Cây Mã đề

Cây Mã đề


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 22/6/2014
                                                                           
Hình cây mã đề

- Tên gọi khác: Mã tiền á, Xa tiền (vị thuốc).
- Tên tiếng Anh: Chinese plantain, obako, arnoglossa
- Tên khoa học: Plantago asiatica L.
- Tên đồng nghĩa:
- Plantago major
- Plantago major subsp. major.

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Hoa môi (Lamiales)
Họ (familia)
Mã đề (Plantaginaceae)
Chi (genus)
Mã đề (Plantago)
Loài (species)
Plantago asiatica
Các phân loài (subspecies)
Có nhiều phân loài

- Chi Mã đề (Plantago) là một chi chứa khoảng 200 loài thực vật có kích thước nhỏ, được gọi chung là mã đề. Phần lớn các loài là cây thân thảo, mặc dù có một số ít loài là dạng cây bụi nhỏ, cao tới 60 cm. Lá của chúng không có cuống, nhưng có một phần hẹp gần thân cây, là dạng cuống lá giả. Chúng có 3 hay 5 gân lá song song và tỏa ra ở các phần rộng hơn của phiến lá. Các lá hoặc là rộng hoặc là hẹp bản, phụ thuộc vào từng loài. Các cụm hoa sinh ra ở các cuống thông thường cao 5-40 cm, và có thể là một nón ngắn hay một cành hoa dài, với nhiều hoa nhỏ, được thụ phấn nhờ gió.
- Loài Mã đề (Plantago spp.): Việc phân chia giữa các loài (species), phân loài (subspecies) và giống (varieties) chưa được thống nhất, còn nhiều tranh cải.
Tùy theo quan điểm của các Hệ thống phân loại khác mà Cây mã đề ở Việt Nam có hai cách phân loại khác nhau:
a- Có 2 loài mã đề khác nhau ở Việt Nam:
1- Loài Plantago major (mã đề lớn) chủ yếu được dùng làm rau, được trồng phổ biến.
Trong loài này có 3 phân loài (subspecies) là:
- Plantago major subsp. major.
- Plantago major subsp. intermedia (DC.) Arcang.
- Plantago major subsp. winteri (Wirtg.) W.Ludw.
2- Loài Plantago asiatica (mã đề, mã đề á hay xa tiền) chủ yếu được dùng làm thuốc.
Về tính vị và công dụng dược liệu của hai loài tương tự nhau nhưng ở loài mã đề (lá) lớn có chất lượng kém hơn.
b- Chỉ có 1 loài (species) mã đề ở Việt Nam đó là loài Plantago asiatica với nhiều phân loài (subspecies) khác nhau, phân loài Plantago major subsp. major chính là loài Plantago major (mã đề lớn) nêu trên do quá trình trồng trọt, thuần dưỡng mà thành.

2-Nguồn gốc và phân bố

Hiện nay chưa rõ nguồn gốc phát xuất của Chi Mã đề (Plantago).
Các loài mã đề mọc ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Châu Mỹ, Châu Á, Úc, New Zealand, Châu Phi  Châu Âu. Nhiều loài trong chi phân bổ rộng khắp thế giới như là một dạng cỏ dại.
Riêng loài Mã đề Plantago asiatica (tên đồng nghĩa: Plantago major subsp. major hay Plantago major ) có nguồn gốc ở vùng  cận nhiệt đới Nam Á, được dùng làm thuốc từ lâu đời ở Trung Quốc , Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Ở Việt Nam cây mã đề lá lớn được trồng phổ biến để làm rau và cây mã đề lá nhỏ mọc hoang dại trên khắp cả nước chủ yếu được dùng làm thuốc.

3-Mô tả

- Thân: Mã đề là cây thân thảo, sống lâu năm, tái sinh bằng nhánh và hạt, thân cao khoảng 10-15cm.
- : Lá có cuống dài, hình trứng (ảnh) dài 5-12cm, rộng 3,5 - 8cm, đầu tù, hơi có mũi nhọn. Mã đề rất dễ nhận ra bởi phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá. 
- Hoa: Hoa mọc thành bông, có cán dài 10-15 cm, xuất phát từ kẽ lá, hoa dài lưỡng tính, đài 4, xếp cheo, hơi dính ở gốc, tràng màu nâu tồn tại, gồm 4 thùy nằm sen kẽ ở  giữa các lá đài. Nhị 4 chỉ nhị mảnh, dài, 2 lá noãn chứa nhiều tiểu noãn. Mùa hoa nở trong tháng 7-8. Hoa thụ phấn nhờ gió và phát tán bằng hạt.

- Quả: Quả hộp trong chứa nhiều hạt màu nâu đen bóng
- Hạt: Hạt rất nhỏ nhưng có thể thu hoạch và nghiền nát để trích lấy dung dịch keo bột. Một cây có thể sản sinh hàng ngàn hạt, hạt khuyếch tán nhờ gió. 
Cây mã đề được tìm thấy trong nhiều môi trường sống khác nhau, từ những vùng ẩm ướt ở đồng bằng, vùng ven biển cho đến các khu vực bán sơn địa và vùng núi cao. Loài cây này trở thành loài cỏ dại có tính quốc tế, trở thành loài cây xâm nhập nguy hiểm ở một số nước.

4- Thành phần dinh dưỡng

- Trong lá cây Mã đề giàu canxi và các khoáng chất khác, với 100 gram lá chứa một lượng vitamin A tương đương với củ  cà rốt. 
- Toàn thân chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin còn gọi là  aucubozit. Trong lá có chất nhầy, chất đắng, carotin, vitamin C, vitamin K yếu tố T. Trong hạt chứa chất nhầy, axit plantenolic, adnin và cholin.

5- Công dụng của cây Mã đề

5.1- Lá cây Mã đề được dùng làm rau
+ Ở Việt Nam: Lá cây Mã đề non được dùng làm rau như các loại rau cải khác.
-Lá rau Mã đề non được dùng để ăn sống cùng các loại rau ghém khác, nhất là ăn chung với các loại rau rừng khác.
- Lá rau Mã đề non cũng được dùng để xào, nấu các món canh rau mặn và chay.
Canh mã đề nấu với tôm, thịt ăn rất ngon và có tác dụng giải nhiệt, tiểu tiện dễ dàng. Chú ý, khi ăn uống vị mã đề cần kiêng kị những chất kích thích đưa vào cơ thể gây nóng như: rượu, cà phê, gia vị...
+ Ở nước ngoài: Nhiều nước ở Châu Á và vùng Đông Nam Á khác đều dùng lá cây Mã đề non để làm rau.
- Ở Nhật Bản rau Mã đề được dùng để ăn sống và nấu các món súp hải sản truyền thống.
- Ở Nam Mỹ và người bản địa Bắc Mỹ dùng lá Mã đề non để ăn như món salad xanh và lá già dùng để hầm, nấu với thịt.
5.2- Các bộ phận của cây Mã đề dùng làm thuốc
a-Theo Đông y:
Theo quan điểm của Đông y, cây Mã đề được dùng làm thuốc là cây mọc hoang dại trong tự nhiên, giống cây Mã đề được trồng là giống Mã đề lá lớn có giá trị dược liệu kém hơn các giống Mã đề hoang dại (lá nhỏ) mọc trong môi trường tự nhiên.
Theo Đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh, đi vào các kinh, can, thận và bàng quang; tác dụng chữa đái rắt, ho lâu ngày, viêm khí quản, tả, lị, nhức mắt, đau mắt đỏ, nước mắt chảy nhiều, lợi tiểu...
Cây mã đề cho các vị thuốc sau:
1. Xa tiền tử: Semen plantaginis là hạt phơi khô hay sấy khô.
2. Mã đề thảo (xa tiền thảo): Herba plantaginis là toàn cây bỏ rễ phơi hay sấy khô.
3. Lá mã đề: Folium plantaginis là lá hay tươi hoặc sấy khô
Trong y học cổ truyền Việt Nam, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam... 
Tại Ấn Độ, chất nhầy được chiết xuất bằng cách nghiền vỏ hạt của một loài mã đề có tên Plantago ovata để bào chế loại thuốc nhuận tràng được bán như là Isabgol, một loại thuốc nhuận tràng để điều trị chứng đường ruột bất thường và táo bón. Nó cũng được sử dụng trong một số ngũ cốc để điều trị chứng cao cholesterol mức độ nhẹ tới vừa phải cũng như để làm giảm lượng đường trong máu. Nó đã từng được sử dụng trong y học Ayurveda  Unani của người dân bản xứ cho một loạt các vấn đề về ruột, bao gồm táo bón kinh niên, lỵ amip  bệnh tiêu chảy.
Tại Bulgaria, lá của Plantago major được sử dụng làm thuốc để chống nhiễm trùng ở các vết đứt hay vết xước nhờ các tính chất kháng trùng của nó.
Nguồn: Theo GS Đoàn Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống .
b- Theo Y học hiện đại:
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chiết xuất từ dịch cây mã đề có một loạt các hiệu ứng sinh học, bao gồm "hoạt động chữa lành vết thương, chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa, kháng sinh yếu, suy giảm miễn dịch điều chế và Chống viêm loét". 
Trong cây mã đề chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao, bao gồm allantoin, aucubin, axit ursolic, flavonoids, và asperuloside. 
Khi ăn lá mã đề, làm tăng bài tiết axit uric từ thận, và có thể hữu ích trong điều trị bệnh gút. 
Các thử nghiệm cho thấy, chất aucubin trong cây mã đề (đặc biệt là phần lá) có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ urê, axit uric và muối trong nước tiểu, có hữu ích trong điều trị bệnh gút và có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp bên cạnh các thuốc đặc hiệu. Hạt mã đề được sử dụng trong một số bài thuốc hiệu quả chữa sỏi đường tiết niệu.
Mã đề cũng có tác dụng long đờm và trị ho. Thuốc viên bào chế từ cao mã đề và terpin đã được áp dụng trên lâm sàng, điều trị hiệu quả các bệnh viêm cấp tính đường hô hấp trên, làm nhẹ quá trình cương tụ niêm mạc hô hấp, chữa ho và phục hồi tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh quản cấp. Cao nước mã đề đã được áp dụng cho hơn 200 bệnh nhân viêm amiđan cấp, kết quả 92% khỏi bệnh, 8% đỡ. Tác dụng hạ sốt, phục hồi số lượng bạch cầu và làm hết các triệu chứng tại chỗ của mã đề được đánh giá là tương đương các thuốc kháng khuẩn thường dùng.
Mã đề cũng được sử dụng trong các dược phẩm trị mụn nhọt và bỏng. Thuốc dạng dầu chế từ bột mã đề khi đắp lên mụn nhọt có thể làm mụn đỡ nung mủ và viêm tấy. Còn thuốc mỡ bào chế từ cao đặc mã đề đã được sử dụng để điều trị các ca bỏng 2-45% diện tích da, đạt kết quả tốt. Bệnh nhân cảm thấy mát, dễ chịu, không xót, không nhức buốt, dễ thay bông và bóc gạc. Vết bỏng đỡ nhiễm trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi. Bệnh nhân giảm được lượng thuốc kháng sinh dùng toàn thân.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, chất polysacharid trong hạt mã đề có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón mạn tính.
Nguồn: Theo GS Đoàn Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống .

6-Một số bài thuốc Đông y từ cây Mã đề

Sau đây là một số bài thuốc cụ thể:
1- Lợi tiểu: Hạt mã đề 10 g, cam thảo 2 g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
2- Chữa tiểu ra máu: Lá mã đề, ích mẫu, mỗi vị 12 g; giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
3- Chữa viêm cầu thận cấp tính: Mã đề 16 g, thạch cao 20 g, ma hoàng, bạch truật, đại táo, mỗi vị 12 g; mộc thông 8 g, gừng, cam thảo, quế chi, mỗi vị 6 g. Sắc uống ngày một thang.
4- Chữa viêm cầu thận mạn tính: Mã đề 20 g, ý dĩ 16 g, thương truật, phục linh, trạch tả, mỗi vị 12 g; quế chi, hậu phác, mỗi vị 6 g; xuyên tiêu 4 g. Sắc uống ngày một thang.
5- Chữa sỏi niệu: Hạt mã đề 12-40 g, kim tiền thảo 40 g, thạch vĩ 20-40 g, hoạt thạch 20-40 g, tam lăng, ý dĩ, ngưu tất, nga truật, mỗi vị 20 g; chỉ xác, hậu phác, gai bồ kết, hạ khô thảo, bạch chỉ, mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày một thang.
6- Chữa viêm bàng quang cấp tính: Mã đề 16 g, hoàng bá, hoàng liên, phục linh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12 g; trư linh, mộc thông, hoạt thạch, bán hạ chế, mỗi vị 8 g. Sắc uống ngày một thang.
7- Chữa ho, tiêu đờm: Mã đề 10 g, cát cánh, cam thảo mỗi vị 2 g. Sắc uống ngày một thang.
8- Chữa lỵ: Mã đề, dây mơ lông, cỏ seo gà mỗi vị 20 g. Sắc uống ngày một thang.
9- Chữa tiêu chảy: Mã đề tươi 1-2 nắm, rau má tươi 1 nắm, cỏ nhọ nồi tươi 1 nắm. Sắc đặc, uống ngày một thang.
10- Chữa tiêu chảy mạn tính: Hạt mã đề 8 g, cát căn, rau má, đẳng sâm, cam thảo dây mỗi vị 12 g, cúc hoa 8 g. Sắc uống ngày một thang. 
Nguồn: Theo GS Đoàn Thị Nhu, Sức Khỏe & Đời Sống.

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét