Cây khế tàu

CÂY KHẾ TÀU


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 21/5/2014

Cây khế tàu

1-Tên gọi và danh pháp khoa học

-Tên thường gọi: Khế tàu
-Tên gọi khác: Cây khế dưa
-Tên tiếng Anh: Bilimbi, Cucumber tree, Tree sorrel
-Tên khoa học: Averrhoa bilimbi L.
-Tên đồng nghĩa:
Averrhoa abtusangulata Stokes
Averrhoa obtusangula Stokes
-Loài tương cận: Khế thường (Averrhoa carambola)

2-Phân loại khoa học


Bộ (ordo)
Chua me đất (Oxalidales)
Họ (familia)
Chua me đất (Oxalidaceae)
Chi (genus)
Loài (species)
Averrhoa bilimbi

3-Nguồn gốc và phân bố

Chi Khế (Averrhoa) có nguồn gốc vùng Châu Á nhiệt đới với khoảng 10 loài, trong đó có hai loài có quả ăn được quan trọng là:
-Khế thường: Averrhoa carambola (gồm các giống Khế chua và Khế ngọt).
-Khế tàu (Averrhoa bilimbi).
Chi này có danh pháp theo tên của Averroes, một nhà triết học và thiên văn học thế kỷ 12 từ Al-Andalus.
Cây khế tàu (Averrhoa bilimbi) không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng chúng mọc hoang dại ở các Quốc đảo thuộc Đông Nam Á.
Có giả thuyết cho rằng nguồn gốc của cây Khế tàu ở đảo Moluccas (thuộc Indonesia). Loài đang canh tác được tìm thấy ở các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka,  Bangladesh,  Maldives,  Myanmar (Miến Điện), Nam Trung Quốc và Miền Bắc Việt Nam. Đây là loài cây mọc hoang và được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á . Ở Ấn Độ, cây Khế tàu cũng thường được tìm thấy mọc hoang trong các khu rừng nóng ẩm và được trồng trong các vườn cây.
Bên ngoài Châu Á, cây Khế tàu được trồng ở Zanzibar. Năm 1793, cây khế tàu được giới thiệu tới Jamaica từ Timor và sau nhiều năm, được trồng khắp miền Trung Nam Mỹ nơi nó được gọi là mimbro. Nó cũng được giới thiệu đến Queensland (Úc) vào cuối  thế kỷ 19, từ đó nó đã được phát triển thương mại ở Úc.
Khế tàu thực chất là loài cây vùng nhiệt đới, ít chịu lạnh hơn so với khế thường, chúng phát triển tốt trên đất giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt, nhưng cũng sống được trên đất đá vôi và đất cát.
Loài cây này cũng được giới thiệu trồng ở bang Florida của Mỹ để làm cây cảnh, tuy nhiên cần phải che chắn bảo vệ trong mùa lạnh.
Ở Việt Nam tên gọi cây Khế tàu là do ta du nhập từ Miền Nam Trung Quốc về trồng ở các tỉnh Miền núi Phía Bắc, gọi là Khế tàu để phân biệt với Khế ta.
Về sau này cây khế tàu cũng được đem trồng rải rác ở Trung Bộ và nam Bộ chủ yếu để làm cây cảnh vì quả của nó không cạnh tranh lại với quả cây me và quả cây khế chua dùng trong ẩm thực.

4-Mô tả

Khế tàu là loài cây thân gổ tiểu mộc, lá thường xanh, thân cao 5-10 mét.
-Thân: Thân chính mọc thẳng đứng, phân nhiều nhánh, mang quả trên cả thân chính và nhánh.
-: kép lẽ dài 30 - 60 cm, trông giống lá chùm ruột, do nhiều lá phụ 21 - 45, lá phụ tròn dài thon hình mũi mác, có ít lông ở mặt dưới, cuống phụ rất ngắn, mọc xen, phần dưới tròn, phần trên nhọn ở đỉnh.
-Hoa: Chùm hoa tụ tán, gắn liền trực tiếp trên thân hay nhánh già, cọng có đốt.
Hoa, lưỡng tính, màu đỏ đậm, dài 5 - 7 mm, tiền khai vặn, 5 đài, 5 cánh hoa màu xanh vàng hay tím có vết đỏ đậm, tiểu nhụy không đều, 5 dài 5 ngắn, bầu noãn 5 buồng, 5 vòi nhụy. Hợp thành cụm hoa gắn liền vào thân hay những nhánh già tạo thành những cụm trái rất kỳ lạ.
-Quả: Phì quả dài 5 - 10 cm, có cạnh tà, xanh vàng, nạt rất chua, hình trụ dài, cuối cùng ở ngọn còn lại 5 sợi nhỏ là vết để lại của 5 cánh hoa.
Quả dòn khi còn non xanh sau dần chuyển thành xanh vàng, ngà voi hoặc gần như trắng, khi chín và rơi xuống đất. Vỏ ngoài láng sáng bóng, mỏng, mềm dịu và thịt màu xanh lá cây giống như thạch, thịt quả có vị rất chua, chủ yếu được dùng để nấu canh chua, làm vị chua cho nộm, gỏi.
-Hạt: hình đĩa khoảng 6 mm rộng, màu nâu.

Các bộ phận của cây Khế tàu

Chùm hoa và quả non cây Khế tàu

Chùm quả cây Khế tàu

5-Thành phần dinh dưỡng

Trong 100 g phần ăn được của quả Khế tàu chín có thành phần dinh dưỡng như sau:
Độ ẩm: 94,2-94,7 g
Protein: 0,61 g
Tro: 0,31-0,40 g
Chất xơ: 0.6g
Phospho: 11,1 mg
Canxi: 3,4 mg
Sắt: 1,01 mg
Thiamine: 0.010 mg
Riboflavin: 0,026 mg
Carotene: 0.035 mg
Ascorbic Acid: 15,5 mg
Niacin : 0,302 mg
Nguồn: Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)
Thành phận hóa học và các hợp chất khác
- saponine,
- tanins,
- glucoside,
- oxalate de calci,
- lưu huỳnh,
- peroxyde,
- và citrate de potassium.
- 2-furaldehyde;
- ascorbic acid;
- butyl-nicotinate;
- hexyl-nicotinate;
- niacin;
- oxalic acid;
- palmitic acid;
- riboflavin;
- thiamine;
- vitamin A
- 62 hợp chất đã được xác định,
- nonanal và (Z)-3-hexénol nhiều nhất
- oxalate de potassium.
- Hợp chất dể bay hơi của quả có 6 mg/kg.
Nguồn: Selon les analyses de fruits étudiés au Nicaragua aux Philippines

6-Công dụng của quả Khế tàu

a-Quả Khế tàu được dùng làm rau chua
Ở Miền Nam Trung Quốc, Miền Bắc Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Ấn Độ quả Khế tàu chín được dùng làm rau gia vị để lấy chất chua thay cho me, khế, dứa, cà chua…để dùng trong các món nấu như canh chua, nấu lẫu chua, làm nộm, gỏi...
Ở Philippines và Ấn Độ quả Khế tàu chín được dùng để ăn sống với muối hay quả tươi ngâm muối (như quả có ở Việt nam) được dùng để ăn chơi. Quả Khế tàu xanh cũng được dùng trong món salad rau.
b-Quả Khế tàu làm thực phẩm chế biến
Ở Indonesia bột quả Khế tàu chín dược dùng làm nướt sốt chua thay cho quả cà chua và quả xoài. Những bông hoa Khế tàu đôi khi cũng được bảo quản trong đường để ăn dần.
Ở Ấn Độ quả Khế tàu xanh được dùng để muối dưa chua.
Ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á cũng dùng quả Khế tàu xanh để làm mứt.
Ở nhiều nước Châu Á nước ép quả Khế tàu chín được dùng làm nước giải khát thay cho nước chanh để giải nhiệt mùa hè.
c-Quả Khế tàu được dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Á quả Khế tàu được dùng làm thuốc là chủ yếu hơn để ăn, ngoài quả nhiều bộ phận khác của cây này cũng được dùng làm thuốc. Cụ thể các bài thuốc dân gian và thuốc nam thông dụng từ cây khế tàu như:
-Vỏ và thân cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh Ho gà, đau răng.
-Lá cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh thấp khớp, nấu tắm cho trẻ em để bớt bệnh vàng da.
-Cành và lá cây Khế tàu: Được dùng để trị bệnh quai bị (sưng hàm).
-Hoa cây Khế tàu: Được dùng để trị ho
-Quả cây Khế tàu: Được dùng để trị huyết áp cao.
Ở Ấn Độ, sử dụng lá, hoa và quả Khế tàu để điều trị bệnh tăng huyết áp và bệnh tiểu đường.
+Theo Tây y
Cho đến hiện nay trong Tây chưa có bằng chứng khoa học nào để xác nhận hiệu quả cho mục đích trị bệnh theo các phương  thuốc đông y nêu trên.
Cảnh báo! Trong Tây y còn cảnh báo rằng trong quả và các bộ phận khác của cây Khế tàu có chứa nhiều chất acid oxalic, khi vào thận acid này dể kết tủa với các kim loại kiềm thổ như Kali, Canci, Magie để tạo thành các muối Oxalate chính là các khối sỏi thận. Có bằng chứng là những người thường xuyên ăn quả hoặc uống nước ép của quả khế tàu có nhiều nguy cơ bị sỏi thận hơn. Do đó không nên dùng thường xuyên quả và nước quả khế tàu, nhất là những người có bệnh sỏi thận!

7-Các bài thuốc nam từ cây Khế tàu:

1-Để chữa trị bệnh ho gà, người ta dùng 10 miếng vỏ cây khế tàu rửa sạch, nghiền nát và thêm vào 2 muỗng canh nước muối mặn. Lọc và uống 2 lần / ngày.
2-Trong trường hợp đau nhiều trong lỗ sâu răng, dùng 5 miếng cây vỏ cây khế tàu nhai với 1 ít muối, kế đó nhồi vào trong lỗ chiếc răng sâu.
3-Để chữa bệnh thấp khớp, dùng 28 gr lá cây khế tàu, 15 hạt tiêu, 10 hạt đinh girofle, tất cả xay nhuyễn mịn. Thêm dấm trắng để có hương vị cho đến khi sền sệt như cháo và thoa lên điểm đau nhạy cảm.
4-Chữa trị bệnh quai bị (gọi là sưng hàm), dùng 10 cành cây và lá khế tàu, thêm vào 4 củ hành tím, nghiền thành bột mịn. Sau đó, đắp hỗn hợp vào chổ đau trên quai hàm.
5-Chữa bệnh ho, trộn một nắm hoa cây khế tàu và nước ép rau má (Centelle asiatica L, Urban.) đã được xay nát, 2 củ hành tím và 1 vỏ quế nhỏ bắng ngón tay. Kế đó đun sôi và lọc nước, bỏ xác. Sau đó uống bằng cách trộn với mật ong 3 lần / ngày.
6- Chữa viêm miệng và tưa lưỡi: Ngâm 40 gr hoa khế tàu trong ½ lít nước đun sôi. Uống như trà 4 ly trà / ngày.
7- Làm hạ huyết áp cao : Đối với những người bị huyết áp cao dùng quả khế tàu chín cắt thành miếng nhỏ đun trong nước sôi rồi lọc bỏ xác, uống nước khế sau cử ăn sáng mổi ngày.
8-Đối với những em bé, bị vàng da, tắm với nước nấu cây khế tàu, để giảm bớt.

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo

Xem Video: Hình ảnh cây Khế tàu 



Dây trái gùi

DÂY TRÁI GÙI


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 20/05/2014

Dây trái gùi
-Tên gọi khác: Dây trái guồi
-Tên tiếng Anh: Edible willugbeia
-Tên khoa học: Willughbeia cochinchinensis (Pierre) K.
-Tên đồng nghĩa: Willughbeia edulis Roxb.

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Giới (Kingdom):
Thực vật (Plantae)
Ngành (Phylum):
Thực vật có hoa (Angiosperms)
Nhánh (Division):
Hai lá mầm thực sự (Eudicots)
Lớp (Class):
Bộ (Order)
Long đởm (Gentianales)
Họ (Family)
Trúc đào (Apocynaceae)
Chi (Genus)
Dây gùi (Willughbeia)
Loài (Species)
Willughbeia cochinchinensis 

2-Nguồn gốc và phân bố

Chi Dây gùi (Willughbeia) có nguồn gốc ở Đông Dương với khoảng 54 loài bao gồm những thực vật có dây leo hóa gổ sống hoang dại trong rừng. Trong đó có khoảng 20 loài được định danh và vài loài có quả mộng ăn dược với vị chua ngọt.
Dây gùi (Willughbeia cochinchinensis) là loài dây leo thân hóa gổ sống trong rừng, là loài cây có quả ăn được quan trọng trọng nhất trong Chi Dây gùi. Đây là loài cây đặc hữu của Campuchia và Việt Nam (ở vùng Đông Nam Bộ).
Ở Việt Nam trước đây dây gùi sống tự nhiên rất phổ biến trong các khu rừng nguyên sinh ở Miền Đông Nam Bộ như ở Bến Cát, Lộc Ninh, Chiến khu D…nhưng hiện nay loài dây leo có quả quý này gần như sắp bị tiệt chủng do rừng nguyên sinh đã bị khai phá.
Ở Campuchia trái gùi có tên là Kuy, là loại quả còn phổ biến trong các khu rừng nguyên sinh và đang được bảo tồn và khai thác để phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra dây gùi còn gặp ở Thái Lan, Myama và ở Ấn Độ.

3-Mô tả

-Thân: Cây gỗ leo. Thân có mấu lồi, bấm ra nhựa mủ trắng.
- : Lá mọc đối, chóp nhọn; gân lá nổi rõ ở mặt trên.
- Hoa: Hoa tập hợp ở nách lá, màu trắng.
- Quả: Quả to bằng nắm tay, khi chín màu vàng, vị chua ngọt, ăn được.
Cây ra hoa  tháng 1-3, mùa quả tháng 3-5.


Hái trái gùi


Trái gùi chín

 Trái gùi tách vỏ

4-Công dụng

a-Trái gùi là loại quả đặc sản, dùng để ăn chơi
Trái gùi chưa chín có nhựa và vị chát, đắng, không ăn được. Trái gùi chín có kích thước gần bằng quả trứng gà, có vỏ màu vàng, mỏng, khi bẻ ra phần ruột bên trong có những múi như múi mít. Trái gùi chín có vị chua ngọt và mùi thơm đặc biệt, được dùng làm quà cho những người ở thành phố và miền đồng bằng về thăm miền đông Nam Bộ.
Trong những năm trước giải phóng Miền Nam, có bài ca vọng cổ nổi tiếng với tựa đề “Chị Nhành” hay “Trái gùi Bến Cát” kể về một người phụ nữ ở miền xuôi đi buôn bán đường xa trên chuyến xe lửa Sài Gòn-Lộc Ninh, khi trở về chị mua những xâu trái gùi làm quà cho con chị. Rủi thay chị bị xe lửa cán chết, trên tay vẩn còn nắm những sâu trái gùi và những đứa con nhỏ của chị chờ tiếng còi xe lửa để ra ga đón mẹ để nhận lấy trái gùi…bài hát nêu lên câu chuyện tình mẫu tử rất xúc động. (Mời bạn đọc xem Video ở cuối bài).

Trái gùi chín

Ruột trái gùi
b-Các bộ phận dây gùi được dùng làm thuốc
Nơi sống và thu hái: Loài cây đặc hữu của miền Nam Việt Nam và Campuchia, mọc hoang ở rừng rậm hay rừng thưa. Thu hái dây, rễ và mủ cây quanh năm.
Bộ phận dùng: Dây hoặc rễ, mủ cây - Caulis seu Radix et Latex Willughbeiae Cochinchinensis.
Tính vị, tác dụng: Lương y Nguyễn An Cư cho biết: Guồi có vị hơi đắng, tính mát, không độc, có tác dụng lợi thuỷ, thông nhũ, sinh tân, chỉ khát, giáng hoả, thanh nhiệt, tiêu ban, chỉ ẩu, trừ thũng, tán ung.
Mủ cây tạo thành một chất gôm màu đỏ rất dính, rất cứng, khi khô không trong, dễ vỡ.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Campuchia, thân cây được sử dụng làm các chế phẩm thuốc trị lỵ và bệnh về gan và bệnh ghẻ cóc. Có khi người ta ngâm rượu làm thuốc cho phụ nữ mới sinh để uống cho khoẻ.
Lương y Nguyễn An Cư còn cho biết là đàn bà huyết bại tê đau, bạch trọc, bạch đới, băng huyết, rong huyết dùng nó rất hay. Mủ cây thường dùng để làm lành mụn nhọt. Người ta cũng dùng nó bôi chữa ghẻ và sâu răng.
Nguồn: Đại học Huế

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo

Xem Video: Bài ca Chị Nhành (Trái gùi Bến Cát)


-

Cây sấu

CÂY SẤU


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 02/05/2014



Cây Sấu di sản cổ thụ trên 500 tuổi ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng
(Là cây cổ thụ di sản thứ 3 được dinh danh ở tỉnh Cao Bằng)

- Tên gọi khác: Sấu trắng, Long cóc (Miền Nam)
- Tên tiếng Anh:
- Tên khoa học: Dracontomelon duperreanum Pierre
- Tên đồng nghĩa: Dracontomelon sinense Stapf
- Các loài tương cận:

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Bồ hòn (Sapindales)
Họ (familia)
Đào lộn hột (Anacardiaceae)
Phân họ (subfamilia)
Xoài (Anacardioideae)
Chi (genus)
Sấu (Dracontomelon)
Loài (species)

Theo Hệ thống phân loại APG II (2003), Họ Đào lộn hột hay còn gọi là họ Xoài (Anacardiaceae) có khoảng khoảng 70 chi với khoảng 600 loài. Trong đó gồm 2 phân họ là:
-Phân họ Xoài (Anacardioideae) với khoảng 60 chi và 485 loài.
-Phân họ Măng cụt (Spondoideae/ Spondiadaceae) với khoảng 10 chi và 115 loài
-Chi Sấu (Dracontomelon) là một chi của khoảng 10-13 loài cây sống lâu năm, lá thường xanh hoặc bán rụng lá thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Chúng là các loài cây thân gỗ cao từ 30-55 m.
-Cây sấu hay sấu trắng hoặc long cóc (Dracontomelon duperreanum) là một loài cây sống lâu năm, lá thường xanh/bán rụng lá thuộc Họ xoài hay Họ Đào lộn hột  (Anacardiaceae).
Ghi chú! Cần phân biệt với ba loài có tên gọi là Cây sấu ở Miền Nam, cũng có quả ăn được, đó là:
1-Cây Sấu tía: Sandoricum koetjape (Burm. f.) Merr., 1912
2-Cây Sấu vàng: Sandoricum indicum
3-Cây sấu đỏ: Sandoricum nervosum
Đây là ba loài cây rừng đại mộc ở Miền Nam thuộc Chi Sandoricum, Họ Xoan (Meliaceae), không có liên quan gì đến cây Sấu ở Miền Bắc.
Ba loài cây sấu ở Miền Nam hiện nay được xem là ba giống khác nhau củ cùng một loài sấu tía. Để tránh nhầm lẩn trong tên gọi, nên gọi “Cây Sấu” để chỉ các cây sấu ở Miền Bắc (thuộc Họ Xoài: Anacardiaceae) và nên gọi “Cây Sấu Tía” để chỉ các cây sấu ở Miền Nam (thuộc Họ Xoan: Meliaceae). Trong Blog này có trang riêng đề cập đến “Cây sấu tía”.
Đặc diểm của cây Sấu (Miền Bắc) là lá kép có lá chét đơn, trong khi câu Sấu (Miền Nam thì lá kép có lá chét xẻ ba thùy.

2-Nguồn gốc và phân bố

Chi Sấu (Dracontomelon) có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á, chúng phân bố ở Đông Nam Á, Miền nam Trung Quốc, các đảo trên Thái Bình Dương giáp với Philippines, Indonesia.
Ở Trung quốc, cây Sấu thường được gặp ở những cánh rừng vùng thấp, ở cao độ 100 - 400 m thuộc các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Cây Sấu là loài cây bản địa Việt Nam, chúng được mọc hoang trong rừng hay được trồng làm cây che bóng mát ở công viên hay đường phố ở các tỉnh phía Bắc Việt nam.
Ở Việt Nam, Sấu mọc tự nhiên ở rừng bán rụng lá, trên đất đỏ sâu hoặc sâu trung bình, phân bố ở độ cao 100 - 600 m, từ Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên tới vùng đồng bằng ven biển và cao nguyên Trung bộ. Đôi khi cũng gặp ở đảo biển gần bờ (Cồn Cỏ). Cây sấu ít gặp ở vùng Nam Bộ. Cây cũng hay được trồng ở nhiều nơi để lấy bóng mát và lấy quả, ưa trồng ở nơi đất cát pha.
Ở Miền Bắc có thể tham quan những cây Sấu có trên 1.000 năm tuổi tại các khu rừng nguyên sinh ở Cúc Phương (Ninh Bình) hoặc lên thăm hồ Ba Bể (Bắc Kạn).
Ở Hà Nội tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẩn còn nhiều cây Sấu được trồng từ thời Pháp vẫn còn đứng vững và tỏa mát quanh hồ. Nhiều đường phố ở Hà Nội như đường Phan Đình Phùng, đường Trần Hưng Đạo, đường Trần Phú…có những hàng sấu cổ thụ trồng thời Pháp thuộc là những hàng cây đường phố rất đẹp.
Có lẽ Hà Nội là nơi có nhiều đường phố có trồng cây Sấu hơn hẳn các thành phố khác của Việt Nam. Đường Phan Đình Phùng là một trong những con đường ở Hà Nội có hai dãy Sấu cổ thụ đẹp nhất.

Các hàng cây sấu cổ thụ trên đường phố Phan Đình Phùng (Hà Nội)
Ở Huế, cây Sấu được trồng rải rác nhiều nơi như ở các trường học (Đại học Nông Lâm), Các khu di tích (Đại Nội, các lăng tẩm…), nhưng cũng không trồng thành quần thể hay thành hàng thẳng tấp như ở đường phố Hà Nội. Ngay trên các đường phố ở Huế, cũng khó tìm gặp một trục đường có Sấu đẹp như ở Hà Nội. Trước đây, đường Bến Nghé là nơi một thời có hai hàng Sấu xanh đẹp, nhưng qua thời gian năm tháng, một số cây đã gãy đổ do gió bão, số còn lại cong vênh, lệch tán, cụt đọt… do cắt tỉa chưa hợp lý.
Ở Nha, có một sĩ quan người Miền Bắc được gia đình gửi quả sấu chín vào làm quà. Anh ăn rồi gieo hạt ngay cửa nhà. Tới nay các cây sấu đó đã mọc lên tươi tốt, quả đầy trên cành. Như vậy, sấu cũng có thể đưa dần vào phía Nam.
Ở TPHCM cũng có 1 cây Sấu cổ thụ trong khuôn viên trường Nguyễn Thị Minh Khai (mặt đường Trương Định) nhưng không thấy hoa và trái.

3-Mô tả

Sấu là cây đại thụ sống trường tồn (có trể trên 1.000 năm).
-Thân: Cây có thể cao tới 30 m. Cành nhỏ có cạnh và có lông nhung màu xám tro. 
Ở bản Nà Sắc, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Lạng Sơn đã có Cây Sấu trên 1.000 năm tuổi, cao đến 100 m, được dinh danh là cây cổ thụ di sản thú 3 của tỉnh Lạng Sơn.
-Rể: Sấu là cây có rễ cọc và bạnh vè. Bão tố không thể quật đổ nó được.
-: Lá kép mọc so le, hình lông chim dài 30-45 cm, với 11-17 lá chét mọc so le. Phiến lá chét hình trái xoan, đầu nhọn gốc tròn, dài 6-10 cm, rộng 2,5-4 cm, dai, nhẵn, mặt dưới có gân nổi rõ. (Khác với cây sấu Miền Nam, lá chét xẻ làm ba thùy).
-Hoa: Cụm hoa thuộc loại hoa chùm, mọc  ngọn hay gần ngọn; hoa nhỏ, màu trắng xanh, có lông mềm. Cây sấu ra hoa vào mùa xuân -  và có quả vào mùa hè - thu.
-Quả: Quả là loại quả hạch hình cầu hơi dẹt, đường kính khoảng 2 cm, khi chín màu vàng sẫm; chứa một hạt. Quả được thu hái vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 9. Quả dùng tươi để nấu canh hay lấy cùi thịt của quả để làm tương giấm hay mứt sấu, ô mai, sấu dầm v.v.
-Hạt: Mỗi quả có một hạt, hạt màu trắng, thô ráp, có nhiều gai và tơ mềm kết với thịt quả. Cây tái sinh bằng hạt tốt nên việc nhân giống không khó.
Sau khi ra quả khoảng hơn hai tháng thì trái sấu đạt đến độ già nhưng chưa chín. Đây là thời điểm thu hoạch sấu vì khi ấy quả sấu đủ già để có thể giữ được sấu lâu hơn và cũng là lúc sản phẩm sấu được sử dụng vào nhiều mục đích nhất. Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2-3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm).
Cây sấu là loài cây gỗ lớn, sống lâu năm, có tán lá rộng và thường xanh. Cây sấu là loài cây có biên độ sinh thái rộng, phù hợp với đất đai và khí hậu ở miền Bắc, có nhiều tác dụng, đặc biệt là khả năng phòng hộ bền vững, kỹ thuật trồng đơn giản. Cây sấu mọc tốt trên đất có thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt trung bình, thoát nước, các loại đất phù sa ven sông, ven suối, đất đồi núi còn có tính chất đất rừng mát, ẩm, có độ sâu >50cm, dốc khoảng 250, nơi có nhiệt độ bình quân năm từ 20 - 25oC, lượng mưa năm lớn hơn hoặc bằng 1.500mm, độ ẩm không khí từ 86% trở lên và có mùa nóng, lạnh rõ rệt.

Cây sấu  trên đường phố Hà Nội

Hoa cây sấu trắng

Cây sấu vào mùa quả

Chùm quả cây sấu

Chùm quả sấu chín cây

Quả cây sấu mới hái

Quả sấu chín

4-Thành phần dinh dưỡng

Quả sấu chín chứa 80% nước, 1% axít hữu cơ, 1,3% protein, 8,2% gluxit, 2,7%  xenluloza, 0,8% tro, 100 mg% canxi, 44 mg% phốtpho, sắt và 3 mg % vitamin C.

5-Công dụng của Cây sấu

4.1-Lá non và quả của cây sấu dùng làm rau
+Lá non của cây sấu là loại rau sạch
Lá non của cây sấu ăn được, không có độc, có thể dùng làm rau để ăn sống, luộc, xào hoặc nấu canh…lá có vị chua nhẹ. Trong thực tế ít có người dùng lá cây sấu làm rau.
+Quả của cây sấu dùng làm rau lấy chất chua
-Quả sấu xanh được dùng để nấu canh chua
Quả sấu xanh là nguyên liệu nấu canh chua phổ biến, dễ nấu, dễ ăn và tạo sự ngon miệng. Thường dùng trong những món ăn đơn giản, dể nấu, không đòi hỏi nhiều nguyên liệu phụ.
Sau khi luộc rau muống xong, nếu có điều kiện, người ta thường thêm vào một vài quả sấu là được một món canh chua ngon và mát. Để tăng thêm hương vị, người ta lấy nước thịt luộc với quả sấu, thêm chút hành, ngổ cho dậy mùi.
Quả sấu ấy có thể dùng nấu những nồi canh chua thịt nạc, có thể làm gia giảm cho bát nước rau muống luộc hoặc có thể với những bát canh cá hay món sườn nấu chua. Vị chua của quả sấu tạo cho những bát nước canh một vị chua mát. Khác với me, tai chua v.v vị chua của sấu rất riêng, đậm, mát và có mùi thơm.
-Thịt quả sấu xanh xắt nhỏ dùng làm nộm, gỏi chua
Thịt quả sấu xanh xắt nhuyển được dùng làm nộm, gỏi chua có mùi vị chua thanh rất hấp dẩn.
-Nước dầm của quả sấu làm gia vị chua
Quả sấu xanh hoặc chín được luộc chín (hoặc nướng), dầm thịt quả trong nước sôi được dung dịch chua dể trộn với nộm, gỏi hoặc làm nước dầm tương giấm, nước mắm chua ngọt để chấm các thức ăn.

Canh chua quả sấu
4-2-Quả của cây sấu là loại trái cây dùng để ăn chơi
+Quả sấu chín dùng để ăn tươi trực tiếp
Ở Miền Bắc vào mùa quả sấu chín là cơ hội để trẻ con, các cô thiếu nữ, thanh nữ, phụ nữ và các bà bầu có cơ hội ăn quả sấu chín như một món ăn chơi theo mùa với loại quả bình dân mà hấp dẩn. Còn các đấng mày râu cũng có cơ hội nhâm nhi loại quả này với rượu “Cốc lủi” để giải khuây qua những giờ lao động vất vả. Quả sấu chua và quả sấu chín thường được chấm với muối ớt.
Quả sấu có hương vị chua ngọt giống như hương vị của quả cốc ở Miền Nam, có nhiều cách chế biến cũng tương tự (Xem: Cây cóc Miền Nam).
+Quả sấu được dùng để chế biến các món ngâm truyền thống
Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được ưa thích trong mùa hè là các món sấu ngâm. Sấu ngâm để ăn chơi có hai món là sấu ngâm muối và sấu ngâm đường. Sấu ngâm được dùng để ăn thịt quả vừa dùng nước pha đường để uống, có thể uống nóng hay uống với đá.
Sau này có món sấu ngâm nước mắm để dùng trong các bữa ăn cơm.
1-Quả sấu già ngâm muối
Sấu ngâm được lựa chọn rất kỹ lưỡng và các giai đoạn để chế biến cũng rất công phu. Quả sấu được chọn là loại quả vừa đủ già tới, cùi dày, vỏ hơi sần chứ không láng bóng vì quả sấu da vẫn còn láng bóng là quả sấu non, khi làm sẽ bị ủng. Chọn từng quả một đủ tiêu chuẩn chất lượng và không bầm dập. Sau khi chọn được những quả tốt nhất, người ta lấy dao bổ quả sấu tách cùi và hạt ra rồi cho vào ngâm với nước vôi trong hoặc nước pha phèn chua. Thời gian ngâm cũng phải hết sức chú ý, nếu ngâm không đủ thời gian thì quả sấu bị thâm và khi ngâm dễ bị ủng hoặc bị chát. Còn nếu ngâm quá lâu thì cùi sấu lại bị mềm. Ngâm vừa đủ tới thì cùi sấu trắng, dòn khi đem ngâm xong vẫn giữ được hương vị thơm và chua. Vớt ra rửa qua nước sạch, để khô ráo rồi đổ vào lọ. Cứ mỗi một lớp sấu lại rắc lên một lớp muối mỏng nhưng đủ che lấp các chỗ khuyết. Đổ đầy bình thì đậy kín nắp và đem cất. Sau khoảng nửa tháng là có thể đem ra dùng. Một cốc nước sấu có đủ vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị chua và thơm của sấu.

Quả sấu ngâm muối

Quả sấu xanh ngâm nước mắm
2-Quả sấu ngâm đường
Chọn quả loại có chất lượng như ngâm muối, sau đó cạo vỏ, gọt dây, rồi ngâm vào nước vôi trong. Quả sấu khi ngâm đủ thời gian thì vớt ra, rửa sạch lại bằng nước đun sôi để nguội, sau đó cho vào lọ. Nước đường và gừng được đun sôi, để nguội, sau đó đổ vào bình đựng sấu, để khoảng 2 ngày, sau đó cho vào tủ lạnh. Loại đường pha vào nước này nên chọn đường đỏ mới ngon, mới giữ được màu vàng khi ngâm sấu. Một vài nhánh gừng già được rửa sạch, đập giập rồi thả vào nồi nước đường để tạo vị thơm và cay của gừng.
Khác với sấu muối là vị ngọt thanh của sấu ngâm đường. Vị của nó thơm, ngọt và đặc biệt là có thêm mùi vị của những nhánh gừng xen lẫn. Một hũ sấu ngâm đường cũng tốn kém công sức và nhiều công đoạn hơn sấu muối.

Quả sấu ngâm đường
+Các món ăn chơi khác chế biến từ quả sấu
Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được nhiều người Việt Nam ưa thích, đặc biệt là phụ nữ.
-Món ô mai sấu
Chỉ riêng món ô mai sấu cũng đã được làm thành nhiều loại như: sấu chua dòn, sấu dầm chua cay, sấu dầm chua mặn, sấu ngọt, sấu ngâm gừng v.v và loại nào cũng rất "đắt hàng".
-Món mứt sấu
Quả sấu sắp chín có thể dùng làm mứt như mứt xoài, mứt đu đủ…
Tuy nhiên, cũng còn quá ít các sản phẩm được làm ra từ quả sấu.
4.3-Các món ăn mới được biến tấu từ quả sấu
Trong trang web Dinh Dưỡng & Sức Khỏe (http://dinhduong.com.vn/ ) có bài viết đề cập đến 6 món nấu tuyệt ngon từ quả sấu như sau:
6 món tuyệt ngon với quả sấu
28/12/2012 - 06:37 PM
Vị chua thanh, hương thơm nhẹ của loại quả đặc trưng xứ Bắc này không chỉ ngon trong những món ăn thuần túy mà còn hấp dẫn trong các biến tấu mới lạ.
1-Bún thịt luộc và sấu kho
-Nguyên liệu:
400g thịt ba chỉ, 10-12 quả sấu, 500g bún, rau sống, 1 thìa cà-phê tỏi băm, 1 thìa cà-phê hành tím băm, 1/2 thìa cà-phê ớt băm, 1/3 bát nước mắm, 2 thìa súp đường, dầu ăn.
-Thực hiện:
Thịt ba chỉ luộc chín, thái lát mỏng vừa ăn. Quả sấu gọt vỏ, rau sống rửa sạch, ngâm nước muối, vớt ra, để ráo.
Phi thơm tỏi, hành tím, ớt với dầu ăn, cho nước mắm, đường vào kho trên lửa nhỏ đến khi sánh. Đổ sấu vào kho cho mềm. Xếp thịt, sấu ra đĩa, ăn kèm với bún và rau sống. Dọn kèm bát nước mắm pha.
-Mách bạn: Tùy sở thích, bạn có thể nấu nhanh hay lâu để quả sấu còn phần thịt hơi mềm hoặc nhuyễn như tương.

Bún thịt luộc và sấu kho
2. Tôm xào sấu chua 
-Nguyên liệu:
5-6 quả sấu tươi, 400g tôm sú, 200g ớt chuông xanh, đỏ, vàng, 1 thìa súp tương ớt, 2 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê tỏi xay, 1/2 thìa cà-phê ớt băm, 1 thìa cà-phê hạt nêm, dầu ăn.
-Thực hiện:
Tôm bóc vỏ chừa đuôi, dùng dao chẻ dọc sống lưng, rút bỏ chỉ đen. Sấu gọt vỏ, để ráo, ớt chuông thái miếng vuông.
Phi thơm tỏi với 1 thìa súp dầu ăn, cho sấu vào xào vừa chín, thêm tôm và ớt chuông vào xào chín. Nêm tương ớt, hạt nêm, đường, ớt vừa ăn.
Múc hỗn hợp sấu, tôm, ớt chuông ra đĩa. Dùng nóng với cơm trắng.
-Mách bạn: Bạn cũng có thể tách lấy thịt sấu, xào đến khi thịt sấu mềm nát như tương, lúc đó, món ăn sẽ đậm đà và có độ sánh nhẹ.

Tôm xào sấu chua
3. Canh sườn nấu sấu 
-Nguyên liệu:
400g sườn lợn non, 100g sấu tươi, 150g cà chua bi, 2 củ hành tím, 2 nhánh hành lá, 1 quả ớt đỏ, 1/2 thìa súp nước mắm, 1 lít nước, đường, hạt nêm, dầu ăn.
-Thực hiện:
Sườn lợn rửa sạch, chặt khúc. Sấu tươi bào vỏ, cà chua bi thái đôi. Hành tím thái lát, hành lá thái nhỏ. Ớt đỏ thái xéo.
Phi thơm một nửa phần hành tím với dầu ăn, cho nước và sườn vào nấu đến khi chín mềm.
Phi thơm phần hành tím còn lại với dầu ăn, cho sấu và cà chua vào xào nhanh tay. Sau đó trút vào nồi canh sườn, nấu đến khi sấu chín mềm, nêm hạt nêm, nước mắm, đường vừa ăn. Múc hỗn hợp canh sườn ra tô, rắc hành lá và ớt thái nhỏ lên, dùng nóng.
-Mách bạn: Khi ăn, dùng thìa dằm cho sấu tan ra, món canh sẽ đậm đà và thơm ngon hơn. Sấu rất mau mềm nên không cần nấu lâu, nước canh sẽ bị đục.

Canh sườn nấu với quả sấu
4. Thịt chưng sấu 
-Nguyên liệu:
300g thịt ba chỉ, 100g quả sấu, 1 quả ớt đỏ, 1 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà-phê đường, 1 thìa cà-phê hành tím băm, 1/3 thìa cà-phê tiêu xay, dầu ăn.
-Thực hiện:
Thịt ba chỉ thái lát mỏng, ớt đỏ thái sợi. Sấu bào vỏ, thái lát mỏng. Ướp thịt và sấu trong tô với hành tím, đường, nước mắm, hạt nêm, tiêu và ít dầu ăn, trộn đều cho thịt thấm gia vị.
Đem tô thịt và sấu đi chưng cách thủy khoảng 15 phút, lấy ra, cho ớt đỏ lên. Khi dùng, dọn kèm bát nước mắm mặn, ăn với cơm trắng.
-Mách bạn: Món ăn ngon phải có vị đậm đà của gia vị, chua thanh của quả sấu. Bạn nên dùng kèm với rau sống để món ăn hấp dẫn hơn.

Thịt chưng với quả sấu
5. Cá kho sấu
-Nguyên liệu:
400g phi-lê cá quả (cá lóc), 7-8 quả sấu, 1 thìa súp đường, 2 thìa súp nước mắm, 1/2 thìa cà-phê hạt nêm, 1/2 thìa cà-phê ớt băm, 1 thìa cà-phê hành tím băm, 1/2 thìa cà-phê tiêu xay, 1 thìa súp dầu ăn.
-Thực hiện:
Phi-lê cá quả (cá lóc) thái miếng dày. Sấu gọt vỏ, dùng dao khía vài đường trên quả.
Phi thơm hành tím với dầu ăn, cho nước mắm, đường và hạt nêm vào nấu. Thêm sấu vào, đảo đều tay đến khi hỗn hợp sánh nhẹ. Cho cá vào kho trên lửa nhỏ đến khi cá chín. Cuối cùng cho tiêu và ớt vào trộn đều. Dùng nóng với cơm trắng.
-Mách bạn: Cách chế biến này giữ được độ ngọt của thịt cá. Nếu nước kho quá keo, bạn có thể cho vào 3 thìa súp nước.

Cá kho với quả sấu
6. Vịt om sấu 
-Nguyên liệu:
1 con vịt từ 1-1,2 kg, 100g quả sấu, 500g khoai sọ, 1/3 thìa súp muối, 2 thìa cà-phê hạt nêm, 1/3 thìa cà-phê tiêu xay, 6 nhánh hành lá, 4 củ hành tím, vài nhánh ngò gai, 1 quả ớt sừng, 500g bún tươi, 500g rau muống nhánh (đã nhặt bỏ lá), dầu ăn.
-Thực hiện:
Vịt làm sạch, chặt miếng vừa ăn, rán sơ cho thịt vào thơm. Khoai sọ gọt vỏ, rửa sạch, thái đôi. Sấu gọt vỏ, rau muống rửa sạch, thái khúc. Hành tím thái lát.
Phi thơm hành tím với dầu ăn rồi cho thịt vịt và khoai sọ vào đảo đều tay, nêm muối và hạt nêm. Sau đó cho nước vào ngập thịt vịt, nước sôi, cho sấu vào. Khi thịt vịt mềm, dùng thìa dằm nát sấu để tạo vị chua.
Múc vịt và sấu ra tô, rắc tiêu, ngò gai, đầu hành, hành lá và ớt thái nhỏ vào. Dùng nóng, ăn kèm bún và rau muống.
-Mách bạn: Nếu khi khoai đã mềm mà thịt vịt vẫn chưa mềm, bạn hãy vớt khoai ra để khoai không bị bở nát.
Nguồn: xinhxinh.com.vn - dinhduong.com.vn

Vịt om quả sấu
4.4-Các bộ phận cây sấu dùng làm thuốc
Theo Đông y: Quả sấu có vị chua, hơi ngọt, tính mát; có tác dụng kiện vị sinh tân, tiêu thực, chỉ khát.
 Vân Nam, Trung Quốc, người ta dùng quả giã nát để điều trị ngứa lở, ăn uống không tiêu; còn vỏ rễ được dùng trị sưng .
Ở Việt Nam quả sấu được dùng chữa các chứng bệnh như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, ho, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa. Liều dùng: 4-6 g cùi quả sấu, cách chế biến: sắc nước hay hãm với nước sôi hoặc dầm với muối hay đường rồi dùng.
-Canh Sấu cho người bệnh ăn có tác dụng làm ngon miệng và cũng tăng cường tiêu hoá.
-Lá dùng nấu nước rửa chữa mụn loét, hoại tử. Vỏ thân dùng trị bỏng và tử cung xuất huyết (theo công năng).
-Quả Sấu chín chữa bệnh ngứa cổ khó chịu, làm long đờm, thanh giọng. Nếu hấp với đường dùng làm thuốc giải khát. Giầm với Gừng, đường và ớt thành món ăn có tác dụng tiêu thực. Quả sấu cũng dùng trị bệnh nhiệt miệng khát, giải say rượu, chữa phong độc khắp mình nổi mẩn, mụn cóc sưng lở, ngứa hoặc đau. Quả sấu chín ngon, và còn dùng làn thuốc chữa sâu răng và đau răng.
-Chữa nôn do thai nghén: Quả sấu xanh nấu với cá diếc hoặc thịt vịt rồi ăn.
Phụ nữ non nghén, nấu canh quả sấu ăn với cá diếc hay thịt vịt cũng chóng lành.
-Chữa ho: Dùng 400g cùi Sấu ngâm với ít muối hoặc sắc nước rồi cho đường đủ ngọt, uống 2-3 lần trong ngày. Hoặc dùng 8-20g hoa, quả, nước 300ml sắc còn 100ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Hoặc dùng hoa hấp với mật ong để làm thuốc chữa ho cho trẻ em.
(Theo Đại học Huế).
4.5-Công dụng khác của cây sấu
-Trồng để lấy gỗ: Gỗ sấu tốt, màu nâu nhạt, dẻo, thớ mịn, vân đẹp. Tỷ trọng 0,549. Lực kéo ngang thớ 22 kg/cm2, lực kéo dọc thớ 370 kg/cm2, oằn 896 kg/cm2. Hệ số co rút 0,28 - 0,32. Gỗ không bị mối mọt, dùng trong xây dụng, đóng đồ dùng gia đình. Có thể trồng cây sấu làm rừng phòng hộ, vườn rừng, vừa khai thác được quả và cuối cùng khai thác được gỗ.
-Trồng cây che bóng mát: Có thể trồng cây sấu trong phong trào trồng cây phân tán ở nông thôn, vừa có tác dụng xóa đói giảm nghèo nhờ thu hoạch quả và cải thiện môi trường, nên trồng làm cây che bóng mát trên đường phố, thực tế loài cây này trồng trên đường phố rất dể trồng, cây phát triển nhanh, sống rất lâu, chống chịu được gió bão.

6-Nên phát động trồng nhiều cây sấu ở Việt Nam

Sấu là cây đa tác dụng. Nó vừa trồng để lấy gỗ, vừa cho chúng ta thu nhập từ quả. Ở các khu dân cư, nó là loại cây bóng mát tuyệt vời, cây thẳng, lá xanh thẫm, bóng rợp và không bị gẫy, đổ.
Do cây sấu có nhiều ưu điểm như để tìm, dể trồng, cây mọc khỏe, sống lâu, vừa cho quả, tạo bóng mát và cho gổ quý nên cần được nhân rộng để khai thác thành loại cây rừng phòng hộ, vườn rừng, cây trồng phân tán ở nông thôn, cây trồng trong công viên và đường phố…ở Miền Bắc và Niền Trung.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội có sản xuất giống cây trồng, theo phương pháp nuôi cấy mô thực vật, ghép cây và gieo hạt. Để tạo ra cây giống chất lượng tốt, đồng nhất và đạt các chỉ tiêu về kích thước của từng loại cây. Trong đó có giống cây sấu ghép siêu quả.
Giống có nguồn gốc từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà nội. Chắc chắn rằng sẽ mang lại cho Quý khách hàng nguồn giống với chất lượng tốt nhất.
Ghi chú!: Trung tâm có chuyển cây giống  đến các tỉnh thành và địa phương trên toàn quốc.
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Tell: 0466.827.228 - Fax: 043.67.57.301
Hotline:097.3456.172

Cây sấu giống bán tại Trung tâm giống Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
Xem Video: Sấu-Hương vị xứ Bắc