Rau Bò khai

RAU BÒ KHAI



Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 25/6/2014

Cây rau bò khai (hay Dây hương)

1-Tên gọi và danh pháp khoa học

- Tên gọi khác: Rau bồ khai, Rau bù khai, Dây lá hương, Hồng trục, Rau ngót leo, Rau nghiến, Phắc hiển (Tày), Long châu sói (Dao)...
- Tên tiếng Anh: Erythropalum scandens (nguyên gốc Latin).
- Tên khoa học: Erythropalum scandens Blume., Bijdr., Fl., Ned. 1826
- Tên khoa học đồng nghĩa:
Dactylium vagum Griff.
Decastrophia inconspicua Griff.
Erythropalum grandifolium Elmer
Erythropalum populifolium Mast.
Erythropalum vagum (Griff.) Mast.
Mackaya populifolia Arn.
Modeccopsis vaga Griff.
Passiflora heyneana Wall.

2-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Bộ (ordo)
Đàn hương (Santalales)
Họ (familia)
Dây hương/Hạ hòa (Erythropalaceae)
Chi (genus)
Dây hương (Erythropalum)
Loài (species)

3-Nguồn gốc và phân bố

Họ Dây hương (Erythropalaceae) là một họ thực vật hạt kín trong bộ Santalales. Họ này không được hệ thống APG III (năm 2009) công nhận mà chỉ coi là một phần trong họ Olacaceae , nhưng được đề cập trong website của APG. Họ này đang có nhiều tranh luận về phân loại, tạm thời nó bao gồm 3-4 chi và khoảng 40 loài.
Chi Dây hương (Erythropalum) là một chi có duy nhất một loài là Dây hương (Erythropalum scandens) có nguồn gốc ở khu vực Đông Dương (từ Miền Bắc Việt Nam kéo dài tới Đông Malesia, tới khu vực các quần đảo Talaud  Flores).
Rau Bò khai hay Dây hương (Erythropalum scandens) là một loại cây tiểu mộc thuộc họ Dây hương. Nó cũng là loài duy nhất còn sinh tồn hiện được công nhận thuộc về chi Erythropalum.
Ở Miền Nam Trung Quốc cũng tìm thấy loài này và được dùng cả ba tên khoa học đồng nghĩa là:
Dactylium vagum Griffith; 
Erythropalum populifolium Masters; 
E. vagum (Griffith) Masters.
Loài Rau bò khai có mặt tại các khu rừng bãi bồi và khu rừng ven sông, ở độ cao từ 100-1500 m.
Có tại Trung Quốc (các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, nam Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, đông nam Tây Tạng) và các quốc gia ở Đông Nam Á, Nam Á như: Bangladesh, Brunei, Bhutan, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Ở Việt Nam cây Rau bò khai phân bố phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, cũng gặp ở các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, duyên hải nam Trung Bộ. Tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Cây sống ở độ cao từ 100-1500m, mọc hoang ven rừng thứ sinh, rừng đang phục hồi hoặc rừng nghèo bị tác động mạnh của kiểu rừng thường xanh ẩm nhiệt đới, tập trung nhiều ở ven rừng, mọc trên núi đá vôi.

4- Mô tả

Rau Bò khai là loài dây leo lâu năm, thân hóa gổ, nhựa thân có mùi hương đặc trưng.
-Thân: Đây là một loại cây tiểu mộc dạng dây leo dài 5-10 m, có ngọn mảnh dẻ, xanh non giống với ngọn su su. Thân cây nhỏ bằng đầu đũa, giòn, dễ gãy, được chia thành nhiều nhánh đốt, bò và bám theo cây gỗ vươn cao đón ánh nắng mặt trời giống như cây tầm gửi. Ở các phần đầu của đốt có các tua nách cùng cuống lá đưa ra.
-: Lá đơn, mọc so le, không có lá kèm, cuống lá có chiều dài từ 3-10 cm, phiến lá hình trứng hay hình tim, dài 8-20 cm, rộng 4-15 cm. Đọt và lá non dùng làm rau ăn được với hương vị đặc trưng.
-Hoa: Loài này có nhiều hoa mọc thành cụm dạng xim dài 6-18 cm, cuống cụm hoa dài 4- 10 cm, cuống mỗi chiếc hoa dạng chỉ dài 2-5 mm. 

Hoa đơn tính, mẫu 5 (K5C5A5). Đài hợp thành ống đồng trưởng và bao lấy quả. Cánh hoa rời, xếp van. Bầu nhụy gồm 3 lá noãn hợp thành bầu 1 ô chứa 2-3 noãn treo.
Đài hoa dạng quả đầu, răng cưa bộ 5, khoảng 1 mm. Nhị hoa với các túm lông ở hai bên. Cánh hoa màu trắng dài 1,5-2 mm.
-Quả: Quả chưa chín có màu xanh nhạt, có 5 mảnh, khi chín vỏ quả tách ra thành 5 mảnh vỏ uốn cong tương tự như đài hoa đồng phát triển có chức năng thu hút các loài chim phát tán quả. Mùa ra hoa, kết quả từ tháng 3 đến tháng 9.
-Hạt: Sau khi vỏ quả tách ra, hạt dạng trần hình elip rộng, màu xanh chàm

Cây rau bò khai non

Đoạn dây Rau bò khai non được dùng làm rau

Quả chín dây Rau bò khai chưa tách vỏ

Quả Rau bò khai đã tự tách vỏ và hạt (màu xanh lục)

5-Thành phần dinh dưỡng

Theo nguồn phân tích của Trường Đại học Huế, thành phần dinh dưỡng của lá tính theo % gồm:
-Nước: 78,8 %.
-Protid: 6,1 %.
-Chất xơ: 7,5 %.
-Tro:1,6 %.
-Calcium 138 mg %.
-Phosphor 40,7 mg %.
-Caroten 2,6 mg %.
-và vitamin C 60 mg %.
Rau Bò khai được coi là loại rau quí. Lá và ngọn cây là loại rau giàu dinh dưỡng, ngon, được người dân miền núi đặc biệt ưu chuộng.
Về mùi vị, khi rau còn sống có mùi hơi khai. Người ta thường lấy lá và ngọn non thái nhỏ, vò kỹ, rửa sạch để khử mùi khai rồi nấu canh, luộc hay xào ăn có mùi thơm ngon nên có tên rau Hương nhưng khi đi tiểu có mùi khai nên gọi là Rau Bò khai. 

6-Công dụng

Rau bồ khai là một loại rau rừng tự nhiên rất được ưa chuộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Loại rau này hiện đã được ưa thích ở cả miền xuôi trong vài năm lại đây và còn là vị thuốc quý.
a-Lá và đọt non của dây Rau bò khai hay Dây hương được dùng làm rau
Rau bồ khai có ở hầu hết các tỉnh vùng núi phía Bắc nhưng nhiều nhất là Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Người dân Cao Bằng thì gọi rau này là rau dạ hiến. Đó là một loại rau thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh mai, yếu ớt hơn và màu xanh non tơ hơn. Rau bồ khai mọc hoang ở vùng núi đá, ngọn rau thường men theo những thân gỗ lớn để vươn lên giống như những cây tầm gửi.
Cây thường mọc hoang ven các rừng thứ sinh, rừng đang phục hồi hoặc rừng nghèo bị tác động mạnh của kiểu rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; tập trung nhiều ở ven các rừng mọc trên núi đá vôi.
Vào khoảng mùa xuân, rau bồ khai bắt đầu trổ ngọn xanh tốt và những người đi rừng may mắn gặp cây bồ khai thì sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội này. Người ta hái ngọn bồ khai về để xào nấu, chẳng cần phải cầu kỳ gì, chỉ cần mỡ phi tỏi vàng rồi cho rau vào xào to lửa, nhanh tay là đã có món rau ngon tuyệt, xanh mướt, giòn, ngọt với mùi thơm rất khó tả. Bây giờ rau bồ khai đã có mặt trong các nhà hàng ở các thành phố và được coi là một đặc sản của núi rừng.
Rau Bò khai chế  biến được rất nhiều món ăn. Trong đó có  một số món ăn phổ biến:
- Rau Bò  khai sào mực:
- Rau Bò  khai sào trứng 
- Rau Bò  khai sào thịt bò
- Rau Bò  khai nộm
Rau bồ khai xào với thịt bò và rau bồ khai xào mì, phở là những món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Người thích rau bồ khai cũng giống như người thích ăn sầu riêng, khi đã quen đã “nghiện” thì chẳng có mùi vị nào hấp dẫn hơn thế. 
Rau Bồ Khai có một mùi vị rất riêng, không thể tìm được sự tương đồng ở bất cứ loại mùi vị nào khác. Mùi vị ấy là sự hòa quyện giữa hương đất rừng, cái thanh khiết của thứ nước mát trong từ nơi ngọn nguồn sông suối với cái khí trong lành, se sắt của tiết trời chớm xuân ở nơi miền núi này. Không thể diễn tả hết bằng lời, chỉ biết rằng, hương vị rau bồ khai luôn quấn quyện trong nỗi nhớ của người dân Bắc Kạn xa quê. Còn với những du khách một lần được thưởng thức loại rau này sẽ trở thành kỉ niệm không thể phai mờ.
Ai đã một lần được nếm thử món rau bò khai sẽ nhớ mãi. Nhớ bởi hương vị của món rau rừng này rất lạ lùng, không giống bất kỳ một món rau nào khác. Nói là thơm thì không hẳn nhưng với nhiều người thì nó là một thứ hương vị đặc biệt quyến rũ, nó nằm trong nỗi nhớ quê hương của người xứ này khi đi xa và nằm trong nhiều kỷ niệm của những ai đã từng qua đây.
Nếu một lần có dịp lên thăm Bắc Kạn, hãy cùng thưởng thức hương vị đặc trưng của núi rừng.
Nguồn: Vietbao (Theo: queviet.pl)

Gùi Rau bò khai được người dân tộc ở Bắc Kạn thu hái trong rừng

Đọt non Rau bò khai

Rau bò khai xào mì tôm

Rau bò khai xào thịt
b-Các bộ phận của cây Rau bò khai dùng làm thuốc
Theo Đông y Rau bò khai có vị hơi đắng, mùi khai, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu.
Cả rau bò khai tươi và khô đều có thể dùng làm thuốc để chữa các bệnh về thận, gan và nước tiểu vàng. Thân cành tươi bỏ lá, thái mỏng phơi khô, ngâm rượu uống chữa sốt, tê thấp.
-Ở Trung Quốc, cây rau bò khai được dùng chữa viêm gan, viêm ruột, viêm niệu đạo, viêm thận cấp tính.
-Ở Việt Nam rau bò khai dùng chữa viêm thận, viêm gan, viêm đường tiết liệu, tiểu tiện không thông.
Thường dùng chữa phù thận, đái vàng, đái rắt. Dùng 20 -40g lá tươi giã nát, thêm nước gạn uống. Có khi dùng phối hợp với lá Bòng bong. Kinh nghiệm dân gian ở Bắc Thái dùng toàn cây sắc lấy nước uống chữa viêm gan siêu vi trùng đạt kết quả rất tốt.
Khi người đi xa về mệt mỏi, nước tiểu vàng đục, chỉ cần ăn rau Bò khai 1-2 lần là nước tiểu trở lại bình thường. Đặc biệt cây rau Bò khai sắc lấy nước uống chữa bệnh viêm gan siêu vi trùng đạt kết quả rất tốt.
7-Khai thác và trồng Rau bò khai ở Việt nam
Ở Việt Nam cây Rau bò khai phân bố phổ biến ở các tỉnh phía Bắc, cũng gặp ở các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, duyên hải nam Trung Bộ. Tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang. Đây là loài rau quí cần được bảo tồn và khai thác.
Rau Bò khai là loại cây không ưa ẩm, thích hợp ở vùng khí hậu khô. Cây yêu cầu nhiệt độ trong khoảng 25-300C, tuy nhiên trong giai đoạn đầu cây con yêu cầu ánh sáng, nhiệt độ và ẩm độ thấp hơn. Cây trưởng thành là cây ưa sáng. Cây mọc nhanh, hầu như ra chồi, mọc lá quanh năm chỉ trừ một vài tháng mùa đông nhiệt độ thấp. Cây tái sinh bằng hạt hay bằng chồi, sau khi phát đốt đến màu mưa, rất nhiều chồi lại nảy ra từ gốc thân cũ.
Quả có thể tồn tại trên cây đến màu hoa năm sau. Cây dễ nhân giống bằng hom.
Hiện nay cây Rau Bò Khai đã được đưa từ rừng về trồng trong vườn nhà, hình thành và phát triển nghề trông rau mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc.
+Trồng Rau bò khai ở tỉnh Lạng Sơn
Thời gian gần đây, nhiều bà con nông dân ở thôn Hố Mười, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn trồng cây rau bò khai theo hướng sản xuất hàng hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Cây rau bò khai đã gắn bó với người dân ở thôn Hố Mười từ rất lâu. Trước đây bà con chưa có khái niệm trồng rau bò khai, mỗi khi muốn ăn hoặc cần rau bò khai để chữa bệnh bà con lại vào rừng hái. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu cây bò khai nhưng không tự đi hái được, nhiều hộ gia đình đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi vào rừng tìm rau bò khai về bán, kiếm thêm thu nhập. Một vài năm trở lại đây cây bò khai đã được bà con đem về trồng và cho hiệu quả kinh tế cao.
Anh Hứa Văn Tỉnh, một trong những người đi đầu trong việc trồng cây bò khai cho biết: “Ngày xưa khi còn rừng tự nhiên thì loại rau này còn rất nhiều, mọc ven các con khe suối trong rừng, nhưng từ khi bạch đàn hoá thì rau bò khai và nhiều loại cây bản địa khác bị mất hết. Thấy được giá trị của nó gia đình tôi đã mang về trồng trong vườn, rừng của mình. Cây mọc nhanh, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, chỉ 1 năm là có thể thu hoạch được. Hiện nay gia đình tôi có hơn 60 gốc, cứ 5 ngày vợ tôi lại mang ra chợ bán với giá từ 4000 - 5000 đồng/bó, tính tương đương 300 đồng/ngọn rau bò khai. Mỗi lần đi chợ gia đình tôi cũng thu được 300 - 400 nghìn đồng từ loại rau này mà rất đơn giản và gọn nhẹ. Trong thời gian tới tôi sẽ trồng nhiều thêm loại cây này”.
Gia đình ông Hứa Văn Nhủng hiện nay có 40 gốc cây bò khai, mỗi tháng cũng đem lại khoản thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Ông Nhủng chia sẻ kinh nghiệm trồng cây bò khai: “Bò khai dễ trồng vì trong tự nhiên chúng sinh trưởng rất khoẻ, ít sâu bệnh. Việc giâm cành chỉ sau 20 ngày là cành có rễ, sau hai tháng có thể đem đi trồng. Sau khi trồng khoảng 8-10 tháng có thể thu hoạch được, cây mọc rất nhanh, hầu như ra chồi, mọc lá mới quanh năm, chỉ trừ một vài tháng mùa đông nhiệt độ quá thấp. Để có nhiều ngọn non, tháng 10 Âm lịch cần phát các cành già. Cái độc đáo là ở chỗ, khi thu hái cần bẻ hết phần non bởi lẽ giống cây này thường mọc mầm rất mập tại những chỗ bị bẻ gẫy. Kỹ thuật ươm trồng cây cũng khá đơn giản. Trước hết chọn cành bánh tẻ, không non quá và cũng không già quá, cắt đoạn hom dài 5-7 cm, thường gồm 3 đốt. Do phần vỏ dây hương rất dễ tách khỏi phần lõi nên khi cắt hom phải dùng dao thật sắc hay kéo cắt cành, tránh làm dập nát vết cắt hoặc làm thay vòng lõi vụ của thân cây. Khi vận chuyển nên đưa vào túi nhựa kín, giữ ẩm để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Hom đem về nhúng đoạn cành muốn giâm vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ trong 5-10 phút sau đó đem giâm trên luống đất đã khử trùng (độ sâu khoảng 1/3 chiều dài đoạn hom), hoặc giâm vào bầu có kích thước 16 x 22cm.Thành phần đất bầu là 90% đất, 1% vi sinh, nếu có phân chuồng ủ hoại là tốt nhất”.
Với chu kỳ thu hoạch nhanh và thời gian thu hoạch kéo dài, trung bình nếu chăm sóc tốt thì chỉ cần cách 5 ngày là được hái ngọn và thời gian cho thu hoạch có thể kéo dài khoảng 8 - 9 tháng trong năm (chỉ trừ những tháng lạnh nhất của mùa đông).
Có thể nói, cây rau bò khai mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao nhưng hiện nay tại thôn Hố Mười, xã Minh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn) vẫn chỉ được trồng mang tính chất nhỏ lẻ. Thiết nghĩ với lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp như ở thôn Hố Mười, xã Minh Sơn (Hữu Lũng - Lạng Sơn), chính quyền địa phương và ngành chuyên môn nên quan tâm hơn nữa để quy hoạch, định hướng phát triển cây rau bò khai thành nông sản hàng hóa chất lượng cao của địa phương.
Nguồn: Văn Hương - Theo khuyennongvn.gov.vn

Giâm cành cây Rau bồ khai

Cây Rau bò khai giống

Trồng cây Bò khai ở huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn
+Đà Lạt chuẩn bị cung cấp rau bò khai cho thị trường
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, sau hơn một năm trồng thực nghiệm, Dây hương (còn gọi là Rau bò khai) đã phát triển tốt trên đất Lâm Đồng. Đơn vị sẽ chuyển giao cho người dân canh tác trong thời gian tới.
Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, rau dây hương cũng sẽ được trồng đúng theo môi trường tự nhiên của nó là dưới các tán rừng thông của Đà Lạt - Lâm Đồng. Kỹ thuật canh tác đơn giản, không cần nhiều vốn đầu tư, rất phù hợp cho những hộ dân nhận giao khoán hoặc bảo vệ rừng có thể tăng thêm thu nhập. Mô hình trồng thực nghiệm dây hương ở Lâm Đồng có mật độ 10.000 cây một ha (khoảng cách 1 x 1m). 
Dây hương hay rau bò khai là loại rau chứa thành phần dinh dưỡng rất cao, khi ăn vị khá giống với lá non của đọt cây susu. Rau Dây hương trên thị trường hiện có giá bán khoảng 80.000-85.000 đồng một kg.
Do được canh tác trong môi trường hoàn toàn tự nhiên nên việc bón phân, phun thuốc với loại rau này rất hạn chế, đảm bảo độ an toàn cao.
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng dự định khi chuyển giao canh tác cho người dân, đơn vị sẽ hỗ trợ bằng cách liên kết với một vài công ty chuyên cung cấp rau sạch đưa loại rau rừng này đến với người tiêu dùng.
Nguồn: Quốc Dũng- kinhdoanh.vnexpress.net

Trồng và thu hoạch rau bò khai

Kỹ sư Hồ Đình Hải

Tài liệu tham khảo
-

-





Cây đu đủ

CÂY ĐU ĐỦ


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày: 20/4/2014

Cây đu đủ
-Tên gọi khác: Cây su đủ
-Tên tiếng Anh: Papaya (US), Papaw /Pawpaw (UK).
-Tên tiếng Pháp: Papayer.
-Tên khoa học: Carica papaya L.

1-Phân loại khoa học (Scientific classification)


Giới (regnum)
Thực vật (Plantae)              
(không phân hạng)
Thực vật có hoa (Angiospermae)
(không phân hạng)
Thực vật 2 lá mầm thực sự (Eudicots)
(không phân hạng)
Nhánh hoa hồng (Rosids)
Bộ (ordo)
Cải (Brassicales)
Họ (familia)
Đu đủ (Caricaceae/Papayaceae)
Chi (genus)
Loài (species)

2-Nguồn gốc và phân bố

Chi Đu đủ (Carica) có một loài duy nhất là Đu đủ (Carica papaya) thuộc Họ đu đủ (Caricaceae hay Papayaceae). Loài này có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của Châu Mỹ, có lẽ từ miền nam Mexico và một số các nước láng giềng ở Trung Mỹ.
Các nghiên cứu khảo cổ cho biết cây đu đủ được trồng đầu tiên ở Mexico nhiều thế kỷ trước khi có sự xuất hiện của các nền văn minh cổ điển Trung Mỹ.
Cây đu đủ đã được nhà báo Oviedo người Tây Ban Nha mô tả đầu tiên vào năm 1526 ở bờ biển các nước Panama và Colombia. Từ đó người Tây Ban Nha giới thiệu loài cây này đến Châu Phi, Châu Á và Châu Úc. Rất có thể cây đu đủ du nhập vào Việt Nam qua ngả Philiippines, thời điểm chưa được xác định.
Hiện nay cây đu đủ là loài cây ăn quả nhiệt đới được trồng rộng rải ở Miền Nam Hoa Kỳ (Florida và US Virgin Islands) , Mexico, các nước Trung Mỹ, các nước Nam Mỹ, Châu Phi , Châu Á, Châu Đại Dương và tiểu bang Hawaii của Mỹ.
Ở Việt Nam có hai giống đu đủ nội địa truyền thống là giống đu đủ thị đỏ và giống đu đủ thịt vàng. Hiện nay có nhiều giống mới được lai tạo và nhập nội chủ yếu là các giống đu đủ lai F1 với năng suất, sản lượng và chất lượng quả cao với nhiều màu sắc của thị quả khác nhau như đỏ, vàng, tím…

3-Mô tả

Đu đủ là loài cây hai lá mầm, thân xốp, sống đa niên.
-Thân: Thân cao từ 3-5 mét, mang chùm lá trên ngọn, trên thân có những vết sẹo là do vết tích của bẹ lá để lại khi đã rụng. Thân ít phân nhánh, tuy nhiên trên nhánh của cây cái cũng có thể đậu quả.
-: Lá mọc cách, xoắn theo vòng, cuống lá hình ống dài, rổng ruột mỗi phiến lá chia làm 8-9 thuỳ sâu, mỗi thuỳ lại bị khía thêm nữa như bị xẻ rách.
-Hoa: Hoa màu trắng phớt vàng nhạt, mọc thành chùm xim ở nách những lá già. Hoa đơn tính thường khác gốc, nhưng cũng có cây vừa mang cả hoa đực; hoa cái và hoa lưỡng tính, hoặc có hoa cái và hoa lưỡng tính. Cụm hoa đực phân nhánh nhiều, có cuống, rất dài. Cụm hoa cái chỉ gồm 2-3 hoa.
-Quả: Quả mọng to, thịt quả dày, trong ruột quả có nhiều hạt đen.
-Hạt: Thon gần tròn, mọc trong phần rổng của ruột quả, hạt có thể không phát triển.

Hoa đu đủ đực
Hoa đu đủ cái
Quả đu đủ xanh
Quả đu đủ chín

4-Thành phần dinh dưỡng

+Theo nguồn phân tích của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA):
Trong 100 g phần ăn được của quả đu đủ chín có chứa các thành phần dinh dưỡng như sau:

Giá trị dinh dưỡng trong 100 g đu đủ chín
179 kJ (43 kcal)
10,82 g
7.82 g
1,7 g
0,26 g
0,47 g
Vitamin A equiv.
47 mg (6%)
274 mg (3%)
lutein và zeaxanthin
89 mg
0,023 mg (2%)
0.027 mg (2%)
0.357 mg (2%)
0,191 mg (4%)
0.038 mg (3%)
Folate (vit. B 9)
38 mg (10%)
62 mg (75%)
0,3 mg (2%)
2,6 mg (2%)
20 mg (2%)
0,25 mg (2%)
21 mg (6%)
0,04 mg (2%)
10 mg (1%)
182 mg (4%)
8 mg (1%)
0,08 mg (1%)
1828 mg
Ghi chú! Tỷ lệ % đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của cơ thể người lớn.

