Đậu ván


ĐẬU VÁN


Cây đậu ván trắng

Cây đậu ván tím
-Tên gọi khác: Đậu ván trắng, bạch đậu, đậu biển, bạch biển đậu, thúa pản khao (tiếng Tày), tập bẩy bẹ (tiếng Dao).
-Tên tiếng Anh: Hyacinth bean, Indian bean, Egyptian bean, poor man's bean, Tonga bean, lab-lab bean (Australia).
-Tên khoa học: Lablab purpureus (L.) Sweet.
-Tên đồng nghĩa:
Dolichos benghalensis Jacq. 
Dolichos lablab L. 
Dolichos purpureus L. 
Lablab niger Medikus
Lablab purpurea (L.) Sweet
Lablab vulgaris (L.) Savi
Vigna aristata Piper

Phân loại khoa học


Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
Ngành (divisio):
Thực vật có hoa (Magnoliophyta)
Lớp (class):
Thực vật hai lá mầm (Magnoliopsida)
Bộ (ordo):
Đậu (Fabales)
Họ (familia):
Đậu (Fabaceae)
Phân họ (subfamilia):
Đậu (Faboideae)
Tông (tribus):
Phaseoleae
Chi (genus):
Lablab
Loài (species):
Lablab  purpureus

Trong loài đậu ván có hai giống (varieties) là đậu ván trắng và đậu ván tím.
Giống đậu ván trắng phổ biến còn giống đậu ván tím ít phổ biến hơn.
Về giá trị dinh dưỡng và dược liệu giữa hai giống gần tương đương với nhau.
Trong bài viết này đề cập chuyên về giống đậu ván trắng (bạch biển đậu).

Phân bố

Cây đậu ván (Lablab  purpureus) có nguồn gốc ở Châu Phi, ở châu lục này cây đậu váng mọc hoang dại và được trồng như một loại cây lương thực (food crop).
Đây là loài cây trồng quan trọng ở các khu vực:
-Châu Phi: Angola, Botswana, Cameroon, Chad, Cote D'Ivoire, Ethiopia, Gabon, Ghana, Kenya, Malawi, Mozambique, Namibia, Niger, Nigeria, Rwanda, Senegal, Sierra Leone, South Africa (Cape Province, Natal, Orange Free State, Transvaal), Sudan, Swaziland, Tanzania, Togo, Uganda, Zambia, Zimbabwe.
-Ở phía Tây Ấn Độ Dương: Madagascar.
Loài đậu ván này được di thực sang nhiều nước vùng nhiệt đới Châu Á khác như: Ấn độ, Bangladesh, Mianma, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia…và các Châu lục khác như Úc và Nam Mỹ.
Ở Việt Nam cây đậu ván được du nhập hàng trăm năm trước gồm cả giống đậu ván trắng và giống đậu ván tím. Loài đậu này hiện đang mọc hoang ở khắp các vùng của Việt Nam.
Đây là loài đậu dùng làm thực phẩm rất tốt, được Tổ chức FAO khuyến cáo trồng để cung cấp nguồn protein thực vật cho các nước đang phát triển.

Mô tả

Đậu ván gồm hai giống là đậu ván trắng  đậu ván tím (dựa trên màu sắc của hoa và của quả, hạt). Các bộ phận được sử dụng làm thực phẩm là quả và hạt. Quả đậu ván còn xanh được dùng tương tự đậu cô ve để xào hoặc luộc. Hạt đậu ván già thường dùng để nấu chè (món ăn), ở Huế gọi là chè đậu ván.

Quả đậu ván trắng

Quả đậu ván tím
Đậu ván trắng
Đậu ván trắng còn được gọi là bạch biển đậu, bạch đậu, đậu biển, thúa pản khao (tiếng Tày), tập bẩy bẹ (tiếng Dao).
-Thân: Đậu ván trắng là cây dây leo bằng thân quấn. Cành non có lông. Thân dây leo dài 3-6 m.
-Rể: Rể chùm phát triển mạnh trong đất, nơi môi trường tốt có nhiều nốt sần phát triển. Các nghiên cứu ở Mexico cho biết đậu ván trồng hàng năm có khả năng cố địng đạm từ 200-220 kg N/ha.
-Lá: Lá mọc so le, cuống lá dài và mảnh, lá kép có 3 lá chét, lá chét hình trứng dài 7-15 cm, rộng 5-10 cm, nhọn ở đỉnh. Mặt lá trơn phía trên, phía dưới có lông.
-Hoa: Hoa trắng mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả đậu, dẹt, đầu có mỏ nhọn cong. Hạt hình thận, màu trắng, có mồng ở mép. Mùa hoa: tháng 4 - 5; mùa quả: tháng 6 - 8.
-Quả: Quả nang dẹp, dài 4-5 cm. Trong quả chứa 2-4 hạt. Cây trồng lấy quả non và hạt ăn, hạt già làm thực phẩm và làm thuốc.
-Hạt: Hạt màu trắng, hình trứng dẹp bề ngang, kích thước 0,7 x 1 cm.

Thành phần hóa học

Hạt chứa protein, lipit, glucid, các acid amin : tryptophan, arginin, tyrosin, men tyrosinasa, các vitamin A, B1, B2, C, acid cyanhydric, muối vô cơ Ca, P, Fe.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hạt đậu ván trắng hay Bạch biển đậu là loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng; trong đó có chừng 22,70% chất protein, 1,8% chất béo, 57% cacbon hydrat, 0,046% canxi, 0,052% photpho, 0,001% sắt. Trong protein của Bạch biển đậu có nhiều loại axit amin như trytophan, acginin, lyzin và tyrozin... Ngoài ra còn men tyrosinaza, axit xyanhydric, nhiều vitamin B1, vitamin A, B2, C, caroten, đường sacaroza, glucoza,  maltoza và raffinoza.
Lưu ý!Trong hạt đậu ván khô có chứa độc tố glucozit dưới dạng xyanua với nồng độ cao, do đó chỉ ăn được sau khi luộc hoặc nấu hạt đậu trong một thời gian dài để nhiệt phân hủy độc tố. Cần luộc hạt già và đổ bỏ nước trước khi dùng để nấu món ăn.

Công dụng của cây đậu ván

a-Quả non dùng làm rau
Quả non có vỏ mềm, luộc hoặc xào làm rau ăn rất giàu đạm như đậu cove. Cây trồng lấy quả non và hạt ăn, hạt già làm thực phẩm và làm thuốc.
b-Hạt già dùng làm thực phẩm
Hạt đậu ván già được dùng để nấu chè (chè đậu ván) là món ăn phổ biến ở Huế.
Ở Nam Bộ hạt đậu ván dược dùng trong các món nấu thịt hầm, hạt đậu ván hơi dai và béo.
Ở một số vùng quê Việt Nam, lá đậu ván được dùng để nhuộm màu bánh chưng.

Hạt đậu ván trắng

Hạt đậu ván tím

Chè đậu ván
c-Thân lá cây đậu ván dùng làm thức ăn chăn nuôi
Ở Nam Mỹ thân lá cây đậu ván được dùng làm thức ăn xanh hoặc muối chua làm thức ăn chăn nuôi cừu, bò, dê.
Cây đậu ván ngoài sử dụng làm thức ăn cho gia súc và còn được trồng làm cảnh.
d-Các bộ phận Cây đậu ván trắng được dùng làm thuốc
Đậu ván trắng là một loại dây leo, được trồng ở khắp nơi, để lấy quả non ăn, quả già thường lấy hạt dùng làm thuốc.
Từ nhiều thế kỷ trước, tác dụng chữa bệnh của Đậu ván trắng đã được ghi lại trong các sách thuốc của Tuệ Tĩnh, Lãn Ông và của Trung Quốc như Đường bản thảo, Bản thảo cương mục, Bản thảo kinh sơ ...
Trong Đông y, Đậu ván trắng thường gọi là Biển đậu, hoặc Bạch biển đậu. Sách Hiện đại thực dụng Trung dược học, do Nhân dân vệ sinh xuất bản xã, ấn hành năm 2001 xếp Biển đậu vào nhóm thuốc “Bổ khí”, cùng với các vị thuốc như Nhân sâm, Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Hoài sơn ...
Về mặt dược lý, Bạch biển đậu có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lị; giải độc, chống nôn mửa do bị ngộ độc thức ăn; có tác dụng điều trị viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính.
Theo Đông y các vị thuốc của cây đậu ván trắng gồm:
-Bạch biển nhân (hạt Đậu ván): Chế bằng cách ngâm Biển đậu vào nước cho vỏ phồng lên, đãi lấy nhân phơi riêng, vỏ phơi khô riêng. Phần lớn các sách thuốc cổ đều viết: Biển đậu nhân có vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, vào hai kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh vị. Có tác dụng kiện tỳ, hòa trung, trừ thấp và giải độc. Dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, giải phiền khát, chữa các chứng đau bụng, xích bạch đới, giải độc Nhân ngôn, Rượu, thịt cá có độc .... Khi dùng trừ thấp thì để sống, bồi bổ và tăng cường chức năng tiêu hóa thì sao chín. Ngày dùng: 8-16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Kiêng kỵ: người tỳ vị hư hàn, bụng đầy nên thận trọng khi sử dụng. Để làm thuốc, vào tháng 9-10, hái quả chín già về, đập lấy hạt, phơi khô là được.
-Biển đậu y (còn gọi là Biển đậu bì): là vỏ hạt Đậu ván trắng. Sách An Huy dược tài viết, có tác dụng kiện tỳ hóa thấp; dùng chữa các bệnh lị, tiêu chảy, cước khí phù thũng, giải độc thức ăn và say rượu.
-Lá Đậu ván trắng (Biển đậu diệp): Có nhiều xanthophyl và nhiều carotene (trên 10mg%). Vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Chủ trị ỉa chảy, kèm nôn mửa, gân co rút, nhọt độc, bị đòn, ngã chấn thương; lá giã nát đắp vào chỗ rắn cắn (Nhật Hoa Tử Bản thảo).
-Hoa Đậu ván trắng (Biển đậu hoa): Sách Tứ Xuyên Trung dược chí viết, có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc. Có tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lị, ỉa chảy, xích bạch đới hạ. Liều dùng: 4-9g.
-Rễ cây Đậu ván trắng (Biển đậu căn): Có chứa asparaginase; trong các nốt sần ở rễ có nhiều loại axit amin. Trong Đông y dùng chữa viêm đại tràng, đại tiện xuất huyết, trĩ lở loét, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục ... Liều dùng: 6-9g (Trung dược đại từ điển).
-Dây Đậu ván trắng (Biển đậu đằng): Sách Điền Nam bản thảo viết, dùng chữa chứng họng vướng đờm, ngực đầy tức khó chịu, ý thức mơ hồ hoặc hôn mê (Đông y gọi là chứng “đờm mê tâm khiếu”), phát cuồng nói huyên thiên (điên cuồng loạn ngữ). Liều dùng 9-15g.
(theo L/y Huyên Thảo _ CTQ số 04).

Một số bài thuốc nam từ cây đậu ván trắng

1-Mùa hạ bị trúng nắng, phát sốt, phiền táo, tiểu tiện không thông: Đậu ván trắng để cả vỏ 50g, sắc kỹ với nước, chắt lấy nước, để nguội, chia thành 2 phần uống trong ngày. (theo Lương y Huyên Thảo _ CTQ số 04).
2-Mùa hạ bị trúng nắng, ngực đầy tức, buồn nôn, ỉa lỏng: Dùng hoa Đậu ván trắng 8g, lá Hoắc hương tươi 12g, sắc uống thay nước trong ngày. (theo Lương y Huyên Thảo _ CTQ số 04).
3-Phòng thấp nhiệt trong mùa nóng ẩm. Cuối mùa hạ thời iết khí hậu nóng và ẩm, mưa nhiều, cơ thể con người dễ bị “thử thấp” (nóng ẩm) làm tổn thương, gây nên các chứng bệnh đau bụng, ỉa chảy ... Để dự phòng và chữa trị có thể dùng một trong các bài thuốc sau:
- Đậu ván trắng 12g, Hoắc hương 8g, sắc nước uống. Hoặc cũng có thể chỉ dùng một vị Bạch biển đậu 30 qủa, giã nát, thêm nước vào hòa đều, chắt lấy nước uống. Chuyên trị bị trúng nắng, miệng nôn trôn tháo (nôn mửa, ỉa chảy).
- Đậu ván trắng 9g, Hoắc hương 9g, Hậu phác 8g, Cam thảo (nướng) 4g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Có tác dụng phòng trúng nắng trong các tháng hè.
- Đậu ván trắng 20g, hoắc Hương 8g, Thương truật 8g, sắc nước uống. Chuyên trị viêm đường ruột cấp tính trong mùa hè thu. (theo Lương y Huyên Thảo _ CTQ số 04).
5-Bồi bổ tỳ vị:
- Đậu ván trắng 250g (tẩm nước gừng, bỏ vỏ, sao qua), Bạch truật 250g (sao vàng), củ Mài 100g (sao vàng); tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g. Có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, chữa chứng kém ăn, ỉa lỏng, lợm giọng buồn nôn.
- Đậu ván trắng, Đẳng sâm, Bạch truật, Phục Linh, Cam thảo - mỗi thứ 80g; hạt Sen, ý dĩ, Sa nhân, Cát cánh - mỗi thứ 40g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10g bột thuốc, dùng nước sắc Táo Tầu chiêu thuốc. Có tác dụng tương tự như bài thuốc ở trên. (theo Lương y Huyên Thảo _ CTQ số 04).
6-Viêm ruột cấp tính: Đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 12g, dùng nước ấm chiêu thuốc.
Hoặc dùng Đậu ván trắng 30-60g, sắc với nước, chia thành 3 phần uống trong ngày. (theo Lương y Huyên Thảo _ CTQ số 04).
7-Chữa bệnh mùa hè thổ tả đau bụng dữ dội, nôn mửa: Dùng Ðậu ván trắng sao, tán bột, uống với giấm. Hoặc dùng lá Ðậu ván, lá Hương nhu mỗi thứ 1 nắm, giã nhỏ, chế giấm vào vắt lấy nước cốt uống hay sắc uống. Có thể dùng riêng lá Ðậu ván trắng cũng được. (theo www.botanyvn.com).
8-Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh bế lâu ngày, kém ăn mỏi mệt: Dùng Ðậu vắn trắng sao vàng tán nhỏ, uống 3 đồng cân với nước cơm; ngày uống 3 lần. (theo www.botanyvn.com).
9-Những phụ nữ bị khí hư, bạch đới, kinh nguyệt thất thường: có thể dùng đậu ván trắng 1 kg, sao chín, tán mịn, hòa với nước đun sôi để nguội hoặc nước cơm để uống ngày 3 lần, mỗi lần 8 g. Uống liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi. (theo Lương y Huyên Thảo).
10-Viêm ruột cấp tính: Đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 12 g, dùng nước ấm để chiêu thuốc. Cũng có thể dùng đậu ván trắng 30-60 g, sắc lấy nước, chia làm 3 phần uống trong ngày. (theo Lương y Huyên Thảo).
11-Phù thũng: Đậu ván trắng sao vàng, tán thành bột mịn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10 g. Đối với trẻ nhỏ thì tùy theo tuổi mà giảm bớt liều lượng. (theo Lương y Huyên Thảo).
12-Nổi ban xuất huyết: Đậu ván trắng 100 g, táo tàu 20 quả, đường phèn 50 g, tất cả cho vào nồi sắc lấy nước uống trong ngày. (theo Lương y Huyên Thảo).
13-Động thai: Đậu ván trắng 30 g, nghiền mịn, uống cùng nước cơm. Cũng có thể sắc kỹ lấy nước uống. (theo Lương y Huyên Thảo).
14-Chứng đổ mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi ở trẻ: Đậu ván trắng sao chín, tán mịn, mỗi ngày uống 5-10 g, chiêu bột thuốc bằng nước sôi để nguội. Uống liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi. (theo Lương y Huyên Thảo).
15-Lên đậu, nhiễm độc, toàn thân lở loét ở trẻ: Đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, xoa lên những chỗ bị bệnh, có tác dụng giải độc và giúp chóng lên da. (theo Lương y Huyên Thảo).
16-Ho gà: Đậu ván trắng 9 g, táo tàu 10 quả, sắc lấy nước uống hằng ngày, liên tục trong 1 tuần. (theo Lương y Huyên Thảo).
17-Dị ứng, ngộ độc do thịt gia cầm, tôm cá: Có thể dùng một trong những cách sau:
+ Đậu ván trắng tươi 3 quả, giã nát, hòa với nước sôi để uống.
+ Đậu ván trắng sống 20 g, nghiền mịn, hòa với nước sôi để nguội uống.
+ Đậu ván trắng 1 kg, rang chín, nghiền thành bột mịn, hòa với nước sôi để nguội, uống ngày 3 lần, mỗi lần 12 g, liên tục trong nhiều ngày. (theo Lương y Huyên Thảo).
Ở Trung Quốc, người ta có các cách sử dụng Ðậu ván trắng (Biển đậu) trong ăn uống để trị bệnh như sau:
1. Sau khi trẻ em đi lỏng, đại tiện hoặc lỏng hoặc khô, không còn bình thường; đem ngâm Biển đậu vào nước qua một đêm, bóc vỏ, nấu thành cháo loãng cho ăn. Có thể làm cho dạ dày tăng cường thu nạp, đại tiện bình thường.
2. Mùa hè nóng bức, ăn uống vô vị, thân mình mệt mỏi, có thể dùng Biển đậu, lá Sen non nấu chè uống, lợi thấp khai vị.
3. Người già sức dạ dày yếu, thần kinh dạ dày lỏng lẻo, đại tiện ít nát; nấu canh Bạch biển đậu với mì cán lát, hàng ngày ăn sáng trưa rất có ích.
Tài liệu tham khảo
                                                              Kỹ sư Hồ Đình Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét