Rau dền


RAU DỀN

Rau dền cơm

Rau dền tím

Rau dền gai
Tên khác: Rau giền.
Tên Tiếng Anh: Amaranth.
Tên khoa học: Amaranthus sp.

Phân loại

-Thuộc bộ: Caryvophyllales
-Họ: Amaranthaceae
-Phân họ: Amaranthoideae
-Chi: Amaranthus L.

Phân bố

Họ Dền (Amaranthaceae )có nguồn gốc ở Nam và Trung Mỹ, được phân bố trên các vùng nhiệt đới và ôn đới khắp thế giới khoảng 160-174 chi với khoảng 2.050-2.500 loài khác nhau.Phần lớn là loài cây thân thảo hay cây bụi nhỏ, rất ít loài là cây thân gổ hay dây leo.
Trong Phân họ Dền (Amaranthoideae ) gồm các loài trong Chi Dền (Amaranthus) với khoảng 60 loài gồm khoảng 400 giống khác nhau. Đa số chúng là cây hoang dại, nhiều loài được dùng làm rau, cây cảnh và lương thực.
Các loài phổ biến trên thế giới hiện nay là:
-Dền sọc xanh (Amaranthus acanthochiton).
-Dền lá nhọn (Amaranthus acutilobius).
-Dền trắng Bắc Mỹ (Amaranthus albus).
-Dền đuôi chồn (Amaranthus caudatus).
-Dền gai (Amaranthus spinosus).
-Dền đỏ (dền tía- Amaranthus tricolor).
-Dền cơm (Amaranthus viridis).
Ở Việt Nam cây Rau dền dùng làm rau thuộc các giống Dền cơm-hay dền trắng, Dền đỏ- hay dền tía và kể cả dền gai. Các cây họ Dền khác như Vòi voi (dùng làm thuốc), Mồng gà (làm hoa cảnh) không được dùng làm rau.
Hai loài Dền cơm và Dền gai là cây mọc hoang dại phổ biến ở Miền Nam. Các giống dền tím và dền xanh được thuần hóa để trồng làm rau.

Đặc điểm thực vật

Chi Dền là những loài cây thân thảo, có bộ rể khỏe, ăn sâu, khả năng chịu hạn, chịu ngập khá. Rau dền thường có một thân thẳng, cành vươn vừa phải, lá mọc dơn, có thể mọc đối hay so le, mép lá nhẳn hay có khía, không có lá kèm.
Hoa mọc đơn hoặc thành từng cụm dạng xim, thường là hoa hoàn hảo (lưỡng tính) và đối xứng tỏa tia. Hoa có 4-5 cánh nhỏ, có 1-5 nhị hoa. Nhụy hoa dạng dưới bầu, có 3-5 lá đài kết nối với nhau.
Quả có thể là quả bế, quả hạch, hay quả nang nứt theo đường vòng.
Hạt Rau dền rất nhỏ, mọc khỏe, hệ số nhân cao. Trồng bằng gieo thẳng khoảng 50 thu hoạch được.

Giá trị dinh dưỡng

Thân và lá Rau dền có vị ngọt, giàu tinh bột và đạm thực vật, giàu Sắt,Canxi, Vitamin A,  Vitamin B2, Vitamin C Axit nicotic và Lysin. Trong 100 gam lá và hạt Rau dền có các thành phần dinh dưỡng như sau:

Thành phần
Lá tươi
Hạt khô
Nước
86,9 g
9 g
Protein
3,5 g
15 g
Chất béo
0,5 g
7 g
Tinh bột
6,5 g
63 g
Chất xơ
1,3 g
2,9 g
Phốt pho
67 mg
477 mg
Sắt
3,9 mg
--
Kali
411 mg
--
Vitamin A
6.100 u.i
0
Vitamin B2
0,16 mg
0,32 mg
Niacin
1,4 mg
1 mg
Vitamin C
80 mg
3 mg
Vitamin B1
0,08 mg
0,14 mg
Canxi
267 mg
490 mg
Khoáng chất
2,6 g
2,6 g
Calori
36
391

Công dụng

Cây Rau Dền được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau:
a- Rau dền dược dùng như loại rau sạch
Ở Việt Nam và các nước dùng cơm làm lương thực chính thì rau dền dược dùng làm rau luộc, nấu canh, xào, nấu cháo. Ba loài Rau dền dùng ở Việt Nam là Rau dền đỏ (dền tía - Amaranthus tricolor), Rau dền cơm (dền trắng - Amaranthus viridis) và kể cả rau dền gai (Amaranthus spinosus) mọc hoang dại.
Dền luộc khi ăn dùng với nước chấm có gia vị hoặc mè, nước luộc làm canh. Dền nấu canh thường cho thêm tôm khô, thịt để gia tăng độ ngọt. Ngoài hai cách phổ biến trên, rau dền cũng có thể được chế biến theo cách xào với một số gia vị như tỏi, hành hoặc nấu cháo v.v. Dền cơm và dền đỏ có vị ngọt còn dền gai lại có vị đậm đặc trưng. Rau dền có tính mát nên là món ăn dân dã rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc đối với người Việt Nam.
Do rau dền có nhiều hạt và hạt mọc nhanh nên áp dụng trồng rau mầm rất tốt và giàu dinh dưỡng.
b-Rau dền được dùng làm lương thực
Hạt một số loại rau dền có giá trị dinh dưỡng và năng lượng cao như Dền hạt Mexico (Amaranthus cruentus), Dền đuôi chồn (Amaranthus caudatus), Dền ngù hoàng tử (Amaranthus hypochondriacus)...được dùng làm lương thực phụ ở Châu Mỹ, Châu Phi và vùng núi Hymalaya. Hiện nay món ăn từ hạt dền được khôi phục và sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo ở Mexico và là món ăn hấp dẩn đối với khách du lịch văn hóa ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
c-Rau dền được dùng như dược liệu
Y học cổ truyền phương Đông còn sử dụng rau dền để làm thuốc. Ở Việt Nam, dền đỏ được dùng trong các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, trị độc...; dền cơm dùng trong các bài thuốc chữa táo bón, nhức đầu, chóng mặt...; dền gai là một vị thuốc trị rết cắn, ong đốt, mụn nhọt, lị...
Theo Đông y, rau đền đỏ vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, làm mát máu, lợi tiểu, sát trùng. Danh y Lý Thời Trân (thời Minh, Trung Quốc) cho rằng rau dền đỏ có tác dụng trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt.
1-Trị chứng máu nóng sinh kiết lỵ, lở loét: do bên trong quá nóng mà sinh ra bị kiết lỵ, lở loét hoặc bị cả hai bệnh trong cùng một thời gian, dùng rau dền đỏ luộc chín tới ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày ăn khoảng 15-20g, ăn trong vài ngày là khỏi.
Nếu mắc chứng ho lâu ngày, dai dẳng không khỏi thì bài thuốc này cũng trị được.
2-Trị rắn cắn: nếu chẳng may bị các loại rắn cắn thì lấy rau dền đỏ giã nát, vắt lấy khoảng 1 bát ăn cơm nước cho uống, còn bã đắp lên vết thương. Khi bị rắn cắn phải lập tức băng chặt (bằng dây chun hoặc dây vải) phía trên vết cắn gần với tim rồi mới dùng thuốc. Sau đó đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.
3-Chữa vết ong đốt: nếu là ong đốt (nhất là giống ong to có độc) thì lấy rau dền vò nát, xát cả vào chỗ bị ong đốt là khỏi.
4-Để chữa bệnh táo bón, huyết áp cao, nhức đầu, chóng mặt, nóng phừng mặt: lấy 250 g dền cơm luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm.
Ở Mexico, cây dền hạt cũng được dùng trị bệnh nhuận tràng, sử dụng làm chất kết dính trong công nghiệp dược.
 Ở Mỹ, Pháp, Nga, Ba Lan và Đức, các nhà dinh dưỡng học và y khoa đang khai thác thân lá cây Rau dền gai đỏ (Amaranthus tricolor) nhằm vào mục đích chế biến thuốc và thực phẩm chức năng. Trong thân lá cây rau dền này giàu vitamin A, B, C, PP và chứa gần 10 acid amin cần thiết. Màu đỏ tươi của dền gai là tổng hợp thiên nhiên của betasanthin (màu đỏ tía) và betacyamin (màu vàng chanh tự nhiên) là chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể tránh được các bệnh liên quan đến tim mạch, ung thư. Chất xơ của dền chứa hợp chất bataine (một tổng hợp chất từ nitrogen) giúp thư giãn tinh thần, kích thích quá trình tổng hợp hoạt chất sinh học serotonin là chất dẫn truyền thần kinh. Rau dền còn giúp hạ cholesterol, vô hiệu hóa bệnh động mạch vành, ngăn ngừa chứng ung thư phổi và da. Ngăn chặn những hợp chất nitrosamines, thủ phạm gây ung thư máu, phổi và vú ở phụ nữ trên 35 tuổi. Tuy nhiên, hiệu quả nhất là rau dền giúp ổn định tinh thần nhờ các vitamin C, A, floric, magiesum và vitamin B6.
d-Rau dền dùng trong các lĩnh vực khác
Ở Châu Mỹ các loài trong chi dền còn được sử dụng vào một số mục đích khác như làm phẩm màu, thân cây khô làm chất đốt. Dền cũng được chế biến thành thực phẩm chức năng. Ngoài ra, một số loài dền có hoa đẹp có thể dùng để trang trí.

Kỹ thuật trồng

a-Chọn giống trồng
Ba giống rau dền được thuần hóa để trồng trong ô dinh rau dinh dưỡng gia đình và trồng thân canh tạo sản phẩm hàng hóa là:
-Dền đỏ (dền tía- Amaranthus tricolor).
-Dền xanh hay dền trắng Bắc Mỹ (Amaranthus albus).
-Dền cơm (Amaranthus viridis).
Hạt giống được chọn từ các cây già mang hạt đã chín hay mua từ các công ty hạt giống.
b-Làm đất
Nên băm xới đất nhuyển, líp từ 1,2-1,5m, không để đọng nước hoặc quá hốc,  trồng bằng cách gieo thẳng hoặc cấy cây con từ ô giống.
c-Thời vụ
Ở Miền Nam cây rau dền được trồng quanh năm, nhưng tốt nhất từ tháng 2 đến tháng 7. Đối với rau ăn lá thời gian kéo dài 50-60 ngày. Với rau lấy hạt khoảng 80-90 ngày.
d-Lượng hạt giống
Lượng hạt giống gieo ở vườn ươm từ 1,5 – 2 g/m2. Gieo thẳng 1 g/m2.
Sau khi gieo khoảng 25 – 30 ngày thì nhổ cấy (cây cao 10 – 15 cm), trồng với khoảng cách: 15 x 15 cm hoặc 12 x 20 cm.
e-Phân bón
-Bón lót: kết hợp làm đất và bón lót phân cho cây: 1,2 – 1,5 tấn phân chuồng/ 1.000 m2. Phân hổ hợp N-P-K 3-5 kg/ha.
-Sau khi gieo thẳng 15-20 ngày hoặc sau cấy từ 5 – 7 ngày thì cây đã phục hồi nên bón thúc bằng phân Urê pha thật loãng 4 kg/ 1.000 m2.
f-Tưới nước
-Khi cây còn non tưới nước 2 lần/ ngày.
-Khi cây phát triển nên tưới mỗi ngày 1 lần.
g-Phòng trừ sâu bệnh
Cây rau dền ít bị sâu bệnh, chủ yếu bị các loài sâu ăn lá như sâu róm, sâu xanh, sâu khoang. Có thể dùng các loại thuốc trừ sâu gốc sinh học để phòng trị.
Lưu ý: Khi dùng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Không được dùng các loại thuốc cấm, không sử dụng quá liều qui định.
h-Thu hoạch
Sau khi sạ thẳng khoảng 40-50 ngày hay cấy ra vườn trồng 25 – 30 ngày thì tiến hành thu hoạch. Thường nhổ cả cây, ít khi hái tỉa. Trong trường hợp bà con nông dân muốn thu hoạch rau lúc cây còn non (cây cao 10 – 15 cm) để sử dụng cũng được. 
                                                                       Kỹ sư Hồ Đình Hải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét