Cây củ mài


CÂY CỦ MÀI

Mô hình cây củ mài


Củ mài
-Tên gọi khác: Củ chụp, khoai mài, hoài sơn
-Tên tiếng Anh: Yam, Chinese Yam
-Tên khoa học: Dioscorea persimilis Prain & Burkill
-Tên đồng nghĩa: (không thấy)
-Các loài tương cận:
Củ nâu (Dioscorea cirrhosa).
Khoai mỡ (Dioscorea alata).
Củ từ (Dioscorea esculenta).

Phân loại khoa học


Lớp (class):
Thực vật một lá mầm (Monocots)
Bộ (ordo):
Củ nâu (Dioscoreales)
Họ (familia):
Củ nâu (Dioscoreaceae)
Chi (genus):
Củ nâu (Dioscorea)
Loài (species):

Phân bố

Họ Củ nâu (Dioscoreaceae) là một H thực vật một lá mầm bao gồm khoảng 8-9 chi với 750-785 loài.
Hệ thống APG II năm 2003 đặt họ này trong bộ Củ nâu (Dioscoreales) của nhánh Một lá mầm (Monocots).
Chi Củ nâu (Dioscorea) được đặt theo tên nhà vật lí học và thực vật học Hy Lạp cổ đại Dioscorides. Chi này có trên 600 loài thực vật bản địa ở các vùng nhiệt đới và vùng có khí hậu ấm.
Một số loài trong chi Củ nâu cho củ là nguồn lương thực quan trọng ở một số nước nhiệt đới. Nhiều loài trong chi này chứa độc tố trong củ tươi nhưng độc tố này dễ bị phân hủy trong quá trình chế biến nhiệt.
Các loài quan trọng nhất trong Chi củ nâu là: Củ mài, Củ mài trắng, Khoai mỡ, Khoai từ, Nần nghệ
Củ mài (Dioscorea persimilis) là cây mọc hoang ở vùng rừng núi vùng nhiệt đới Châu Á. Cây củ mài còn phân bố nhiều ở Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Ở Việt Nam cây Củ mài mọc hoang phổ biến ở miền Bắc và miền Trung cho tới Huế và gần đây cũng được trồng nhiều ở vùng đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu.

Mô tả

Cây củ mài (Dioscorea persimilis) là loài dây leo quấn sống lâu năm trong rừng nhiệt đới.
-Thân: Là dây leo quấn; thân nhẵn, hơi có góc cạnh, màu đỏ hồng, thường mang những củ nhỏ ở nách lá được gọi là dái mài (thiên hoài).
-Rể: Rễ củ đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất đến hàng mét, hơi phình ở phía gốc, vỏ ngoài có màu nâu xám, thịt mềm màu trắng.
-Lá: Lá mọc so le hay mọc đối, hình tim, đôi khi hình mũi tên, không lông, dài 10cm, rộng 8cm, nhẵn, chóp nhọn, có 5-7 gân gốc.
-Hoa: Cụm hoa đơn tính gồm các bông khúc khuỷu, dài 40cm, mang 20-40 hoa nhỏ màu vàng; hoa đực có 6 nhị.
-Quả: Quả nang có 3 cánh rộng 2cm.
-Hạt: Hạt có cánh mào.
Cây củ mài cũng được trồng nhiều ở đồng bằng để đáp ứng nhu cầu lớn về dược liệu; có thể trồng bằng gốc rễ hoặc dái mài về mùa xuân. Sau một năm đã có thu hoạch. Đào củ vào mùa hè - thu khi cây đã lụi, mang về rửa sạch, gọt vỏ cho vào lò xông lưu huỳnh 2 ngày đêm, sau đó phơi sấy cho đến khô.


Đặc sản củ mài Núi Đá (An Giang)

Củ mài khô (hoài sơn)

Món cháo củ mài- ý dĩ

Thành phần hóa học

Theo phân tích của Viện Dược liệu Việt Nam, trong rể củ của cây củ mài (hoài sơn) khô có chứa: glucid 63,25%, protid 6,75%, lipid 0,45%, chất nhầy 2,0-2,8%; dioscin, sapotoxin, allantoin, dioscorin và acid amin.
Theo phân tích của Trung y, trong củ hoài sơn (khô) có chứa:
-Nước: 13,96-18,52 %.
-Tinh bột: 79,13-86,51%.
-Protein: 7,06-9,79 %.
-Nước chiết xuất: 6,19-9,40%.
-Các chất chiết xuất từ EtOH: 2-3,53%.
-Có 18 loại Axit Amin: 5,23-6,83%.
Trong rễ củ có tinh bột, chất nhầy, glucose, protein, acid amin, saponin, cholin, sinh tố C... có tác dụng chống lão suy (chống di niệu, ngừa bạc tóc sớm, bổ thận, bổ tỳ), làm giảm đường huyết và tăng lực.

Công dụng

a-Các bộ phận cây củ mài được dùng làm rau
1-Lá và đọt non cây củ mài được dùng làm rau
Người dân tộc ở vùng rừng núi dùng lá và đọt non cây củ mài làm rau luộc, xào, nấu canh như các loại đọt khoai khác được dùng làm rau ở vùng đồng bằng.
2-Củ mài được dùng làm lương thực
Nhân dân vùng núi thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn; có thể dùng độn cơm để ăn như các loại khoai.
Trong thời kỳ chiến tranh củ mài là nguồn lương thực cứu đói cho Bộ đội Trường Sơn và là thức ăn thay gạo và ngô của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
3-Bột củ mài được dùng để nấu chè, làm bánh
Bột củ mài được dùng để nấu nhiều loại chè, làm bánh từ củ mài được xắt hoặc bào mỏng.


Củ mài luộc

Bánh củ mài Chùa Hương
Chú ý! Trên thị trường cũng tồn tại nhiều loại củ mài giả, được làm từ củ sắn non. Điểm khác nhau giữa củ mài thật và giả là củ mài thật (già hay non) đều không có xơ, trong khi đó củ sắn thì có xơ.
4-Khai thác protein mucin để thủy phân tinh bột thành đường.
Chất Mucin tồn tại trong Hoài sơn sau khi bị phân giải cho chất Protid và Hydrat Carbon, có tính chất bổ. Men có trong Hoài sơn ở nhiệt độ thích hợp (45-500) có khả năng thủy phân chất đường rất lớn, trong Axit loãng trong 3 giờ có thể tiêu hóa 3 lần trọng lượng đường (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam). 
Hiện nay, cơ sở công nghiệp có khả năng sử dụng men mucin ở nhiệt độ dưới 55 độ C (giới hạn tồn tại của men) để sản xuất dạng bánh không cần thêm đường.
Người dùng có thể tự chế biến loại bánh này bằng cách rang khô bột củ mài tán mịn và ăn kèm với nước sắc của cỏ ngọt (Stevia rebaudiana).
b- Các bộ phận của củ mài được dùng làm thuốc
Trong Đông y, vị thuốc từ củ mài có tên là hoài sơn, vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ. Thường dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, tiêu khát, ăn khó tiêu; thận suy, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm,… Dùng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc tán bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
Bộ phận dùng: Rễ củ. Thu hái vào mùa hạ, thu khi cây tàn lụi, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước phèn chua 2-4 giờ cho bớt nhớt, xông diêm sinh 48 giờ, phơi khô (Đông y gọi là Hoài sơn).
Hoài sơn được sử dụng làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương và dùng chữa:
1. Người có cơ thể suy nhược;
2. Bệnh đường ruột, ỉa chảy, lỵ lâu ngày;
3. Bệnh tiêu khát;
4. Di tinh, mộng tinh và hoạt tinh;
5. Viêm tử cung (bạch đới);
6. Thận suy, mỏi lưng, đi tiểu luôn, chóng mặt, hoa mắt;
7. Ra mồ hôi trộm. 
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 12-24g hay hơn sắc uống hoặc tán bột uống. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác. 
Kiêng kỵ: Người có thực tà (táo bón, bụng đầy trướng...) không được dùng. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
Trong Tây y
Các thí nghiệm trên chuột cho biết hoài sơn làm tăng đồng hóa và hướng sinh dục (Gonodotrope): Dịch chiết Hoài sơn làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt và túi tinh của súc vật thí nghiệm.
Loài hoài sơn Dioscorea Batatas có khả năng tăng cường tác dụng của nội tiết tố sinh dục nam.

Một số thức ăn- Bài thuốc Đông y từ củ mài

1-Hồ cháo củ mài: củ mài lượng tùy ý, sao vàng tán bột để sẵn; dùng nước cơm, thêm chút muối ăn, quấy với bột củ mài thành hồ (như dạng bột ăn của trẻ em). Dùng cho bệnh nhân kiết lỵ, tiêu chảy. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
2-Nước bột gạo củ mài: Củ mài 100g, củ súng 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g. Gạo nếp ngâm một đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, củ súng, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột với nhau để sẵn. Mỗi lần ăn lấy 30-60g pha với nước sôi, đường trắng. Dùng cho các trường hợp ăn kém, chán ăn, chậm tiêu do tỳ vị hư nhược. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
3-Bột củ mài: Củ mài 200g, củ súng 100g, hạt sen 100g, ý dĩ 100g. Tất cả sao xấy khô tán bột. Ngày uống 20g với nước cơm. Dùng cho trẻ tiêu chảy kéo dài, phân nhầy có mùi tanh, lỵ mạn tính; nam giới di tinh, đau lưng, suy yếu. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
4-Cháo củ mài: hoài sơn 30g, gạo nếp 50g. Nấu cháo thêm đường trắng, muối ăn tùy ý. Ăn phụ bữa sáng và tối, ăn nóng. Dùng cho trường hợp tỳ vị hư, tiêu chảy, hội chứng lỵ mạn tính, hư lao, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón. Có thể ăn quanh năm. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
5-Cháo củ mài ý dĩ: hoài sơn 30g, ý dĩ 30g, hạt sen bỏ tâm 15g, đại táo 10 quả, gạo tẻ 50-100g. Tất cả nấu cháo thêm đường, muối. Ăn khi đói. Dùng cho trường hợp tỳ vị hư, ăn kém chậm tiêu, trướng bụng, tiêu chảy, mệt mỏi toàn thân. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
6-Cháo bổ tỳ: Củ mài 50g, khoai sọ 200g, gạo tẻ 50g, nấu cháo ăn trong ngày. Thường xuyên ăn món cháo này có tác dụng ích khí (tăng thể lực), bổ tỳ vị (tăng cường chức năng tiêu hóa), dùng chữa chứng đuối sức, mệt mỏi, kém ăn, miệng khát, hay phiền táo. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga).
7-Bún miến củ mài: Củ mài sống bóc vỏ, sát bột làm thành dạng sợi miến, mỳ để chế các món ăn bình thường cho mọi giới tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
8-Tụy lợn hầm củ mài: củ mài 60g, tụy lợn 1 cái. Rửa sạch, thái lát hầm nhừ, thêm muối gia vị vừa ăn. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường. (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
9-Rượu củ mài: củ mài 250g, thần khúc 250g. Củ mài thái lát, tất cả ngâm trong 1 lít rượu. Sau 1 tuần dùng được. Mỗi lần uống 10 - 20ml. Dùng cho các chứng phong thấp huyễn vững (đau đầu, chóng mặt...). (Theo TS. Nguyễn Đức Quang).
10-Chữa suy nhược cơ thể sau viêm đại tràng, loét dạ dày - tá tràng, rối loạn tiêu hóa kéo dài: Củ mài 12g, bố chính sâm 16g, bạch truật 12g, biển đậu 12g, ý dĩ 12g, vỏ quýt 6g, hạt sen 12g, hạt cau 10g, nam mộc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 2 lần. Dùng 7-10 ngày. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga).
11-Chữa chán ăn, khó tiêu do tỳ vị hư nhược: Củ mài 100g, khiếm thực 100g, xuyên tiêu 30g, gạo nếp 1.000g, đường trắng 30g. Gạo nếp ngâm một đêm, vo sạch, để khô, rang chín, tán bột. Củ mài, khiếm thực, xuyên tiêu đều sao qua, tán bột. Trộn đều hai thứ bột với nhau để sẵn. Mỗi lần ăn, lấy 30 - 60g pha với nước sôi và một ít đường trắng. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga).
12-Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ: Củ mài 20g, gạo 50g, biển đậu 10g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, đường trắng 20g. Củ mài sấy khô. Gạo, biển đậu đều xay thành bột. Trứng gà luộc bóc lấy lòng đỏ, cho vào bột gạo dầm nát trộn đều. Tất cả cho vào nồi thêm 200ml nước đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho đường quấy đều, cháo sôi lại là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, ăn liền 15 ngày. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga).
13-Chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm: Củ mài 15g, vừng đen 120g, đường đỏ 20g, sữa bò 200g, đường phèn 100g, gạo tẻ 30g. Củ mài thái nhỏ. Vừng và gạo rang chín vàng nghiền nhỏ rồi cho nước vào quấy đều, lọc lấy nước trộn với sữa bò, đường phèn, đun sôi cùng củ mài quấy chín. Ăn trong ngày. Tác dụng: tẩm bổ can thận, bổ tỳ nhuận trường, chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm, gan thận yếu, tóc bạc sớm, bí đại tiện. (Theo Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga).
14-Thuốc bổ dưỡng: Hoài sơn, Quả tơ hồng, Hà thủ ô, Huyết giác, Đỗ đen sao cháy mỗi loại 1kg, Vừng đen 300g, Ngải cứu 200g, gạo nếp rang 100g, muối rang 5g, tán bột, làm viên, uống mỗi ngày 10-20g (Viện Kiến thiết của Hợp tác xã Hợp châu).
Chú ý: Trên thực tế người ta còn chế biến Hoài sơn từ một số loài khác thuộc chi Dioscorea như Củ cọc, Củ mỡ... tác dụng của chúng so với Hoài sơn chưa có tài liệu công bố.

Cách trồng và chăm sóc cây củ mài

* Chọn đất, nguồn giống:
- Chọn đất tương đối tốt, đất thịt xốp, thấm nước nhanh, không bị úng, đất đủ ẩm quanh năm.
- Nguồn giống: trồng bằng gốc rễ hoặc củ khí sinh (dái mài).
* Trồng: 
+ Thời vụ: Mùa xuân.
+ Làm đất theo hố với kích thước 40x40x40cm.
+ Đào hố 1 tháng trước khi trồng, lấp đất mùn trộn phân chuồng hoai gần đầy miệng hố.
+ Đào 1 lỗ giữa hố, đặt gốc rễ, lấp đất chừa 1 phần gốc rễ lộ trên mặt đất, nếu trồng bằng dái mài thì mỗi hố trống 2 củ dái mài, lấp đất kín. Nén chặt xung quanh gốc. Phủ một lớp đất mịn cao hơn mặt hố khoảng 5cm, sau đó phủ lớp thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố. 
* Chăm sóc:
- Phát dọn cây cỏ xâm lấn và vun xới quanh gốc.
- Làm cọc cho cây leo.
* Kỹ thuật thu hoạch và sơ chế:
- Thu hoạch vào mùa hạ, thu hoặc đông khi cây tàn lụi.
- Đào củ về, rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước phèn chua từ 2-4 giờ cho bớt nhớt, sau đó xông diêm sinh 48 giờ rồi phơi khô.
- Chú ý củ đào về phải được chế biến trong vòng 3 ngày.
Nguồn: Lê Thị Diên, Đỗ Xuân Cẩm-Trường Đại học Nông Lâm Huế.
Các tài liệu cần đọc thêm
                                                                                                  Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét