Cây cải trời


CÂY CẢI TRỜI

Cây cải trời

Bông (hoa) cải trời
-Tên gọi khác: Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi, Bọ xít, Vừng tây, Đại bi rách.
-Tên tiếng Anh: Blumea.
-Tên khoa học: Blumea lacera L,
-Tên đồng nghĩa: Blumea lacera (Burm. f. ) DC.

Phân loại thực vật

-Ngành: Ngọc Lan (Magnoliophyta) 
-Lớp: Ngọc Lan (Magnoliopsida)
-Phân Lớp: Cúc (Asteridae)
-Bộ :Cúc (Asterales)
-Họ: Cúc (Asteraceae)
-Chi :Blumea
-Tên hai phần: Blumea lacera L.,

Phân bố

Cây cải trời (Blumea lacera )  là một loài cỏ dại có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ-Malaysia, sau đó lan ra các nuớc lân cận ở vùng Nam Á, Đông Nam Á, Đông Dương, đến tận Trung Quốc và Australia. Cây phát triển mạnh ở Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á và một số ít ở Châu Phi.
Cải trời là loài cây hoang dại mọc khắp nơi ở Việt Nam và ở Nam Bộ. Được người dân Nam Bộ dùng như một loại rau rừng với hương vị hấp dẫn và dùng trong nhiều bài thuốc dân gian.
Cây cải trời cũng được trồng làm rau và dùng làm thuốc ở Ấn Độ và Bangladesh.

Mô tả

Cải trời là cây thân thảo, đứng, cao 0,4-0,8 m, phân cành nhiều, có mùi thơm. Thân có tiết diện tròn, màu xanh, phủ nhiều lông ngắn dính và ít lông dài màu trắng, nhánh và lá có lông hơi dính (trĩu), thơm.
 Lá mọc so le, mép khía răng. Cụm hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài, có lông dính; hoa đầu có bao chung gồm 5-6 hàng lá bắc, phía ngoài là hoa cái, phía trong là hoa lưỡng tính; hoa nhỏ 4-5mm. Quả bế dài 1mm, có 10 lằn và ở ngọn có lông mào trắng, dễ rụng.  

Thành phần hóa học

Cây chứa 0,085% tinh dầu màu vàng mà trong thành phần có 66% cineol, 10% fenchon và khoảng 6% citral.
Theo tài liệu khác cây cải trời chứa 60% cineol, 10% fenchon, khoảng 6% citral.
Lá chứa flavonoid: 5-hydroxy-3,6,7,3’,4’-pentamethoxyflavon, 5,3’,4’-trihydroxy-3,6,7-trimethxyflavon và một ít hợp chất flavon khác. Phần trên mặt đất còn có campestrol. Hai glycosid cũng có trong toàn cây: 19α-hydroxy-urs-12-en-24,28-dioat-3-O-β-D-xylopyranosid và 2-isopropyl-5-isoprenyl phenol-4- O-β-D-xylopyranosid (Prosea 12 (1), 1999).

Công dụng

a-Cải trời được dùng làm rau


-Được dùng để ăn sống: Cải trời non có thể dùng để ăn sống với các loại rau rừng khác. Khi ăn sống với cháo nóng hoặc chấm với thịt, cá kho.
-Được dùng làm rau luộc: Cải trời có thể lược riêng hoặc luộc chung với các loại rau rừng khác.
-Được dùng để xào: Cải trời được xào với thịt trâu, bò, vịt, chim rừng, rắn, ếch, nhái.
-Nấu canh và nấu lẫu: Cải trời được nấu canh hay nấu lẩu với cá bầm vò viên, thịt cua, tép, xương ống…

b-Cải trời được dùng như vị thuốc

Cây cải trời được các nước vùng Đông Nam Á và Nam Á dùng như vị thuốc với nhiều công dụng bở dưỡng và trị liệu.
Theo dược điển của Ấn Độ, cải trời có vị đắng, chát, chất làm se, tác dụng giải nhiệt, cầm máu, chống viêm, tiêu hóa, bệnh mắt, thuốc bổ gan, trừ đờm, giải nhiệt, hạ sốt, dịch lá trừ giun, hạ nhiệt, kích thích và lợi tiểu; rễ trừ tả. (Warner et al 1996).
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng lá để trị đau bụng và để lọc sạch nước uống.
Ở Java, người ta cũng dùng chồi non nấu canh ăn. Người ta dùng toàn cây làm thuốc trị tràng nhạc, nhọt lở, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Cũng dùng trị tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, mất ngủ, đái vàng và nóng.
Ở Malaixia, người ta dùng cây để xua đuổi sâu bọ nhờ tinh dầu thơm.
Theo đông y Việt Nam thì cây cải trời có đặc tính: vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hoả, giải độc tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng.
Liều dùng hàng ngày 10-30g, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa, lá Sen, cành Tầm duột, Ngũ gia bì, Cam thảo. Cũng có thể nấu thành cao sệt, uống lâu ngày, mỗi ngày độ 2 thìa canh pha với nước; dùng ngoài làm cao dán.
Ghi chú: Một loài khác cũng được gọi là Cải trời, Cải ma, Cải dại, Bọ xít - Blumea subcapitata DC. cũng được dùng làm thuốc giải độc, chữa mụn nhọt và cầm máu vết thương.
                                                                                                Kỹ sư Hồ Đình Hải



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét