Cây su su


CÂY SU SU

Giàn su su
-Tên gọi khác: Su le (Miền Trung).
-Tên tiếng Anh: Chayote, Mirliton, Merliton, Madeira marrow, Vegetable pear.
-Tên tiếng Pháp: Christophine, mirliton,
-Tên khoa học: Sechium edule (Jacq.Sw.
-Tên đồng nghĩa: Chayota edulis Jacq., Sicyos edulis Jacq.
-Các loài tương cận:
Sechium compositum (Donn. Sm.) C. Jeffrey
Sechium hintonii (Paul G. Wilson) C. Jeffrey
Sechium jamaicense J. St.-Hil.
Sechium tacaco (Pittier) C. Jeffrey

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):
Bầu bí (Cucurbitales).
Họ (familia):
Bầu bí (Cucurbitaceae).
Chi (genus):
Su su (Sechium).
Loài (species):
Su su - Sechium edule 

Cây su su (Sechium edule) đã được ghi chép lần đầu bởi các nhà thực vật học trong tác phẩm của P.Browne 1756. Năm1763, nó được phân loại bởi Jacquin  Sicyos edulus và bởi Adanson  Chocho edulus. Vào năm 1800 Swartz đưa nó vào chi Sechium.

Phân bố

Chi Su su (Sechium) có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ với khoảng 5-6 loài.
Cây Su su (Sechium edule) có nguồn gốc ở Brazil. Loài cây này là loài dây leo vùng núi đã được giới thiệu như là một loại cây trồng trên khắp Châu Mỹ La Tinh, và trên toàn thế giới. 
Cây su su được trồng ở đảo Reunion từ năm 1836, sau đó được truyền đến các nước miền Nam Châu Âu và ở vùng cao của các nước vùng nhiệt đới thuộc Châu Á và Châu Úc.
Do loài cây này thân, lá, quả và hạt mềm dể phân hủy nên không có bằng chứng khảo cổ cho biết được trồng khi nào và có một số loài bản địa ở Nam Mỹ được xem là đã bị tiệt chủng.
Các vùng trồng chính là Brazil , Costa Rica và Veracruz , Mexico. Costa chayotes Rica chủ yếu xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu, trong khi Veracruz là nước xuất khẩu chính quả su su (Chayote) sang Hoa Kỳ.
Đây là loài rau dây leo thích nghi vùng địa hình cao từ 800-2000 m ở các nước nhiệt đới.
Từ tiếng Anh gọi cây su su là “Chayote” có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha “chayohtli” được người thổ dân Mexico ở Nahuatl Trung Mỹ gọi loài cây này và chính thức được Viện nghiên cứu gen thực vật quốc tế (International Plant Genetic Resources Institute) đặt tên là “Chayote” (Rafael Lira Saade -1996). 
Tên cây “su su” ở Việt Nam bắt nguồn từ tiếng Pháp dùng ở hải ngoại như “Chouchou(Réunion, Île Maurice), hoặc "chouchoute" (Nouvelle-Calédonie,  Polynésie thuộc Pháp), có lẽ đây là nguồn gốc tên tiếng Việt “ Su su” của loại quả này.
Cây Su su hay Su le được người Pháp du nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Đây là loài rau dây leo thích nghi vùng khí hậu mát ở cao nguyên, vùng núi. Ở Việt Nam cây Su su được trồng ở những vùng có khí hậu mát như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo , Núi Sam (An giang). Có 2 giống Su su gai và Su su trơn.

Quả su su trơn

Quả su su thương phẩm

Mô tả

Su su là loài dây leo sống dai, có rể phình thành củ, thích nghi vùng núi cao.
-Thân: Dây dài 6-8 mét, có thể đến 12 m.
-Rể: Rể phình dạng củ, chứa nhiều tinh bột và ăn như khoai lang (có thể được chiên). Nó có thể được sử dụng làm thức ăn cho gia súc rất tốt. Sau khi thu hoạch rể rất dể bị thối, khó bảo quản nên phải dùng ngay. Rể phơi khô còn được dùng làm thuốc.
-Lá: Lá to, bóng, hình chân vịt, có 5 thuỳ, tua cuốn chia 3-5 nhánh.
-Hoa:Hoa nhỏ, đơn tính, cùng gốc, màu trắng vàng; hoa đực họp thành chuỳ, hoa cái đơn độc ở nách lá; chỉ nhị dính nhau; bầu 1 ô, 1 noãn.
-Quả: Quả thịt hình quả lê có cạnh lồi dọc và sần sùi, to bằng quả lê (10-15 x 5-10 cm), da mỏng màu xanh nhạt, thịt quả dày, trong ruột quả chứa một hạt lớn.
-Hạt: Mỗi quả có 1 hạt lớn hình oval dẹp. Hạt non có hương vị ngon, làm rau ăn được như một phần của quả.
Cây Su su có ưu điểm là ít sâu bệnh, quả dễ cất trữ, vận chuyển, năng suất cao. Nhiệt độ thích hợp 12-13oC. Ở miền Bắc, trồng tháng 8-11 (tốt nhất là tháng 9-10) thu hoạch tháng 1-2, rộ nhất tháng 3-4. Trồng nơi cao ráo đủ ẩm, đào hố bón lót, mật độ trồng 2,5 x 3m hay 3 x 3m. Chăm sóc, che nắng sau khi trồng.
Cây cao 1-1,5m, cắm que cho leo giàn, phủ đất kín hốc, bón phân cách gốc 40-50cm, hoặc hoà nước tươi. Sau 2-3 tháng, bắt đầu được thu hoạch, 5-7 ngày hái một lần. Năng suất trung bình 300-500 tạ quả/ha.

Thành phần hóa học

Theo Từ điển Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam, trong phần thịt quả su su có chứa nước 94%, protid 0,85%, glucid 3,7%, vitamin C 4mg%.
Theo tài liệu nước ngoài trong quả và hạt su su giàu axit amino như axit aspartic axit glutamic, alanine, arginine, cysteine, phenylalanine, glycine, histidine, isoleucine, leucine, methionine (chỉ có ở quả), proline, serine, tyrosine, threonine và valine.

Công dụng

a-Các bộ phận của cây su su được dùng làm rau
Su su là một phần quan trọng của chế độ ăn truyền thống trên khắp Trung Mỹ, và có thể được tìm thấy trong nhiều món ăn. Các bộ phận của cây su su như đọt non, lá non, quả và rể đều ăn được, trong đó quả là loại rau để xào, nấu là thông dụng nhất.
+Đọt và lá non được dùng làm rau
-Ở nhiều nước Nam Mỹ và Châu Á đọt và lá non của cây su su được dùng làm rau luộc, xào hay nấu canh.
-Ở Việt Nam trước đây phần quả được dùng là chính, trong thời gian gần đây đọt và lá non của cây su su được thu hoạch và bán trên thị trường như một loại rau sạch, loại rau này không dùng để ăn sống mà phải qua chế biến như luộc, xào, nấu canh, nhúng lẫu…Ngọn su su được bán rất nhiều tại thị trấn Tam Đảo -Vĩnh Phúc. Ngọn su su Tam Đảo nổi tiếng ngon, giòn, xanh mướt.
-Ở Đài Loan đọt non cây su su được dùng làm rau rất phổ biến, được người dân địa phương gọi là “rau râu rồng”, được dùng cùng lá non để luộc, xào và nấu canh.
-Ở vùng núi phía Bắc Thái Lan, người dân tộc Miao gọi cây su su là “dưa núi” đọt và lá non của nó được thu hoạch dùng để làm rau luộc, xào và nấu canh.

Rau đọt su su được bán ở Tam Đảo

Món rau đọt su su

Su su xào thịt

Su su nấu canh gà
+Quả su su dùng làm rau
Quả su su trưởng thành hoặc già được dùng làm rau phổ biến trên thế giới.
-Dùng để ăn sống (ít phổ biến)
Do mùi vị nhạt nhẻo và có độ nhớt nên rất ít được dùng để ăn sống. Tuy nhiên ở vài nước thuộc Nam Mỹ đôi khi phần thịt quả thái mỏng được bóp giấm để làm rau sống ăn như các món salad hoặc salsas.
-Dùng làm rau nấu chín (rất phổ biến)
-Ở Việt Nam quả su su dược dùng đề luộc, xào, nấu canh, hầm thịt…dược xem là món ăn sang trọng và bổ dưỡng (do chỉ trồng được ở vùng cao nên khá hiếm). Các món ăn phổ biến ở Việt Nam là quả su su xắt mỏng xào thịt, xào trứng, nấu canh (mặn hay chay) và su su xắt miếng hầm với thịt gà, sườn, xương ống…
-Ở Philippines cây su su có tên là "Sayote" và được trồng chủ yếu trên phần núi của đất nước như Thành phố Baguio và các bộ phận của khu hành chính Cordillera . Su su được sử dụng trong nhiều loại món ăn như súp, rau xào và món suey của người Hoa.
-Ở Indonesia su su được gọi là “Labu Siam” và quả được dùng trong các món xào, nấu.
-Ở Tamilnadu, Nam Ấn Độ, cây su su được gọi là "Chuw Chuw" và quả của nó gọi là 'Bangalore brinjal' được sử dụng rộng rãi trong nấu ăn hàng ngày như các món su su hầm thịt "Saambar" hoặc "Kootu".
-Ở Nepal , cây su su được gọi là ‘iskus’, đọt non, quả và củ được sử dụng rộng rãi để nấu các món cà ri.
-Ở Brazil và các nước Mỹ Latinh khác, quả su su được tẩm bột và chiên, hoặc được sử dụng nấu trong món salad, súp và soufflés.
Cho dù dùng sống hoặc nấu chín, quả su su là một nguồn cung cấp axit amin và vitamin C rất tốt.
+Rể cây su su dùng như một loại khoai
Các củ hình thành ở rễ các cây trồng 2-3 năm, có củ nặng 200g - 1 kg.
Ở Nam Mỹ và một số nước Châu Á, củ của cây su su được ăn như khoai tây và các loại rau củ khác, một số nơi dùng rể cây su su để cung cấp chất bột cho gia súc.

Rể (củ) cây su su
b-Các bộ phận của cây su su được dùng làm thuốc
+Theo Đông y, lá và quả cây su su có tác dụng lợi tiểu , điều hòa tim mạch và có đặc tính chống viêm , và trà làm từ lá cây đã được sử dụng trong điều trị xơ cứng động mạch và cao huyết áp , và để hòa tan sỏi thận.
Lá có tác dụng thanh nhiệt tiêu thũng.
Ở Trung Quốc, lá được dùng trị sang dương thũng độc.
+Theo Tây y, từ thời thuộc địa trên bán đảo Yucatán đã phát hiện tác dụng chữa bệnh thận rất hiệu quả của quả su su. Trong y học hiện đại quả su su được nghiên cứu để làm tan sỏi thận và để hỗ trợ trong điều trị xơ cứng động mạch, cao huyết áp và làm giảm bí tiểu. 
Tài liệu đọc thêm

                                                                        Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
5-http://vinhphuc.tourism.vn/index.php?cat=1505&itemid=247

Xem Video: Trồng cây su su ở Nam Mỹ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét