Rau đắng đất


RAU ĐẮNG ĐẤT

-Tên gọi khác: Rau đắng lá vòng, trúc tiết thảo...
-Tên tiếng Anh: Knotgrass, Prostrate knotweed.
-Tên khoa học: Polygonum aviculare L.
-Tên đồng nghĩa : Glinus oppositifolius (L) Dc

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):
Cẩm chướng ( Caryophyllales).
Họ (familia):
Họ Cỏ bình cu (Molluginaceae).
Chi (genus):
Rau râm (Polygonum)
Loài(species):
Polygonum aviculare

Phân bố

Cây của phân vùng Ấn Ðộ - Malaixia mọc hoang trên cát ở bờ biển hay vùng ngập từng thời kỳ, hố hồ, ruộng từ Nam Hà tới các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long. Có thể thu háo cây quanh năm, tốt nhất lúc cây chưa có hoa, rửa sạch, phơi khô.

Mô tả

Rau đắng đất là loại cây thân thảo bò trên mặt đất, sống lâu năm.
-Thân: Là cọng nhỏ bằng que tâm, có nhiều đốt, mổi đốt mọc 2 lá và thường mang chồi, thân và chồi mọc bò dưới đất trong vườn nhà hay bờ ruộng tạo thành những mảng lớn.
-Lá: Lá rau đắng đất giống những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây. Lá mọc vòng 2-5 lá không đều nhau, có khi 6 lá, phiến lá hình mác hẹp, dài 2-2,5cm, có một gân chính. Lá kèm rất nhỏ, rụng sớm.
-Hoa: Hoa màu lục nhạt có cuống dài, tụ họp 2-5 cái ở nách lá. Hoa không có cánh hoa. Nhị 5, nhuỵ có 3 vòi nhuỵ.
-Quả: Quả nang.
-Hạt: Hạt hình thận.
Mùa hoa quả tháng 4-7.

Thành phần hóa học

Lá cây chiết bằng cồn ethanol, thu được spergulagenin A. một sapogenin triterpenoid bão hoà, trihydroxy-cetone.

Công dụng

a-Rau đắng đất dùng làm rau

Trong họ rau đắng, ăn ngon nhất là rau đắng đất. Rau đắng đất dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Rau đắng đất mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau đem về nhặt lấy phần ngọn non mướt, rửa sạch để vào rổ cho ráo nước. 
1-Làm ra sống: Rau đắng đất được dùng làm rau ghém ăn sống chung với nhiều rau rừng khác. Có thể ăn với cháo cá, với mắm kho, cá, thịt kho..
2-Nấu canh: Rau đắng đất được nấu canh với cá nước ngọt, cá nước lợ, tôm, cua, thịt bầm…rất bổ dưỡng.

b-Rau đắng đất dùng  làm thuốc

Theo Đông y rau đắng đất có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hoá, khai vị, kháng sinh, lợi tiểu và nhuận gan.
Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật...
Ở Ấn Ðộ người ta dùng toàn cây sắc nước uống trừ sản dịch, dùng thân, lá giã ra thêm tí dầu thầu dầu hơ nóng làm thuốc đắp trị đau đầu. Dùng dịch lá cây để đắp trị bệnh ngoài da và ghẻ ngứa. 
Trong nhân dân, rau đắng đất được dùng thay rau má trong "toa căn bản" làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan và chứng vàng da. Nhân dân ta còn dùng cây rau khô đem đốt thành tro dùng ngâm lấy nước gội đầu. 

Các bài thuốc từ rau đắng đất

Sau đây là những toa thuốc căn bản từ cây rau đắng đất:
1. Cao thuốc trị đau vàng da, chậm tiêu, lói bù tay mặt, nổi u nhọt, mề đay: Dây Cứt quạ 1 thúng, Rau đắng đất 1 thúng, hai thứ nấu chung cho nhừ, lược bỏ xác, nấu nước thành cao, thêm đường hoặc mật nấu cho đặc, để lâu được. Mỗi sáng, trưa và tối 1 muỗng cà phê (theo Kinh nghiệm thời kháng chiến chống Pháp). 
2. Thanh can giải độc: Rau đắng 6g, Nhân trần (Bồ bồ) 5g, Dành dành 5g, Cỏ xước 6g, Rau má 6g, Ké đầu ngựa 6g, dây khổ qua 6g, cỏ mực 8g, Muỗng trâu 6g rễ tranh 6g, Sài đất 6g. Cam thảo 3g sắc uống hoặc tán bột, luyện viên uống (theo Lương y Ðỗ Văn Tranh, An Giang). 
3- Bị sỏi mật, vàng da, rụng tóc, gan không lọc máu: dùng mỗi ngày 200g rau đắng đất, 200gr dây cứt quạ, sắc với 750ml nước còn 0,5 lít uống khi khát (theo Lương y Dương Tấn Hưng).
4-Người luôn nóng nực, cổ họng ngứa ngáy, khô khan, khúc khắc: dùng 100g rau đắng, 100gr cây me đất, sao khử thổ, nấu trong 0,5 lít nước còn 250ml. Uống 3 lần sáng, trưa, tối. Trong 7 ngày. (theo Lương y Dương Tấn Hưng).
                                                                                                Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Rau đắng - Hương quê ngọt ngào



Xem video: Còn thương rau đắng mọc sau hè




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét