Dây mướp


DÂY MƯỚP

Mô hình dây mướp

Dây và quả mướp hương
-Tên gọi khác: Mướp ta, mướp hương, mướp gối, mướp Ai Cập.
-Tên tiếng Anh: Smooth Luffa , Egyptian Luffa. Sponge Gourds, Vegetable Sponge, Wash Sponge, Gourd Towel, Dishcloth Gourd, Loofah Gourd
-Tên khoa học: Luffa aegyptiaca Mill.
-Tên đồng nghĩa: Luffa aegyptica (lapsus), Luffa cylindrica (L.) Roem.
-Các loài tương cận:
-Mướp khía, mướp tàu (Luffa acutangula).
-Mướp xơ (Luffa operculata).

Phân loại khoa học


Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
Ngành (divisio):
Thực vật có hoa (Magnoliophyta)
Lớp (class):
Thực vật hai lá mầm (Magnoliopsida)
Bộ (ordo):
Bầu bí (Cucurbitales)
Họ (familia):
Bầu bí (Cucurbitaceae)
Chi (genus):
Mướp (Luffa)
Loài (species):

Phân bố

Chi Mướp (Luffa) bao gồm các loài dây leo sống một năm ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Chi này được biết có 5 loài với khoảng 8 giống (varieties), trong đó có ít nhất 2 loài được dùng làm rau ăn quả phổ biến ở Châu Á và Châu Phi đó là:
-Loài Mướp khía, mướp tàu (Luffa acutangula) với 3 giống.
-Loài Mướp hương, mướp Ai Cập (Luffa aegyptiaca) với 2 giống. Đó là giống mướp hương Luffa aegyptiaca aegyptiaca được trồng làm rau phổ biến và giống Mướp hoang Miến Điện (Luffa aegyptiaca leiocarpa) cũng được khai thác làm rau ăn.
Tên Latin của Chi mướp (Luffa) được các nhà phân loại Châu Âu đặt từ thế kỷ thứ 18 từ nguồn gốc tên chữ Á Rập “lūf ”.
Loài Mướp hương, mướp Ai Cập (Luffa aegyptiaca) có nguồn gốc xuất xứ từ Bắc Phi. Được giới thiệu và trồng ở nhiều nước nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc Châu Phi và Châu Á.
Cây Mướp hương được trồng ở khắp các nước thuộc vùng Nam Á, Đông Nam Á, và cả ở Đông Bắc Á, như Trung Quốc và Nhật Bản.

Mô tả

Mướp là một loại cây thảo dạng dây leo. 
-Thân: Dây leo bằng tua cuốn phân nhánh, thường 4-5 nhánh; tua cuốn màu xanh lục nhạt có tiết diện đa giác, có lông ngắn màu trắng, mặt trên có rãnh ở giữa. Thân dài 5-10 mét. Thân có màu xanh lục nhạt, tiết diện đa giác, có 5 gân dọc, rải rác có lông ngắn màu trắng. 
-Lá:  đơn, mọc cách. Phiến lá hình trái xoan, đáy hình tim, dài 8-16 cm, rộng 7-20 cm, xẻ 5-7 thùy cạn theo kiểu chân vịt, thùy có dạng tam giác đỉnh có mũi nhọn, thùy giữa to hơn các thùy còn lại; mép lá có răng cưa. Lá màu xanh lục đậm ở mặt trên, nhạt ở mặt dưới, ở 2 mặt phủ đầy lông nhám màu trắng. Gân lá chân vịt với 5-7 gân chính nổi rõ ở mặt dưới, gân phụ tạo thành hình mạng. Cuống lá có tiết diện đa giác, màu xanh lục, dài 5-7 cm, mặt trên có rãnh ở giữa, có lông ngắn màu trắng và có 6 gân dọc.
-Hoa: Đều, đơn tính cùng gốc, mẫu 5, đôi khi mẫu 6. 
Hoa đơn tính, các hoa đực tập hợp thành chùm dạng chùy, các hoa cái mọc đơn độc. Ở nách lá có hệ thống đặc biệt, gồm có: 1 hoa cái riêng lẻ; 1 cụm hoa đực dạng chùm gồm 12-20 hoa; 1 tua cuốn phân nhánh; 1 vảy cứng màu xanh lục, kích thước 0,5-0,8 cm x 0,5-0,8 cm, mặt dưới có nhiều đốm tuyến tròn màu xanh lục đậm.
-Hoa đực: Cuống hoa có tiết diện đa giác, màu xanh lục, dài 0,8-1,3 cm, phủ đầy lông tơ màu trắng, trên cuống có khớp cách đài hoa 0,5 cm, đoạn khớp có màu nhạt hơn. Lá bắc dạng vảy hình bầu dục màu xanh lục, kích thước 0,5 x 0,3 cm, mặt dưới có đốm tuyến tròn màu xanh lục đậm và có ít lông tơ trắng. Lá đài 5-6, đều, màu xanh lục nhạt, phủ đầy lông tơ trắng; ống đài hình chuông cao 0,5 cm, có 10 đường gân dọc; 5 thùy hình tam giác cao 1-1,5 cm, rộng 0,8-1 cm, mỗi thùy có 3 gân dọc, đôi khi mặt dưới có vài đốm tuyến tròn màu xanh lục đậm . Tiền khai đài van. Cánh hoa 5-6, đều; mặt trên vàng đậm , mặt dưới vàng nhạt; dính nhau phía dưới khoảng 0,2-0,3 cm và dính vào lá đài, sau khi tách khỏi đài tràng hoa chia 5 thùy kích thước 3,5-5 cm x 2-2,5 cm, đỉnh mỗi thùy chia 2 thùy cạn tròn và giữa 2 thùy này có mũi nhọn; bìa nhăn, 2 mặt phủ đầy lông dài màu trắng, mặt dưới có 5-7 gân màu xanh lục nhạt. Tiền khai cánh hoa lợp. Nhị 5-6, đều, rời, đính ở nơi tiếp giáp giữa đài và tràng trên 1 vòng xen kẽ cánh hoa. Chỉ nhị dạng sợi màu vàng nhạt, dài 1 cm, gốc hơi phình ra và có nhiều lông trắng như nhung. Bao phấn cong queo, màu vàng, cao 0,3 cm, 1 ô, hướng ngoại, đính giữa, mở bằng một đường nứt cong queo, chung đới nở rộng.
Hạt phấn rời, màu vàng nhạt, hình cầu có 2-3 lỗ, hay hình bầu dục có 2 rãnh dọc, kích thước 100-120 µm. Đĩa mật to, màu vàng, chia 5 thùy xen kẽ nhị, nằm trên đế hoa và dưới nhị. 
Hoa cái: Cuống hoa hình trụ, màu xanh lục, có ít lông ngắn, dài 5-15 cm. Lá đài 5-6, đều, màu xanh lục, có ít lông tơ trắng; ống đài cao 0,1 cm; 5-6 thùy hình tam giác cao 1,5 cm, rộng 0,5-1 cm, mỗi thùy có 3 gân dọc, mặt dưới có nhiều đốm tuyến tròn màu xanh lục đậm. Tiền khai đài van. Cánh hoa tương tự như hoa đực. Lá đài và cánh hoa dính nhau ở phần ống và dính vào bầu noãn. Lá noãn 3, bầu dưới 3 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trắc mô đặc biệt. Bầu noãn hình trụ màu xanh lục, dài 6-8 cm, phủ đầy lông mịn màu trắng, có 10 sọc dọc và có những đốm đen; 1 vòi nhụy hình trụ dài 1 cm, màu xanh lục; 3 đầu nhụy màu vàng nhạt, nở rộng, cong về phía dưới, mặt trên có rãnh giữa. Nhị lép là những vảy hình tam giác màu trắng, có nhiều lông mịn màu trắng, đính ở nơi tiếp giáp giữa đài và tràng. Đĩa mật dạng khoen màu vàng, chia 3 thùy, bao quanh gốc vòi nhụy. 
-Quả: Quả hình thoi hay hình trụ, màu xanh lục, dài 0,3 - 0,9 m. Trên vỏ quả có 10 đường gân dọc màu xanh đậm và những đốm màu đen, khi già thì khô, bên trong có nhiều xơ dai. Quả Mướp thường dùng ăn chữa được chứng đậu sởi, khỏi lở sưng đau nhức, lại kích thích sự tiết sữa ở các bà mẹ đang nuôi con và tăng cường sự tuần hoàn.
-Hạt: Hạt hình trứng dẹp, 2 đầu tròn, màu đen, dài 1-1,2 cm, có rìa.
Cây mướp hương được trồng để lấy quả xanh và được dùng như một loại rau, hoặc được trồng làm cảnh. Xơ từ quả chín được dùng làm vật cọ rửa.
Mướp hương cũng được sử dụng trong đông y.
Các loài thuộc chi Mướp bị ấu trùng của một số loài côn trùng thuộc bộ cánh vẩy (Lepidoptera) phá hoại, chẳng hạn Hypercompe albicornis.

Thành phần hóa học

Quả, lá và cành chứa các Saponin triterpen có tên chung là luciosid.
Trong quả chứa chất đắng, saponin, chất nhầy, xylan, mannan, galactan, lignin, mỡ, protein 1,5%.
Trong quả tươi có nhiều choline, phytin, các acid amin tự do: lysin, arginin, acid aspartic, glycin, threonin, acid glutamic, alanin, tryptophan, phenylalanin và leucin.
Hạt chứa một chất đắng là cucurbitacin B, một saponin đắng kết tinh khi thuỷ phân cho acid oleonolic và một sapogenin trung tính; còn có một saponin khác.
Dầu hạt mướp có khoảng 35,5% các acid chủ yếu là palmitic, stearic, oleic, linoleic, trong đó acid linoleic chiếm 50 -70%.
Rễ mướp chứa nhiều vitamin B và C muối khoáng (nitrat kali), các men ribonuclease và acid bryonilic. Hoa mướp cái có β sitosterol, apigenin và acid oleanolic.
Trong các bộ phận ăn được của cây mướp không phát hiện thấy độc tố.

Công dụng

a-Đọt, lá non và quả mướp được dùng làm rau
1-Đọt và lá non dây mướp được dùng làm rau luộc, xào, nấu canh
Do đọt và lá non của dây mướp hương có vị hơi đắng và nhớt nên không được dùng để ăn sống mà được luộc, xào  hoặc nấu canh cùng nhiều loài rau khác.
2-Quả mướp hương được dùng làm rau
Quả mướp là bộ phận chính được dùng làm rau ở nhiều nước Châu Phi và Châu Á.
+Ở Việt Nam
1-Quả mướp hương được dùng là rau luộc hoặc hấp cơm
Quả mướp non được luộc hoặc hấp cơm khi chín mềm dùng chấm nước chấm hoặc nước thịt, cá kho, mắm chua, mắm tôm…
2-Quả mướp non được xào
Quả mướp non gọt vỏ, xắt miếng theo cách chẻ dọc hoặc xắt ngang để xào với nhiều món như lòng vịt, mực, tôm, thịt…
3-Quả mướp được dùng để nấu canh
Quả mướp gọt bỏ vỏ, cắt xéo để nấu món canh mướp, có thể nấu với nước cốt dừa. Món canh mướp rất phổ biến ở Nam Bộ Việt Nam.
4-Bông mướp luộc, xào, nấu canh
Bông bí là món ăn ngon, dược dùng để luộc, xào, nấu canh, nhúng lẫu là món ăn hấp dẫn ở Nam Bộ Việt Nam.
+Ở nước ngoài
Ở Nhiều nước Châu Phi và Châu Á các bộ phận cây mướp như đọt non, lá non và quả cũng được dùng làm rau như ở Việt Nam.
Các cách sử dụng khác như:
-Ở Ấn Độ quả mướp được dùng trong món nấu cà ri hoặc được chiên với bột đậu xanh để làm bữa ăn nhẹ (bhajji).
-Ở Canada quả mướng non luộc còn được gọi là đậu bắp Trung Quốc.
b-Các bộ phận của cây mướp được dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Các bộ phận của cây mướp, như lá mướp (ty qua diệp), dây mướp (ty qua đằng), xơ mướp (ty qua lạc) đều là những vị thuốc có thể sử dụng để trị nhiều bệnh khác nhau.
1-Lá mướp có vị ngọt, chua, mát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, chỉ khái, giải độc, chỉ huyết.
Lá dùng trị ho gà, ho, nắng nóng miệng khát; dùng ngoài trị vết thương chảy máu ghẻ lở, bệnh mụn. Lá sắc với cây cứt lợn, uống chữa phù thũng. Dùng ngoài, lá tươi giã nát, ép lấy nứơc bôi chữa chốc lỡ đầu, mẫn ngứa do giời leo. Lá vò nát còn chữa bệnh zôna.
2-Quả mướp thường gọi là Sinh ty qua có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, hóa đàm, lương huyết, giải độc.
Quả Mướp hương non được dùng làm thực phẩm, có tác dụng làm tăng tiết sữa cho phụ nữ sau khi đẻ và làm máu lưu thông, giúp nhuận tràng.
3-Hạt mướp dùng trị ho nhiều đờm, giun đũa, đái khó.
4-Xơ mướp thường gọi là Ty qua lạc có vị ngọt tính bình, có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, thanh nhiệt, hóa đàm, lợi thủy, tiêu thũng.
Xơ Mướp thường dùng trị gân cốt đau nhức, đau mình mẩy ngực sườn, bế kinh, sữa chảy không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thũng, chữa trĩ ra máu, rong huyết, rong kinh, kiết lỵ, tiêu chảy ra máu.
5-Thân cây mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết thông lạc, thanh nhiệt giải độc.
Dây Mướp dùng trị đau lưng, ho, viêm mũi, chảy nước mũi có mùi hôi, viêm nhánh khí quản.
6-Gốc cây mướp trị viêm xoang, viêm mũi, mũi ngứa, chảy nước mũi, nước mũi có mùi hôi, tanh.
7-Rễ mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, thanh trừ nội nhiệt, nhuận tràng, trị phế ung, viêm mũi, viêm xoang, ho, đau nửa đầu, viêm tuyến vú.
Rễ dùng trị viêm mũi, viêm các xoang phụ của mũi, đau nửa đầu, viêm tuyến vú, ho đau lưng, trúng phong.

Món mướp luộc

Món mướp xào

Nụ hoa mướp xào mề gà

Canh mướp


+Ở nước ngoài
Ở nhiều nước Châu Á và Châu Phi người ta dùng nước ép quả mướp để trị chứng bệnh vàng da. Cách lấy nước ép: Dùng quả mướp đập dập hoặc đâm nhuyễn, dùng vải lược vắt lấy nước uống. Ngoài ra hạt và võ quả khô ngâm nước rồi đâm nát, vắt lấ nước uống cũng có tác dụng tương tự.
c-Các công dụng khác của cây mướp hương
-Xơ mướp được dùng như bọt biển trong nhà bếp và nhà tắm ở nhiều nước.
-Paraguay, xơ mướp được làm vật liệu đệm để tạo thành ván ép dùng trong trang trí nội thất.

Các bài thuốc từ cây mướp hương

1-Lá mướp trị ho cấp tính và mạn tính, nhiều đờm, đờm dính máu
 Hằng ngày dùng 10 - 15g, sắc uống; hoặc lấy lá tươi, rửa sạch, thêm chút muối ăn, giã nát, vắt lấy nước uống, trị viêm họng, họng sưng đau. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
2-Lá mướp trừ phù thũng, trị mụn nhọt sưng đỏ
Có thể lấy lá bánh tẻ, rửa sạch, giã nát, đắp lên mụn nhọt hoặc lên vết thương để tiêu viêm, tiêu sưng. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
3-Quả mướp dùng dể thanh nhiệt, hóa đàm, lương huyết, giải độc
Dùng quả non, khi quả ra được khoảng 20 ngày, hái về thái mỏng, sao vàng, sắc uống có tác dụng trừ đờm, trị ho, hen,  khó thở. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
4-Xơ Mướp dùng trị gân cốt đau nhức, đau mình mẩy ngực sườn, bế kinh, sữa chảy không thông, viêm tuyến sữa, thuỷ thũng.
Có thể lấy những quả mướp chín, già, khô trên giàn; hoặc hái các quả mướp già, phơi khô hoặc sấy khô, bóc bỏ vỏ, bỏ hạt. Khi cần nhiều xơ mướp, có thể, sau khi thu hái các quả mướp già, bó lại thành bó, ngâm xuống nước vài ngày cho thịt mướp rữa ra, sau đó rửa sạch xơ, rồi đem phơi khô, sấy khô.
Lấy xơ này, cắt thành từng đoạn 1 - 2cm, sao vàng, nghiền thành bột mịn, uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 8 - 10g, để thông kinh, hoạt lạc, trừ phong thấp, lợi tiểu, giải độc. Dùng trong các trường hợp đau tức sườn ngực, đau cơ.
Xơ mướp đem sao đen, sao tới khi toàn bộ phía ngoài có màu đen, bên trong vẫn còn màu vàng, tán thành bột mịn, uống với nước ấm, ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 4 - 8g, có tác dụng cầm máu, giảm đau. Dùng trị trĩ ra máu, đại tiện ra máu, xuất huyết tử cung… Ngoài ra để thúc sởi chóng mọc, dùng xơ mướp 20g; kinh giới, bạch chỉ, kim ngân, mỗi thứ 12g; cỏ mần trầu 8g; cam thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 2 lần. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
5-Thân mướp dùng làm thông mũi, trị bệnh viêm mũi mạn tính, viêm cuốn mũi
Sau khi thu hái, đem phơi khô, cắt thành từng đoạn 3-5cm, sao vàng, nghiền thành bột mịn uống với nước sôi để nguội, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8-12g. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
6-Gốc cây mướp trị viêm xoang, viêm mũi, chảy nước mũi, nước mũi có mùi hôi, tanh
Sau khi rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài, thái nhỏ, sao vàng, sắc uống có tác dụng tiêu viêm. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
7-Rễ mướp thông kinh, hoạt lạc, thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, thanh trừ nội nhiệt, nhuận tràng, trị phế ung, viêm mũi, viêm xoang, ho, đau nửa đầu, viêm tuyến vú.
Ngày 15-30g dưới dạng sao vàng, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm. (theo GS.TS Phạm Xuân Sinh).
8-Nước dây mướp - giữ ẩm, làm dịu da
Cắt dây mướp cách gốc 2-3 mét, để một lọ phía dưới hứng nhựa dây mướp chảy vào. Pha với rượu trắng để bảo quản, bạn có thể cất trữ trong tủ lạnh dùng quanh năm.
Nước dây mướp có tác dụng làm mềm da, giúp da giữ ẩm rất tốt. Loại này hợp với mọi loại da, nhất là da khô, có công dụng trị nếp nhăn và tàn nhang. (theo BS. Nông Thúy Ngọc, Nông Nghiệp Việt Nam).
9-Trị ít sữa
Người ta dùng chân giò lợn nấu với Mướp để ăn. (theo thuocdongy.com).
10-Chữa phụ nữ kinh nguyệt không thông hoặc không hành kinh được, máu xung lên tâm
Xơ Mướp đốt tồn tính uống vào lúc sáng, trưa, đói lòng, với rượu. (theo thuocdongy.com).
11-Chữa tắc tia sữa
Dùng quả Mướp khô cả hạt, đốt tồn tính, tán bột, uống với rượu, mỗi lần 8g và dùng xoa bóp ngoài. (theo thuocdongy.com).
Tài liệu cần đọc thêm

Dàn mướp trồng ở vùng quê Nam Bộ

                                                                                                           Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo
8-http://www.lrc-hueuni.edu.vn/dongy.../thuocdongy/.../Muop.htm

Xem Video: Công dụng của mướp




Xem Video: Mô hình trồng mướp hương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét