Cây hành ta

CÂY HÀNH TA



Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 12/12/2013


Cây hành ta
-Tên gọi khác: Hành lá, Hành hương, Hành hoa, Thông bạch (vị thuốc), Hom búa (Thái), Sông (Dao).
-Tên tiếng Anh: Welsh onion, Japanese bunching onion, green onion, spring onion,  salad onion, bunching onion, scallion, escallion.
-Tên khoa học: Allium fistulosum L.

Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Măng tây (Asparagales)
Họ (familia)
Hành (Alliaceae)
Chi (genus)
Hành tây (Allium)
Loài (species)
Allium fistulosum

Theo Hệ thống APG II (năm 2003) Họ hành (Alliaceae) được xếp vào Bộ Măng tây (Asparagales). Trong Họ hành có khoảng 19-20 chi với khoảng 800 loài.
Chi hành tây (Allium) là một chi phức tạp với khoảng 600-750 loài (biến động từ 260 đến 979 loài tùy theo hệ thống phân loại).
Vào năm 2006, một hệ thống  phát sinh loài của chi Allium được công bố dựa trên hạt nhân ribosome gen của nó . Các tác giả của nghiên cứu này chia Chi Allium thành 15 phân loài (subgenera) và 72 phần (sectio) là những đơn vị phân loại dưới chi (genus) và trên loài (species).
Chi hành chứa hàng trăm loài khác nhau, nhiều loài đã thu hoạch thông qua lịch sử nhân loại, nhưng chỉ có khoảng trên chục loài vẫn còn quan trọng về kinh tế hiện nay là các loại cây trồng trong vườn rau hoặc để kinh doanh. Nhiều loài khác được trồng làm cây cảnh.
Các loài điển hình của Chi hành tây có giá trị dinh dưỡng và kinh tế là:
- Cây kiệu (Allium chinense G.Don.).
- Tỏi tây (Allium ampeloprasum porrum).
- Hành tây (Allium cepa).
- Hành thơm ( Allium cepiforme hay Allium ascalonicum).
- Tỏi trắng (Allium neapolitanum).
- Cây hẹ (Allium ramosum).
- Tỏi ta (Allium sativum).
- Hành tăm (Allium schoenoprasum).
- Hẹ bông (Allium tuberosum).
- Tỏi Canada (Allium canadense).
- Hành lá Trung Quốc (Allium chinense).
- Hành ta (Allium fistulosum)…

Nguồn gốc và phân bố

Phần lớn các loài Allium có nguồn gốc từ các Bắc bán cầu , chủ yếu là ở châu Á. Một số loài có nguồn gốc từ châu Phi và Trung và Nam Mỹ. Ví dụ như các loài xuất hiện ở Chile (như A. juncifolium), ở Brazil (như A. sellovianum) hoặc cận nhiệt đới châu Phi (như A. spathaceum ). 
Loài hành hương (Allium fistulosum) có nguồn gốc ở châu Á, có thể ở Siberia  (hoặc Trung Quốc), trong thời Cận Đại, những nhà thực vật học Nga đã tìm thấy loài hoang dả của trong những dải núi Altai. Hành hương đến từ Nga qua Âu Châu vào thời Trung Cổ. Từ khi những dân tộc Gaulois, những cây hành lá đã được dùng căn bản cho thực phẩm của người thường dân.
Loài này du nhập vào Châu Âu nên có tên tiếng Anh là "Welsh onion" (nguồn gốc của "Welsh" xuất phát từ tiếng Đức cổ "welsche" hay tiếng Anh cổ "welisc" có nghĩa là “nước ngoài”. Từ này dẫn đến lầm lẩn trong tiếng Anh hiện đại cho rằng "Welsh onion" là cây hành của xứ Wales ở Anh, thực ra đó là loài cây du nhập từ nước ngoài vào Anh.
Hiện nay cây hành hương là loài rau gia vị quan trọng trong các món ăn châu Á , đặc biệt là ở Đông Đông Nam Á . Nó đặc biệt quan trọng ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vì thế tên tiếng Anh khác cho loài cây này là “Japanese bunching onion” (hành tụ nhóm Nhật Bản) hay “green onion (hành lá), bunching onion (hành bụi) và scallion (hành tươi) như tên tiếng Anh ở một số nước nói tiếng Anh khác.
Ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nam Mỹ… gọi loài cây này là “hành lá xanh” (green onion) hay “hành salad” (salad onion). Tuy nhiên từ “green onion” hay “salad onion” còn để chỉ nhiều loài hành khác trong Chi hành như Hành tăm (Allium schoenoprasum), Cây hẹ (Allium ramosum), Hành lá Trung Quốc (Allium chinense)…
Ở Việt Nam gọi là hành ta để phân biệt với hành tây là giống hành chuyên lấy củ được nhập từ Châu Âu.
Hành ta được trồng ở Việt Nam gồm có một số giống như:
-Hành tăm: lá nhỏ, vị thơm ngon.
-Hành hương (gốc trắng): lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm ngon.
-Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian.
-Hành sậy (gốc tím): lá to, hương vị kém ngon.
-Hành Trâu: lá rất to, bụi lớn, hương vị rất ít ngon.

Mô tả

Cây thân thảo, sống lâu năm, phát triển bằng căn hành.
-Thân: Thân hành nhỏ, cao 30-50 cm, tép trắng hay nâu đỏ, không phù lắm, to 7 - 15 mm.
-Rể: Rể chùm, hình bóng đèn, ít phù kéo dài, hơi bất đối xứng, phía dưới có chùm rể màu trắng, mọc khỏe trên đất tơi, xốp.
-Lá: Lá xanh mốc, bọng 3 cạnh ở dưới, hình trụ ở trên có thể lên đến 50 - 80 cm và 2,5 cm đường kính, bẹ dài bằng ¼ phiến.
-Hoa: Trục mang cụm hoa cao bằng lá. Cụm hoa hình đầu tròn, gồm nhiều hoa có cuống ngắn; bao hoa có các mảnh hình trái xoan nhọn màu trắng có sọc xanh.
Hoa lưỡng tính, hình chuông, cánh hoa 6 xếp thành 2 luân sinh, phiến hoa cao 5 mm, rời, trắng có sọc xanh, có mùi, 6 tiểu nhụy, noản sào xanh dợt, bầu noản thượng, 3 buồng, vòi nhụy mảnh. Cây ra hoa vào mùa xuân, mùa hè.
-Quả: Quả nang, viên nang hình cầu khoảng 5 mm đường kính, khai theo chiều dọc, chứa ít hạt.
-Hạt: Hạt 3 -4 mm x 2 - 2,5 mm màu đen.

Cây hành hương

Thành phần hóa học và dinh dưỡng

+Thành phần hương vị chính
Hành hương có đặc trưng rất nổi bật: một mùi và vị rất hăng. Đó là do trong hành có chứa allyl propyl disulphide (gồm tinh dầu và hợp chất lưu huỳnh). Tinh dầu dễ bay hơi này là thủ phạm chính gây kích ứng và chảy nước mắt khi tiếp xúc với hành sống.
Nếu ăn hành lá còn sống, tinh dầu sẽ được bài tiết qua phổi và nước bọt, làm hơi thở có mùi đặc biệt. Điều này không còn là vấn đề nếu như ăn hành đã được nấu chín vì tinh dầu đã bị bay hơi hết khi đun nóng.
Lá và củ hành hương chứa hợp chất lưu huỳnh (tinh dầu) như hành tỏi nhưng đặc biệt hơn là có metylpentydisulfid, pentyhyđrodisulfid, nhiều silicium, lá hành hương có nhiều tiền vitamin A, B, C.
Từ quan điểm hóa học mà nói, mùi vị của hành hương trung gian giữa củ hành với tỏi tây (poireau).
Hành hương có chất dẩn xuất từ propyl cystéin (đây là đặc tính của tỏi tây poireau) và chất propényl cystéin sulfoxyde (đặc tính của hành tây), đó là những chất dể bay hơi.
Những chất alkyl-sulfoxydes là những sản phẩm thoái hóa của acides amines không protéin của nhóm S-alk(én)yl-cystéines.
Khi những tế bào bị tổn thương, những acides amines tự suy thoái, dưới tác động của phân hóa tố aliinase, bằng chất acides sulfénique phản ứng rất cao, ammoniaque  pyruvate.
Những acides sulfénique sau đó phản ứng với những chất khác để tạo thành các disulfures khác nhau.
Một tỹ lệ cao của đường glucides dự trữ là những thành phần của đường và oligosaccharides.
Ngoài đường glucose, fructose, saccharose, người ta còn tìm thấy các loại đường khác như: maltose, rhamnose, galactose, arabinose, mannose và xylose.
Hàm lượng chất đường và chất đạm được tăng lên ở những cây phát triển ở nhiệt độ thấp, qua đó mà đã nâng cao phẩm chất thực phẩm.
+Thành phần dinh dưỡng
Theo nguồn phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) thì trong 100 gram lá hành tươi có chứa:

Giá trị dinh dưỡng của 100 g lá hành tươi
142 kJ (34 kcal)
Nước
90,5 g
6,5 g
2,18 g
2,4 g
0,4 g
1,9 g
1160 IU
Thiamine (vit. B1)
0,05 mg (4%)
0,09 mg (8%)
0,4 mg (3%)
0,169 mg (3%)
0,072 mg (6%)
Folate (vit. B9)
16 mg (4%)
27 mg (33%)
0,51 mg (3%)
193,4 mg (184%)
52 mg (5%)
1,22 mg (9%)
23 mg (6%)
0,137 mg (7%)
49 mg (7%)
212 mg (5%)
17 mg (1%)
0,52 mg (5%)
Tỷ lệ phần trăm được khuyến nghị của Mỹ cho người lớn. 
Nguồn: Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng của USDA

Công dụng

a-Hành ta được dùng làm rau gia vị
+Ở Việt Nam
Ở Việt Nam hành hương là món rau gia vị không thể thiếu trong các món chiên, xào, nấu canh, nấu súp, hủ tiếu, phở, cháo thịt…Hành làm tăng độ thơm ngon và có tác dụng khữ tanh thực phẩm từ thịt, cá…
Món mỡ phi hành hay nước cốt dừa phi hành (bồng con) là những món nước chấm độc đáo để ăn với cơm tấm, bánh bèo, bánh khọt, bánh ít trần, khoai mì luộc, xôi mặn…
Mỡ hành cũng được quét trên các món nướng như nem, thịt, cà tím, nghêu, só, ốc nướng.
Ở những vùng trồng nhiều hành, các món hành luộc, hành làm dưa chua cũng được dùng như một loại rau thông dụng.

Cây hành làm rau

Cháo hành giải cảm

Cơm tấm mỡ hành
+Trên thế giới:
-Ở Java (Indonesia), người ta dùng cây hành hương nguyên cây, hấp hơi nước hay qua chảo xào thật nhanh để dùng làm món rau gia vị.
-Ở miền nam Philippines , hành hương đâm với gừng và ớt để làm ra thứ gia vị gọi là Palapa ướt, được sử dụng để thêm gia vị cho các món ăn, hoặc tẩm trong thực phẩm chiên, xào hoặc phơi khô.
-Ở Trung Quốc hành lá là gia vị không thể thiếu trong các món xào, nấu, cháo, súp...
-Ở Ấn Độ hành hương được ăn như một món (nguyên liệu) khai vị  với bữa ăn chính. Ở phía bắc Ấn Độ rau mùi, bạc hà và hành hương- tương ớt được ưa chuộng.
-Ở Nhật Bản, người ta sử dụng giống hành hương cao 7-10 cm cho các món ăn đặc biệt của bản xứ. Hành hương được gọi là “negi”, Mặc dù hành tây đã được du nhập từ thế kỷ thứ 19 nhưng hành lá vẩn được ưa chuộng hơn. Hành lá được làm gia vị trong các món súp miso , negimaki (thịt bò và hành lá cuộn), với những món ăn khác hành lá được sử dụng như món rau gia vị và cắt tỉa để trang trí, chẳng hạn như trên các món teriyaki hoặc takoyaki.
- Ở Nga hành hương được sử dụng trong mùa xuân để thêm màu xanh cho lòng trộn.
-Ở Jamaica, hành lá được biết đến như escallion, là một thành phần trong các món ăn Jamaica, hành lá kết hợp với húng tây , hạt tiêu scotch nắp ca-pô , tỏi  tiêu (hổn hợp gia vị này gọi là Pimenta). Hành lá khô trong thương mại cũng được xử dụng. Khi không có hành lá, tỏi tây được dùng để thay thế trong món salad. 
-Ở Châu Phi cây hành hương, được dùng làm thực phẩm gia vị rất phổ biến.
Trong vùng Brazzaville-Kinshasa (ở Congo), người ta thu hoạch những cây hành hương  nguyên  và dùng nấu như rau quả.
- Mexico và Tây Nam Hoa Kỳ, hành lá được gọi là cebollitas được rắc muối và tẩm vào pho mát và thịt nướng.
b-Cây hành được dùng làm thuốc
+Theo Đông y:
Hành hương có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Có tác dụng ôn ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, làm ra mồ hôi (phát hãn) , lợi tiểu, sát khuẩn, giải độc, tiêu viêm...
Trong Đông y hành hương có tên vị thuốc là thông bạch, thanh thông,  được dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, chữa tê thấp, chữa cảm mạo, cảm hàn, nhức đầu, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì...
Các dân tộc văn minh cổ xưa như Ấn Độ, Hy Lạp, Trung Quốc, La Mã đã biết sử dụng hành trong việc điều trị các căn bệnh như: giảm đau đầu, trị ho, bệnh tim mạch...
Lưu ý!: Không được dùng chung với mật ong (gây chóng mặt buồn nôn), kỵ các vị thuốc như thường sơn, sinh địa, thục địa. Vào tháng giêng không nên ăn nhiều hành hương để tránh bị chứng phong chạy trên mặt...
+Theo Tây y:
a-Những phát hiện về giá trị dinh dưỡng của hành lá
Hành lá là loại rau ngon trong Họ tỏi tây (Allium), và có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hành lá có những lợi ích sức khỏe đáng ngạc nhiên vì bản thân chúng chứa chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Nếu có một nhược điểm, hành lá có mùi tương tự như hành tây và tỏi.
1-Hành lá giàu Vitamin, khoáng chất
Hành lá chứa rất nhiều các vitamin và khoáng chất. Hành lá có chứa vitamin A, B, và C. Chúng cũng cung cấp một lượng lớn vitamin K, giúp xương khỏe mạnh. Hành lá là một nguồn tuyệt vời của vitamin A và C. Sắt, canxi, và kali... là những khoáng chất được tìm thấy trong hành hương và hẹ tây.
Hành hương chứa một lượng đáng kể can xi, phốt pho và kali, carotene và chất sắt, rất tốt cho cơ thể. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng không phải điều quý nhất của nó.
2-Chất xơ dinh dưỡng
Hành lá có lá màu xanh lá cây, chúng chứa một lượng chất xơ lành mạnh, hỗ trợ tốt cho hệ thống tiêu hóa. Hành củ cũng có tác dụng tốt cho hệ thống tiêu hóa tương tự như hành lá tươi. Nếu bạn thường xuyên tăng cường các loại rau này kết hợp với các thực phẩm lành mạnh ít chất béo khác thì nguy cơ bị ung thư ruột kết cũng giảm. Các chất xơ trong hành lá,hành tây và hẹ tây cũng làm giảm nguy cơ táo bón, trĩ, viêm ruột thừa.
3-Các lợi ích khác
Ngoài nhiều chất xơ, hành lá còn chứa rất ít calo. Nghiên cứu cho thấy hành lá giúp giảm cholesterol, chống vi khuẩn, virus và nấm trong cơ thể. Tương tự như vậy, hành tây cũng có ít cholesterol. Tiêu thụ hai loại thực phẩm này còn làm giảm nguy cơ đột quỵ tim, nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Hành tây cũng rất giàu phenoplasts giữ cho gan khỏe mạnh.
b-Những phát hiện về tác dụng phòng bệnh của hành lá
1-Trong hành lá có chứa nhiều chất kháng sinh và chống viêm
-Về cơ chế diệt khuẩn:
Hành lá chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh như acid malic, phytin và alylsulfit, tinh dầu, đặc biệt là chất kháng sinh alicine hòa tan trong nước.
Alicine giúp diệt khuẩn rất mạnh đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, nó lại dễ mất tác dụng bởi nhiệt, kiềm. Vì vậy, trong khi nấu ăn, hành là gia vị cho vào cuối cùng để tránh mất chất alicine.
Hành lá cũng chứa chất kháng khuẩn fitoncidi. Khi có dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nên ăn hành sống để dự phòng.
Hành lá có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E.coli và Salmonella. Ngoài ra, nó còn có hiệu quả chống lại bệnh lao và nhiễm trùng đường tiểu, chẳng hạn như viêm bàng quang.
Do chứa nhiều chất kháng sinh nên tinh dầu hành các loại có tác dụng sát khuẩn mạnh, dùng thoa bên ngoài chữa mụn nhọt mưng mủ.
-Về cơ chế chống viêm:
Các enzym gây ra triệu chứng viêm nhiểm liên quan đến sưng tấy của bệnh viêm khớp và xung huyết đường hô hấplipoxygenase và cyclooxygenase. Trong hành và tỏi có chứa các hợp chất ngăn chặn sự hình thành của 2 enzym này nên có tác dụng làm giảm đáng kể chứng viêm.
Ăn nhiều hành (cũng như hành tây, hẹ, tỏi) có tác dụng phòng ngừa các bệnh viêm đường hô hấp, viêm khớp và bệnh gút.
2-Trong hành lá có chất chống oxy hóa
Hành lá và hẹ tây có chứa chất chống oxy hoá mạnh nhằm bảo vệ các tế bào trong cơ thể tránh các bệnh ung thư. Hành lá cũng như củ hành tây đặc biệt giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như quercetin và kaempferol. Hành lá, hành tây và hẹ tây là những thứ gia vị được cho thêm vào các món ăn phổ biến như các món thịt chế biến, nước sốt, xà lách, trứng và súp... hoặc ăn sống cung cấp nhiều chất chống oxy hóa cho cơ thể.
3-Trong hành lá có chất chống lại nhiều bệnh ung thư
Cũng giống như tỏi, hành lá có khả năng chống lại được rất nhiều bệnh ung thư phổ biến. Trong các nghiên cứu tại khu vực Nam Âu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng ăn hành lá giảm được 84% nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm miệng và họng, giảm được 88% nguy cơ ung thư thực quản, 83% nguy cơ ung thư thanh quản và 25% nguy cơ ung thư vú, 73% nguy cơ ung thư buồng trứng, 73% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và 38% nguy cơ ung thư tế bào thận so với người không ăn hoặc ăn rất ít hành. Khi so sánh với tỏi thì các chuyên gia cho thấy, hành lá có khả năng chống ung thư tốt hơn.
Fructo-oligosaccharides trong hành kích thích sự tăng trưởng của vi khuẩn có lợi trong ruột kết (fibidobacteria) và gây ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại tiềm ẩn trong ruột kết giúp giảm nguy cơ phát triển tế bào ung thư ở ruột kết.
Ăn nhiều hành lá (cũng như hành tây, hẹ, tỏi) có tác dụng phòng ngừa các bệnh ung thư do có tác dụng của chất chống oxy hóa có trong hành, tỏi.
4-Hành lá có tác dụng làm giảm cholesterone, có lợi cho máu huyết và tim mạch
Việc ăn hành sống giúp giảm cholesterol vì chúng làm tăng cao mật độ lipoproptein (“vật” trung chuyển cholesterol). Do vậy rất nên ăn hành sống trong các món sa lát hằng ngày nếu bị mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
Hành cũng có tác dụng trong việc điều trị bệnh thiếu máu, sự chảy máu do bệnh trĩ, chảy máu răng. Chất sắt có trong các loại hành là lý do tại sao chúng rất tốt trong việc điều trị thiếu máu. Nước ép hành rất tốt cho việc điều trị bệnh thiếu máu.
Ngoài ra, các loại hành còn có tác dụng hạ thấp mỡ trong máu, có hiệu quả trị liệu nhất định đối với bệnh tim mạch.
Thường xuyên ăn hành sẽ giúp bạn hạ thấp nồng độ cholesterol và huyết áp cao, từ đó giúp ngăn ngừa chứng vơ vữa động mạch, tiểu đường, giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Tác dụng hữu ích này có được là nhờ hợp chất sulphua, crom và vitamin B6 trong cây hành. Trong một nghiên cứu ở hơn 100.000 người, các nhà khoa học đã phát hiện những người có chế độ ăn nhiều hành giúp giảm được 20% nguy cơ đau tim.
5-Hành lá có tác dụng tốt trong phòng và trị bệnh tiểu đường
Nghiên cứu cho thấy hành lá, hành tây giúp giảm cholesterol, chống vi khuẩn, virus và nấm trong cơ thể. Ngoài ra, chúng còn có tác dụng giảm nguy cơ đột quỵ tim, tiểu đường.
Càng ăn nhiều hành, nồng độ glucose được phát hiện trong miệng và tĩnh mạch càng ít. Nhiều cuộc thử nghiệm và những bằng chứng về lâm sàng cho thấy, chất allylpropy disulfide có tác động đến hiệu ứng này và hạ thấp lượng đường trong máu bằng cách làm tăng lượng insulin tự do sẵn có trong cơ thể. Mặt khác, hành cũng rất giàu crom, chất giúp các tế bào tương thích với insulin. Các cuộc nghiên cứu lâm sàng ở những bệnh nhân tiểu đường cho thấy, crom có thể làm giảm lượng đường huyết, hạ thấp nồng độ insulin từ đó giúp chống bệnh tiểu đường.
6-Các tác dụng dược lý khác của cây hành lá
-Tăng cường sức khoẻ cho xương: Tạp chí Hoá học thực phẩm và nông nghiệp (Mỹ) kết luận một đề tài nghiên cứu cho biết hành cũng có thể duy trì sức khoẻ cho xương không kém sữa. Các nhà khoa học đã phát hiện một chất mới có trong hành là GPCS (gamma - L - glutamyl-trans-S-1-L-cysteine sulfoxide) có thể ngăn chặn chứng loãng xương.
Ăn hành đặc biệt có ích cho phụ nữ, những người mà thường có nguy cơ loãng xương cao khi ở độ tuổi mãn kinh.
-Tăng cường sức khoẻ dạ dày: Khi chế biến thịt, cho thêm ít hành sẽ giúp giảm lượng carcino-gens được tạo ra trong quá trình thịt được đun nấu ở nhiệt độ cao, từ đó giúp cho dạ dày tránh được sự tác động của chất độc hại này.
Chỉ cần ăn hành từ hai đến ba lần trong một tuần cũng giúp bạn giảm được đáng kể nguy cơ phát triển bệnh ung thư dạ dày.
- Chống rụng tóc: Một nghiên cứu đã cho thấy việc bôi nước ép hành tây trên da đầu hai lần một tuần trong 2 tháng sẽ làm cho tóc mọc lại. Biện pháp này hiệu quả mà chi phí lại chắc chắn rẻ hơn những loại thuốc mọc tóc khác.
c- Các công dụng khác của cây hành
Gần đây, hành hương mới được sử dụng vào trong kỹ nghệ, dưới dạng đã khử nước. Sản phẩm này được sử dụng chủ yếu để chuẩn bị một món ăn như mì ăn liền ...
Dịch chiết từ cây hành hương cũng được sản xuất ở dạng thực phẩm chức năng để phòng tránh nhiều bệnh tật từ cây hành.
Nhiều giống hành hoa được trồng làm cây cảnh ở nhiều nước Châu Âu.

Hoa hành khổng lồ làm cảnh

Một số bài thuốc đông y từ cây hành ta

a-Một số món ăn - bài thuốc chữa bệnh có hành
Bài 1: Cháo hành giải cảm: hành hương xắt nhuyển; gừng tươi 3 lát giả nhỏ. Hai thứ cho vào tô, đổ cháo trắng đang sôi vào khuấy đều, thêm đường, muối tùy ý. Cho ăn nóng. Dùng cho bệnh nhân ngoại cảm phong hàn, đau bụng nôn ói...
Bài 2: Thông tiêu ẩm: hành hương 20g xắt nhuyển, gừng tươi 10g, bột tiêu 3g. Tất cả giã nát, cho nước sôi pha hãm; cho uống. Dùng cho các trường hợp đau bụng do lạnh, buồn nôn, nôn ra nước trong.
Bài 3: Thông xị thang: hành tươi cả rễ 30g, gừng tươi 8g, đạm đậu xị 12g, rượu nhạt (hoàng tửu) 30ml. Hành đem rửa sạch thái lát, gừng đập giập; cho cả 3 vị thuốc vào nồi, thêm 0,5 lít nước, đun sôi, cho tiếp rượu vào, khuấy đều, gạn lấy nước thuốc; uống nóng làm vã mồ hôi. Dùng các trường hợp cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau tức vùng ngực không có mồ hôi, kinh gió sợ lạnh kèm theo đau bụng buồn nôn, tiêu chảy.
b-Một số bài thuốc Đông y từ cây hành ta
+Theo y học cổ truyền Việt Nam
1-Trừ giun đũa: Hành hương (cả củ và lá) 30 g, rửa sạch, thái nhỏ, sao qua với dầu hạt cải (đốt to lửa, sao nhanh, không cho thêm nước và muối), cho trẻ ăn vào sáng sớm lúc vừa ngủ dậy. Khoảng 2 giờ sau có thể ăn uống bình thường. Ăn liên tục trong 3 ngày, có tác dụng trừ giun, không độc hại. (Theo ykhoa.net).
2-Chữa tắc ruột do giun đũa: Lá hành tươi 30g giã nát, trộn với 30g dầu vừng (dầu mè). Uống ngày 2 - 3 lần.
3-Chữa giun chui ống mật: Hành tươi giã nát, ép lấy 30 g nước cốt, dầu trà 30 g (có thể thay bằng dầu lạc hoặc dầu vừng), 2 thứ trộn đều để uống. Cũng có thể để uống riêng từng thứ cách nhau vài phút. (Theo ykhoa.net).
4-Chữa bệnh tê thấp: Cho muối vào hành hương, thêm ít tương đậu nành, xào với dầu thực vật để ăn. (Theo www.thuocdongduoc.vn).
5-Chữa rôm sảy: Lấy một cây hành giã nát, trộn đều với giấm, sao lên rồi bôi vào nơi có rôm sảy. (Theo ykhoa.net).
6-Chữa Eczema, phát ban, loét ở chân: Hành tươi giã nát, cho nước đun sôi để rửa các phần đau, tuỳ theo kích thước của phần nhiễm bệnh mà dùng lượng hành nhiều hay ít. (Theo www.thuocdongduoc.vn).
7- Chữa trúng gió ngất xỉu: Lấy 3 cây hành trắng rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa với nước tiểu trẻ trai (7-10 tuổi) rồi đổ cho bệnh nhân uống. (Theo ykhoa.net).
8- Chữa bí tiểu tiện: Lấy 4-5 cây hành trắng rửa sạch, giã nát cả lá lẫn củ, nhào với mật ong rồi đắp lên 2 ngọc hành, rất công hiệu. (Theo ykhoa.net).
9- Chữa viêm mũi: Hành giã nát ngâm trong nước sôi, xông hoặc nhỏ mũi chữa ngạt mũi cấp tính và mãn tính, viêm niêm mạc mũi. (Theo kinh nghiệm dân gian).
10- Chữa cảm cúm, nhức đầu: Lấy hành ta 6 - 8 củ, gừng sống 10g, xắt mỏng, đổ vào 1 cốc nước sôi, xông miệng mũi mỗi ngày 2 - 3 lần. Đồng thời, nên sắc nước gừng và hành để uống (1 ly giữa bữa ăn và 1 ly trước khi đi ngủ). (Theo kinh nghiệm dân gian).
Chú ý! Hành có tác dụng phát tán. Vì vậy, việc dùng quá nhiều và trong thời gian quá dài sẽ gây hại cho cơ thể.
+Theo Trung y:
11-Trị vú sưng đỏ: Nấu lấy 1 chén nước hành hương, uống nóng là tan. (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
12-Trị bị vết thương do té ngã, máu ra nhiều, đau đớn: Lấy hành hương cả củ lẫn lá, gĩa nát, sao nóng để ấm, đắp chỗ bị thương, nguội thì lại thay lớp mới cho nóng, dần dần sẽ khỏi đau lại không có dấu vết để lại (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
13-Trị bị ngã sưng đầu, gẫy xương: Lấy thân lá hành hương gĩa nát, hòa với mật ong đắp vào vết thương sẽ mau khỏi (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
14-Trị tiểu bí, bàng quang tức trướng: Hành hương 3 cân, gĩa nát, xào cho nóng lên, bọc vào khăn, chia làm 2 gói, chườm vào vùng bụng dưới. Khi khí của hành thấm vào được bên trong thì tiểu được ngay (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
15-Trị đàn bà có thai bị cảm phong, ho, khó thở: Nấu hành hương với trần bì (vỏ quít) để uống mới chóng khỏi. (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Ghi chú! Tháng Giêng mà ăn hành sống nhiều sẽ làm cho da mặt nổi mụn giống như chứng du phong (Theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Quy trình kỹ thuật trồng hành lá

1. GIỚI THIỆU
Hành lá là loại gia vị, không thể thiếu trong các bửa ăn hàng ngày, mặc dù vốn đầu tư và công lao động cao hơn các loại rau gia vị khác, nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao. 
Hành thân thảo, cây sống lâu năm, có mùi đặc biệt. Có 5-6 lá, lá hình trụ rỗng, dài 30-50 cm, phía gốc lá phình to, trên đầu thuôn nhọn. Hoa tự mọc trên ống hình trụ, rỗng. Hoa tự dạng hình xim, có ngấn thành hình tán giả trông tựa hình cầu. Quả nang, tròn. Hành được trồng khắp nơi, chủ yếu là làm gia vị. Đồng thời hành cũng là một vị thuốc nam được dùng để chữa nhiều loại bệnh: thuốc ho, trừ đờm, lợi tiểu, sát trùng...
2. GIỐNG
- Sử dụng giống địa phương, có hai loại gốc thân trắng và gốc thân đỏ có đặc điểm sinh trưởng tương đương nhau, thời gian sinh trưởng 42-50 ngày.
+ Hành Hương: lá nhỏ, bụi nhỏ, có mùi thơm, năng suất 1 tấn/1.000 m2, dễ nhiễm bệnh vàng lá.
+ Hành Trâu: lá to, bụi lớn, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, thị trường rất ưa chuộng.
+ Hành Đá: lá, bụi thuộc dạng trung gian, năng suất 1-1,5 tấn/1.000 m2, trồng phổ biến, thị trường rất ưa chuộng, thích hợp trồng dày.
- Chọn những bụi hành tương đối đồng đều, đúng tuổi, sinh trưởng tốt, không bị nhiễm sâu bệnh.
- Lượng giống: tùy chất lượng cây giống, thường cần khoảng 180-240 kg hành giống/1.000 m2
- Xử lý giống: để đảm bảo không còn sâu bệnh lây lan sang vụ tới, trước khi nhổ hành giống 1-2 ngày, tiến hành phun Regent 800WP hoặc Map-permethrins 50EC, nếu sâu nhiều có thể xử lý bằng Secure 10EC theo nồng độ khuyến cáo.
3. KỸ THUẬT TRỒNG
* Thời vụ: hành lá có thể được trồng quang năm, tuy nhiên năng suất mùa nắng cao hơn vào mùa mưa. Thời gian sinh trưởng 45-50 ngày. Trồng hành trong mùa nắng chú ý sâu xanh da láng, mùa mưa thì bệnh khô đầu lá.
* Chuẩn bị đất
- Yêu cầu: đất nhiều mùn, thoát nước, ít chua, pH thích hợp từ 6,0-6,5, nếu pH thấp hơn 5,0 cần bón thêm vôi và tro bếp.
- Đất trồng hành cần được phơi ải. Kỹ thuật lên liếp hành thay đổi tùy chân đất và tập quán canh tác. Lên liếp vồng cao 35-45 cm, chân liếp rộng 1 m, khoảng cách giữa hai liếp là 30 cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.
- Xử lý đất: tiến hành xử lý đất ở 3 ngày trước trồng, sử dụng 1 kg Mocap/1000 m2. Rải thuốc lên liếp rồi đảo đều lớp đất mặt.
- Tủ rơm kín mặt liếp ngay trước khi trồng
Lên liếp và tủ rơm trước khi trồng hành
Khoảng cách trồng hành 20 x10 cm
* Khoảng cách trồng:
Hàng cách hàng x cây cách cây: 20 x 10 cm
* Phân bón
Tổng lượng phân dùng cho 1.000 m2: phân chuồng hoai 1-2 tấn + 30 kg tro + 12,5 kg urea, 28 kg super lân, 8 kg kali.
Dạng phân có thể sử dụng Urea, DAP, NPK, có thể tăng cường sử dụng thêm các chế phẩm vi lượng (muối borat), chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho hành và giảm hiện tượng cháy đầu lá. Trong trường hợp hành sinh trưởng xấu có thể dùng Super hume để phun lên hành.
Bón lót: 1-2 tấn phân chuồng hoai + 30 kg tro + 28 kg super lân + 5 kg kali
Bón thúc:
- Nguyên tắc bón phân thúc: hòa nước, tưới bằng thùng vòi hoa sen. Tưới phân đầu tiên khi hành hồi xanh (khoảng 7 ngày sau trồng), 7 ngày tưới phân 1 lần (khoảng 4-5 lần/vụ) tùy theo sinh trưởng của hành và tùy theo mùa vụ. Thời gian cách ly là 10 ngày trước khi thu hoạch.
Có thể sử dụng khuyến cáo sau (nếu sử dụng khuyến cáo này thì không bón lót phân lân):
+ Lần 1 (7 NST): 4,5 kg urea
+ Lần 2 (14 NST): 14 kg DAP + 1,5 kg KCl
+ Lần 3 (21 NST): 19 kg NPK 16-16-8 + 1,5 kg KCl
+ Lần 4 (28 NST): 17 kg DAP + 2,5 kg KCl
+ Lần 5 (nếu có, 35 NST): 4,5 kg urea
- Phân bón lá và vi lượng (nếu có) có thể phun kết hợp khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Khuyến cáo không nên lạm dụng các chất điều hòa tăng trưởng (ProGib,..) dễ dẫn đến hiện tượng rã bẹ, cây vóng, yếu. Có thể sử dụng chế phẩm EM hoặc Crop-master cho hành lá. Nếu dùng Super hume phun 3 lần (lần 2, 4, 5) thì có thể giảm 1/3 lượng đạm dùng cho hành và hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho hành.
* Chăm sóc
- Chú ý làm cỏ kịp thời, không để cỏ chụp hành
- Tưới đủ ẩm để cây sinh trưởng tốt. 
Tưới phun cho hành lá; Giữ mực nước tưới thấm trong rảnh hành lá
- Để tận dụng và tăng hiệu quả sử dụng đất, có thể trồng xen ngò rí, cải xanh hoặc cải ngọt quanh mép liếp.
Cải xanh được trồng xung mép liếp hành lá; Ngò Rí trồng xen với hành lá
* Phòng trừ sâu bệnh:
- Các đối tượng sâu bệnh hại chính: sâu xanh da láng Spodoptera exigua (xuất hiện rất sớm và gây hại đến cuối vụ), dòi đục lá (xuất hiện muộn), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), bù lạch (Thrips tabaci), bệnh cháy đầu lá, hiện tượng rã bẹ, bệnh đốm tím Alternaria pori...
- Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, bắt sâu trưởng thành, sâu non, ngắt bỏ ổ trứng, kết hợp làm cỏ bón phân, phun thuốc vào lúc trời mát.
- Nguyên tắc phòng trừ sâu hại bằng thuốc hóa học, sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học, lưu ý dùng đúng thuốc, đúng thời điểm, ưu tiên sử dụng các thuốc vi sinh, điều hòa sinh trưởng, gốc cúc tổng hợp. Bắt đầu phun khi có sâu hại. Đảm bảo thời cách ly 7-10 ngày.
- Khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xanh da láng hại hành lá thì không thể dùng một loại thuốc cho mỗi lần phun mà phải dùng hỗn hợp theo khuyến cáo sau (thường phun kết hợp trừ sâu xanh da láng và các đối tượng khác).
+ Lần 1: Atabron 5EC
+ Lần 2: Cascade 5EC + Mimic 20F
+ Lần 3: Dipel 3.2WP + Cascade 5EC
+ Lần 4: Mimic 20F + SeNPV
+ Lần 5: Dipel 3.2 WP + SeNPV
- Không sử dụng Furadan 3H trên hành lá và hạn chế sử dụng Padan.
- Nếu có bệnh đốm tím, bệnh khô đầu lá thì dùng Antracol 50WP, Dithan M45.
* Thu hoạch
Tiến hành thu họach khi hành đủ tuổi (42-45 ngày sau trồng) tùy tình hình sinh trưởng và sâu bệnh. Trường hợp hành xấu có thể lưu thêm và ngày, nhưng không nên kéo dài quá. Hành lá khi đưa ra thị trường phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Chăm sóc ruộng hành

Thu hoạch hành
Nguồn: ThS. Trần Thị Ba -Bộ môn Khoa Học Cây Trồng
Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng, Trường ĐHCT

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo
9-http://dantri.com.vn/suc-khoe/cay-hanh-duoc-thao-trong-nha-bep-.htm

Xem Video: Mô hình trồng hành ở Vĩnh Long