Cây Bồ công anh Việt Nam


CÂY BỒ CÔNG ANH VIỆT NAM


Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam) thì cây Bồ công anh trong tiếng Việt để chỉ ít nhất ba loài thực vật khác nhau, đó là:
1- Cây Bồ công anh Việt Nam (chữ "Việt Nam" mới thêm vào để khỏi nhầm với hai loại cây còn lại), phổ biến ở miền Bắc và bắc Trung bộ.
Cây Bồ công anh Việt Nam còn gọi là Rau bồ cóc, Diếp hoang, Diếp dại, Mót mét, Mũi mác, Diếp trời, Rau mũi cày. Tên khoa học Lactuca indica L. Thuộc Chi Rau diếp (Lactuca),  Họ Cúc (Asteraceae) .

Cây Bồ công anh Việt Nam
2-Cây Bồ công anh Trung Quốc (Chữ “Trung Quốc” thêm vào để tránh bị lầm lẩn) là loại cây Bồ công anh được ghi trong các sách Trung Quốc. Còn gọi là cây Bồ công anh lùn, có tên khoa học Taraxacum officinale F. H. Wigg. Thuộc Chi Chi Taraxacum G. H. Weber ex Wigg., Họ Cúc (Asteraceae).
Cây Bồ công anh Trung Quốc
3-Cây Chỉ thiên, được nhân dân một số vùng ở Miền Nam gọi là Bồ công anh, và dùng như bồ công anh Trung Quốc.
Chỉ thiên hay còn gọi cây Thổi lửa, cỏ Lưỡi mèo, cỏ Lưỡi chó, Co tát nai (dân tộc Thái), Nhả đản (dân tộc Tày), một số thầy lang hay gọi là Tiền hồ nam. Trong các sách Trung dược, cây có tên là "Khổ địa đảm", "Thiên giới thái", "Thổ sài hồ", "Thổ bồ công anh", "Xuy hỏa căn" (rễ Thổi lửa), "Thiết tảo trửu" (cái Chổi sắt) ...
Tên khoa học là  Elephantopus scarber L. họ Cúc (ASTERACEAE)


Cây Chỉ thiên (còn gọi là Bồ công anh) ở Miền Nam
Cả ba loài cây trên đều có tên là cây Bồ công anh, vừa là cây rau, cây thuốc và dùng làm trà.
Do tính dược khác nhau của mỗi loài cây, nhất là các toa thuốc nam trị bệnh có liên quan đến sức khỏe người dùng nên ta cần phải phân biệt rõ ràng đặc điểm thực vật và tính năng dược liệu của ba loài cây này để tránh sự ngộ nhận đáng tiếc xảy ra.
I-CÂY BỒ CÔNG ANH VIỆT NAM
-Tên gọi khác: Bồ công anh, rau bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mót mét, mũi mác, diếp trời, rau mũi cà.
-Tên tiếng Anh: Indian Lettuce
-Tên khoa học: Lactuca indica L.
-Tên đồng nghĩa:
Brachyramphus sinicus
Lactuca amurensis
Lactuca brevirostris
Lactuca cavaleriei
Lactuca indica f. indivisa (Maxim.) H. Hara
Lactuca indica f. runcinata (Maxim.) Kitam.
Lactuca kouyangensis
Lactuca squarrosa
Leontodon acutissimus
Prenanthes longifolia
Sonchus engleri
Pterocypsela indica (L.) C.Shih (1988)
-Các loài tương cận:

Phân loại khoa học


Bộ (ordo):
Cúc (Asterales)
Họ (familia):
Cúc (Asteraceae)
Chi (genus):
Rau diếp (Lactuca)
Loài (species):
Lactuca indica 

Chi Rau diếp có khoảng 100 loài phân bố chủ yếu ở vùng lục địa Á-Âu (Eurasia). Cây Bồ công anh Việt Nam, chính là cây Rau diếp Ấn Độ, có tên khoa học là Lactuca indica.
Phân bố
Cây Bồ công anh Việt Nam hay Rau diếp Ấn Độ (Lactuca indica) có nguồn gốc không rõ và phân bố ở Đông Nam Á, Ấn Độ, đông Siberi, Nhật Bản và miền Nam Trung Quốc, Đài Loan.
Cây thường mọc hoang dại ven đường, các sườn đồi nhiều nắng, ở cao độ từ thấp tới trung bình. Ít được trồng. Có hai dạng là indivisa (cây được trồng với lá thẳng-mũi mác, không xẻ thùy) và runcinata với lá thuôn dài, xẻ thùy sâu hình lông chim. Cả hai loại đều dùng làm thuốc được

Hoa bồ công anh Việt Nam

Quả bồ công anh Việt Nam
Mô tả
Cây Bồ công anh Việt Nam (Lactuca indica) là một loài cây thân thảo thuộc họ Cúc (Asteraceae), sống một năm hoặc hai năm, không lông.
-Thân: Thân cao 0,6-2 m, đôi khi đến 3 m, đơn hoặc chẻ nhánh ở phần trên.
-Lá: Lá cây có nhiều hình dạng: lá phía dưới dài 30 cm, rộng 5-6 cm, gần như không có cuống, chia thành nhiều thùy hay răng cưa to, thô; lá trên ngắn hơn, không chia thùy, mép có răng cưa thưa. Nếu ta bấm vào lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị hơi đắng. Hoa màu vàng, có loại màu tím, cả hai loại đều dùng làm thuốc được.
-Hoa: Cụm hoa kiểu chùy hình trụ hẹp, dài 20-40 cm. Đầu cụm hoa rộng khoảng 2 cm; cuống dài 10-25 mm, mọc thẳng. Tổng bao hình trụ, kích thước 10-13×5-6 mm, các lá bắc không lông, có màu vàng hoặc màu tía, các lá ngoài hình trứng, dài 2-3 mm, các lá trong hình trứng-mũi mác, các lá bắc tận trong cùng khoảng 8, hình mũi mác. Chiếc hoa 21-27, màu vàng nhạt, kích thước 12-13×2 mm.
Hoa màu vàng, có loại màu tím, cả hai loại đều dùng làm thuốc được. Hoa màu vàng hoặc màu tím.
-Quả: Quả bế hình elip, phẳng, màu đen, kích thước 4-4,5×2,3 mm; mỏ dài 1-1,5 mm, 1-gân ở mỗi bên. Mào lông màu trắng, dài 7-8 mm. Số nhiễm sắc thể 2n = 18 (Peng & Hsu, 1978).
Bồ công anh (VN) mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đây là loại cây rất dễ trồng bằng hạt, mùa trồng vào tháng 3-4 hoặc 9-10, cũng có thể trồng bằng mẩu gốc, sau 4 tháng là có thể thu hoạch được. Thường thì nhân dân ta hái lá về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô để dùng dần, không cần chế biến gì đặc biệt.
Công dụng
a- Cây Bồ công anh Việt Nam dùng làm rau (rau bồ cóc).
Bồ công anh Việt Nam có hương vị giống như cây cải trời mọc ở vùng đồng bằng, làm rau ăn được, thường được dùng để xào hay nấu canh.
b-Cây Bồ công anh Việt Nam dùng làm thuốc
Theo y học cổ truyền, Bồ công anh Việt Nam vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày - tá tràng, viêm gan, viêm họng..
Ở Việt Nam, cây Bồ công anh Việt Nam là một vị thuốc dân gian để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, hay bị mụn nhọt, đinh râu. Còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu.
Liều dùng hàng ngày khoảng 20-40 g lá tươi hoặc 10-15 g lá khô (hay cành và lá khô). Ta có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác; thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm đường cho dễ uống. Nếu dùng giã nát đắp ngoài thì không kể liều lượng.
Những bài thuốc từ cây Bồ công anh Việt Nam:
1- Chữa sưng vú, tắc tia sữa: hái 20-40 g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, còn bã dùng đắp lên nơi vú sưng đau. Thường chỉ dùng 2-3 lần là đỡ. (Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi -Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
2- Chữa ăn uống kém tiêu, hay bị mụn nhọt: lá bồ công anh khô 10-15 g; nước 600 ml (khoảng 3 bát con); sắc còn 200 ml (1 bát) (có thể đun sôi kỹ và giữ sôi trong vòng 15 phút); uống liên tục trong vòng 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn. (Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi -Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
3- Chữa đau dạ dày: lá bồ công anh khô 20 g; lá khôi 15 g; lá khổ sâm 10 g; thêm 300 ml nước, đun sôi trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào, rồi chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp cho đến khi khỏi. (Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi -Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
4- Chữa mắt đau sưng đỏ: Bồ công anh 40 g, dành dành 12 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).
5-Chữa mụn nhọt: Bồ công anh 40 g, bèo cái 50 g, sài đất 20 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).
6- Chữa viêm họng: Bồ công anh 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).
7- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: Bồ công anh 40 g, lá khôi, nghệ vàng 20 g, mai mực 10 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).
8-Viêm phổi, phế quản: Bồ công anh 40 g, vỏ rễ dâu 20 g, hạt tía tô 10 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).
9-Chữa Viêm gan virus: Bồ công anh 30 g, nhân trần 20 g, chó đẻ răng cưa (kiềm vườn) 20 g, rau má 30 g, cam thảo nam 20g. Sắc uống ngày một thang. (theo BS Anh Minh, Sức Khỏe & Đời Sống).

Thuốc thảo dược có Bồ công anh Việt Nam
Cần xem thêm
                                                                          Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét