Cây sen

CÂY SEN

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 23/7/2013

Mô hình cây sen

Cây sen vùng Đồng Tháp Mười

        -Tên gọi khác: sen hồng , sen đỏ, sen Ấn Độ; hà hoa,  liên hoa, hạm đạm, phù cừ, thủy chi.
        -Tên tiếng Anh: Sacred Lotus.
        -Tên khoa học: Nelumbo nucifera Gaertn
        -Tên đồng nghĩa: Nelumbium speciosum (Willd.), Nymphaea nelumbo.
Phân loại khoa học

Giới (regnum):
Thực vật (Plantae).
Bộ (ordo):
Proteales
Họ (familia):
Sen (Nelumbonaceae).
Chi (genus):
Nelumbo
Loài (species):
Tên đầy đủ:
N. nucifera
Nelumbo nucifera Gaertn

Phân bố
       Đây là một loại cây thủy sinh sống lâu năm.Trong thời kỳ cổ đại nó đã từng là loại cây mọc phổ biến dọc theo bờ sông Nin  Ai Cập cùng với một loài hoa súng có quan hệ họ hàng gần gũi có tên gọi hoa sen xanh linh thiêng sông Nin (Nymphaea caerulea);
       Người Ai Cập cổ đại sùng kính hoa sen và sử dụng nó trong các nghi thức tế lễ. Từ Ai Cập nó đã được đem đến Assyria và sau đó được trồng rộng rãi khắp các vùng Ba Tư, Ấn Độ  Trung Quốc.
Cây sen cũng có thể là loài cây bản địa ở khu vực Đông Dương, nhưng ở đây có sự nghi vấn về điều này. Năm 1787, lần đầu tiên nó được đưa tới Tây Âu như một loài hoa súng dưới sự bảo trợ của Joseph Banks và có thể thấy được trong các vườn thực vật hiện nay mà ở đó có sự cung cấp nhiệt. Ngày nay nó là hiếm hoặc đã tuyệt chủng tại Châu Phi nhưng lại phát triển mạnh ở miền nam Châu Á và Australia. Nó là quốc hoa của Ấn Độ.
        Ở Việt Nam cây sen được trồng trong ao hồ khắp cả nước. Ở Nam Bộ cây sen địa phương còn mọc hoang ở nhiều nơi thuộc vùng ĐTM và Tứ giác Long Xuyên (nên phân biệt với các giống sen trồng nhập nội gần đây từ Trung Quốc và Đài Loan).
Mô tả
         Sen là loài thực vật thủy sinh, rể, thân, cuốn lá đều nằm dưới mặt nước, chỉ có phiến lá nằm ngay mặt nước và cuốn hoa vươn khỏi mặt nước.
         -Thân: Thân sen là thân ngầm dạng củ mọc trong bùn, còn được gọi là củ sen. Củ có hình thuôn dài, thịt củ màu trắng, ăn được, có nhiều ngăn trống xếp theo vòng đồng tâm với trục củ.
         -Rể: Rể mọc từ củ sen hoặc từ đốt rể, có nhiều nhánh mọc lan tỏa trong bùn.
         -Lá: Gồm có cuốn lá hình trụ mọc từ thân ngầm, có nhiều gai, nằm trong nước. Phiến lá to hình tròn đường kính 30-60 cm, góc lõm, mọc vươn khỏi mặt nước.
         -Hoa: Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao vài mươi cm phía trên mặt nước. Có nhiều giống sen được trồng, với màu hoa dao động từ màu trắng như tuyết tới màu vàng hay hồng nhạt.
        -Quả: Là gương sen xốp, có 10-20 hạt đính trong thịt quả, quả nhô khỏi mặt nước.
        -Hạt: Hình thuôn ngắn, kích thước 10x 15 cm.

Hoa sen

Búp hoa và gương sen

Gương sen khi thu hoạch

Củ sen
        Thân rễ của sen hồng mọc trong các lớp bùn trong ao hay sông, hồ còn các lá thì nổi ngay trên mặt nước. Các thân già có nhiều gai nhỏ. Hoa thường mọc trên các thân to và nhô cao vài cm phía trên mặt nước.
        Thông thường sen có thể cao tới 1,5 m và có thể phát triển các thân rễ bò theo chiều ngang tới 3 m, một vài nguồn chưa kiểm chứng được cho biết nó có thể cao tới trên 5 m. Lá to với đường kính tới 60 cm, trong khi các bông hoa to nhất có thể có đường kính tới 20 cm.
         Có nhiều giống sen được trồng, với màu hoa dao động từ màu trắng như tuyết tới màu vàng hay hồng nhạt. Nó có thể chịu được rét tới khu vực 5 theo phân loại của USDA. Loài cây này có thể trồng bằng hạt hay thân rễ.
Giá trị dinh dưỡng và dược liệu
        -Hạt sen: có hàm lượng tinh bột và đường rất cao, các chất béo, đạm, canxi, phốt pho, sắt. Theo Đông y, hạt sen có tác dụng bổ tâm, an thần, trị bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh, tỳ vị hư hàn, kiết lỵ lâu ngày.
        -Tâm sen: vị đắng, tính hàn, không độc. Tác dụng: an thần chữa mất ngủ, khát nước sau khi đẻ do hư nhiệt. Hàng ngày dùng 6 -12g. Tâm sen rang vàng sắc với 2 bát nước còn 1 bát, uống thay nước chè, dùng trong mùa hè để giải nhiệt trừ cảm nắng.
        -Gương sen (hạt để riêng): vị đắng, chát, mùi thơm, tính ấm. Gương sen xé nhỏ, sấy giòn, tán bột ăn có tác dụng tiêu ứ, tiêu khát, cầm máu, trị băng huyết, đái ra máu, chữa bệnh đái đường rất công hiệu. Gương sen để càng lâu càng có tác dụng chữa bệnh tốt.
        -Ngó sen: trong ngó sen có tinh bột, đường glucoza, vitamin C. Dùng tươi hoặc thái mỏng phơi khô để dùng dần.
        -Lá sen: có chất ancaloid làm dịu đau, an thần, chống co giật, giải nhiệt, trừ cảm nắng, làm thuốc cầm máu, chữa thổ huyết, băng huyết, mất ngủ.
        -Cuống sen: Mang lá phát triển, không ăn được nhưng có tác dụng làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ.
        -Củ sen: Vừ là thực phẩm bổ dưỡng, vừa là vị thuốc quý.
        Ghi chú: Các giá trị dinh dưỡng và dược liệu trên đây chỉ có trong giống sen địa phương, các giống sen nhập nội theo mục đích kinh tế như sen chuyên lấy ngó, lấy củ, lấy hạt…không có giá trị như các giống sen địa phương.
Công dụng
        a-Lá sen, ngó sen và củ sen được dùng như rau
          1-Lá sen non: Dùng như rau sống ăn kèm với cá lóc, cá rô nướng ở vùng ĐBSCL.
          2-Ngó sen được dùng như rau sống: Ngó sen được lột vỏ, chẻ nhỏ để ăn sống và bóp gỏi.

Ngó sen

Gỏi ngó sen
         3-Ngó sen được dùng để nấu canh chua, nấu lẩu: Ngó sen được lột vỏ, sắt khúc dùng để nấu canh chua và các loại lẩu đặc sản với mực, tôm, cá, thịt.
         4-Ngó sen được dùng để muối dưa: Ngó sen cắt khúc dùng để muối dưa riêng lẻ hoặc chung với cọng bông súng, bông điên điển…
        b-Hạt sen được dùng như thực phẩm
          1-Hạt sen lúc chưa già: được dùng làm món ăn chơi với vị ngọt, bùi…
          2-Hạt sen già: Dùng để nấu nhiều thực phẩm cao cấp, bánh mứt và được liệu.

Hạt sen mới thu hoạch

Hạt sen được bóc vỏ

Sảm phẩm hạt sen

Mứt hạt sen

Chè hạt sen
         c-Củ sen được dùng như thực phẩm
          1-Củ sen được dùng như rau sống: Củ sen gọt vỏ có thể được dùng để ăn trực tiếp như rau sống hặc xắt nhuyễn để bóp gỏi.
          2-Củ sen được dùng trong các món nấu: Củ sen được dùng trong các món nấu cao cấp như thịt dê, lẩu thập cẩm.

Lẫu sườn nấu với củ sen
          3-Củ sen được dùng làm dưa: Củ sen được dùng để muối chua và ăn như dưa chua.
          4-Củ sen muối: Là dạng thực phẩm xuất khẩu được tiêu thụ mạnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc..
        d-Hoa sen và lá sen dùng để ướp trà và làm trà
          Hoa sen có hương thơm được dùng để ướp trà để có hương sen. Lá sen được xắt nhuyễn và xấy khô, ướp với hoa sen để làm trà sen uống thay trà.

Trà ướp sen

Trà lá sen
        e-Các bộ phận của cây sen đều là dược liệu quý
         Trong thiên nhiên, có lẽ ít có loài thực vật nào như cây sen mà toàn bộ các bộ phận của cây đều được sử dụng làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Hải Thượng Lãn Ông đã viết về cây sen như sau: “Cây mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, đượm khí thơm trong lành của trời đất, nên củ, lá, hoa, tua, vỏ quả, ruột đều là thuốc hay”.
         a-Hạt sen (còn gọi là Liên nhục, Liên tử) hay quả sen thu hoạch khi quả đã chín già với thể chất mập, chắc. Nếu để nguyên vỏ ngoài thì được liên thạch, bóc bỏ vỏ là liên nhục.
         Dược liệu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, cố tinh,  ích thận, chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, mất ngủ, kiết lỵ, di mộng tinh, khí hư. Hạt sen là một vị thuốc quý vừa có tác dụng bổ dưỡng lại an thần, được dùng trong nhiều đơn thuốc.
         Ðặc biệt hạt sen còn dùng chữa trị các chứng tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng. Hạt sen cũng là một loại thực phẩm quý, thường dùng nấu chè, làm mứt, chế biến thành nhiều món ăn ngon.Hạt sen và gạo nếp nấu thành cháo ăn, trị quen đẻ rơi, phụ nữ có thai đau lưng hông..Hạt sen (bỏ tim) 60 gam, cam thảo 10 gam, cùng chưng nóng bỏ đường cát vào vừa lượng mà ăn, trị nhiễm trùng hệ tiết niệu, đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp, hư nhược khô nóng.
         Ngày dùng 12-20g, có thể đến 100g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
         b-Tâm sen (còn gọi là Liên  tâm): Vị đắng tính hàn, có tác dụng thanh tâm khí nhiệt hạ áp. Dùng an thần, trị sốt cao mê sảng, hồi hộp tim đập nhanh, huyết áp cao. Thường dùng phối hợp với một số vị thuốc khác như cúc hoa, hoa hòe, hạt muồng... pha trà uống để dễ ngủ, hạ áp. Liên tử tâm 30 cái, đun nóng, thêm muối, ăn trước khi ngủ, trị mất ngủ, nóng trong lòng, nhiều mộng. Liên tử tâm (1,5 gam), dùng nước sôi ngâm như trà uống, trị cao huyết áp
        c-Tua sen (Liên tu): Lá nhị của hoa sen, thu hoạch khi hoa đã nở, bỏ hạt gạo ở đầu rồi phơi hoặc sấy khô. Tua sen có tên thuốc là liên tu, có vị chát, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng ích thận, cố tinh, thanh tâm, chỉ huyết, chữa di mộng tinh, băng huyết, thổ huyết, mất ngủ, đái són, bạch đới. dụng thanh tâm cố thận, sáp tinh chỉ huyết. Dùng riêng hoặc phối hợp với hạt sen.Ngày dùng 5-10g, sắc uống.
        d-Gương sen (Liên phòng): Vị đắng sáp, tính ôn, có tác dụng tiêu ứ chỉ huyết, dùng trị các chứng băng lậu ra máu, tiểu ra máu... Thường dùng để cầm máu bằng cách đốt thành than rồi phối hợp với các vị thuốc khác. Liều dùng 5-10g.
e-Lá sen (Liên diệp, Ngẫu diệp): Vị đắng sáp, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, phát thanh dương. cố tinh dừng huyết. Dùng trị cảm nắng, say nắng, xuất huyết do sốt cao. Chữa các chứng cảm sốt mùa hè rất tốt. Ðã ứng dụng nhiều năm chữa sốt xuất huyết thể nhẹ.  Lá sen còn dùng để hạ cholesterol và chữa bệnh mập phì.
         f-Ngó sen (Ngẫu tiết): có tác dụng thanh nhiệt, tỉnh rượu, dừng huyết  Là một món ăn ngon, ngó sen còn dùng trị các chứng đại tiện ra máu, tử cung xuất huyết kéo dài, khí hư bạch đới, tiêu chảy kéo dài. Ngó sen tươi giã lấy nước, trị trúng nắng, đau bụng, mũi ra máu, sản hậu xuất huyết, viêm ruột cấp tính, phổi kết hạch..Ngó sen tươi (bỏ đốt) 500 gam, gừng sống lấy 500 gam (bỏ vỏ sắt mỏng) bỏ vào vải sạch vắt lấy nước, ngày uống mấy lần, trị cảm mạo mùa hạ, viêm ruột, phát nhiệt, khát, nôn mửa, tiêu chảy.
         g-Cuống sen: Là ngó sen đã già, mang lá phát triển, không ăn được nhưng có tác dụng làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ.
         h-Củ sen: Vừa có giá trị thực phẩm bổ dưỡng vừa là dược liệu trị bệnh biếng ăn, mất ngủ, suy dinh dưỡng.
Các bài thuốc từ cây sen
          1-Chữa di tinh, hoạt tinh, di niệu: bài Cố tinh hoàn, gồm liên nhục 2 kg, liên tu 1 kg, hoài sơn 2 kg, sừng nai 1 kg, khiếm thực 0,5 kg, kim anh 0,5 kg. Các vị tán thành bột, riêng kim anh nấu cao, làm thành viên hoàn, ngày uống 10-20 g (theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
          2-Chữa tiêu chảy mãn tính: gồm liên nhục 12 g, đảng sâm 12 g, hoàng liên 5 g. Các vị sắc uống hoặc tán bột uống mỗi ngày 10 g (theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
         3-Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: bài Táo nhân thang, gồm táo nhân 10 g, viễn trí 10 g, liên tử 10 g, phục thần 10 g, phục linh 10 g, hoàng kỳ 10 g, đảng sâm 10 g, trần bì 5 g, cam thảo 4 g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang (theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
         4-Chán ăn do suy nhược: hạt sen 100g, bao tử heo một cái. Bao tử rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thuỷ với hạt sen, dùng trong ngày. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          5-Chữa sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam: bài Tứ sinh thang, gồm sinh địa tươi 24 g, trắc bá diệp tươi 12 g, lá sen tươi 12 g, ngải cứu tươi 8 g. Các vị nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
          6-Trị béo phì, hạ cholesterol máu cao: đây là công dụng mới được phát hiện của lá sen. Trên thị trường hiện có bán nhiều loại trà giảm béo có lá sen, song có thể tự dùng bằng cách nấu lá sen tươi uống thay nước hàng ngày, mỗi ngày 1 lá.
          7-Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng (Táo nhân thang) 
           Táo nhân 10g.   Viễn trí 10g.  Liên tử 10g.  Phục thần 10g. Phục linh 10g. Hoàng kỳ 10g.  Ðảng sâm 10g. Trần bì 5g.Cam thảo 4g.
          Sắc uống ngày một thang.
          8-Trị chứng hồi hộp, mất ngủ, đau tim (Canh hạt sen, tim heo)
         -Thành phần: 60 gr hạt sen, 1 cái tim heo, 40 gr phòng đản sâm.
         -Cách chế biến: Thái mỏng tim heo. Hạt sen đem bóc bỏ vỏ ngoài và tim bên trong. Dùng rượu rửa sạch phòng đản sâm, rồi thái khúc. Cho tất cả vào nồi cùng với 6 chén nước, nấu với lửa lớn đến khi sôi, để sôi trong 10 phút, hạ lửa nhỏ, nấu tiếp 2 giờ nữa thì dùng được
          9-Khó ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao: lấy từ 1,5 – 3g tâm sen pha trà uống. Cách khác, lấy lá sen, hoa hoè mỗi vị 10g; cúc hoa vàng 4g, sắc uống hoặc lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc hoặc hãm uống. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
         10-Tiêu chảy, kiết lỵ: sen nguyên cọng chừng 60g, hai muỗng đường trắng. Cọng sen rửa sạch, sắc uống kèm với đường. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          11-Chán ăn do suy nhược: hạt sen 100g, bao tử heo một cái. Bao tử rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thuỷ với hạt sen, dùng trong ngày. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn Đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          12-Người nóng, nổi nhọt: hoa sen tươi 50g hoặc 30g loại khô, đường phèn 20g đem sắc uống thay trà thường xuyên, hoặc dùng hoa sen đã sắc đắp tại chỗ. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          13-Tuổi già hay uể oải trong người: củ sen tươi 100g nấu chín, mỗi ngày ăn vào buổi sáng và chiều. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          14-Băng huyết, chảy máu cam, tiêu tiểu ra máu: lá sen tươi 40g, rau má 12g. Sao vàng, thái nhỏ hai vị này, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Cách khác, lấy 10 ngó sen, giã nát lấy nước, thêm ít đường đỏ, đun lên uống ngày hai lần sáng và tối. Trường hợp xuất huyết đường tiêu hoá có thể lấy nước ngó sen và nước ép củ cải, mỗi thứ 20ml, trộn đều uống ngày hai lần, liên tục trong nhiều ngày. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          15-Rôm sẩy, ghẻ lở: lá sen tươi băm nhỏ nấu với hạt đậu xanh (để nguyên vỏ) làm canh ăn. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
           16-Máu hôi không ra hết sau khi sinh: lá sen sao thơm 20 – 30g tán nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
         17-Sốt xuất huyết: lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày một thang. Nếu xuất huyết nhiều, có thể tăng liều của lá và ngó sen lên 50 – 60g. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
         18-Giun kim: hạt sen 50g, hạt hướng dương 30g, hạt bí đỏ bỏ vỏ 30g, hạt cau 12g, đường phèn 20g. Xay nhỏ bốn loại hạt này rồi cho vào nồi nước 250ml, đun chín nhừ, cho đường vào ăn ngày ba lần, ăn trong năm ngày. (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
         19-Chữa nôn: lấy 30g ngó sen sống, 3g gừng sống, giã nát cả hai thứ vắt lấy nước, chia làm hai lần uống trong ngày (Theo ThS.BS Võ Thị Thu-Bộ môn đông dược, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam).
          20-Chữa ho ra máu: Ngó sen 20g, bách hợp hoặc lá trắc bá 20g, cỏ nhọ nồi 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày (theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
          21-Chữa băng huyết: Ngó sen sao, tam lăng, nga truật, huyết dụ, bồ hoàng, mỗi vị 8g; bách thảo sương 6g. Sắc uống ngày một thang (theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
          22-Chữa tiểu tiện ra máu: Ngó sen 12g, sinh địa 20g, hoạt thạch 16g; tiểu kê, mộc thông, bồ hoàng, đạm trúc diệp, sơn chi tử, mỗi vị 12g; chích cam thảo, đương quy, mỗi vị 6g. Sắc uống trong ngày(theo Bác sĩ Quan Thế Dân).
         23-Trị nôn ra máu: lá sen 15g, ngó sen 15g, cỏ nhọ nồi 20g. Cho các vị vào nồi, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. ( theo Lương y Minh Chánh).
          24-Trị chảy máu cam: ngó sen rửa sạch, giã vắt nước cốt uống, nhỏ vài giọt vào mũi. ( theo Lương y Minh Chánh).
          25-Trị trẻ biếng ăn, người lớn suy nhược, ăn kém: hạt sen 100g, đậu ván trắng 10g, trần bì 12g, mầm lúa 30g. Tất cả sao qua, tán mịn, ngày uống 3 lần mỗi lần 100g, uống với nước cơm. ( theo Lương y Minh Chánh).
         26-Chữa mất ngủ: Lá sen sắc đặc pha chút đường, uống trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ sẽ ngủ ngon. ( theo Lương y Minh Chánh).
         27- Trị viêm mũi, ngạt mũi lâu ngày: cánh hoa sen thái chỉ phơi khô 100g, bạch chỉ 100g. Tất cả tán mịn, cuốn giấy như cuốn thuốc, hút phả khói ra mũi liên tục trong vòng 1 tuần. ( theo Lương y Minh Chánh).
         28-Trị đau lưng, mệt mỏi: nhụy sen 4g, cam thảo 6g. Tất cả cho vào nồi, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, uống trước khi đi ngủ. ( theo Lương y Minh Chánh).
          29-Chữa đái tháo đường: Tâm sen 8g; thạch cao 20g; sa sâm, thiên môn, mạch môn, hoài sơn, bạch biển đậu, ý dĩ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. (theo Lương y Minh Chánh).
         30-Trà sen:
         - Thành phần:  400 gr nhụy sen, 300 gr hạt sen và 400 gr cúc hoa.
         -Cách làm: Nhụy sen đem phơi hoặc sấy khô. Hạt sen đem ngâm nước nóng, bóc sạch vỏ ngoài và bỏ tim bên trong, sấy khô sao vàng. Cúc hoa phơi khô trong mát (hoặc sấy). Đem cả 3 loại trên sao vàng cho bốc mùi thơm, để nguội, cho vào lọ đậy kín, để dành dùng uống như trà. Loại trà này giúp cho ăn, ngủ rất tốt (theo BS Quan Thế Dân).
                                                                                                   Kỹ sư Hồ Đình Hải


Xem Video: Hoa sen trong tâm thức người Việt





Cây Bạc hà (Dọc mùng)

CÂY BẠC HÀ (DỌC MÙNG)


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật mới nhất ngày 13/7/2013

Cây Bạc hà
-Tên gọi khác: Môn bạc hà, Môn to, Dọc mùng, Ráy dọc mùng.
-Tên tiếng Anh: Super-Sized Elephant-ear
-Tên khoa học: Colocasia gigantea (Blume) Hook.f., 1893
-Các loài tương cận:
Cây khoai môn (khoai sọ): Colocasia esculenta  
Cây Ráy: Alocasia macrorrhizos.

Phân loại khoa học


Bộ (ordo)
Trạch tả (Alismatales)
Họ (familia)
Ráy (Araceae)
Phân họ (subfamilia)
Ráy (Aroideae)
Tông (tribus)
Khoai sọ (Colocasieae)
Chi (genus)
Khoai sọ (Colocasia).
Loài (species)
Colocasia gigantea

Nguồn gốc và phân bố

Chi Khoai sọ (Colocasia) là một chi thực vật có hoa với hơn 25 loài cây có củ thuộc Họ Ráy (Araceae). Chi Khoai sọ có nguồn gốc ở vùng Châu Á nhiệt đới, có thể khởi nguồn từ Ấn Độ và Bangladesh , và lây lan về phía đông vào khu vực Đông Nam Á , Đông Á và các đảo Thái Bình Dương , về phía tây tới Ai Cập và phía đông Địa Trung Hải, và sau đó về phía nam và phía tây từ đó vào Đông Phi và Tây Phi , từ đây nó lây lan sang các vùng biển Caribbean và Châu Mỹ .Chúng được gọi bằng nhiều tên địa phương và thường được gọi là cây "tai voi" khi trồng như một cây cảnh.
Loài Bạc hà hay Dọc mùng (Colocasia gigantea) được (Blume) Hook.f. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1893. Đây là loài cây bản địa vùng nhiệt đới Châu Á và lan rộng đến Châu Úc. Hiện nay loài này phân bố Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Philippines…
Loài cây này mọc hoang dại hoặc được trồng chủ yếu để lấy bẹ làm rau và nhiều giống có tán lá đẹp được trồng làm cây cảnh với tên gọi phổ biến là cây “tai voi lớn”.
Ở Việt Nam cây Bạc hà được trồng ở khắp cả nước, các tỉnh trồng nhiều là Hòa Bình, Hà Tây, Quảng Trị, Khánh Hòa, Đồng Nai, ĐBSCL.

Mô tả

Cây Bạc hà (Colocasia gigantea) là loài cây thân thảo đa niên có thân ngầm phát triển thành củ được dùng để nhân giống và làm thuốc.
-Thân: Cây Bạc hà có thân ngầm phát triển thành củ. Bẹ lá mọc từ thân ngầm vươn lên phía trên mặt đất và mỗi lá mang một phiến lá rộng. Chiều cao của cây chủ yếu là bẹ lá cao 1-1,2 m.
-Củ: Phần thân ngầm phát triển thành củ, mỗi bụi có từ 1 đến nhiều củ. Vỏ củ xù xì. Củ có độc tố gây ngứa miệng nên không ăn được.
-: Lá đơn rộng, mọc so le, phiến lá hình mũi tên, gốc lá lỏm, dài 30-30 cm, giữa có gân lá chạy dài dọc lá. Bẹ lá dày, xốp và mọng nước, họp thành thân giả hoặc rời, phát triển từ thân ngầm ở dưới mặt đất. Cuống lá cây bạc hà thường dùng làm các món canh chua, sườn nấu bung, bún bung, canh cá, bún cá, dưa chua, bạc hà xào hoàng hoa, bạc hà cuộn tía tô v.v. sau khi sơ chế bằng cách tước bỏ vỏ, thái vát hoặc thái khúc, bóp muối cho bớt ngứa.
-Hoa: Mọc thành chùm vào cuối giai đoạn sinh trưởng của cây. Cụm hoa thơm, có mo dạng ống bao bọc. Bông mo ngắn hơn mo, mang từ đỉnh xuống gốc: các hoa đực, các hoa trung tính và các hoa cái.
Cây trổ hoa vào mùa xuân sang mùa hè. Hoa đực mọc ở ngọn dò (peduncle), dạng thỏi (spadix) có bao choàng (spathe). Hoa cái mọc ở gốc thỏi.
-Quả: Quả cây Bạc hà màu đỏ, bầu 1 ô , hình trứng, thường chỉ chứa một hạt.
Cây sinh sản vô tính bằng chồi non phát triển từ củ.

Trồng cây Bạc hà

Thành phần dinh dưỡng và hóa học

+Trong bẹ lá cây Bạc hà (Dọc mùng):
Trong 100 gam phần bẹ lá ăn được của cây Bạc hà (Dọc mùng) tươi có chứa các thành phần dinh dưỡng như sau:
Nước: 95 gam.
Protein: 0,25 gam.
Carbohydrat (bột, đường): 3,8 gam.
Chất xơ: 0,5 gam.
Phospho: 25 mg.
Kali: 300 mg.
Can ci: 48 mg.
Magnesium: 16 mg.
Đồng: 0.03 mg.
Sắt: 0,4 mg.
Vitamin : B1=0,012 mg; B2= 0,03 mg; PP= 0,02 mg; C=3 mg.
Năng lượng: 14 Kcal.
Nhìn chung bẹ lá Bạc hà (Dọc mùng) rất nghèo dưỡng chất và năng lượng nhưng ăn rất ngon và giúp đỡ ngán thịt cá trong canh, ăn nhiều làm chất độn giúp giảm cân. 
+Trong toàn bộ cây Bạc hà
Toàn cây còn chứa:
-Chất đường hữu cơ như fructose, glucose, amylose, sucrose…
-Acid hữu cơ như citric, oxalic, malic, succinic…
-Hợp chất phức tạp loại beta-lectin, triglochin và isotriglochin, alocasin. 
+Chất độc trong cây Bạc hà
Bẹ bạc hà khi ăn sống có các chất như calci oxalat, alocasin, sapotoxin ở hàm lượng thấp có thể gây ngứa họng. Tuy nhiên khi nấu chín hay muối dưa thì các chất được xem là độc tố này đã bị phân giải nên an toàn cho sức khỏe.
Trong Y học chủ yếu nghiên cứu nhiều về cây Ráy (Alocasia macrorrhiza) và ít có đề tài nghiên cứu về cây Bạc hà (Dọc mùng). Tuy nhiên thành phần hóa học của Rể củ hai loài cây này gần như nhau. Trong chúng có có các độc tố như Calci oxalat, Alocasin, Sapotoxin.
Cũng may là bà con ta không ai ăn hai loại củ này (chỉ dùng làm thuốc, sau khi đã chế biến).

Công dụng

a-Bẹ lá cây Bạc hà được dùng làm rau
Bộ phận duy nhất của cây Bạc hà được dùng làm rau là bẹ lá đã được tước bỏ vỏ. Các bộ phận khác của cây Bạc hà không dược dùng làm rau ăn.
Ở Việt Nam bẹ lá của cây Bạc hà được chế biến thành các món ăn như:
+Bẹ lá Bạc hà được trụn nưới sôi để làm nộm, bóp gỏi:
Bẹ lá Bạc hà được bóc vỏ, xắt mỏng, ngâm nước lạnh cho tan chấy gây ngứa, sau đó trụn trong nước sôi và vắt bỏ nước để làm nộm (một loại rau ghém có vị chua-ngọt) hoạc dùng để bóp gỏi. Nếu không qua công đoạn này thì gỏi và nộm dể gây ngứa họng.

Bẹ Bạc hà bốc vỏ

Nộm bẹ Bạc hà


Gỏi Tôm-Bạc hà

+Bẹ lá Bạc hà được dùng làm rau luộc, xào, hầm…
Bẹ lá Bạc hà được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc dùng để luộc, xào đơn giản hay xào với thịt, trứng, hải sản, lòng gia cầm…Món Bạc hà xào ăn rất lạ miệng và rất được ứa chuộng ở Miền Bắc và Miền Trung.

Bún bẹ Bạc hà


Bún chua bẹ Bạc hà
+Bẹ lá Bạc hà được dùng làm rau nấu canh chua, lẫu chua
Bẹ lá Bạc hà được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc để nấu canh chua hay lẫu chua. Món canh chua nấu với bẹ lá Bạc hà là món ăn truyền thống và lẫu chua nấu với bẹ lá Bạc hà là món ăn sang trọng ở Miền Nam. Món canh chua hay lẫu chua nấu với bẹ lá Bạc hà là những món ăn phổ biến ở các tiệm ăn hay nhà hàng sang trọng theo mốt hiện nay.

Chuẩn bị rau nấu canh chua Bạc Hà


Canh chua Bạc hà


Chuẩn bị nấu lẫu Bạc hà


Lẫu chua Bạc hà
+Bẹ lá Bạc hà được dùng để muối dưa chua
Bẹ lá Bạc hà được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc dùng để muối dưa chua, chỉ sau 4-5 ngày sẽ có món ăn dân giả nhưng lạ miệng, hấp dẫn. Món dưa chua Bạc hà rất phổ biến ở Miền Trung và Miền Bắc.
Cách làm dưa chua Bạc hà có thể tóm tắt như sau:
- Cắt bẹ, phơi nắng một ngày cho hơi héo, đem tước vỏ, cắt khúc cở 5 cm.
- Bóp muối, rửa sạch, vắt ráo .
- Pha nước ngâm dưa: Đun sôi  01 lít nước +50 gam muối + 30 gam đường (nếm vừa mặn như muối dưa cải), để nước nguội hay còn  ấm một chút cũng được .
- Cho bẹ bạc hà vào hũ sạch, cho nước muối vào, nén cho ngập nước. Đậy nắp . Sau 3-5 ngày là ăn được.
Ở Miền Trung (Qui Nhơn) dưa chua Bạc hà được dùng làm các món ăn như:
- Khi dưa Bạc hà đã chua, đem vắt bớt nước chua rồi dùng như một món dưa chua chấm với nước mắm tỏi ớt, nước kho cá, nước thịt kho hay mắm ruốc đều ngon.
- Hoặc dưa Bạc hà đem nấu với cá, với sườn heo, hến thành canh chua .
- Đem xào với thịt ba chỉ thành món xào; làm cá kho dưa, thịt kho dưa...
- Dưa Bạc hà bóp lá chanh: Vắt khô rồi trộn thêm tỏi, ớt  giã nhuyễn và lá chanh thái chỉ, thêm một thìa nước mắm cốt, trộn đều và để chừng một giờ cho thấm rồi ăn.
- Dưa Bạc hà bóp tỏi và tương ớt (một dạng gần giống như kim chi).
- Dưa Bạc hà trộn giá: Giá nhặt rửa sạch, lấy một muỗng nước dưa  trộn đều chừng 30 phút. Vớt giá ra trộn với dưa Bạc hà, vắt bớt  nước rồi thái rau kinh giới trộn vào.

Muối dưa chua Bạc hà


Dưa chua Bạc hà


Dưa chua Bạc hà với thịt chiên trứng
Ở Thái Lan và các nước khác trong vùng Đông Nam Á và vùng Nam Á cũng có những món ăn từ bẹ lá Bạc hà như ở Việt Nam.
b-Các bộ phận của cây Bạc hà (Dọc mùng) được dùng làm thuốc
Tuy cây Bạc hà không có vai trò quan trọng trong để dùng làm thuốc và được nghiên cứu nhiều như cây Ráy (Alocasia macrorrhiza) nhưng một số bộ phận của cây Bạc hà cũng được dùng làm một số bài thuốc trong Y học cổ truyền.
+Theo Đông y
Theo kinh nghiệm dân gian ở Việt Nam thân rể (Củ) cây Bạc hà được dùng làm thuốc.
Thân rễ có thể thu hoạch quanh năm, cạo bỏ lớp vỏ thô bên ngoài. Có thể dùng tươi hay xắt lát mỏng, phơi khô. Vị thuốc được xem là có vị nhạt, tính hàn, có các tác dụng giải nhiệt, trừ độc, khu phong. Dùng trị cảm cúm, sưng khớp xương do phong thấp, vết thương do côn trùng độc cắn.
Dùng mỗi lần 10 - 15 g dược liệu khô hay 60 - 90 g thân rễ tươi (không nên dùng quá liều vì có thể gây ngộ độc với các triệu chứng tê lưỡi, sưng lưỡi, ngộ độc thần kinh trung ương). Có thể giã nát thân rễ tươi, xào với giấm để dùng đắp ngoài da (chỉ đắp vào vết thương, tránh vùng da không bệnh).
Củ cây Bạc hà được mài ra dùng cho người bị kinh phong, đờm trào ra miệng.
Nguồn: thuoccotruyen.blogspot.com
+Theo Tây y
Tương tự như trong củ của cây Ráy, trong củ của cây Bạc hà cũng có chất Alocasin. Đây là một chấp protein phức tạp có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm. Alocasin có chuỗi acid amin tận cùng APEGEV, có một số hoạt tính chống nấm gây bệnh tương tự như Miraculin ly trích từ rễ Đậu Hà Lan (Pisum sativum). Alocasin có hoạt tính chống Botrytis cinerea, làm giảm hoạt tính của men HIV-1 reverse transcriptase và có một hoạt tính tạo ngưng tụ hồng cầu yếu (ở nồng độ 1 mg/ml) (Protein Expr & Purification Số 28-2003). 
Nguồn: thuoccotruyen.blogspot.com

Trồng cây Bạc hà (Dọc mùng) ở Việt Nam

Bạc hà là một loại hoa màu xưa nay được bà con nông dân trồng một ít xen chân vườn để dùng chế biến các món ăn trong gia đình như nấu canh chua, xào, bóp xổi chấm nước cá kho... Thế nhưng gần 3 năm nay, bạc hà là một trong các loại hoa màu được ưa chuộng.
Hiện nay cây Bạc hà được trồng tập trung ở một số vùng rau để cung cấp nguồn rau sạch cho các chợ nông thôn và các thành phố lớn. Ở ĐBSCL cây Bạc hà được trồng nhiều ở các vùng chuyên canh rau thuốc tỉnh Tiền Giang, Long An.
Sản phẩm chính của cây Bạc hà là bẹ lá dùng để nấu canh chua, nhúng lẫu, sản phẩm phụ là lá dùng để nuôi cá. Cây Bạc hà thường được trồng xen trong các vườn cây ăn quả ở ĐBSCL.
Bạc hà là một loài cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc và ít vốn đầu tư. Nó rất thích hợp với vùng đất tơi xốp, ẩm và trồng được mọi lúc mọi nơi, chú trọng trồng xen vườn cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm... thì nó rất thích hợp, vì vừa tránh được cỏ vừa tăng thu nhập cho gia đình.
Thời gian từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 3 tháng, chỗ đất tốt, chăm sóc thường xuyên mỗi bẹ có trọng lượng gần 1kg, có khi 2 bẹ nặng tới 3kg, giá cả dao động từ 1.200 - 3.100đ/kg, cũng là một khoản thu nhập khá của nông dân.
Tại xã Ngũ Hiệp huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang hiện đang trồng trên 140 ha cây Bạc hà, trong 3 năm qua đầu ra của cây Bạc hà đều ổn định. Tăng nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân miệt vườn nhờ đầu ra của bẹ và con giống cây Bạc hà đều khá ổn định. Trong mùa nắng giá bán cao từ 2.800-3.100đ/kg mà không đủ bán, còn trong mùa mưa giá bán cũng được 1.300-1.400đ/kg, tính ra trong 1 năm mỗi ha trồng Bạc hà cũng lãi 50-60 triệu đồng.

Một giống Bạc hà trồng ở Thái Lan

                                                                                            Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo