Cây cải trời


CÂY CẢI TRỜI

Cây cải trời

Bông (hoa) cải trời
-Tên gọi khác: Cải ma, Kim đầu tuyến, Cỏ hôi, Bọ xít, Vừng tây, Đại bi rách.
-Tên tiếng Anh: Blumea.
-Tên khoa học: Blumea lacera L,
-Tên đồng nghĩa: Blumea lacera (Burm. f. ) DC.

Phân loại thực vật

-Ngành: Ngọc Lan (Magnoliophyta) 
-Lớp: Ngọc Lan (Magnoliopsida)
-Phân Lớp: Cúc (Asteridae)
-Bộ :Cúc (Asterales)
-Họ: Cúc (Asteraceae)
-Chi :Blumea
-Tên hai phần: Blumea lacera L.,

Phân bố

Cây cải trời (Blumea lacera )  là một loài cỏ dại có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ-Malaysia, sau đó lan ra các nuớc lân cận ở vùng Nam Á, Đông Nam Á, Đông Dương, đến tận Trung Quốc và Australia. Cây phát triển mạnh ở Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á và một số ít ở Châu Phi.
Cải trời là loài cây hoang dại mọc khắp nơi ở Việt Nam và ở Nam Bộ. Được người dân Nam Bộ dùng như một loại rau rừng với hương vị hấp dẫn và dùng trong nhiều bài thuốc dân gian.
Cây cải trời cũng được trồng làm rau và dùng làm thuốc ở Ấn Độ và Bangladesh.

Mô tả

Cải trời là cây thân thảo, đứng, cao 0,4-0,8 m, phân cành nhiều, có mùi thơm. Thân có tiết diện tròn, màu xanh, phủ nhiều lông ngắn dính và ít lông dài màu trắng, nhánh và lá có lông hơi dính (trĩu), thơm.
 Lá mọc so le, mép khía răng. Cụm hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài, có lông dính; hoa đầu có bao chung gồm 5-6 hàng lá bắc, phía ngoài là hoa cái, phía trong là hoa lưỡng tính; hoa nhỏ 4-5mm. Quả bế dài 1mm, có 10 lằn và ở ngọn có lông mào trắng, dễ rụng.  

Thành phần hóa học

Cây chứa 0,085% tinh dầu màu vàng mà trong thành phần có 66% cineol, 10% fenchon và khoảng 6% citral.
Theo tài liệu khác cây cải trời chứa 60% cineol, 10% fenchon, khoảng 6% citral.
Lá chứa flavonoid: 5-hydroxy-3,6,7,3’,4’-pentamethoxyflavon, 5,3’,4’-trihydroxy-3,6,7-trimethxyflavon và một ít hợp chất flavon khác. Phần trên mặt đất còn có campestrol. Hai glycosid cũng có trong toàn cây: 19α-hydroxy-urs-12-en-24,28-dioat-3-O-β-D-xylopyranosid và 2-isopropyl-5-isoprenyl phenol-4- O-β-D-xylopyranosid (Prosea 12 (1), 1999).

Công dụng

a-Cải trời được dùng làm rau


-Được dùng để ăn sống: Cải trời non có thể dùng để ăn sống với các loại rau rừng khác. Khi ăn sống với cháo nóng hoặc chấm với thịt, cá kho.
-Được dùng làm rau luộc: Cải trời có thể lược riêng hoặc luộc chung với các loại rau rừng khác.
-Được dùng để xào: Cải trời được xào với thịt trâu, bò, vịt, chim rừng, rắn, ếch, nhái.
-Nấu canh và nấu lẫu: Cải trời được nấu canh hay nấu lẩu với cá bầm vò viên, thịt cua, tép, xương ống…

b-Cải trời được dùng như vị thuốc

Cây cải trời được các nước vùng Đông Nam Á và Nam Á dùng như vị thuốc với nhiều công dụng bở dưỡng và trị liệu.
Theo dược điển của Ấn Độ, cải trời có vị đắng, chát, chất làm se, tác dụng giải nhiệt, cầm máu, chống viêm, tiêu hóa, bệnh mắt, thuốc bổ gan, trừ đờm, giải nhiệt, hạ sốt, dịch lá trừ giun, hạ nhiệt, kích thích và lợi tiểu; rễ trừ tả. (Warner et al 1996).
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng lá để trị đau bụng và để lọc sạch nước uống.
Ở Java, người ta cũng dùng chồi non nấu canh ăn. Người ta dùng toàn cây làm thuốc trị tràng nhạc, nhọt lở, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Cũng dùng trị tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, mất ngủ, đái vàng và nóng.
Ở Malaixia, người ta dùng cây để xua đuổi sâu bọ nhờ tinh dầu thơm.
Theo đông y Việt Nam thì cây cải trời có đặc tính: vị đắng, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hoả, giải độc tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu, sát trùng.
Liều dùng hàng ngày 10-30g, dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa, lá Sen, cành Tầm duột, Ngũ gia bì, Cam thảo. Cũng có thể nấu thành cao sệt, uống lâu ngày, mỗi ngày độ 2 thìa canh pha với nước; dùng ngoài làm cao dán.
Ghi chú: Một loài khác cũng được gọi là Cải trời, Cải ma, Cải dại, Bọ xít - Blumea subcapitata DC. cũng được dùng làm thuốc giải độc, chữa mụn nhọt và cầm máu vết thương.
                                                                                                Kỹ sư Hồ Đình Hải



Rau càng cua


RAU CÀNG CUA


-Tên gọi khác: Rau tiêu, đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo.
-Tên tiếng Anh: Pepper elder, silverbush, rat-ear, clearweed..
-Tên khoa học: Peperomia pellucida L.
-Tên đồng nghĩa: Peperomia exigua, P. translucens, Piper pellicudum L.

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):
Piperales
Họ (familia):
Hồ tiêu (Piperaceae).
Chi (genus):
Peperomia
Loài (species):
Peperomia pellucida

Phân bố

Rau càng cua  (danh pháp khoa học: Peperomia pellucida) là một loài rau thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae). Đây là loại rau hoang dại, mọc nhiều nơi, sống trong vòng một năm, phân bố ở những khu vực có khí hậu nhiệt đới. Rau khi ăn sống hơi chua, giòn, ngon, có giá trị về dinh dưỡng.
Loài này phân bố rộng ở khắp các nước Châu Á và Châu Âu. Ở Việt Nam nó xuất hiện trên cả nước. Ở Nam bộ nó mọc hoang trên các vùng đất ẩm, nhiều bóng râm. Đặc biệt sống thích nghi trên đất mặt các chậu kiểng.
Thuộc nhóm cây thân cỏ, sống thích hợp ở những nơi ẩm ướt, ưa mọc nơi đất ẩm thấp, mương rạch, vách tường, dưới chân tường, trên đá, thường khai hoa vào tháng giêng hay tháng 8 âm lịch, sức sống mạnh, hạt rất nhỏ nên dễ phân tán nơi xa, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ lên cây và lan rộng ra.

Mô tả

-Thân: Rau càng cua thuộc loại thân thảo, phần nhánh cao khoảng 20 - 40cm, thân chứa nhiều nước, hơi nhớt, nhỏ và nhẵn, có màu xanh nhạt. Khi còn nhỏ rau mọc thẳng đứng, sau đó bò lan ra mặt đất, thân chia ra thành nhiều nhánh nhỏ.
-Lá: hình trái tim nhọn có màu xanh trong mọc so le, có cuống, phiến dạng màng, trong suốt, hình tam giác, trái xoan, hình tim ở gốc, hơi tù và nhọn ở chóp, dài 15-20mm, rộng gần bằng đài.
-Hoa: mọc thành chùm dài ở đầu cây hợp thành bông dạng sợi có cuống ở ngọn, dài gấp 2-3 lần lá.
-Quả: quả mọng hình cầu, đường kính 0,5mm, có mũi nhọn cứng ngắn ở đỉnh.

Thành phần hóa học

Rau càng cua là loại rau giàu dinh dưỡng, có vị mặn, ngọt, chua, lẫn giòn, dai. đặc biệt beta-caroten (tiền vitamin A), rau chứa nhiều chất sắt, kali, magiê... còn chứa nhiều chất vitamin C, carotenoid.
Trong 100g rau càng cua chứa 92% nước, phosphor 34mg,  kali 277mg,  canxi 224 mg, magiê 62 mg, sắt 3,2mg carotenoid 4.166 UI, vitamin C 5,2 mg, cung cấp cho cơ thể 24 calori.
Rau càng cua chứa nhiều chất vitamin C, carotenoid, là chất có vai trò tăng khả năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, bệnh về mắt, tăng cường sức mạnh cơ bắp, mau lành vết thương, giải nhiệt độc cơ thể…
Đây là rau chứa nhiều chất phosphor, canxi là chất có vai trò quan trọng giúp trẻ em phát triển bộ xương, ngăn ngừa còi xương và chữa loãng xương người lớn. Rau chứa nhiều chất sắt, ăn rất tốt cho người thiếu máu do thiếu sắt.
Rau còn chứa nhiều kali là chất rất cần cho sự hoạt động bình thường của cơ tim, sử dụng rất tốt cho bệnh tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, càng cua giàu chất magiê cũng là chất có vai trò chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp, và loãng xương. Càng cua là loại rau ít năng lượng, rất thích hợp cho người thừa cân nóng nhiệt.

Công dụng

a-Dùng làm rau ăn

-Rau sống
Rau càng cua thường được chế biến thành nhiều món ăn dân dã bổ dưỡng. Thân, lá rau càng cua được dùng ăn sống riêng biệt hoặc dùng chung nhiều loại rau khác như rau sam, rau thơm..., chấm với nước cá kho hay thịt kho. Rau càng cua rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm;
-Làm gỏi
Càng cua thường được người dân Nam Bộ hái làm rau tươi bóp giấm, đặc biệt món rau ăn sống với ếch chiên, thịt bò xào tái, lươn om, ăn ngon lạ miệng, bổ mát… làm gỏi bằng cách trộn với tép bạc tươi, thịt ba chỉ luộc, đậu phộng rang giã dập và rau húng quế, làm món xà lách với thịt bò, dầu giấm, trứng luộc; với cá mòi đóng hộp và hành tây…, đều là những món giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát. Tuy nhiên, lưu ý là loại rau này không thích hợp cho những người sỏi thận.
Sau đây là công thức  để làm món gỏi rau càng cua với thịt bò:
+Nguyên liệu:
-300g rau càng cua.
-2 quả cà chua thái mỏng.
-5 củ hành tím thái mỏng.
-150g thịt bò thái mỏng.
-1 muỗng cà phê tỏi xay.
-1/2 muỗng cà phê tiêu xay.
-2 muỗng canh giấm.
-2 muỗng canh đường.
-2 muỗng cà phê bột nêm.
-1 muỗng canh tương ớt.
-1 muỗng canh dầu ăn.
-1 quả ớt sừng thái sợi.
+Thực hiện
-Ướp thịt bò với bột nêm, tiêu, tỏi, dầu ăn.
-Đun nóng dầu ăn, phi thơm tỏi, cho thịt bò vào xào nhanh tay, vừa chín, nhắc xuống.
-Rau ngâm nước muối loảng, rửa lại nước sạch, vớt ra để ráo nước.
-Hòa tan giấm, bột nêm, dầu ăn, đường, tỏi xay, tương ớt sao cho có vị chua, ngọt vừa ăn.

b-Dùng làm thuốc

Theo Đông y, rau càng cua vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ, thường dùng để chữa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm ruột thừa,viêm gan, viêm dạ dày - ruột, tiêu hóa kém. Ngoài ra rau còn được dùng ngoài chữa rắn cắn, nhọt lở, chấn thương sưng đau, có tác dụng chữa trị bệnh ngoài da rất tốt, nhất là bệnh ghẻ lở (giã nát, vắt lấy nước, bổ sung chút muối và chấm vào vết thương, da sẽ mau lành, liền miệng).
Rau càng cua tuy cung cấp nhiều chất nhưng lại ít năng lượng, thích hợp cho người giảm béo, còn được dùng làm vị thuốc, giúp bổ sung cho người thiếu máu do thiếu sắt. Các chất trong rau tốt cho tim mạch và huyết áp cũng như góp phần trong việc chữa bệnh đái tháo đường, táo bón, cao huyết áp...
Có người còn cho rằng, ăn rau càng cua làm người mát, bớt táo bón, đi tiêu dễ dàng, người khỏe, tim bớt hồi hộp, có thể vì rau này có tính nhuận tràng và giàu vitamin C, kali.
Rau càng cua là rau ngon giòn, bổ mát, lạ miệng, là nguồn bổ sung nhiều vitamin vi lượng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, rau có tính hàn, người tỳ vị hư hàn đang tiêu chảy không nên dùng.
Ở các nước phương Tây, người ta xem rau càng cua như một thứ cỏ dại. Người ta có thể nghiền lá ra dùng đắp trị sốt rét, đau đầu, dịch nhầy từ lá dùng uống trị đau bụng.
Tại Trung Quốc, toàn cây rau này được dùng làm thuốc trị đau nhức khớp, đòn ngã và được vò nát đắp lên da trị phỏng do lửa hoặc nước sôi.

Các bài thuốc từ rau càng cua

1- Chữa phế nhiệt, viêm họng khô cổ khản tiếng: rau càng cua rửa sạch nhai ngậm, hoặc xay nước uống ngày 50 - 100g.( theo Y học cổ truyền Việt Nam).
2-Chữa chứng tiêu khát (đái tháo đường) có kèm chứng miệng khô khát, táo bón: rau càng cua rửa sạch 100g bóp giấm, chanh, thịt ếch chiên bột 100g ăn tuần vài lần.(theo Y học cổ truyền Việt nam).
3-Chữa thiếu máu: rau càng cua 100g rửa sạch bóp giấm, thịt bò, cho gia vị vừa đủ xào chín tới trộn đều ăn vài lần.(theo Y học cổ truyền Việt nam).
4-Chữa tiểu gắt, tiểu khó: rau càng cua ăn sống hoặc nấu nước uống ngày 150 - 200g. (theo Y học cổ tryền Việt nam).
5-Chữa đau lưng cơ co rút (nhiệt độc nhập kinh thận): rau càng cua sắc uống mỗi ngày 50 - 100g.(theo Y học cổ truyền Việt nam).
6-Chữa nhiễm trùng đầu ngón tay (chín mé): rau càng cua 100 - 150g sắc uống trong, bã đắp ngoài. (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
7-Chữa ngoài da khô sần, mụn nhọt lở ngứa, vết thương lâu lành: rau càng cua ăn sống, hoặc xay nước uống, giã đắp ngoài.(theo Y học cổ truyền Việt Nam).
Lưu ý: trong khi sử dụng không được để nhựa mủ cây rau này bắn vào mắt.
                                                                                                   Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Công dụng của rau càng cua