Rau húng quế


RAU HÚNG QUẾ

-Tên gọi khác: Rau quế, húng giổi, é quế, húng chó
-Tên tiếng Anh: Basil, Sweet Basil,
-Tên khoa học: Ocimum basilicum L.
-Tên đồng nghĩa:Ocimum americanum (Jacq.), O. barrelieri, O. basilicum glabratum, O. basilicum majus, O. bullatum, O. thyrsiflorum, Plectranthus barrelieri.



Phân loại thực vật

Bộ (ordo):
Hoa môi (Lamiales).
Họ (familia):
Hoa môi (Lamiaceae).
Chi (genus):
Húng quế (Ocimum).
Loài (species):
Ocinnum  basilicum
Các loài tương cận
-É trắng, trà tiên Ocimum basilicum pilosum.
-Húng tía, húng lá đỏ Ocimum basilicum purpureum.
-Húng chanh Ocimum x citriodorum.
-Hương nhu, hương nhu trắng Ocimum gratissimum gratissimum.
-Hương nhu, é lá to Ocimum gratissimum macrophyllum.
-É sạ Ocimum polystachyon.
-Húng Uruguay Ocimum selloi.
-É rừng, é tía, é đỏ, hương nhu tía, é to  Ocimum tenuiflorum L.

Phân bố

Chi Húng quế hay Chi É (Ocimum) là một chi thực vật có khoảng 35 loài cây thân thảo hay cây bụi sống một năm hoặc lâu năm có hương thơm, thuộc về họ Hoa môi (Lamiaceae), có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm của Cựu Thế giới.
Cây húng quế (Ocinnum  basilicum) có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc và hiện nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và cả ôn đới để làm rau gia vị và cất tinh dầu. Hiện nay cây húng quế trở thành cỏ dại ở một số nước ôn đới.
Ở Việt Nam cây húng quế mọc hoang dại và được trồng trong khắp cả nước.

Mô tả

Húng quế (Ocimum basilicum), là một loài rau thơm thân thảo đa niên mọc hoang hoặc được trồng làm gia rau gia vị và làm thuốc.
-Thân: Cây thân thảo, sống hằng năm, thân nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50-60cm.
-Lá: Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, có thứ màu xanh lục, có thứ màu tím đen nhạt.
-Hoa: Hoa nhỏ màu trắng hay hơi tím, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh, với những hoa mọc thành vòng 5 đến 6 hoa một. Cây húng quế trổ hoa vào khoảng tháng 7 đến tháng 9.
-Quả: Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước nó có chất nhầy màu trắng bao quanh 
-Hạt: Hạt đen, nhỏ, khi ngâm nước vỏ hạt nở ra một lớp màu trắng trương nước như hột é.
Húng quế châu Âu (basil) có mùi hăng đậm, tường dùng làm gia vị cho các món như mì, sa-lát, thịt nướng, làm các loại xốt cà chua, xốt pho mát, xúp cà chua, xúp pho mát....
Húng quế Việt Nam mùi dịu nhẹ hơn húng quế Châu Âu. Húng chó lá to thường được ăn kèm với dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt...

Thành phần hóa học

Trong cây húng quế có từ 0,4 đến 0,8% tinh dầu màu vàng nhạt, thơm nhẹ dễ chịu, có hàm lượng tinh dầu cao nhất lúc cây đã ra hoa. Tinh dầu có mùi thơm của Sả và Chanh. Trong tinh dầu có linalol (60%), cineol, estragol methyl - chavicol (25-60-70%) và nhiều chất khác.

Công dụng

a-Cây húng quế được dùng làm rau gia vị

Do cây húng quế có mùi thơm đặc biệt nên được dùng làm rau gia vị dùng ăn sống hoặc nêm vào các món nấu.
1-Dùng ăn sống: Đọt và lá non dùng để ăn sống với phở, hủ tiếu, bò kho, bún bò… hoặc trộn chung với các loại rau khác để tăng hương vị..
2-Dùng để bóp gỏi: Đọt và lá non được xắt nhuyễn, trộn với gỏi gà, vịt, cá, tôm, thịt…
3-Dùng làm rau nêm: Đọt, lá non được xắt nhuyễn cùng với các loại rau gia vị khác như hành, rau cần, rau thơm, húng chanh…để làm rau nêm canh chua, lẩu chua.
4-Hạt ngâm làm nước giải khát: Ở miền Nam, nông dân còn thu hoạch hạt rau húng quế đem ngâm nước, vỏ hạt nở ra lớp nhựa trắng bao quanh hạt, pha vơi đường để uống giải khát (nước hột é).

b- Cây húng quế được trồng để cất tinh dầu

Để cất tinh dầu người ta hái toàn cây, cất tươi hay để hơi héo mới cất. 
Trong thân lá cây húng quế có 2-8% tinh dầu so với chất khô. Tinh dầu húng quế được làm dược liệu (dầu thơm) hoặc dùng trong mỹ phẩm.
Ở nhiều nước Châu Âu người ta trồng húng quế chủ yếu làm nguồn nguyên liệu để cất tinh dầu.

c-Cây húng quế được dùng làm thuốc

Theo Đông y, cây húng quế có mùi thơm, vị cay, tính ấm, có tác dụng kích thích sự hấp thụ, mát máu, giảm cảm giác hồi hộp, giảm đau nhức, nhức đầu hay ói mửa, làm ra mồ hôi, lợi tiểu,
Theo nghiên cứu của Tây y, Húng quế có tác dụng kháng sinh phi thường.
Tinh dầu cây húng quế có chứa chất chống ô-xy hóa mạnh có thể làm chậm quá trình lão hóa. Chúng còn giúp phòng một số bệnh ung thư, ngăn ngừa sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh, chống viêm. Tinh dầu này còn có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố độc hại từ môi trường, thư giãn tinh thần, chống stress, trầm cảm và là một liệu pháp dưỡng da, dưỡng ẩm cho tóc.
Ngoài ra, Húng quế còn chứa nhiều vitamin và chất khoáng, nhất là magnesium (Mg), rất tốt cho cơ bắp và tim mạch. Khả năng dưỡng da, làm đẹp của dầu húng quế càng không phải bàn cãi vì chữa trị mụn trứng cá và bệnh vẩy nến rất tốt. Tây y cũng khuyên dùng.
Ăn một nắm lá tươi, tình trạng sưng khớp sẽ giảm đến 75% chỉ sau 24 giờ. Không gây tác dụng phụ như đau dạ dày và rát ruột, người bệnh có thể ăn húng quế hàng ngày. Không chỉ giúp cho khớp xương hoạt động tốt, Húng quế còn là thuốc giảm đau đa năng.
Người ta còn kể rằng các cụ ngày xưa hay hái cành Húng mà giắt vào tai để tránh đau đầu, trầm cảm, đau nửa đầu. Ăn Húng quế hàng ngày còn trị được cảm lạnh, cúm, ho gà, hen suyễn, viêm phế quản và viêm xoang, làm giảm lượng đường và cholesterol trong máu.

Một số bài thuốc từ cây húng quế

1-Trị mỡ trong máu hay glucose huyết cao: lấy 10 g (2 - 3 muỗng cà phê vun) hột húng quế hay hột É đem hãm với nước sôi cùng ít đường hay mật ong rồi uống mỗi 2 bữa ăn trong ngày. Dùng liên tục nhiều ngày và theo dõi cholesterol và đường huyết (theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
2-Trị táo bón: hột húng quế hay hột É 5 - 10 g, rau Mồng tơi 50 g. Đem cả hai nấu canh để ăn (theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
3-Trị viêm họng: Húng quế 20 g, củ Rẻ quạt 6 g, Gừng tươi 5 lát. Đem tất cả nấu lấy nước, và chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày liền(theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
4-Trị đầy bụng: Húng quế 20 - 30 g, Gừng tươi 5 lát, đem sắc lấy nước dùng trong ngày.
5-Trị thiếu sữa: sắc một nắm lá Húng quế trong 1 lít nước, dùng uống mỗi ngày 2 ly (theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
6-Trị mẩn ngứa, dị ứng: lá, hoa, trái, hạt Húng quế 1 nắm, giã nhỏ, lấy nước uống và lấy bã xát lên chỗ đau (theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
7-Trị đau răng: lấy vài nhánh Húng quế nhai sống. Có thể giã nát Húng quế trước rồi bôi vào chỗ đau (theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
Trong các bài thuốc trên, nếu cộng thêm một nắm rau É tía (Hương nhu tía) càng tốt.(theo DS. Phan Bảo An –và DS. Phan Chi).
8-Trị mệt mỏi đồng thời kích thích sự thèm ăn:  Đem một nhúm lá húng quế ngâm vào nước sôi khoảng 10 phút, bỏ thêm mật ong vào để tạo vị, uống nước này sẽ giúp thèm ăn và xua tan mệt mỏi.  (theo DS Nguyễn Bá Huy Cường -ĐH Dược Murdoch – Úc).
                                                                                             Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Công dụng dược liệu của lá cây húng quế



Bồ ngót


RAU NGÓT


-Tên gọi khác: Bù ngót, bồ ngọt, bồng ngọt, rau tuốt, hắc diện thần (Trung Quốc).
-Tên tiếng Anh: Katuk, Star gooseberry, or Sweet leaf.
-Tên khoa học: Sauropus androgynus (L.) Merr.
-Tên đồng nghĩa: Cluytia androgyna L.; Sauropus albicans Blume

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):
Malpighiales
Họ (familia):
Phyllanthaceae
Tông (tribus):
Phyllantheae
Phân tông (subtribus):
Flueggeinae
Chi (genus):
Sauropus
Loài (species):
Sauropus androgynus

Phân bố

Bồ ngót, bù ngót, rau tuốt (Sauropus androgynus) là một loài cây bụi mọc hoang ở vùng nhiệt đới Châu  Á nhưng cũng được trồng làm một loại rau ăn ở một số nước, như ở Việt Nam.

Mô tả

Cây bụi nhỏ, cao tới 1,5 – 2m, thân nhẵn, nhiều cành, mọc thẳng – Vỏ thân xanh, lục, rồi nâu nhạt. Lá mọc so le, dài 4 – 5cm, cuống ngắn có 2 lá kèm nhỏ. Phiến lá nguyên hình trứng dài hoặc bầu dục, mép nguyên.
Hoa đực mọc ở kẽ lá thành xim đơn ở phía dưới, hoa cái ở trên. Quả nang hình cầu, hạt có vân nhỏ. Rau ngót có ở nhiều nơi trong nước VN. Có thể mọc hoang hay trồng ở quanh bờ ao.
Khi hái ăn, thường chọn lá non. Vị rau tương tự như măng tây.
Trái ngót giống trái cà pháo nhưng kích thước nhỏ hơn.
Về mặt dinh dưỡng, rau ngót có lượng đạm cao, giàu chất vôi, nhiều sinh tố C và sinh tố K.


Thành phần hóa học

Theo một số nghiên cứu về thành phần hóa học của rau ngót cho thấy: Trong 100g rau có 6,5g đạm, 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg kali, 15,7mg sắt, 13,5mg mangan, 0,45mg đồng, 23.300UI betacaroten, 85mg sinh tố C, 0,033mg B1, 0,88mg B2.
Qua đây thấy rau ngót (so với các rau lá khác) nhiều đạm, chất sắt, mangan và tiền sinh tố A. Rau ngót cũng khá nhiều magiê, đồng, kali, sinh tố C và PP. Về axit amin thì trong 100g rau ngót có 0,34 threonin, 0,25g phenylalanin, 0,24g leucin, 0,23g isoleucin, 0,16g lysin, 0,13g methionin, 0,05g tryptophan. Với chất lượng đạm thực vật cao như vậy nên rau ngót được khuyên dùng thay thế đạm động vật để hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Rau ngót được khuyên dùng cho người giảm cân và người bị bệnh đường huyết cao.
Ngoài ra rau ngót là một trong giới thực vật hiếm có chứa vitamin K. Theo American of clinical nutrition 1/1999 và tài liệu của Trường đại học Berkeley 7/1999 cho biết ăn rau có vitamin K thiên nhiên làm giảm nguy cơ gãy xương ở người già, do nó bảo vệ cấu trúc khung sụn chống lại sự bào mòn...
 Từ năm 1973 Pareira và Ifafar phát hiện trong rau ngót nhiều papaverin là chất từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện. Trong điều trị dùng papaverin để giãn cơ trơn của mạch máu làm giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và gây cương cứng dương vật.
Cứ 100g rau ngót có 580mg papaverin cho nên nếu ăn quá nhiều rau ngót trong một bữa cơm thì về lý thuyết có thể gặp các phản ứng phụ do papaverin gây ra (buồn ngủ, chóng mặt, táo bón...).

Công dụng

a-Bồ ngót dùng làm rau

Người ta thường dùng đọt rau ngót hoặc các lá bánh tẻ để nấu canh với tôm, tép hoặc cá lóc, cá rô, thịt heo nạc, thịt bầm. Canh rau ngót ăn mát và có vị ngọt rất đặc biệt, có khi chỉ nấu suông vì rau có sẵn vị ngọt.
Cách nấu canh rau ngót cũng giống như các loại rau khác, nghĩa là đun nước cho thật sôi, cho tôm cá vào nồi, đun sôi chín rồi mới cho rau vào, đến khi rau chín thì nêm nếm lại bằng bột ngọt và nước mắm chưng (mắm cá lóc hoặc mắm sặc), hương vị nồi canh sẽ rất đậm đà. Canh rau ngót được nhiều người ưa thích vì vị ngọt dịu.
Ngoài nhiều vitamin và khoáng, rau ngót rất giàu đạm nên nó được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa canxi gây loãng xương và sỏi thận. Nó rất tốt cho người ăn chay, hay cần giảm cân, tiểu đường, và áp huyết.
Ngoài ra, rau ngót là một loại thực vật hiếm hoi chứa vitamin K, một chất giúp giảm nguy cơ gãy xương ở người già. Nó cũng có nhiều papaverin - chất mà từ trước chỉ tìm thấy trong cây thuốc phiện, giúp giảm cơn đau phủ tạng, hạ huyết áp và và gây cương cứng dương vật.

b-Bồ ngót dùng làm thuốc

Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt, có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, hoạt huyết, hóa ứ, bổ huyết, cầm máu, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rau ngót là thang thuốc vừa chữa bệnh vừa bồi bổ, vừa nâng đỡ chính khí vừa trừ tà khí, tăng sức đề kháng của cơ thể...
Y học dân gian thuốc Nam dùng rau ngót để giải nhiệt, giải rượu, trừ tưa lưỡi trẻ con, ngăn ngừa đái dầm, hạ huyết áp.
Ăn nhiều rau ngót ở dạng rau sống có thể gây bệnh nghẽn phổi như một số trường hợp dân Đài Loan dùng rau ngót đánh lấy nước để uống vài ly mỗi ngày để giảm cân. Chất papaverin alkoloit của rau ngót có thể là nguyên do.

Các bài thuốc từ cây bồ ngót

1-Chữa sót nhau: Lấy 400g lá tươi rửa sạch, giã nát, thêm nước đun sôi để nguội vào, vắt lấy 100ml, chia làm 2 lần mà uống. Mỗi lần uống cách nhau 10 phút (có người chỉ giã nhỏ đắp vào gan bàn chân).
2-Chữa tưa lưỡi: Lấy 10g lá tươi, rửa sạch, giã nhỏ vắt lấy nước, thấm vào gạc mềm, sạch đánh trên lưỡi (tưa trắng), lợi, vòm miệng trẻ em. Đánh nhẹ cho tới khi hết tưa trắng. Có thể hòa với mật ong.
3-Trẻ ra mồ hôi trộm, người luôn nóng: Lấy rau ngót 30 g, rau bầu đất 30 g, nấu canh với bầu dục lợn để ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh, mà nó còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt lợn nạc hoặc giò sống... không chỉ tốt cho trẻ em mà còn rất tốt cho cả người lớn bởi nó là một vị thuốc bổ, giúp tăng cường sức khoẻ với người mới ốm dậy, người già yếu hoặc phụ nữ sau khi sinh. Nhất là với phụ nữ sắp sinh, hàng ngày nếu được ăn canh rau ngót sẽ giúp tăng sức cho các bắp thịt, giúp việc sinh nở dễ dàng hơn.
4-Bồi dưỡng sau đẻ: Rau ngót nấu canh với thịt lợn nạc hoặc giò sống. Có nơi hay nấu canh rau ngót với trứng tôm, trứng cáy, cá rô, cá quả... nhưng với thịt lợn nạc thì yên tâm hơn đối với sức khỏe của sản phụ đang cho con bú.
5-Chữa nhức trong xương (không phải sưng đau khớp): Nấu rau ngót với xương lợn để ăn.
6-Canh giải nhiệt mùa hè: Rau ngót nấu canh với hến, mát và ngọt đậm đà. Sự phối hợp này lạnh, nên cho thêm lát gừng hoặc nên kiêng với người hư hàn.
7-Giải độc rượu: Uống nước rau ngót sống.
8-Đau mắt đỏ, nhức nhối khó chịu: lá rau ngót 50g, rễ cỏ xước 30g, lá dâu 30g, lá tre 30g, rau má 30g, lá chanh 10g. Tất cả đều dùng tươi, sắc đặc, chắt lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
9-Bàn chân sưng nhức: lá rau ngót giã, cho thêm nước muối pha nhạt, sau đó đắp vào chỗ chân sưng nhức.
10-Trị hóc xương: Dùng cả cây và lá bù ngót tươi, giã nhỏ, vắt lấy nước cốt để ngậm nút từ từ sẽ khỏi (lưu ý chỉ dùng cho những trường hợp bị hóc xương nhỏ).
Tài liệu tham khảo
1-hanoimoi.com.vn/.../rau-ngot-bo-huyet-thanh-nhiet-tieu-viem.htm
2-Ăn rau ngót có làm sảy thai?hanoimoi.com.vn/newsdetail/suc.../ăn-rau-ngot-co-lam-say-thai.htm
3- vi.wikipedia.org/wiki/Rau_ngót
4-Vì sao rau ngót lại tốt cho sản phụ? | Làm cha mẹ | giadinh.net.vn giadinh.net.vn/.../vi-sao-rau-ngot-lai-tot-cho-san-phu.htm
5-Nấu rau ngót với gì tốt nhất? - Sức khỏe - Dân trí dantri.com.vn/c7/s7-325547/nau-rau-ngot-voi-gi-tot-nhat.htm
7-rau ngót - BAOMOI.COM www.baomoi.com/Tag/rau-ngót.epi
                                                                                                       Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Bài thuốc từ rau ngót




Hoa thiên lý


Hoa thiên lý


Hoa thiên lý

Chùm hoa thiên lý

-Tên gọi khác: Dạ lý hương, Dạ lài hương.
-Tên tiếng Anh: Tonkin jasmine, pakalana vine, Tonkinese creeper, Chinese violet.
-Tên khoa học: Telosma cordata (Burm.f.) Merr.
-Tên đồng nghĩa:
Asclepias cordata N. L. Burman; 
Cynanchum odoratissimum Loureiro; 
Oxystelma ovatum P. T. Li & S. Z. Huang; 
Pergularia minor Andrews; P. odoratissima (Loureiro) Smith; 
Telosma minor (Andrews) Craib; 
T. odoratissima(Loureiro) Coville.

Phân loại khoa học


Lớp
Thực vật hai lá mầm (Eudicots)
Ngành
Bộ (ordo):
Long đởm (Gentianales)
Họ (familia):
La bố ma (Apocynaceae)
Phân họ (subfamilia):
Bông tai (Asclepiadoideae)
Tông (tribus):
Hàm liên (Marsdenieae)
Chi (genus):
Thiên lý (Telosma)
Loài (species):
Telosma  cordata

Phân bố

Thiên lý (Telosma cordata) là một loài thực vật dạng dây leo. Trong thiên nhiên, thiên lý mọc ở các cánh rừng thưa, nhiều cây bụi. Tuy nhiên, nó được gieo trồng ở nhiều nơi như Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây), Ấn Độ (Kashmir),  Myanma,  Pakistan, Việt Nam; Châu Âu, Bắc  Nam Mỹ.
Trên đảo Hawaii thiên lý có tên là "pakalana" được người dân chuộng vì có hương thơm kết dùng thành tràng hoa đeo cổ, thổ ngữ gọi là "lei".
Tại Việt Nam cây hoa thiên lý được trồng trong vườn để leo thành giàn tạo bóng mát, hưởng hương thơm và nhất là để lấy hoa lẫn lá non nấu ăn. Phổ thông nhất là nấu canh. Vì khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam nên thiên lý còn có tên tiếng Anh là "Tonkin creeper".

Mô tả

-Thân: Thân dài 1–10 m, màu lục ánh vàng, khi non có lông tơ, những đoạn thân của năm trước màu xám nhạt, không lông, thông thường có các mấu xốp nhỏ thưa thớt.
-Rể: Rể chùm, mọc sâu trong đất xốp. Cây già có cuốn rể to, hóa gổ.
-Lá: Cuống lá 1,5–5 cm; phiến lá hình trứng, 4-12 x 3–10 cm, phần gốc lá hình tim với các lõm gian thùy hẹp, nhọn mũi; các gân lá chính 3, gân phụ tới 6 cặp.
-Hoa: Xim hoa kiểu tán (mọc thành chùm), chứa 15-30 hoa; cuống hoa 0,5-1,5 cm, có lông măng. Các lá đài hình mũi mác thuôn dài, có lông măng. Tràng hoa màu xanh lục ánh vàng; ống tràng 6-10 x 4–6 mm, có lông măng bên ngoài, nhiều lông hoặc nhẵn nhụi với phần họng nhiều lông mé trong; các thùy thuôn dài, 6-12 x 3–6 mm, có lông rung. Các thùy của tràng hoa hơi dày, phần gốc hình trứng, nhọn đỉnh, thông thường có khía hay xẻ thùy sâu. Các khối phấn thuôn dài hay dạng thận. Núm nhụy hình đầu.
-Quả: Các quả đại hình mũi mác, 7-13 x 2-3,5 cm, nhẵn nhụi, hơi tù 4 góc.
-Hạt: Các hạt hình trứng rộng bản, khoảng 1 x 1 cm, phẳng, cụt đỉnh, mép có màng; mào lông 3–4 cm. Ra hoa trong khoảng từ tháng 5 tới tháng 10, kết quả trong khoảng tháng 10-12.

Thành phần dinh dưỡng

Hoa thiên lý rất thơm, chứa tinh dầu. Chúng được sử dụng để nấu ăn và trong y học để điều trị viêm màng kết.
Thành phần dinh dưỡng có trong hoa thiên lý như chất xơ là 3%, chất đạm 2,8%, chất bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP, tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao, vì vậy cây thiên lý cả lá non, ngọn và hoa đều có thể sử dụng làm thực phẩm. Hoa thiên lý giàu chất kẽm, rất tốt cho trẻ em đang lớn, không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cửa cơ thể mà còn giúp người già giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt.

Công dụng

a-Dây thiên lý dùng làm cây cảnh

Dàn hoa thiên lý
Do dây leo sống lâu năm, có lá che bóng mát, có hoa thơm, giản dị và tinh khiết nên dây thiên lý được dùng để trồng làm cây cảnh theo hàng rào hoặc làm dàn dây xanh trước sân nhà. Dàn thiên lý đã được mô tả nhiều trong thơ, ca, nhạc và chuyện cổ tích Việt nam.

b-Hoa thiên lý được dùng làm rau cao cấp

+Hoa thiên lý được dùng trong các món xào.
Sau đây là một số món xào từ hoa thiên lý rất ngon và bổ dưỡng:
1-Hoa thiên lý xào trứng & thịt bò:

Hoa thiên lý xào thịt bò
Nguyên liệu: 200 g hoa thiên lý, 200 g thịt bò thăn hoặc bắp, 1 quả trứng gà, 1 củ hành tây.
Cách làm: Hoa thiên lý giữ nguyên chùm, rửa nhẹ tay trong nước lạnh rồi thả nhanh vào nước sôi, vớt ra, dội nước nguội, để ráo. Thịt bò cắt mỏng ngang thớ, ướp muối, tiêu, đường và tỏi giã nhuyễn, ướp 10-15 phút. Củ hành tây lột bỏ vỏ, cắt mỏng dọc múi cam.
Xào thịt bò trên chảo nóng dầu ăn, vừa tái thì thả hành tây vào, trộn đều nhanh tay, vừa chín tái tắt lửa ngay và cho thịt ra tô riêng.
Thiên lý xào chung với trứng gà đã đánh tan trên chảo dầu nóng để lửa nhỏ, chỉ cần 1 phút là vừa ăn. Trộn thiên lý đã xào với thịt bò, dùng nóng.
2-Hoa thiên lý xào sò điệp
Hoa thiên lý xào sò điệp
Nguyên liệu: 200 g hoa thiên lý, 200 g sò điệp, 100 g cà chua bi, 100 g cà rốt, 3 tép tỏi, 1 ít tiêu xay, 1 thìa cà phê hạt nêm, đường, 2 thìa cà phê nước mắm.
Cách làm:
Hoa thiên lý trụng sơ, ngâm nước lạnh, vớt ra, để ráo. Sò điệp trụng chín, tách thịt để riêng. Cà chua bi cắt làm bốn. Cà rốt thái mỏng, trụng sơ. Tỏi thái mỏng.
Đun nóng dầu, cho tỏi vào phi vàng, cho sò điệp vào đảo nhanh tay. Cho cà rốt, cà chua bi vào xào rồi nêm đường, nước mắm, hạt nêm, cho hoa thiên lý vào xốc đều rồi nêm lại lần nữa cho vừa ăn. Cho ra đĩa, rắc tiêu lên trên dùng nóng.
3-Gỏi hoa thiên lý với nghêu và tôm

Hoa thiên lý xào nghêu
Nguyên liệu: 150 g hoa thiên lý, 100 g tôm sú, 200 g nghêu, 3 củ hành tím, 1 trái ớt, 1 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh đường, 1 thìa canh nước chanh, 1 thìa canh tương ớt.
Cách làm:
Hoa thiên lý trụng chín, ngâm nước lạnh cho xanh, vớt ra, để ráo. Tôm sú luộc chín, bóc vỏ, lấy bỏ chỉ lưng chẻ đôi. Nghêu hấp chín, tách thịt để riêng. Ởt thái chỉ, hành tím thái lát mỏng.
Cho nước mắm + đường + nước cốt chanh + tương ớt vào chén, khuấy đều làm nước trộn gỏi. Cho thiên lý, tôm, nghêu, ớt vào tô, trộn đều. Đổ nước trộn gỏi vào, dùng đũa trộn đều, nêm lại cho vừa ăn. Món này dùng ngay.
Ngoài ra còn nhiều món xào khác từ hoa thiên lý  với thịt và hải sản rất ngon.

b-Hoa thiên lý dùng để nấu canh và nhúng lẩu

Ngoài các món xào, hoa thiên lý còn được dùng trong các món canh và lẩu.
Sau đây là vài món canh và lẩu điển hình:
1-Canh hoa thiên lý &cua đồng
Nguyên liệu:
150 g cua đồng, 200 g hoa thiên lý, gia vị: muối, bột ngọt, hạt nêm.
Cách làm:
Cua đồng bóc mai, bỏ yếm, rửa sạch, cho vào một thìa muối, xay nhuyễn. Lọc xác cua với nước sạch qua rây từ 3 đến 4 lần, gạn bỏ cấn để làm nước dùng. Lấy gạch cua từ mai cua, cho chút nước vào lọc vài lần để gạn bỏ hoi và chất bẩn. Hoa thiên lý rửa sạch, để ráo.
Đun nước dùng cua, cho thêm 2 muỗng hạt nêm. Khi nước sôi lăn tăn, dùng muỗng khuấy đều theo một chiều để xác cua đông kết tạo thành gạch cua và gạch không bị bám vào đáy nồi và không bị vỡ nát. Nước sôi, cho hoa thiên lý vào nấu chung, đảo nhẹ tay để hoa không bị nát cánh. Khi nước sôi lại là được. Múc ra bát, ăn nóng.
2-Canh giò heo & hoa thiên lý
Đây là một thức ăn ngon và bổ, rất thích hợp trong những bữa cơm mùa hè của chúng ta. Cách chế biến cũng đơn giản, tốt nhất là nấu với nước xương hầm khi nước sôi cho giò sống vào, đợi giò nổi lên là chín, cho tiếp hoa thiên lí, rồi cho gia vị (mắm, muối, hạt tiêu...) đủ dùng.
Canh này ăn ngon ngọt, giầu chất dinh dưỡng, có mùi thơm hoa thiên lí rất quyến rũ, đồng thời được coi là một bài thuốc mát, giải nhiệt, tẩy giun kim thông dụng.
(Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống: http://www.vnnavi.com/news/hoathienly.html).
Bát canh nấu bằng hoa và lá thiên lý non không những có giá trị dinh dưỡng mà còn được coi là một bài thuốc mát và bổ, trừ được giun kim. Có thể nấu canh thiên lý suông, hoặc nấu với giò sống, cua, tôm, thịt nạc đều ngon. 
Ngoài ra hoa thiên lý còn là món rau cao cấp dùng để nhúng các loại lẩu chua, lẩu ngọt.

d- Dây thiên lý dùng làm thuốc

Hoa thiên lý không chỉ là một món ăn mát, bổ mà còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh.
Theo Đông y, hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là một vị thuốc an thần, làm ngủ ngon giấc, tư bổ tâm… 
Ngoài ra hoa thiên lý còn có tác dụng giải nhiệt và trừ giun kim. Nếu không sẵn giò sống và cua, chúng ta có thể nấu canh hoa lý với thịt nạc, tôm cũng giống các loại canh tôm, canh thịt khác. 
Ngoài giá trị làm thức ăn và làm thuốc nói trên, gần đây người ta còn nghiên cứu dùng lá thiên lý chữa trĩ (lòi dom) có kết quả tốt. 
Hoa thiên lý còn tác dụng trợ dương cho nam giới.
Sự có mặt của chất kẽm còn có thể đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam giới do nhiễm chì…
Chất kẽm trong hoa thiên lý còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp xúc với chì hoặc các chất có chì (động cơ chạy xăng pha chì, acca chì…).
Tuy nghiên khi sử dụng hoa thiên lý làm thức ăn, bạn nên chú ý tránh xào nấu chung (hoặc ăn cùng bữa) với các chất giàu sắt như tiết, gan, thịt nạc bò, lợn, rau muống… vì chất sắt sẽ đẩy chất kẽm ra khỏi cơ thể.
Ngoài ra, hoa thiên lý còn tác dụng trợ dương cho nam giới. Sau đây xin giới thiệu cụ thể các phương thuốc từ cây hoa lý để chọn lựa sử dụng sao cho phù hợp và hiệu quả.
Cây thiên lý cả lá non, ngọn và hoa đều là thực phẩm quý có tác dụng bổ dưỡng giúp trẻ chóng lớn, lại giúp người già giảm được chứng phì tuyến tiền liệt, làm tăng cường sức đề kháng. (theo BS. Hương Liên).

Các bài thuốc từ dây thiên lý

1-Chữa trĩ (lòi dom), sa dạ con:Lấy 100g lá thiên lí non và bánh tẻ, rửa sạch, giã nhỏ với 5g muối ăn, thêm 30ml nước cất, lọc qua gạc sạch. Rửa sạch chỗ lòi dom bằng nước pha thuốc tím, lấy bông tẩm nước thiên lí đắp lên. Băng như đóng khố. Ngày làm 1-2 lần. Thường chỉ chữa 4-5 ngày như trên đã thấy có kết quả tốt. Tác dụng co dần phần dom hay dạ con bị lòi ra. (theo BS. Hương Liên).
2-Phòng rôm sảy ngày hè: Hằng ngày nấu canh hoa thiên lý ăn. Với trẻ có thể nghiền lá và hoa thiên lý ra nấu lẫn với bột khi cho trẻ ăn dặm. (theo kinh nghiệm dân gian).
3-Trị giun kim: Theo kinh nghiệm dân gian, lá thiên lý để trị giun kim rất hiệu quả bằng cách dùng 40g lá hoặc hoa nấu canh ăn hàng ngày (dùng 7 ngày trở lên là khỏi).
Hoặc có thể dùng bài thuốc sau:
-Hoa thiên lý : 30 gam.
-Rau sam: 20 gam.
-Lá đinh lăng: 25 gam.
Ba thứ này sắc lấy nước trong ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần, uống liên tiếp trong 3 ngày. (Theo Y học cổ truyền Việt nam).
4-Làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt: Hàng ngày lấy hoa thiên lý xào với thịt bò hoặc chấm với muối vừng ăn sẽ có tác dụng. (theo kinh nghiệm dân gian).
5-Chữa mất ngủ:Hoa thiên lý 30 gam. Hoa nhài 10 gam. Tâm sen 15 gam. Ba thứ sắc chung lấy nước uống trong ngày (dùng từ 3- 5 ngày).
Ngoài ra, canh hoa thiên lý còn có tác dụng mát, bổ và an thần, giúp dễ ngủ, ngủ ngon, bớt mệt mỏi, chữa sốt nhẹ, lao lực. (Theo Y học cổ truyền Việt nam).
6-Chữa đinh nhọt: Lấy lá cây thiên lý 30-50kg giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt, ngày thay 1 lần, vài ba ngày sẽ khỏi. (Theo Y học cổ truyền Việt nam).
7-Chữa đái buốt, đái ra máu, đái dắt, cặn trắng: Lấy rễ cây thiên lý từ 10 – 20g, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày, uống từ 5- 7 ngày, sẽ thấy đỡ hẳn. (Theo Y học cổ truyền Việt nam).
Tài liệu tham khảo
                                                                                                Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Món gỏi chay hoa thiên lý 



Bông súng


Bông súng



-Tên gọi khác: Cây hoa súng (Miền Bắc),
-Tên tiếng Anh: Water lily.
-Tên khoa học: Nymphaea spp.
-Tên đồng nghĩa:

Phân loại khoa học


Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
(không phân hạng):
Thực vật có hoa (Angiospermae)
Bộ (ordo):
Súng (Nymphaeales)
Họ (familia):
Súng (Nymphaeaceae)
Chi (genus):
Súng (Nymphaea)
Loài (species):
Khoảng 50 loài

Chi Súng (danh pháp khoa học: Nymphaea) là một chi chứa các loài thực vật thủy sinh thuộc họ Súng (Nymphaeaceae). Tên gọi thông thường của các loài trong chi này, được chia sẻ cùng với một số chi khác trong họ này, là súng. Các lá của chi Nymphaea có vết khía chữ V nối từ mép lá tới cuống lá khu vực trung tâm. Chi này có khoảng 50 loài, với sự phân bổ rộng khắp thế giới.
Các loài quan trọng gồm:
Nymphaea alba – Súng trắng Châu Âu
Nymphaea amazonium
Nymphaea ampla
Nymphaea blanda
Nymphaea caerulea – Súng xanh Ai Cập
Nymphaea calliantha
Nymphaea candida
Nymphaea capensis – Súng xanh Cape
Nymphaea citrina
Nymphaea colorata
Nymphaea elegans
Nymphaea fennica
Nymphaea flavovirens
Nymphaea gardneriana
Nymphaea gigantea – Súng Australia
Nymphaea heudelotii
Nymphaea jamesoniana
Nymphaea lotus – Súng trắng Ai Cập
Nymphaea lotus termalis
Nymphaeae lutea – Súng vàng hay súng Brandy
Nymphaea macrosperma – Súng Australia
Nymphaea mexicana – Súng vàng
Nymphaea micrantha
Nymphaea odorata – Súng thơm
Nymphaea pubescens -Súng trắng
Nymphaea rubra – Súng đỏ Ấn Độ
Nymphaea rudgeana
Nymphaea stellata – Súng lam (quốc hoa của Sri Lanka)
Nymphaea stuhlmannii
Nymphaea sulfurea
Nymphaea tetragona – Súng lùn hay súng Pygmy
Nymphaea tuberosa

Phân bố

Chi này có khoảng 50 loài, với sự phân bổ rộng khắp thế giới.
Ở Việt Nam các loài cây bông súng sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng khắp mọi khu vực của Việt Nam.
Vùng Đồng Tháp Mười có nhiều bông súng nhất Việt Nam. Hiện tại, việc khai thác loài hoa này còn tự phát, chưa có quy hoạch. Tuy nhiên các loài cây này có khả năng tái sinh mạnh. Chưa thấy tài liệu nào thống kê tại Việt Nam có bao nhiêu loài súng, mặc dù có một số tài liệu nói rằng có khoảng 5 loài. Trong một số tài liệu có nhắc tới Bông súng lam (Nymphaea stellata = Nymphaea nouchali?), Bông súng đỏ (Nymphaea rubra), Bông súng trắng (Nymphaea lotus = Nymphaea pubescens?) v.v
Tại các chợ ở miền Tây Nam Bộ, có thể thấy bán những bó cọng bông súng mập mạp nâu nâu mang bông có màu tím nhạt, cuộn tròn, tươi rói. Bông súng cắt khúc có thể được thưởng thức bằng cách chấm mắm kho, trộn gỏi, hay ăn sống, cũng như có thể thể xào, nấu canh.



Mô tả

Chi này có quan hệ họ hàng gần với chi Nuphar (Súng ôn đới hay Huệ nước-khoảng 10-12 loài giống như bông súng), chúng khác nhau ở chỗ là các cánh hoa của chi Nymphaea lớn hơn nhiều so với các lá đài của đài hoa, trong khi ở Chi Nuphar thì các cánh hoa lại nhỏ hơn so với các lá đài màu vàng (4-6 lá).Quả khi chín cũng khác nhau, với quả của chi Nymphaea chìm xuống dưới mặt nước ngay sau khi hoa khép lại, trong khi quả của chi Nuphar lại ở trên mặt nước cho đến khi chín.
Người Ai Cập cổ đại sùng kính hoa súng sông Nin, hay hoa sen như họ gọi nó. Súng xanh Ai Cập (Nymphaea caerulea), nở hoa vào buổi sáng và sau đó chìm xuống dưới mặt nước vào lúc chiều tối. Súng trắng Ai Cập (Nymphaea lotus) lại nở hoa vào buổi đêm và khép lại vào buổi sáng. Các dấu tích của cả hai loại hoa này đều được tìm thấy trong lăng mộ của Ramesses II.
Các loài súng không có quan hệ họ hàng gì với các loài loa kèn (huệ tây) thuộc họ Loa kèn (Liliaceae), bộ Loa kèn (Liliales) mặc dù tên gọi bằng tiếng Anh của chúng là water-lily (huệ nước). Chúng cũng không có quan hệ họ hàng gì với các loài hoa sen thực sự thuộc chi Nelumbo, là các loài hoa được sử dụng trong ẩm thực tại khu vực Châu Á cũng như là loại hoa linh thiêng của đạo Hindu  đạo Phật.
Nhiều loại hoa súng thông thường trong các khu vườn thủy sinh thực chất là các giống lai ghép.
Ở Việt Nam bông súng là loài cây dại mọc nơi ao hồ hoặc ở những thửa ruộng thấp vào mùa nước nổi ở miền Tây. Loài cây này vươn lên theo nước lũ, nước càng dâng cao thì cuống lá, cọng càng dài. Lá trải rộng trên mặt nước và hoa màu trắng, màu tím hay màu hồng vươn lên khỏi mặt nước trông rất đẹp.

Giá trị dinh dưỡng

Bộ phận dùng được của cây bông súng là cọng tức là cuốn lá của cây bông súng.
Cọng bông súng tước vỏ là loại rau sạch, có hương vị đậm đà, là món rau ghém dòn và mềm có thể ăn sống, luộc, xào, nấu canh chua, nhúng lẩu v.v…
Thực ra cọng bông súng thành phần chủ yếu là nước, chất xơ và ít chất dinh dưỡng. Nhưng chất xơ có vai trò quan trọng trong đường tiêu hóa của con người.
Ăn bông súng còn là nét văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ đặc biệt trong vùng nước nổi hàng năm ở ĐBSCL.
Khi nhổ bông súng, người ta chỉ nhổ những cọng có bông trên đầu, nó ngon hơn những cọng lá. Bông súng đem về được quấn thành từng khoanh tròn mỗi khoanh khoảng 10 - 20 cọng, bán 1.000-2.000 đồng một khoanh, tuy giá không cao nhưng với số lượng nhiều người nông dân cũng thu được số tiền kha khá.

Công dụng của cây bông súng

Cọng bông súng được dùng làm rau

1-Cọng bông súng dùng làm rau sống
Ở miền Tây Nam Bộ người dân có thể thu hái cọng bông súng ở các đầm, trấp, ao, sông rạch. Các chợ ở Nam Bộ thường bán cọng bông súng tươi như một loại rau sạch tự nhiên rất được các bà nội trợ miền quê ưa chuộng.
Cọng bông súng khi tước vỏ rất dòn dể gãy, do đó chỉ cần bẻ khúc hoặc dùng dao tước mỏng làm rau ghém. Cọng bông súng thường xuất hiện trong những rổ rau tập tàng của người dân vùng nước nổi. Rau bông súng thường dùng để chấm mắm kho trong những bửa ăn đạm bạc của người nông dân ở vùng sâu.
Món rau sống từ cọng bông súng cầu kỳ hơn là món bông súng bóp xổi.
Để có món bông súng bóp xổi, người ta lấy cuống bông súng tước bỏ vỏ ngoài, rửa sạch rồi ngắt từng khúc ngắn 4 - 5 cm, để vào một  thau sạch. Dùng tay bóp nhẹ những cọng súng làm cho dập mà không nát.
Pha một chén giấm cùng vài muỗng đường cát, khuấy cho tan đường. Đổ chén giấm vào thau bông súng, thêm một nắm rau răm xắt nhỏ vào, trộn đều là được. Chấm với nước mắm kho quẹt hoặc với nước tương kho. Món này ăn rất ngon miệng, tác dụng kích thích tiêu hóa, an thần, trợ tim, giải độc; rất tốt cho người ăn uống kém, ăn không tiêu, mất ngủ, tim đập mạnh, bồn chồn không yên, người bị di tinh, bạch đới, ho, viêm đường tiết niệu.
Vùng Đồng Tháp Mười có câu ca dao:
Muốn ăn bông súng mắm kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.
2-Cọng bông súng được dùng để bóp gỏi
Cọng bông súng lột vỏ, chẻ nhỏ dể làm chất nộm trộn gỏi ăn rất hấp dẫn.
Món gỏi (nộm) bông súng khá dễ làm lại mang đến hương vị thật lạ mà ngon.
Sau đây là cách chế biến món gỏi bông súng của người dân Nam Bộ:
Nguyên liệu:
1bó bông súng
1củ hành tây
1quả chanh
300gr tôm thẻ
500gr thịt ba rọi
Hành phi, tỏi
Rau răm, đậu phộng
Nước mắm.
Các bước thực hiện:
Bước 1:
- Cọng bông súng tước vỏ, rửa sạch rồi ngắt thành các đoạn ngắn; trộn đều với nước cốt chanh và 2 thìa canh đường.
- Thịt ba chỉ luộc chín, thái mỏng.
- Tôm luộc chín, vớt ra, ngâm nước đá cho giòn rồi lột vỏ.
Bước 2:
- Hành tây cắt lát mỏng, ngâm giấm đường.
- Pha nước mắm gồm có 2 muỗng canh nước mắm ngon, 2 muỗng canh đường và 1 muỗng cafe bột ngọt.
- Băm nhuyễn 4 tép tỏi, phi vàng.
- Rau răm rửa sạch, cắt nhuyễn.
- Đậu phộng rang vàng, giã nhuyễn.
Bước 3:
- Trộn đều các nguyên liệu: bông súng, tôm, thịt, rau răm, nước mắm, hành tây, tỏi băm, hành phi. Bạn lưu ý ngó súng thì mềm hơn ngó sen nên khi nào sắp ăn hãy trộn nhé!
- Múc gỏi ra đĩa, bên trên rắc đậu phộng, hành phi ăn kèm.
3-Cọng bông súng luộc, xào
Cọng bông súng lột vỏ có thể dùng để luộc, xào riêng hay chung với các món rau khác. Đặc biệt khi chế biến các món xào để ăn chay.
4-Cọng bông súng dùng để nấu canh chua, lẩu chua.
Cọng bông súng lột bỏ vỏ, ngắt khúc để nấu canh chua với bông điên điển với cá linh là món ăn theo thời vụ của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Chỉ có được trong mùa nước nổi.
Ngoài ra bông súng còn nấu canh chua với nhiều loại các đồng khác như cá lóc, cá trê, cá rô, lươn, ếch… thì thường xuyên trong năm và là món canh truyền thống của người dân Nam Bộ.
Chỉ cần một bó bông súng, vài con cá rô và một ít rau thơm là có thể nấu một nồi canh chua rất tốt cho mục tiêu an thần, trợ tim, chữa ho và viêm đường tiết niệu. Nguyên liệu gồm một bó bông súng chừng 200 g - 300 g, cá rô đồng 200 g, rau thơm (rau ngổ, húng quế, ngò gai, hành lá) đủ dùng, me chua, ớt trái, gia vị. Bông súng tước vỏ, rửa sạch, ngắt từng khúc khoảng 5 cm; cá rô chọn con mập, đánh vảy, làm sạch, bỏ ruột.
Luộc cá chín, gỡ lấy thịt ướp gia vị, để sẵn. Đun sôi một nồi nước, lược nước me chế vào, sau đó cho cá vào. Khi cá gần chín mới cho bông súng vào. Nêm thêm nước mắm và đường sao cho canh có vị chua chua, ngọt ngọt vừa ăn. Chế thêm vài muỗng dầu ăn (hoặc mỡ nước). Múc canh ra tô, rắc lên một ít rau thơm (đã rửa sạch, cắt nhỏ) và vài lát ớt đỏ, ăn nóng trong bữa cơm.
Ngoài ra, có thể nấu canh chua bông súng với cá tra, các lăng, các bông lau, cá ba sa thì rất tuyệt.
Không nên nấu chín quá vì như thế bông súng sẽ nhũn, ăn không ngon.
5-Cọng bông súng dùng làm dưa chua
Món ăn dân dã nhất là bông súng muối làm dưa dùng để kho với cá, thịt rất ngon. Cuống lá cây súng tước bỏ vỏ cũng được dùng muối dưa (như muối dưa cải), làm gỏi để ăn.Khi ăn thực khác sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh trong từng cọng bông súng muối vừa dai vừa mặn mà.


Cây bông súng được dùng làm thuốc

Theo đông y, bông súng có tác dụng giúp làm dịu dục, chống co thắt, an thần, trợ tim, trợ hô hấp, tăng cường sinh lực; thường được sử dụng trong các trường hợp tình dục bị kích thích, di tinh, mộng tinh, mất ngủ, tim đập nhanh, kiết lỵ, tiêu chảy, ho, viêm bàng quang, viêm thận, tiểu buốt, tiểu són, đau lưng, mỏi gối do thận yếu.
Các bộ phận của cây bông súng còn được dùng làm thuốc thanh nhiệt, chống say nắng, cầm máu... Đặc biệt, nó còn trị hiệu quả chứng co giật ở trẻ, đau lưng mỏi gối, nam bị di tinh hoặc phụ nữ khí hư bạch đới.

Một số bài thuốc từ cây bông súng

1-Chữa nam di tinh, đái nhiều, nữ khí hư bạch đới không dứt: bài thuốc gồm củ súng sao, kim anh bỏ hạt ở trong vì có độc, lấy lớp vỏ bao ngoài, đốt cho cháy sạch lông gai, sao giòn. Các vị lượng bằng nhau, tán bột uống mỗi ngày 15-20 g với nước sắc rễ ý dĩ làm thang.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
2-Chữa thận hư tỳ yếu, đau mỏi ngang thắt lưng: củ súng 20 g, ba kích, cẩu tích, tỳ giải (tẩm rượu sao), hà thủ ô (chế với đậu đen đồ phơi 9 lần), ngưu tất mỗi vị 12 g. Sắc uống ngày một thang.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
3-Giải cảm nắng: củ súng nấu chè ăn.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
4-Chữa suy nhược cơ thể, hay đổ mồ hôi trộm, di tinh: củ súng nấu chín, bóc vỏ 400 g. Củ mài nấu chín, bóc vỏ 800 g. Phơi khô tán nhỏ, mỗi lần dùng 10 g nấu thành cháo ăn hằng ngày lúc đói. Bài thuốc này còn có tác dụng bồi bổ, ích chí, mạnh tinh.( Theo Bác sĩ Quang Minh).
5-Chữa hen suyễn ở người già và trẻ em: củ súng và hạt cải củ, hai thứ lượng bằng nhau, đem đồ chín, phơi khô, tẩm nước cốt gừng, tán nhỏ thành bột, luyện với mật ong thành viên hoàn bằng hạt ngô đồng, ngày uống 50 viên với nước sôi. Bài thuốc còn có tác dụng bổ dưỡng, giảm ho, cắt cơn hen. (Theo Bác sĩ Quang Minh).
                                                 Tài liệu tham khảo
9-http://hanhphucgiadinh.vn/15796/mon-ngon-dong-que-goi-bong-sung-tom-thit/
                                                                                                   Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xem video: Mùa bông súng