Rau má


RAU MÁ

Cây rau má (Centella asiatica)
-Tên gọi khác: Tích tuyết thảo, lôi công thảo , liên tiền thảo.
-Tên tiếng Anh: Centella.
-Tên khoa học: Centella asiatica (L.) Urban.
-Tên đồng nghĩa: Hydrocotyle asiatica L , Trisanthus cochinchinensis Lour. 

1-Phân loại khoa học

Giới (regnum):
Thực vật (Plantae).
Bộ (ordo):
Hoa tán (Apiales).
Họ (familia):
Hoa tán  (Apiaceae).
Phân họ (subfamilia):
Mackinlayoideae
Chi (genus):
Rau má (Centella).
Loài (species):
Centella asiatica (L.) Urban

2-Phân bố

Rau má hay tích tuyết thảo hoặc lôi công thảo hoặc liên tiền thảo (danh pháp khoa học: Centella asiatica) là một loài cây thân thảo một năm trong phân họ Mackinlayoideae  của họ Hoa tán (Apiaceae hay Umbelliferae), có nguồn gốc Australia, các đảo Thái Bình Dương, New Guinea, Melanesia, Malesia và Châu Á. Chi Rau má40 loài.
Tên khoa học đồng nghĩa là Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis  Lour.
Loài thực vật nầy mọc lan trên mặt đất có lá trông giống như những đồng tiền tròn được xếp nối tiếp nhau nên còn gọi là Liên tiền thảo. 
Rau má là một loài rau dại  ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lủng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới như Việt nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Srilanka, Ấn độ, Pakistan, Madagascar…
Ở Việt Nam có nhiều loài rau má mọc hoang dại bên dưới các tán lá của vườn cây hoặc theo bờ ruộng. Vài giống được thuần hóa để trồng ở những vùng rau chuyên canh thuộc tỉnh Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra giống rau má Tây Phi cũng được nhập nội và trồng ở một số tỉnh vùng ĐBSCL.

3-Mô tả

-Thân cây rau má gầy và nhẵn, là loại thân bò lan trên mặt đất, màu xanh lục hay lục ánh đỏ.
-Rễ gồm có rể gốc dạng chùm và các rể đốt mọc ở đốt thân ngay gốc lá. Rể có màu trắng kem và được che phủ bằng các lông tơ ở rễ.
-Lá có hình tròn hoặc hình thận, màu xanh với cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các đốt thân và phần đỉnh lá tròn, kết cấu trơn nhẵn với các gân lá dạng lưới hình chân vịt. Lá có mép khía tai bèo. Các lá mọc ra từ cuống dài khoảng 5-20 cm.
-Hoa rau má có màu từ trắng, ánh hồng tới đỏ, mọc thành các tán nhỏ, tròn gần mặt đất. Mỗi hoa được bao phủ một phần trong 2 lá bắc màu xanh. Các hoa lưỡng tính này khá nhỏ (nhỏ hơn 3 mm), với 5-6 thùy tràng hoa. Hoa có 5 nhị và 2 vòi nhụy.

Hoa rau má
-Quả có hình mắt lưới dày dặc, đây là điểm phân biệt nó với các loài trong chi Hydrocotyle có quả với bề mặt trơn, sọc hay giống như mụn cơm. Quả của nó chín sau 3 tháng và toàn bộ cây, bao gồm cả rễ, được thu hái thủ công.
-Hạt: Cây rau má có hạt để phát tán, trong tự nhiên cây sinh sản vô tính bằng nhảy chồi là chủ yếu.

4-Thành phần hóa học

Tuỳ theo khu vực trồng hoặc mùa thu hoạch tỷ lệ các hoạt chất có thể sai biệt.  Thành phần của rau má bao gồm những chất sau: beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, vôi (calcium), sắt (iron), ma nhê (magnesium), măng gan (manganese), lân (phosphorus), kali (potassium), kẽm (zinc), các loại vitamins B1, B2, B3, C và K.
Theo tài liệu của Viện vệ sinh dịch tể Việt Nam -1972, trong cây rau má có các thành phần như sau: nước 82,2 %; protein 3,2%; glucid 1,8%; cellulose 4,5%; khoáng toàn phần 2,3%. Trong đó Ca 29mg%, P 2,4mg%; các vitamin gồm; vitamin C 37mg%. Rau má cung cấp cho cơ thể 21 calo/100g rau tươi.

5-Công dụng

a-Dùng làm rau

Ở Việt Nam, rau má được dùng như một loại rau sạch với nhiều cách chế biến:
1-Dùng làm rau sống: Đọt non, lá cả cuống rau má được dùng làm rau ăn sống như một dạng rau ghém riêng hoặc dùng chung với một số rau rừng khác. Rau má tươi được chấm với mắm kho, thịt, cá kho, tương, chao…Rau má tươi còn được dùng  để ăn với cháo và nhúng lẩu.
2-Dùng làm rau luộc: Thân lá rau má luộc khi ăn cơm chấm với các loại nước cá, thịt kho.
3-Dùng làm rau xào: Thân, lá rau má non dùng xào với thịt, hải sản.
4-Dùng nấu canh rau:Rau má nấu canh với cá đồng, thịt bầm, tôm, cua…

b-Dùng nước rau má như một loại thức uống giải khát

Nước ép rau má là một cách sử dụng rau má đơn giản và thông dụng nhất.  Nước ép rau má tươi có đầy đủ các hoạt chất dinh dưỡng và dược liệu. Mỗi người, mỗi ngày có thể dùng từ 30 đến 40 gam rau má tươi.  Lá rau má mua về rửa sạch, giả hoặc xay nát.  Cho thêm một ít nước vào.  Vắt và lọc bỏ xác, thêm vào một ít đường cho dễ uống.
Các tiệm giải khác có bán sinh tố rau má xay với đậu xanh là thức uống bổ dưỡng.

Nước ép rau má thường dùng ở Việt Nam

c-Rau má được dùng làm thuốc

c-1-Theo truyền thuyết
-Rau má được cho là đã làm nên sự trường thọ của một võ sư môn Thái Cực Quyền là Lý Thanh Vân  (Trung Quốc). Người ta nói rằng ông đã sống thọ tới 256 tuổi, một phần là do sử dụng các loại thảo dược Trung Hoa truyền thống, trong đó có rau má.
-Một câu chuyện dân gian tại Sri Lanka kể lại rằng một vị vua nổi tiếng trong thế kỷ thứ 10 với tên gọi Aruna đã cho rằng rau má cung cấp cho ông sức khỏe và sức chịu đựng đủ để thỏa mãn 50 phi tần của mình.
Những huyền thoại nầy có lẽ đã bắt nguồn từ giá trị dưỡng âm, chống lão hoá và làm tăng cường hệ miển dịch của những hoạt chất có trong rau má. 
c-2-Theo y học cổ truyền phương Đông
Nền y học cỗ truyền Trung quốc , Ấn Độ cũng như y học dân gian Việt Nam đều có truyền thống sử dụng rau má làm làm thức ăn hoặc làm thuốc từ lâu đời. 
-Theo Trung y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng). Khi ăn ở dạng tươi như một loại rau, người ta cho rằng nó giúp cho việc duy trì sự trẻ trung. Nước sắc từ lá rau má được coi là có tác dụng hạ huyết áp. Loại nước sắc này cũng được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực). Loại thuốc đắp từ lá cũng được dùng để điều trị những chỗ đau, hạ sốt. Nó còn được dùng trong điều trị các chứng phù; viêm thanh quản, tĩnh mạch, phế quản; các bệnh trĩ, phong, eczema hay vẩy nến; giải ngộ độc sắn và lợi tiểu.
-Ở Ấn Độ, rau má còn được gọi là Brahmi hàm nghĩa một loại dược thảo có thể giúp con người tiến đến sự hoà hợp với tâm thức vũ trụ (knowledge of the Supreme Reality).  Do đó, rau má thường có trong khẩu phần ăn của những vị thiền sư, những nhà yoga và những nhà thông thái. 
Dược phẩm từ cây rau má của Ấn Độ
-Theo y học cỗ truyền Việt Nam, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị  có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu.  Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. 
Rau má là một loại rau thông dụng có tác dụng sát trùng giải độc, thanh nhiệt lương huyết. Ngoài ra, rau má cũng là một loại dược thảo có tính bổ dưỡng rất cao,có nhiều sinh tố, khoáng chất, những chất chống oxy hoá, có thể dùng để dưỡng âm, cải thiện trí nhớ, làm chậm sự lão hoá, cải thiện vi tuần hoàn và chữa nhiều chứng bệnh về da.Trong Đông y rau má thường được phối hợp với đậu đen hoặc mè đen chế thành hoàn để làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc người ốm mới khỏi.
c-3-Theo tây y
Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má.  Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid.  Hoạt chất asiaticoside đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao.  Người ta cho rằng trong những bệnh nầy, vi khuẩn dược bao phủ bởi một màng ngoài giống như sáp khiến cho hệ kháng nhiểm của cơ thể không thể tiếp cận.  Chất asiaticoside trong dịch chiết rau má có thể làm tan lớp màng bao nầy để hệ thống miển dịch của cơ thể tiêu diệt chúng. 
Một vài báo cáo khoa học cho thấy khả năng của rau má trong việc hỗ trợ làm lành vết thương. Khi điều trị bằng rau má, sự liền sẹo được kích thích bằng việc sản xuất ra các chất keo loại I. Việc điều trị này cũng cho thấy sự giảm sút đáng kể của các tác động viêm nhiễm và việc tạo ra các nguyên bào sợi.
Các nhà thảo mộc học còn cho rằng nó có chứa nhân tố trường thọ gọi là 'Vitamin X trẻ trung' có tác dụng bổ dưỡng cho não và các tuyến nội tiết và xác nhận rằng nước chiết từ rau má giúp cải thiện các vấn đề về hệ tuần hoàn và da.
Đối với da, nhiều công trình nghiên cứu và kết quả lâm sàng đều cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học trong việc phân chia tế bào và tái tạo mô liên kết giúp vết thương chóng lành và mau lên da non.  Hiên nay rau má đã được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mỡ để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, do giải phẩu, cấy ghép da, những vết lở lâu lành , vết lở do ung thư, bệnh phong, vẩy nến…
Nền y học hiện đại đã chiết xuất lấy hoạt chất từ rau má làm thuốc chống sẹo lồi, làm vết thương mau lành, giảm bớt chứng giãn tĩnh mạch chi dưới... Tuy lấy từ rau má nhưng loại thuốc này khá đắt vì phải qua nhiều công đoạn chế biến khá phức tạp.
Cần lưu ý là các hoạt chất nằm ở trong chất xơ (cellulose) của rau má, nếu chúng ta chỉ giã vắt lấy nước thì sẽ mất đi các hoạt chất này. Một số công trình nghiên cứu cho thấy các chất xơ có thể "kéo" cholesterol ra khỏi cơ thể, vì vậy nếu ăn các loại rau có nhiều chất xơ sẽ giúp cơ thể đào thải dần lượng cholesterol ra khỏi cơ thể.   
Trên thực tế, rau má  tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm giảm căng thắng tâm lý, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và giúp cải thiện trí nhớ của người già.  Người ta cho rằng dịch chiết rau má có hiệu quả tốt với bệnh Alzheimer nhờ vào những dẫn xuất của chất Asiaticoside  có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tác động của các độc tố beta-amyloid.
Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu.  Do đó rau má cũng thường được dùng trong các chứng tăng áp lực tĩnh mạch ở các chi dưới.
Hiện nay, nhiều khu vực nói tiếng Anh còn lưu truyền câu tục ngữ khuyến khích dùng rau má “Two leaves  a day keep old age away”(Dùng 2 lá một ngày sẽ giúp bạn xa lánh tuổi già).Trong những năm gần đây, nhiều phương tiện thông tin đã phổ biến cách chữa bệnh thấp khớp mãn tính bằng cách ăn 2 lá rau má tươi mỗi ngày. 
Một chương trình phóng sự của đài truyền hình số 9 ở Sydney vào tháng 12/2003 cũng cho biết một số người ở Úc đã chữa khỏi bệnh thấp khớp bằng cách nầy.  Phương pháp nầy phát xuất từ quyển sách “Arthritis and Paradoxycal Pennywort” (Bệnh thấp khớp và lá rau má) của ông Russ Maslen.  Ông đã học được kinh nghiệm chữa bệnh nầy từ một nông dân ở Brunswick Valley (Úc) vào khoảng năm 1989 khi ông đang tiến hành xây dựng và quản lý công viên bảo tồn di sản thiên nhiên ở vùng nầy.  Sau đó chính ông đã hướng dẫn vợ ông tên là Beryl chữa khỏi chứng sưng đau các khớp xương ở bàn tay.  Ông nói “Mỗi ngày chỉ cần nhai và nuốt 2 lá rau má liên tục , chỉ 2 lá chớ không phải một hay ba lá , thì một thời gian sau sẽ có thể chữa khỏi hoặc làm giảm bớt bệnh thấp khớp”. 
Đơn giản đến khó tin!  Phải chăng  hiệu quả chữa bệnh  ở đây là do ảnh hưởng của rau má hoặc những dẫn xuất của nó trong tác dụng chống viêm, chống oxy hoá hoặc tăng cường hệ miển dịch của cơ thể?  Hy vọng nhiều năm sau khoa học sẽ làm sáng tỏ điều nầy.  Điều cần lưu ý trong việc dùng rau má để chữa bệnh thấp khớp là không được dùng quá liều lượng cần thiết.  Dùng bao nhiêu lá phải nằm trong giới hạn dung nạp và chuyển hoá của Tỳ vị. 
Mặc dù rau má không độc nhưng lại có tính “hàn” nên có thể làm tăng tính “thấp” trong bệnh thấp khớp làm bệnh nặng thêm.  Ngược lại, nếu chỉ dùng vài lá mỗi ngày, ai cũng có thể dùng và dùng lâu dài mà không sợ có phản ứng phụ.

6-Một số bài thuốc đông y từ cây rau má

1-Toa căn bản gồm rau má và các cây thuốc nam khác:
Toa căn bản ra đời vào khoảng năm 1950 do cụ Võ văn Hưng, một lương y giàu kinh nghiêm ở miền Đông Nam bộ soạn. Sau đó toa căn bản được Bác sĩ Nguyển văn Hưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế thời bấy giờ hưởng ứng và khuyến khích sử dụng. 
 Toa căn bản gồm 10 vị là toa thuốc rất quen thuộc ở các Bệnh viện, trạm y tế từ bộ đội đến nhân dân, đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 
Toa căn bản có đặc điểm là không có độc tính, dễ sử dụng, có tác dụng kích thích tiêu hoá, nhuận gan, nhuận trường, lợi tiểu, giải độc và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tuỳ theo tình trạng của người bệnh và điều kiện của địa phương mà linh động gia giảm vị thuốc hoặc liều thuốc.
Toa thuốc căn bản gồm:
-Rau má 8g, Rể tranh 8g, Lá muồng trâu 4g, Cỏ mần chầu 8g, Cỏ mực 8g, Cam thảo nam 8g, Ké đầu ngựa 8g, Củ sả 4g, Gừng tươi 4g, Vỏ quít 4g.
Đổ 3 chén nước sắc còn non một chén, uống lúc thuốc còn ấm.
2-Hoàn ích khí, dưỡng âm, trợ cơ, cứu đói:
Có thể làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc ngưòi ốm mới khỏi hoặc dùng làm lương khô mang theo khi đi xa phòng khi thiếu thốn thực phẩm.
Toa thuốc gồm 4 vị :
-Lá dâu tầm,Mè đen, Bột củ mài và Rau má.
Mỗi vị ngang nhau, tán bột làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 5g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 hoàn.
3-Thoái nhiệt đơn:
Có công dụng giảm nhiệt, hạ sốt, trừ khát, trấn kinh.
Rau má 15%, Hoạt thạch 30%, Sắn dây 20%, Sài hồ 15%, Thạch cao 10%, Cam thảo 10%.Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
4-Thuốc hạ huyết áp:
Rể nhàu 16g, Rể kiến cò 12g, Lá tre l2g, Rể tranh 12g,Rể cỏ xước 12g, Rau má 16g, Lá dâu 12g. Sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.
5-Sốt xuất huyết:
Rau má 20g, Cỏ mực 16g, Rau sam 16g, Đậu đen 16g.  Sắc uống.
6-Sốt, thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới:
 Mỗi ngày dùng 30-40 g rau má tươi (cả cây) vò nát, vắt lấy nước hoặc sắc uống. 
7-Kiết lỵ, lậu nhiệt, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang:
Rau má tươi (cả cây) 30-40 g, rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, hòa thêm ít đường uống hằng ngày. Có thể luộc ăn như rau. 
8-Đau bụng, đau lưng khi hành kinh:
Rau má hái lúc mới ra hoa, rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 2 thìa cà phê vào buổi sáng.
9-Chữa rối loạn cơ thể: toàn cây rau má có tác dụng tốt trên các cơ quan hấp thu, tiêu hóa, biến dưỡng và bài tiết, giúp duy trì hoạt động của các cơ quan này, chống lại quá trình gây viêm và còn có tác dụng như một thuốc tẩy nhẹ.
10- Giúp tăng trí nhớ: lá rau má sấy khô tán bột, uống chung với sữa mỗi ngày 3-5 gam sẽ có tác dụng tốt cho những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ và thị lực.
11-Chữa lỵ ở trẻ em: lấy 3-4 lá rau má sắc chung vài cọng thì là, thêm ít đường cho trẻ uống, cùng lúc giã vài lá rau má đắp lên rốn của trẻ.
12-Chữa suy nhược thần kinh: nghiền bột lá đã được phơi khô trong râm, uống mỗi ngày 30-60 gam, chia ba lần mỗi ngày cho người lớn và 7,5-25 gam cho trẻ em.
13-Giúp thanh lọc cơ thể phụ nữ: rau má nhổ cả rễ, phơi khô trong mát, xay thành bột. Mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, mỗi lần 3 gam bột uống chung với sữa bò tươi, uống liên tục trong ba ngày ngay sau khi hết kinh. Món thuốc này còn chữa được các chứng đau bụng kinh. Nhờ tính thanh lọc này mà rau má giúp phụ nữ trẻ lâu, da dẻ hồng hào, khí huyết lưu thông tốt, phòng chống được nhiều bệnh tật.
14-Bệnh chân voi và viêm tinh hoàn: những người bị phù chân voi hoặc tinh hoàn bị sưng to, ép lấy dịch rau má tươi, pha thêm nước và bôi ngay lên các vùng bị sưng tấy.
15-Bệnh ngoài da: rau má được dùng chữa các bệnh ngoài da như chàm, ung nhọt, lở loét, phong và cả bệnh giang mai. Lấy bột lá khô hòa với nước đắp lên các vùng bị nhiễm kèm với uống dịch chiết rau má mỗi ngày ba lần, mỗi lần 1-5 giọt.
16-Tác dụng kháng khuẩn: chất asiaticosid có trong lá rau má còn có tác dụng làm tan màng sáp của một số vi khuẩn, nhờ đó gia tăng tác dụng kháng khuẩn của rau má.
* Cách dùng:
- Dạng nước sắc: 30-60ml, ngày ba lần.
- Dạng bột: 20-60gam, ngày ba lần.
- Dịch ép tươi: 60-100ml/ngày, dạng lá tươi: 50-100gam/ngày.
- Dân gian hay dùng làm rau ghém ăn sống, nấu canh, xay thành nước ép như sinh tố, dùng riêng hoặc chung với các loại rau quả khác.
 Lưu ý!
Rau má có tính lạnh nên những người có Tỳ Vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng.  Những trường hợp nầy chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Dùng ngoài da không giới hạn. Không nên dùng rau má quá nhiều vì có thể làm bệnh nhân say thuốc dẫn đến hôn mê.
Nguồn: theo Y học cổ truyền Việt Nam.
                                                                                                 Kỹ sư Hồ Đình Hải

           Xem Video: Cây rau má ở miền quê




          Xem video: Công dụng dược liệu của cây rau má





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét