Cây bưởi

CÂY BƯỞI



Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 2/4/2014

Cây bưởi
-Tên gọi khác: Cây bòng (Miền Bắc)
-Tên tiếng Anh: Pomelo, Shaddock.
-Tên khoa học: Citrus maxima Merr., 1917
-Tên đồng nghĩa: Citrus grandis L.
-Các loài tương cận:
Bưởi chùm (Citrus paradisi)
Chanh ta (Citrus aurantifolia)
Cây quít (Citrus reticulata)
Cam ngọt (Citrus × sinensis)
Thanh yên, phật thủ (Citrus medica)

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Giới (regnum)
Thực vật (Plantae)
(không phân hạng)
Thực vật có hoa (Angiospermae)
(không phân hạng)
Thực vật 2 lá mầm thực sự (Eudicots)
(không phân hạng)
Nhánh Hoa hồng (Rosids)
Bộ (ordo)
Bồ hòn (Sapindales)
Họ (familia)
Cữu Lý hương (Rutaceae)
Chi (genus)
Cam chanh (Citrus)
Loài (species)
Citrus maxima

2-Nguồn gốc và phân bố

-Chi Cam chanh (Citrus) là một chi thực vật có hoa trong họ Cửu lý hương (Rutaceae), có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ở đông nam Châu Á.
-Bưởi (Citrus maxima hay Citrus grandis) có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, là một loại quả thuộc chi Cam chanh, thường có màu xanh lục nhạt cho tới vàng khi chín, có múi dày, tép xốp, có vị ngọt hoặc chua ngọt tùy loại.
Bưởi tiếng Anh gọi là Pomelo, tuy nhiên nhiều từ điển ở Việt Nam dịch bưởi ra thành grapefruit, thực ra grapefruit là tên gọi bằng tiếng Anh của Bưởi chùm (Citrus paradisi) - loại cây lai giữa bưởi và cam, có quả nhỏ hơn, vỏ giống cam, mùi bưởi, ruột màu hồng, vị chua hơi đắng. Sai lầm dẫn này đến lỗi tiếng Anh của nhiều người khác.
Ở Việt Nam, Bưởi có nhiều kích thước tùy giống, chẳng hạn bưởi Đoan Hùng chỉ có đường kính độ 15 cm, trong khi bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều (Biên Hòa), bưởi da xanh (Bến Tre) và nhiều loại bưởi khác thường gặp ở Việt Nam, Thái Lan có đường kính khoảng 18-20 cm.

3-Mô tả

Bưởi thuộc loài cây thân gổ nhỏ, sống đa niên (có thể đến 30 năm).
-Thân: Bưởi là loài cây to, cao trung bình khoảng 3-4 m ở tuổi trưởng thành, vỏ thân có màu vàng nhạt, ở những kẽ nứt của thân đôi khi có chảy nhựa.
- Cành: Cay có nhiều cành, cành có gai dài, nhọn.
- Lá: Lá có gân hình mng, phiến lá hình trứng, dài 10 -12 cm, rộng 5-6 cm, hai đầu tù, nguyên, dai, cuống có dìa cánh to.
- Hoa: Hoa thuộc loại hoa kép, đu, mọc thành chùm 6-10 bông.
- Quả: Quả hình cầu to, vỏ dày, màu sắc tùy theo giống.
- Hạt: Hạt màu trắng vàng, hình không cân đối, mỗi múi bưởi có từ 2-5 hạt.

Chùm hoa bưởi

Chùm quả bưởi Tân Triều (Đồng Nai)


Quầy bưởi Tân Triều

4-Thành phần dinh dưỡng

+Theo nguồn phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA):

Giá trị dinh dưỡng trên 100 g bưởi
159 kJ (38 kcal)
9,62 g
1 g
0,04 g
0,76 g
0.034 mg (3%)
0.027 mg (2%)
0,22 mg (1%)
0,036 mg (3%)
61 mg (73%)
0,11 mg (1%)
6 mg (2%)
0.017 mg (1%)
17 mg (2%)
216 mg (5%)
1 mg (0%)
0,08 mg (1%)
Liên kết đến USDA nhập cơ sở dữ liệu 
Ghi chú! Tỷ lệ % đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể người lớn.

+Theo nguồn phân tích của Trung Quốc:

Giá trị dinh dưỡng trung bình trong mỗi 100 g
phần ăn được của múi bưởi

Calo
25-58
Độ ẩm
84,82-94,1 g
Protein
0,5-0,74 g
Chất béo
0,2-0,56 g
Carbohydrate
6,3-12,4 g
Sợi
0,3-0,82 g
Tro
0,5-0,86 g
Canxi
21-30 mg
Phốt pho
20-27 mg
Sắt
0,3-0,5 mg
Vitamin A
20 IU
Thiamine
0,04-0,07 mg
Riboflavin
0,02 mg
Niacin
0,3 mg
Acid ascorbic
30-43 mg

5-Công dụng của bưởi
5.1-Quả bưởi được dùng làm rau
+Quả bưởi được dùng làm rau chua
Quả bưởi già hoặc đã chín được người Việt Nam dùng như một loại rau có vị chua ngọt, được chế biến thành các món nộm, gỏi. Ở Miền Nam món gỏi bưởi rất phổ biến từ các nhà vườn ở nông thôn cho đến các nhà hàng sang trọng.
Gỏi bưởi là món ngon miền Tây Nam Bộ nhưng bây giờ đã trở thành món ngon của nhiều vùng khác. Cách làm rất dễ cũng như tùy theo sự khéo léo bạn có thể thêm bớt tùy thích.
Nguyên liệu:
Bưởi lượng vừa đủ
Tôm luộc chín tách vỏ
Thịt (ba rọi hay thịt nạc) luộc chín cắt mỏng
Rau thơm, rau răm, ớt trộn gỏi
Gia vị trộn gỏi: Dầu ăn, tiêu, muối, chanh.
Cách làm:
Bưởi tách lấy phần ruột và tách nhỏ.
Trộn đều với tôm, thịt, rau, ớt:
Làm nước trộn: Quậy tan khoảng 2 muỗng canh dầu oliu, ¼ muỗng cà phê muối, chút tiêu và chút chanh. Nếm lại sao cho vừa ăn là được. 
Trước khi dùng trộn đều nước trộn vào phần tôm, thịt, bưởi, rau. 
Cho ra dĩa hay cho vào phần vỏ bưởi, trang trí thêm rau cho đẹp mắt:
Mách nhỏ:
Các bạn có thể dùng bất cứ loại bưởi, cam nào tùy thích.
Phần nước trộn các bạn có thể làm nước mắm chua chua như các loại gỏi bình thường vẫn ngon.
Ngoài ra bạn cũng có thể thêm hành phi, đậu phộng rắc lên trên tùy thích nhé!
Theo  aFamily

Múi bưởi dùng làm nguyên liệu trộn gỏi
Gỏi bưởi tôm thịt

+Cùi bưởi được dùng làm thức ăn
Cùi bưởi (phần thịt trắng phía trong vỏ bưởi) có thể dùng như một loại rau thơm để xào, nấu nhiều món ăn như:
-Chè bưởi.

Chè bưởi
-Món ăn chay từ cùi bưởi.

Cùi bưởi làm nguyên liệu để nấu ăn
-Nem chay từ cùi bưởi.

Nem chay từ cùi bưởi
5.2-Quả bưởi là một loại trái cây ngon
a-Quả bưởi được dùng để ăn tươi
Quả bưởi chín là loại trái cây giàu dinh dưỡng và có hương vị ngọt thanh rất được nhiều người ưa thích. Bưởi là loại cây ăn quả quen thuộc với người Việt Nam, đặc biệt ở Nam Bộ. Quả bưởi là món ăn tráng miệng giàu vitamin. Hương hoa bưởi thơm thoang thoảng, đậm đà. Bưởi không chỉ là loại cây ăn trái bổ, rẻ tiền mà còn nhiều ứng dụng trong y học.
Quả bưởi vừa là thức ăn ngon vừa là bài thuốc tốt về dinh dưỡng cho mọi lứa tuổi.

Quả bưởi da xanh chín


Múi bưởi
b-Các thức ăn chế biến từ quả bưởi
Nước giải khát từ nước ép quả bưởi rất được ứa thích ở các quán giải khát sang trọng.
Quả bưởi còn là loại trái cây đóng hộp rất thịnh hành.

Món sà lách bưởi
Nước bưởi ép
5.3-Các bộ phận cây bưởi dùng làm thuốc
+Theo Đông y:
Theo bác sĩ Phạm Hồng Nga, Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh thì từ thân đến lá, hoa, quả, vỏ quả và hạt bưởi đều là thuốc trị bệnh cho người.
a-Lá bưởi có vị đắng, cay, có mùi thơm, tính ấm. Có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng.
Lá bưởi tươi có khả năng sát khuẩn, dùng chữa cảm cúm.
Trong dân gian dùng lá bưởi tươi nấu với nhiều lá thơm khác để xông, tắm chữa cảm cúm, nhức đầu rất có hiệu quả.
Lá bưởi non nướng chín để nắn, xoa bóp chỗ đau làm cho tan máu ứ, say khớp, sưng, bong gân, gãy xương do chấn thương, sau đó lấy lá nguyên, tươi giã nhuyễn bó vào chỗ tổn thương.
Lá bưởi già chữa cảm, sốt, ho hắt hơi, kém ăn, sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại, ngày dùng 10-20 gam lá tươi sắc uống.
Một số bài thuốc từ lá bưởi:
1- Chữa cảm sốt: Lá bưởi tươi dùng chung với nhiều loại lá thơm khác như xả, tía tô, kinh giới, bạc hà… mỗi thứ một nắm nấu sôi rồi xông hơi từ 5-10 phút trị cảm sốt, cả hai thể phong hàn và phong nhiệt. (Theo kinh nghiệm dân gian).
2- Chữa cảm cúm, đau đầu: Dùng lá bưởi tươi, nấu với các lá có tinh dầu thơm (lá chanh, lá sả, hương nhu...) để xông. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
3- Chữa đau đầu: Dùng 2 lá bưởi, 2 củ hành giã nát, đắp vào hai bên thái dương, dùng băng dính cố định. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
4- Chữa đau nhức xương: Lấy 5 lá bưởi và 4 lát gừng tươi giã nát, trộn với dầu cây trẩu đắp vào chỗ đau, dùng băng dính cố định lại. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
5-Chữa cảm cúm, nhức đầu, sốt ho, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi: dùng các vị sau: lá bưởi 50 g, lá sả, lá hương nhu, lá tre mỗi thứ 20 g. Tất cả cho vào nồi, lấy lá chuối bịt kín miệng nồi, đun sôi 5 phút rồi đem xông. Khi xông cần chú ý rạch lá chuối từ từ cho hơi nóng bốc vừa phải. Trùm chăn kín cho người bệnh, xông trong vòng 10 phút, đến khi mồ hôi ra nhiều thì thôi và mở chăn ra từ từ. Sau đó dùng khăn mặt khô lau hết mồ hôi, tránh hướng gió lùa và đề phòng bỏng. Nhớ không được xông khi người bệnh yếu quá và khi mồ hôi ra nhiều. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống).
6- Chữa áp xe vú: Lá bưởi, thành bì 30 g, bồ công anh 30 g, sắc uống hằng ngày, chữa áp xe vú. (Theo giadinh.net.vn).
b-Hoa bưởi: Có tác dụng hành khí, tiêu đờm, giảm đau, dùng để chữa các chứng đau dạ dày, đau tức ngực với liều từ 2-4 g, sắc uống.
Hoa bưởi ngâm rượu trắng sau một thời gian thành tinh dầu bưởi rất thơm.
Hoa bưởi dùng làm nước hoa, kết hợp với quế, hồi… để tạo hương cho thức ăn.
c-Vỏ bưởi: Chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, ho, ngày dùng 4 -12 g dưới dạng thuốc sắc. Vỏ gọt càng mỏng càng tốt và đem phơi trong nắng râm cho thật khô.
Vỏ quả khô chữa ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng, ho.
Một số bài thuốc từ vỏ bưởi:
1- Chữa chứng ăn không tiêu, đau bụng, ho: ngày dùng 4 -12 g vỏ quả bưởi ở dạng thuốc sắc. (Theo BS Ngô Trường Giang - Sức Khoẻ & Đời Sống).
2- Chữa đau bụng, đầy bụng, ăn uống không tiêu: Lấy vỏ bưởi khô sao vàng thơm 12 g, vỏ quýt sao thơm 12 g, gừng tươi 3 lát, sắc với 300 ml nước lấy 100ml, chia làm hai lần uống trong ngày, dùng nóng. (Theo ykhoa.net).
3- Chữa hen suyễn: Vỏ bưởi đào 20 g, bách hợp 40 g, đường kính trắng 40 g. Sắc với nước trong 2 giờ (đun nhỏ lửa), bỏ bã, gạn lấy nước uống nhiều lần trong ngày, uống liên tục 9 ngày liền, nghỉ 2-3 ngày xong lại sắc uống tiếp. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
4- Chữa đầy bụng, ăn không tiêu: Vỏ bưởi 12 g, màng mề gà 10 g, sơn tra 10 g, sa nhân 6 g. Sắc uống 3 lần trong ngày, mỗi lần uống 50-60 ml. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
5- Chữa vàng da: Vỏ bưởi sao cháy đen, tán thành bột mịn, pha nước để uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 5-10 g. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
6- Chữa phù thũng:
(1) Vỏ bưởi đào, mộc thông, bồ hóng mỗi thứ 20 g; cỏ bấc 8 g, diêm tiêu 12 g, sắc uống ngày 2 lần vào lúc đói, 50-60 ml một lần. Trước và sau khi uống nên ăn một khẩu mía. (Theo BS Huy Tùng -Sức Khỏe & Đời Sống).
(2) Vỏ bưởi khô, ích mẫu, 02 vị bằng nhau tán nhỏ, uống mỗi lần 08 gam với rượu khi đói, hoặc mỗi vị từ 20-30 gam xắc uống sẽ trị được bệnh phù thủng. (Theo bentre.gov.vn).
(3) Vỏ bưởi đào 600 gam, cỏ roi ngựa 500 gam, bồ hóng bếp 400 gam, bích ngọc đơn 400 gam, ích mẫu 300 gam, hồi hương 200 gam, quế thanh 200 gam, phèn chi 200 gam, phèn chua 200 gam. Tán thành bột làm hoàn, uống mỗi ngày 20 gam sẽ giúp tiêu phù. Vỏ bưởi khô, đốt và hơ vào rốn sẽ chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh. (Theo bentre.gov.vn).
7- Chữa đau dạ dày: Vỏ bưởi đào, vỏ quít, lá dạ cẩm, 3 vị bằng nhau, tán nhỏ. Dùng 10/ngày, mỗi lần uống 05 gam sẽ trị được bệnh dạ dày. Vỏ quả bưởi the 12 gam, đọt lá muồng trâu 20 gam, vỏ cây đại 20 gam, sắc với 02 chén nước còn 01 chén, uống hết 01 lần sẽ là thuốc tẩy giun sán trong ruột. (Theo bentre.gov.vn).
d-Cùi bưởi (phần thịt trắng của vỏ quả): Vị ngọt đắng, tính ấm, tác động vào tỳ, thận và bàng quang, công dụng hóa đàm, tiêu thực, hạ khí và làm khoan khoái lồng ngực.
Một số bài thuốc từ cùi bưởi:
1- Chữa đau bụng do lạnh: cùi bưởi, trà, thang đằng hương. Các vị sấy khô tán bột, uống 6 g mỗi lần. (Theo giadinh.net.vn).
2- Chữa phụ nữ mang thai nôn nhiều: cùi bưởi 4-12 g sắc uống. (Theo giadinh.net.vn).
3- Chữa chứng ho hen ở người già: cùi bưởi thái vụn, hấp cách thủy với kẹo mạch nha hoặc mật ong, ngày ăn 2 lần vào buổi sáng, mỗi lần một thìa. Hoặc cùi bưởi thái chỉ, hãm với nước sôi uống thay trà. (Theo giadinh.net.vn).
4- Chữa viêm loét ngoài da: Cùi bưởi tươi sắc lấy ngâm rửa. (Theo giadinh.net.vn).
e- Múi bưởi
Dùng để trị đau đầu, mỗi ngày ăn 100-150 g. Người bị đau đầu nặng, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, rêu lưỡi. Thái vụn  500 gmúi bưởi rồi ướp với đường trắng trong liễn sành một đêm, sau đó cho vào nồi chưng kỹ, cho 350 gmật ong vào quấy đều, để nguội rồi đựng trong bình gốm kín để dùng dần. Mỗi lần uống 3 g, ngày dùng 3 lần.
Nước bưởi ép có vị chua ngọt, mùi thơm, tính mát. Kích thích tiêu hóa, bổ khí huyết, xổ giun kim, giảm mỡ, an thai. Nước ép bưởi dùng để chữa đáy tháo, thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế axit acetic thiên nhiên.
Nước ép múi bưởi dùng làm thuốc chữa tiêu khát (đái tháo nhạt), thiếu vitamin C.
f- Hạt bưởi: Chữa đau dạ dày, vết thương chảy máu, chốc đầu ở trẻ em.
Một số bài thuốc từ hạt bưởi:
1Chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng: Hạt bưởi để cả vỏ cứng 100 g rửa sạch, cho vào một cốc thủy tinh to, rót vào 200 ml nước sôi, đậy kín, ủ nóng trong 2-3 giờ. Hạt bưởi sẽ tiết ra một chất nhầy làm cho cốc nước đặc, sánh như nước cháo, gạn bỏ hạt lấy nước uống sau bữa ăn khoảng hai giờ. Mỗi ngày uống một lần. Hằng ngày làm và uống liên tục đến khi nào thấy hết đau thì thôi. Thường uống như vậy từ 5-7 ngày người bệnh sẽ thấy dễ chịu và hết đau. (Theo Sức Khỏe & Đời Sống).
2- Chữa chốc đầu trẻ con: Hạt bưởi bóc vỏ cứng ở ngoài, xâu vào dây thép, đốt cháy thành than, nghiền nhỏ. Rửa sạch nơi chốc đầu, bôi bột thuốc này lên ngày 1-2 lần, điều trị 3-6 ngày là khỏi. (Theo BS Ngô Trường Giang - Sức Khoẻ & Đời Sống).
3- Cầm máu: Vỏ hạt bưởi được dùng để cầm máu trong các trường hợp chảy máu, ngày dùng 4-10 g dưới dạng thuốc sắc. (Theo BS Ngô Trường Giang - Sức Khoẻ & Đời Sống).
g- Cây Tầm gửi trên cây bưởi được dùng chữa các bệnh khớp, ăn uống khó tiêu.

6-Các giống bưởi nổi tiếng ở Việt Nam 

Ở Việt Nam, từ Bắc vào Nam có nhiều giống bưởi nổi tiếng nhu:
1-Bưởi Đoan Hùng 
Là một giống bưởi nổi tiếng không chỉ ở Phú Thọ, mà còn được biết đến ở nhiều nơi khác. Giống bưởi này mang tên huyện Đoan Hùng, huyện cực bắc của tỉnh Phú Thọ.
Bưởi Đoan Hùng có quả hình cầu dẹt, chín màu vàng sáng, cùi mỏng, múi ráo, tôm mọng nước, màu trắng ngà, ăn ngọt mát, mùi thơm đặc trưng. Giống bưởi nối tiếng này đã được bảo hộ tên gọi xuất xứ và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn tại quyết định số 73/QĐ-SHTT.



Quả bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ)
2-Bưởi Diễn
Bưởi Diễn xuất xứ từ Làng Diễn, ngày nay thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Bưởi Diễn là tên gọi chung cho giống bưởi được trồng ở khu vực Cầu Diễn, Đức Diễn, Kiều Mai, xã Phú Diễn và xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Mặc dù bưởi Diễn Hà Nội ngày nay đã được nhân giống và trồng ở nhiều nơi nhưng chỉ những cây trồng trên đất Diễn là cho quả ngon và đẹp nhất. Là một trong 5 loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Bắc, lại có thể để lâu ngày nên giá bưởi Diễn có thể đắt hơn nhiều loại bưởi khác nhưng vẫn được người sành sỏi tìm mua.

Quả bưởi Diễn
3-Bưởi Quế Dương
Bưởi Quế Dương có bộ lá to, xanh đậm che cho quả ít bị sém nắng và đặc biệt có hệ thân cành phát triển mạnh, gấp đôi so với giống bưởi Diễn phổ biến quanh vành đai Hà Nội hiện nay, nên có thể trồng để vừa lấy quả vừa làm bóng mát. Quả có dáng tròn hơi dẹt, cùi mỏng, lúc chín có màu vàng mịn rất đẹp, rất thơm. Quả khá to, trung bình từ 1,2-1,5 kg, cũng có quả nặng tới 5 kg. Múi bưởi đều, dài trung bình 9-10 cm, dày từ 3-4 cm. Tôm bưởi lúc mới thu hoạch tương đối ráo và mọng nước, nhưng khi để lâu hơi bị nhão. Bưởi Quế Dương có vị ngọt vừa phải (11-12 độ đường) không sắc như bưởi Diễn, tuy vậy ăn nhiều mà không thấy chán.

Quả bưởi  Quế Dương
4-Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Phúc Trạch là tên làng nơi được cho là tạo ra thứ bưởi này ngon nhất.
Bưởi Phúc Trạch có hình cầu tròn, bề dài và bề rộng gần bằng nhau, cuống quả không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ không trơn không ráp, màu sắc vỏ quả xanh vàng, màu sắc thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, khối lượng quả đạt từ 1-1,5 kg, số múi 14-16 múi/quả, tỉ lệ ăn được từ 48,1-54,1, số hạt bình quân trong quả 50-70 hạt/quả, độ BRIX (%) từ 10-12,8%, có mùi thơm nhẹ tự nhiên hơi đặc trưng, có vị ngọt hơi thanh chua, ngọt hậu.
Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch.
Hiện nay bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (đều ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý địa phương, trồng ngon nhất vẫn là một làng tại xã Phúc Trạch. Tổng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay là khoảng 1.500 ha.

Quả bưởi Phúc Trạch
5. Bưởi đường Hương Sơn
Bưởi đường Hương Sơn, còn gọi là bưởi Tàu, được trồng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh),  người dân bản địa đã xếp bưởi đường lên vị trí cao nhất về độ ngon ngọt so với các giống bưởi hiện có ở Hương Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng
Sau 2 năm triển khai Dự án" bảo tồn quĩ gen và phát triển cây bưởi đường đặc sản", toàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã trồng mới 4.000 cây và tiếp tục trồng 20.000 cây, đưa cây bưởi đường trở thành cây ăn quả có diện tích qui mô lớn.
Bưởi đường Hương Sơn quả to, vị ngọt đậm, múi mọng nước, nhiều Vitamin C, không có hậu chua, không the, không đắng, mùi hương dễ chịu và nhất là ít xơ. Nhờ những đặc tính nổi trội này, người dân bản địa đã xếp bưởi đường lên vị trí cao nhất về độ ngon ngọt so với các giống bưởi hiện có ở Hương Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây được đánh giá là giống bưởi ngon, có giá trị và chất lượng không thua kém nhiều so với bưởi Phúc Trạch. Bưởi đường lại chỉ có phẩm chất tốt khi được trồng ở Hương Sơn, khi đưa ra trồng ở các huyện khác bưởi không còn giữ được hương vị vốn có.

Quả Bưởi đường Hương Sơn
6-Bưởi Bồng Sơn
Bưởi Bồng Sơn là đặc sản của hai thôn Phụ Đức, Trung Lương thuộc ngoại vi thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Bưởi Bồng Sơn hình dáng kích cỡ to như bưởi Năm Roi. Có loại ruột hồng đậm, có loại hồng nhạt, gọi là bưởi điều (đào). Có loại ruột trắng là bưởi nếp. Nhưng bên trong những con tép hồng tép trắng ấy là vị ngọt mát pha chút chua thanh với tỉ lệ ước chừng "chín cam một chanh". Bưởi Bồng Sơn nhiều nước, không đắng, không the cay.
Vào mùa bưởi, từng chùm quả sai trĩu trịt vít cong cành. Người ta phải làm sào chống cho cây khỏi gãy. Mùa thu hái, chủ vườn đem ra các chợ quanh thị trấn và đầu cầu Bồng Sơn bán suốt ngày cho khách đi xe đò.

Quả bưởi Bồng Sơn
7-Bưởi Thanh Trà
Là một trong 5 đặc sản của Huế (Bún bò Huế, Kẹo Mè xửng Thiên Hương, Tôm chua Huế, Mắm ruốc Huế và Bưởi Thanh Trà). Bưởi Thanh Trà còn gọi với tên riêng là cây Thanh Trà, là loại quả có nhiều điểm tương đồng với bưởi, nhưng quả nhỏ, da xanh, vỏ mỏng, tép nhỏ, giòn, mọng nước.
Thanh trà Huế vốn nổi tiếng từ lâu đời, và càng khẳng định được giá trị kể từ khi phường Thủy Biều (thành phố Huế) tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu "Thanh Trà Huế" trên thị trường.
Từ năm 2010 đến nay, hàng năm Ủy ban nhân dân phường Thủy Biều còn tổ chức "Ngày hội thanh trà" để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Du khách đến đây vừa được tham quan, vừa được tận tay chọn hái những quả thanh trà ưng ý, thưởng thức ngay tại vườn hoặc mua về để làm quà.
Trong ẩm thực xứ Huế, thanh trà còn được chế biến ra nhiều món ngon như chè thanh trà, nộm mực khô với thanh trà...
Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã hình thành được trên 1.200ha bưởi thanh trà trên diện tích đất phù sa bãi bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Trong đó, các địa phương có diện tích trồng bưởi thanh trà lớn bao gồm thị xã Hương Trà 485ha; Phong Điền 260 ha; thị xã Hương Thủy 105ha...

Quả bưởi Thanh Trà Huế
8. Bưởi Tân Triều
Từ lâu đã nổi tiếng vùng Nam bộ, có xuất xứ từ xã Tân Triều nằm ven sông Đồng Nai thuộc tỉnh Biên Hòa trước đây, nay là xã Tân Bình thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Bưởi Tân Triều trước đây còn có biệt danh là Bưởi Biên Hòa.
Bưởi Tân Triều có nhiều giống khác nhau như:
-Bưởi đường lá cam.
-Bưởi ổi.
-Bưởi Thanh Trà.
Từ khi thương hiệu “Bưởi Biên Hoà - đặc sản Tân Triều” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận vào cuối năm 2006, sản phẩm bưởi Tân Triều đã được khách hàng trong và ngoài nước đến tham quan và mua sản phẩm khá đông, là cơ hội thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thế cạnh tranh, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người trồng và kinh doanh bưởi.

Bưởi Tân Triều (Bưởi Biên Hòa)
9-Bưởi Năm Roi
Được trồng khá tập trung ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và khá nhiều ở các tỉnh Cần Thơ (cũ), Tiền Giang, Bến Tre … Vùng chuyên canh bưởi Năm Roi ở cồn Tân Lập, xã Phú Hữu (Thốt Nốt - Cần Thơ), ấp Thuận Tân, xã Thuận An (Bình Minh -Vĩnh Long) lên đến 2400 ha.
Trong quá trình chọn lọc, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đã tuyển chọn được một số cá thể bưởi Năm Roi tốt, có các đặc điểm như : Dạng trái hình quả lê đẹp, vỏ vàng khi chín, con tép tróc khỏi vách múi và bó chặt nhau, nước quả khá, hương vị thơm ngon, không the đắng và đặc biệt là không hạt.
Bưởi Năm Roi phát triển rất tốt ở vùng đất thịt hoặc đất thịt pha đất sét. Hiện nay, bưởi Năm Roi đã xuất sang thị trường Đông Âu. Doanh nghiệp chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia (thị trấn Cái Vồn huyện Bình Minh - Vĩnh Long) đăng ký thương hiệu cho bưởi Năm Roi. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp thu mua từ 3-10 tấn rồi phân loại để xuất khẩu.

Quả bưởi Năm Roi
10- Bưởi Da Xanh
Người đầu tiên trồng giống bưởi da xanh tại Bến Tre là ông Trần Văn Luông (Sáu Luông), sinh năm 1905, mất năm 1979 ở ấp Thanh Sơn II, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông Sáu Luông làm nghề lái xe ống lô thời Pháp. Khoảng năm 1940 ông Sáu Luông đi dự đám giỗ, ăn được giống bưởi ngon nên đem 3 hột về trồng.
Đây là đặc sản của xứ dừa Bến Tre, trồng nhiều ở xã Mỹ Thanh An (thị xã Bến Tre), xã Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày). Bưởi da xanh ra trái quanh năm. Về chất lượng, bưởi này có đặc điểm khác với hai giống bưởi Năm Roi và Tần Triều là khi chín da vẫn xanh, tép bưởi  có mầu hồng, dễ bóc, ráo nước, không có hạt, vị ngọt thanh. Hiện nay giống bưởi da xanh rất được ưa chuộng. Bưởi da xanh đã đạt giải nhất tại cuộc thi trái ngon do Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tổ chức.

Quả Bưởi da xanh
11-Bưởi Long Cổ Cò
Sau hai giống bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, hiện nay nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đang trồng đại trà giống Bưởi Long Cổ Cò. Giống bưởi này có xuất xứ từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đây là giống bưởi cho quả có bề mặt vỏ phủ một lớp lông mịn, múi tép mọng nước và rất ngọt. Trọng lượng quả lừ 1,5-2 kg. Ưu điểm của Bưởi Long Cổ Cò là quả sai, rải vụ quanh năm nên dễ chuyên canh, năng suất từ 20-30 tấn/ha. Trung bình mỗi gốc cây sống 5-7 năm tuổi, có thể đạt tối đa 250-300 quả/năm.

Bưởi Long Cổ Cò
12-Bưởi chùm
Bưởi chùm hay Bưởi đắng là một giống cây lai giữa Bưởi và Cam chua - Citrus aurantium L., có tên khoa học là Citrus paradisi Macfad, được nhập nội từ Thái Lan.
Cây bưởi chùm được phân biệt với các giống bưởi thường bởi các nhánh non nhẵn, quả nhỏ hơn (thường 10-14cm) và nhóm thành từng chùm, với vỏ mỏng hơn (5-7mm), múi không lóc, và cơm nhiều hơn, nhưng chua và đắng.
Hiện bưởi chùm đang được trồng nhiều ở Cái Bè, Tiền Giang.
Đây là loại bưởi không có giá trị để ăn quả trực tiếp, nhiều nước trồng để làm nguồn nguyên liệu để chiết xuất vitamin C và B1; vỏ giầu pectin, naringin. Dầu từ vỏ chứa limonen, sesquiterpen, aldehyl; geraniol, cadinen, citral.
Ăn nhiều bưởi chùm (khoảng ¼ quả mỗi ngày) có thể gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư vú khoảng 30% ở những phụ nữ ở tuổi mản kinh do trong quả bưởi chùm có chất gây ức chế enzym CYP3A4, sẽ làm tăng lượng estrogen trong huyết tương người ăn bưởi.
Ở Việt Nam chủ yếu được trồng làm cảnh do có nhiều quả, dạng quả đẹp.
Đây là loài cây có giá trị công nghiệp chứ không có gá trị để ăn quả.

Quả Bưởi chùm

Kỹ sư Hồ Đình Hải


Xem Video: Kỹ thuật trồng bưởi da xanh


Xem Video: Giới thiệu về giống bưởi Năm Roi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét