Rau chốc


RAU CHỐC

-Tên gọi khác: Rau Mác Bao, Cỏ Lưỡi Vịt, cây Cùi Dìa.
-Tên tiếng Anh: Heartleaf False Pickerelweed , Oval-Leafed Pondweed
-Tên khoa học: Momochoria vaginalis (Burm.f.) C.Presl ex Kunth.
-Tên đồng nghĩa: M. africana (Solms-Laub.) NEBrown; M. brevipetiolata Verdcourt; M. hastata (L.) Solms-Laub., M. korsakowii Regel & Maackj.

Cây rau chốc

Phân loại thực vật

Bộ (ordo):
Thài lài (Commelinales).
Họ (familia):
Chi:
Loài:
Lục bình (Pontederiaceae).
Monochoria
Monochoria vaginalis.

Phân bố

Rau chốc (Monochoria vaginalis) là một loài thực vật có hoa trong Họ Lục bình (Pontederiaceae).Có nguồn gốc ở Châu Á nhiệt đới và trên nhiều quần đảo Thái Bình Dương, là loài cỏ dại quan trọng trên ruộng nước ngọt trũng thấp.
Hiện nay rau chốc lan rộng sang các nước ôn đới như cây trồng thủy sinh làm cảnh và sau đó trở thành loài cỏ dại trên đất ngập nước.
Cây rau chốc thường mọc tốt trong ruộng lúa ngập nước ở các nước khí hậu nóng của Châu Á và Đông Nam Á như ở các nước Iran , Nepal , Thái Lan , Việt Nam, Indinesia, Malaysia, Philippines và Campuchia…
Ngoài ra cây rau chốc còn phát triển mạnh ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, miền Bắc Australia, Fiji và quần đảo Solomon, Hoa Kỳ.
Ở Việt Nam cây rau chốc xuất hiện trên cả nước với nhiều tên gọi khác nhau như: Rau chốc (ở Nam Bộ), Rau mác bao, Cỏ Lưỡi Vịt.
Ở Nam Bộ cây rau chốc là loài cỏ dại trên các ruộng lúa ở ĐBSCL.

Mô tả

Rau chốc (Monochoria vaginalis) là cây thủy sinh thân thảo nhỏ một lá mầm, sống trong đất ngập cạn. Thường phát triển ở ruộng lúa nước. nơi đầm lầy, mương, bờ kênh…
-Thân: Thân ngầm dạng củ nhỏ mọc thẳng đứng trong đất, thân giả ngắn, xốp. do các bẹ lá họp thành, cao 10-30 cm.
-Rể: Rể chùm màu trắng mọc từ thân ngầm với nhiều rể con ngắn mọc trong bùn.
-Lá: Lá hẹp ở giai đoạn đầu và có 6-8 lá hình thuôn hoặc hình tim dài, màu xanh sáng bóng. Lá có cuống dài 15-20 cm, rộng 1-2 mm, mềm xốp, gốc cuốn phát triển thành bẹ ôm thân, cuống có nhiều gân sọc.
-Hoa: Chùm hoa là gié dài 3 - 6 mm, mọc ở bẹ, cuống ngắn. Màu xanh tím hoặc màu hoa cà, lá đài rộng hơn cánh hoa, nhị thường 5, bầu không cuống.
-Quả: Quả nang dài khoảng 1 cm, khi chín tách thành 3 mảnh, nhiều hạt tròn.
-Hạt: Hạt nhỏ, hình thuôn dài khoảng 1 mm. Cây sinh sản bằng hạt.
Lá non và cuống lá được dùng để luộc, xào hay nấu canh ăn. Củ làm thuốc bổ dưỡng, thuốc cầm máu, chữa mụn nhọt..
Chú ý! Không nên lầm lẩn giữa cây Rau chốc (hay Rau mác bao) với Rau mác (hay Rau mác thuôn) có kích thước lớn hơn và lá có hình mũi tên.

Thành phần hóa học

Trong thân, lá rau chốc có 85,6% nước 3,1% protid 8,2% glucid, 1,7% xơ, 1,4% tro, 2,6mg% caroten và 26,2% vitamin C.
Bẹ, lá rau chốc không độc, dùng làm rau ăn được. Thân lá dùng làm thức ăn cho lợn. Ngọn và lá non dùng làm rau cho người.

Cách dùng

a-Rau chốc được dùng làm rau

Ở vùng nông thôn các nước Đông Nam Á rau chốc hay rau mác bao được dùng làm món rau để ăn sống hay luộc, xào, muối dưa...
Ở Campuchia rau chốc được bán ở chợ, dùng ăn với lẩu mắm.
Ờ Nam Bộ rau chốc được chế biến thành những món rau như sau:
1-Dùng làm rau sống: Bẹ và lá non của cây rau chốc có thể dùng làm rau sống để ăn trực tiếp.
2-Dùng để bóp gỏi: Bẹ của cây rau chốc tuốt bỏ lá có thể dùng để bóp gỏi ăn sống.
3-Dùng để luộc: Bẹ và lá non của cây rau chốc có thể dùng để luộc với các loại rau khác.
4-Dùng để xào: Bẹ và lá của cây rau chốc có thể dùng để xào với các loại rau rừng khác.
5-Dùng để muối dưa: Bẹ của cây rau chốc tuốt lá có thể dùng để muối dưa chua với rau muống, bông súng...
Ở Nam Bộ rau chốc thường được ăn kèm với bồng bồng và chắm với mắm kho. Nên phương ngôn có câu: “Bồng bồng, rau chốc, mắm kho” để chỉ món ăn đạm bạc của người nông dân xưa kia khi còn khó khăn.

b-Rau chốc dùng làm thức ăn chăn nuôi

Toàn cây rau chốc rửa sạch còn dùng làm thức ăn cho cá , gà vịt. Thân lá nấu chín còn làm thức ăn cho lợn.

c-Rau chốc được dùng làm thuốc

Theo đông y cây rau chốc có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng bài nung, lợi niệu.
Ăn rau chốc sống, luộc, xào có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
                                                                                                  Kỹ sư Hồ Đình Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét