ: 0.6g
Phospho: 11,1 mg
Canxi: 3,4 mg
Sắt: 1,01 mg
Thiamine: 0.010 mg
Riboflavin: 0,026 mg
Carotene: 0.035 mg
Ascorbic Acid: 15,5 mg
Niacin : 0,302 mg
Nguồn: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)
Thành phận hóa học và các hợp chất khác
- saponine,
- tanins,
- glucoside,
- oxalate de calci,
- lưu huỳnh,
- peroxyde,
- và citrate de potassium.
- 2-furaldehyde;
- ascorbic acid;
- butyl-nicotinate;
- hexyl-nicotinate;
- niacin;
- oxalic acid;
- palmitic acid;
- riboflavin;
- thiamine;
- vitamin A
- 62 hợp chất đã được xác định,
- nonanal và (Z)-3-hexénol nhiều nhất
- oxalate de potassium.
- Hợp chất dể bay hơi của quả có 6 mg/kg.
Nguồn: Selon les analyses de fruits étudiés au Nicaragua aux Philippines

6-Công dụng của quả Khế tàu

a-Quả Khế tàu được dùng làm rau chua
Ở Miền Nam Trung Quốc, Miền Bắc Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ quả Khế tàu chín được dùng làm rau gia vị để lấy chất chua thay cho me, khế, dứa, cà chua…để dùng trong các món nấu như canh chua, nấu lẫu chua, làm nộm, gỏi...
Ở Philippines và Ấn Độ quả Khế tàu chín được dùng để ăn sống với muối hay quả tươi ngâm muối (như quả có ở Việt nam) được dùng để ăn chơi. Quả Khế tàu xanh cũng được dùng trong món salad rau.
b-Quả Khế tàu làm thực phẩm chế biến
Ở Indonesia bột quả Khế tàu chín dược dùng làm nướt sốt chua thay cho quả cà chua và quả xoài. Những bông hoa Khế tàu đôi khi cũng được bảo quản trong đường để ăn dần.
Ở Ấn Độ quả Khế tàu xanh được dùng để muối dưa chua.
Ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cũng dùng quả Khế tàu xanh để làm mứt.
Ở nhiều nước Châu Á nước ép quả Khế tàu chín được dùng làm nước giải khát thay cho nước chanh để giải nhiệt mùa hè.
c-Quả Khế tàu được dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Á quả Khế tàu được dùng làm thuốc là chủ yếu hơn để ăn, ngoài quả nhiều bộ phận khác của cây này cũng được dùng làm thuốc. Cụ thể các bài thuốc dân gian và thuốc nam thông dụng từ cây khế tàu như:
-Vỏ và thân cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh Ho gà, đau răng.
-Lá cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh thấp khớp, nấu tắm cho trẻ em để bớt bệnh vàng da.
-Cành và lá cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh quai bị (sưng hàm).
-Hoa cây Khế tàu: Được dùng để trị ho
-Quả cây Khế tàu: Được dùng để trị huyết áp cao.
Ở Ấn Độ, sử dụng lá, hoa và quả Khế tàu để điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường.
+Theo Tây y
Cho đến hiện nay trong Tây chưa có bằng chứng khoa học nào để xác nhận hiệu quả cho mục đích trị bệnh theo các phương  thuốc đông y nêu trên.
Cảnh báo! Trong Tây y còn cảnh báo rằng trong quả và các bộ phận khác của cây Khế tàu có chứa nhiều chất acid oxalic, khi vào thận acid này dể kết tủa với các kim loại kiềm thổ như Kali, Canci, Magie để tạo thành các muối Oxalate chính là các khối sỏi thận. Có bằng chứng là những người thường xuyên ăn quả hoặc uống nước ép của quả khế tàu có nhiều nguy cơ bị sỏi thận hơn. Do đó không nên dùng thường xuyên quả và nước quả khế tàu, nhất là những người có bệnh sỏi thận!

7-Các bài thuốc nam từ cây Khế tàu:

1-Để chữa trị bệnh ho gà, người ta dùng 10 miếng vỏ cây khế tàu rửa sạch, nghiền nát và thêm vào 2 muỗng canh nước muối mặn. Lọc và uống 2 lần / ngày.
2-Trong trường hợp đau nhiều trong lỗ sâu răng, dùng 5 miếng cây vỏ cây khế tàu nhai với 1 ít muối, kế đó nhồi vào trong lỗ chiếc răng sâu.
3-Để chữa bệnh thấp khớp, dùng 28 gr lá cây khế tàu, 15 hạt tiêu, 10 hạt đinh girofle, tất cả xay nhuyễn mịn. Thêm dấm trắng để có hương vị cho đến khi sền sệt như cháo và thoa lên điểm đau nhạy cảm.
4-Chữa trị bệnh quai bị (gọi là sưng hàm), dùng 10 cành cây và lá khế tàu, thêm vào 4 củ hành tím, nghiền thành bột mịn. Sau đó, đắp hỗn hợp vào chổ đau trên quai hàm.
5-Chữa bệnh ho, trộn một nắm hoa cây khế tàu và nước ép rau má (Centelle asiatica L, Urban.) đã được xay nát, 2 củ hành tím và 1 vỏ quế nhỏ bắng ngón tay. Kế đó đun sôi và lọc nước, bỏ xác. Sau đó uống bằng cách trộn với mật ong 3 lần / ngày.
6- Chữa viêm miệng và tưa lưỡi: Ngâm 40 gr hoa khế tàu trong ½ lít nước đun sôi. Uống như trà 4 ly trà / ngày.
7- Làm hạ huyết áp cao : Đối với những người bị huyết áp cao dùng quả khế tàu chín cắt thành miếng nhỏ đun trong nước sôi rồi lọc bỏ xác, uống nước khế sau cử ăn sáng mổi ngày.
8-Đối với những em bé, bị vàng da, tắm với nước nấu cây khế tàu, để giảm bớt.

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo

Xem Video: Hình ảnh cây Khế tàu 



1 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn về lời nhận xét. Còn câu hỏi của bạn về thuốc An Cung Ngưu Hoàng Hoàn và Ngưu Hoàng Thanh Tâm Hoàn mình không biết, vì mình chỉ là dân kỹ thuật, không phải "thầy thuốc". Bạn nên hỏi tại Cơ sở bào chế hoặc người hướng dẫn bạn dùng các loại thuốc trên!
    Thân chào!

    Trả lờiXóa