+Theo các nguồn phân tích khác
Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy, trong 100g đu đủ có 74 - 80mg vitamin C (vitamin chủ yếu trong đu đủ), caroten (tiền vitamine A) 500 - 1.250UI. Ngoài ra, còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men, các khoáng chất như: kali (179mg), canxi, magiê, sắt và kẽm.
Còn đu đủ xanh, ngoài các chất có trên còn có chứa 4% chất nhựa latex màu trắng đục là hỗn hợp của nhiều proteaza (loại men tiêu hóa chất đạm), trong đó chất chủ yếu là papain. Một cây đu đủ trong một năm cho khoảng 100g nhựa (lấy quả khi còn non trên cây). Ngoài ra còn có chymopapain và papaya protenaza.
Lá đu đủ chứa ancaloit carpain, có tác dụng giống glucozit của dương địa hoàng - Digitalis, họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), làm chậm nhịp tim, diệt amíp. Hạt đu đủ có glucozit caricin và myrosin.
Men papain có tác dụng như men papein của dạ dày, giống men trypsin của tuyến tuỵ trong tiêu hóa các chất thịt. Đặc biệt nó còn có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Staphjllococ và vi trùng thương hàn rất nhạy cảm đối với tác dụng của papain.
Papain còn có tác dụng làm đông sữa và tác dụng làm giảm độc đối với toxin và toxanpunin.
Nguồn: AloBacsi.vn -Theo Sức khỏe & Đời sống

5-Công dụng của đu đủ

5.1-Các bộ phận của cây đu đủ dùng làm thực phẩm
a-Các bộ phận cây đu đủ dùng làm rau
+Lá non của cây đu đủ được dùng làm rau
Ở một số nước thuộc Châu Á và Nam Mỹ lá non của cây đu đủ được dùng làm rau để luộc, xào, nấu canh, muối chua…
Ở Việt Nam lá cây đu đủ không được dùng làm rau do người dân ngại trong lá có loại mủ trắng không rõ có tác dụng gì.
Ở Malaysia lá đu đủ non được dùng làm rau rất phổ biến, ngành y tế của nước này có những công trình nghiên cứu về chất độc trong lá đu đủ, họ đã kết luận rằng trong lá đu đủ không có chất độc, dùng lá đu đủ là một loại rau an toàn và có tác dụng trợ lực tiêu hóa các loại đạm và chất béo từ động vật và hải sản.
Đây là loại rau sạch cần được quam tâm ở Việt Nam!.
+Hoa đu đủ đực được dùng làm rau
Ở nhiều nước Châu Á và Nam Mỹ hoa đu đủ đực được xem là loại rau đặc sản, được dùng để luộc, xào và dùng trong các món nấu.
Ở Việt Nam loại rau quý này bị bỏ đi giống ngư lá đu đủ non.
Riêng ở vùng Tây Bắc, hoa đu đủ đực là loại rau đặc sản quý. Loại rau này thường được bán kèm quả cà rừng để làm nộm: thứ này cũng được bán ở chợ như những thứ rau nhà.
Món nộm hoa đu đủ đực hấp cách thủy được xem là món rau ghém tuyệt vời để ăn với thịt trong các tiệc nhậu của người dân vùng Tây Bắc.

Hoa đu đủ đực
Món rau từ hoa đu đủ đực ở vùng Tây Bắc

+Quả đu đủ xanh và sắp chín được dùng làm rau
Quả đu đủ xanh và sắp chín được gọt vỏ, xắt nhỏ hoặc bào mỏng được dùng làm rau phổ biến ở Việt Nam.
Đu đủ bào được dùng làm món nộm phổ biến ở Miền Bắc và và làm món gỏi phổ biến ở Miền Trung và Miền Nam.
Nộm được xem như món rau salad đu đủ, có vị chua ngọt nhưng không có trộn thịt, cá hoặc hải sản. Trong khi món gỏi thì có thịt, cá hoặc hải sản trộn chung với nộm.
Món nộm và gỏi đu đủ ăn ngon miệng, có tác dụng kích thích tiêu hóa các loại đạm từ thịt, cá…Món gỏi đu đủ không thể thiếu trong các bữa tiệc tùng ở nông thôn Nam Bộ và là món ăn khai vị phổ biến trong các nhà hàng ăn uống sang trọng.

Đu đủ xanh làm rau

Đu đủ bào
Nộm đu đủ

Gỏi đu đủ

Cùng với món gỏi, quả đu đủ xanh và sắp chín cũng được dùng để nấu các món ăn như xào, nấu canh. Quả đu đủ được dùng đặc biệt trong các món nấu để làm mềm thịt như các món thịt trâu, bò hầm, thịt rắn…
Món đu đủ xanh hầm móng giò heo được xem là món ăn lợi sữa cho các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú và là món nhậu bổ dững của các đấng may râu.
Cách nấu món đu đủ xanh hầm móng giò như sau:
+Nguyên liệu:
Móng giò: 1 cái là đủ khoảng 4 người ăn, đu đủ xanh khoảng 700 g, rau mùi và hành củ, hành lá. Nếu thích canh có màu đẹp, bạn nên bổ sung cà chua. Gia vị gồm bột canh, hạt tiêu, bột ngọt.
+Sơ chế:
-Móng giò chặt miếng nhỏ, đem rửa sạch. Để đảm bảo vệ sinh, nên cho vào nồi nước sâm sấp luộc qua, lúc nước sôi thì đổ ra rửa lại. Sau đó, mới ướp móng giò với gia vị.
-Đu đủ nạo sạch vỏ, rửa sạch, cắt khúc. Nên xóc muối trước cho bớt nhựa, sau đó rửa lại, rồi ướp cùng gia vị cho ngấm.
-Cà chua rửa sạch, thái miếng.
-Rau mùi, hành lá rửa sạch thái nhỏ hoặc để nguyên trang trí cho đẹp mắt.
+Chế biến:
Ướp móng giò với gia vị khoảng 30 phút, sau đó đảo qua cùng hành củ phi thơm rồi đem hầm nhừ. Khi móng giò nhừ thì cho đu đủ vào. Khi đu đủ chín vừa miệng ăn thì cho thêm cà chua, sau đó nêm gia vị. Cuối cùng, trước khi chuẩn bị tắt bếp, cho hành và mùi vào. Múc ra bát ăn nóng. Nếu thêm một chút hạt tiêu, canh sẽ thơm ngon hơn, tuy nhiên, với sản phụ thì không nên ăn hạt tiêu.

Rau đu đủ xanh
Món móng giò heo hầm đu đủ

Đu đủ là một trong những nguồn giàu chất dinh dưỡng, chất khoáng, chất chống oxy hóa và chất xơ hơn hẳn các loại hoa quả khác. Để cải thiện tình trạng tiêu hóa kém, canh đu đủ xanh là một biện pháp rất hiệu quả.
Nguồn: AloBacsi.vn -Theo VnExpress
+Quả đu đủ xanh được dùng để muối dưa chua
Quả đu đủ xanh xắt nhỏ, phơi nắng cho héo, rồi rửa sạch, ngâm trong dung dịch muối + đường qua 4-5 ngày có món dưa chua đu đủ ăn rất dòn và ngon miện. Từ món dưa chua có thể gia chế thêm gia vị để tạo thành món Kim chi giống như Kim chi củ hàn Quốc.
Đu đủ muối dưa có thể dùng để ăn trực tiếp với cơm hay dùng trong các món nấu như xào, kho hay nấu canh. Thường đu đủ được muối dưa chung với củ cải hay su hào.

Đu đủ muối dưa chua
c-Quả đu đủ chín là loại trái cây tươi bổ dưỡng
Quả đu đủ chín là một loại trái cây nhiệt đới có hương vị hấp dẫn, thịt quả ngọt, mềm, khối lượng lớn và rất dể ăn. Quả đu đủ chín chủ yếu dùng để ăn tươi ở các nước nhiệt đới. Loại quả này khó bảo quản sau thu hoạch do khi chín quả mềm, dể vở nên rất hạn chế trong xuất khẩu quả tươi.
Ở Việt Nam quả đu đủ là loại quả dùng để ăn chơi, ăn khai vị trước tiệc tùng hoặc ăn tráng miệng (la séc) sau bữa tiệc.
Ngoài việc ăn tươi trực tiếp, quả đu đủ chín còn được dùng để ướp lạnh, hoặc làm cooc tai ăn với đá lạnh. Đôi khi quả đu đủ chín còn được dùng để nấu chè đu đủ.

Đu đủ chín
d-Quả đu đủ chín dùng chế biến nước giải khát, kem, thực phẩm đóng hộp
Ngoài cách ăn tươi, quả đu đủ còn được chế biến thành các loại nước giải khát như sinh tố đu đủ, nước giải khát có gas từ đu đủ, kem đu đủ, mứt đu đủ…

Sinh tố đu đủ

Cooktail yến sào-đu đủ
Kem đu đủ

Chè thưng đu đủ


5.2-Các bộ phận của cây đu đủ dùng làm thuốc
+Theo Đông y
Đu đủ có tên vị thuốc là mộc qua, có tính hàn, vị ngọt, mùi hơi hắc. Tác dụng của quả đu đủ chín là thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc, tiêu thũng. Quả đu đủ xanh được sử dụng để nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay, chữa các vết tàn hương ở mặt, tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema...
+Theo Tây y
1- Lá đu dủ non có tác dụng tốt cho người bệnh tim.
Lá đu đủ chứa chất alcaloid gọi là carpaine thay thế được chất digitalin trị bệnh tim.
2- Dịch chiết lá đu đủ điều trị bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả.
Theo Yahoo News, Malaysia là một trong những nước trồng nhiều đu đủ trên thế giới, việc dùng thân, lá và quả đu đủ làm rau là phổ biến, trong đó có nhiều bài thuốc dân gian trị bệnh từ cây đu đủ.
Từ năm 2002 bệnh sốt xuất huyết thường và bệnh số xuất huyết Dengue hoành hành mạnh ở Malaysia, mỗi năm có trên 20.000 người bị nhiểm bệnh. Trong điều trị bệnh sốt xuất huyết của Tây y theo cách truyền thống là truyền nước và truyền máu kết hợp với điều trị hỗ trợ và quản lý nhiễm trùng ở bệnh nhân và điều trị theo cách này thường không có hiệu quả cao.
Từ kinh nghiệm dân gian Malaysia dùng lá đu đủ để chửa nhiều bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế nước này đặc biệt chú ý tới việc dùng lá đu đủ để chửa bệnh sốt xuất huyết.
Qua nhiều năm nghiên cứu về lá đu đủ để chửa bệnh, Tiến sĩ Soobitha Subenthran và một nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu y tế tại Kuala Lumpur (Malaysia) phát hiện ra rằng trong lá đu đủ không có độc tố, an toàn cho người ăn rau từ lá đu đủ và nước ép từ lá đu đủ có tác dụng hổ trợ việc điều trị bệnh sốt xuất huyết thường và sốt xuất Dengue.
Tại Bệnh viện Tengku Ampuan Rahimah ở Klang (Malaysia) đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 228 bệnh nhân bị sốt xuất huyết thường và sốt xuất huyết Dengue. Một nửa số bệnh nhân được sử dụng 50 gam nước đu đủ tươi (bằng cách uống) trong ba ngày liên tiếp và số bệnh nhân còn lại được điều trị tiêu chuẩn. Trong khi điều trị bệnh sốt xuất huyết đội ngũ nghiên cứu đã tiến hành xét nghiêm máu của bệnh nhân trong hai ngày. Họ nhận thấy rằng các tiểu cầu trong máu của bệnh nhân đã nhận được nước ép từ lá đu đủ đã tăng lên đáng kể.
Tiến sĩ Soobitha Subenthran kết luận rằng :
Tiểu cầu trong máu bệnh nhân tăng lên đáng kể nhờ nước lá đu đủ.
nước lá đu đủ điều trị  bệnh sốt xuất huyết là an toàn và không gây ra sự gia tăng nhanh chóng số lượng tiểu cầu”.
Bước đột phá trong nghiên cứu của ngành Y tế Malaysia vô cùng quan trọng bởi vì trước đó để tìm cách điều trị cho bệnh sốt xuất huyết phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm cả việc phải đối phó với các đột biến của virus. 
Kết quả của họ đã được công bố vào tháng 3/2013 trên một tạp chí y khoa ở Ai Cập.
Nguồn: namthaoduoc.com
5.3-Các công dụng khác của cây đu đủ
a- Trồng cây đu đủ để thu hoạch nhựa xuất khẩu
Như ta đã biết trong các bộ phận còn non của cây đu đủ như thân, lá, hoa và quả có chứa khoảng 4% chất nhựa latex màu trắng đục là hỗn hợp của nhiều proteaza (loại men tiêu hóa chất đạm), trong đó chất chủ yếu là papain. Một cây đu đủ trong một năm cho khoảng 100g nhựa (lấy từ quả khi còn non trên cây). Ngoài ra còn có chymopapain và papaya protenaza.
Các emzym proteaza trong cây đu đủ đặc biệt là chất papain là loại enzym sinh học tự nhiên rất quan trọng trong ngành chế biến thực phẩm từ đạm động vật và thực vật. Từ nhựa cây đu đủ được dùng để chiết xuất enzym papain để dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm, dùng làm thực phẩm chức năng, dùng trong mỹ phẩm và thuốc tân dược.
Cây đu đủ là lợi thế của các nước nhiệt đới nhưng quả đu đủ không thể cung cấp kịp thời cho toàn thế giới nên nhựa đu đủ trở thành nguồn nguyên liệu quý giá ở các nước phát triển vùng ôn đới như Bắc Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Ngoài việc xuất khẩu quả đu đủ để ăn tươi, xuất khẩu nhựa đu đủ đang là thị trường béo bở dành cho các nước trồng được cây đu đủ. Nhựa đu đủ được khai thác từ quả đu đủ còn non, được thực hiện ở nhiều nước Nam Mỹ và Ấn Độ.
Ở tỉnh Đăk Lăk của Việt Nam, Công ty BPI.SA (Vương quốc Bỉ) đã hợp đồng với 27 hộ nông dân người dân tộc Ê Đê trồng trên 20 ha đu đủ ở buôn Krông Bkhông để khai thác nhựa đu đủ.
Giống đu đủ được trồng để lấy nhựa là giống đu đủ Solo (lai giữa đu đủ Châu Phi và giống đu đủ Thái Lan). Một đời cây đu đủ giống Solo trong điều kiện chăm sóc tốt có thể cho 1-1,5 kg mủ khô. Công ty sẵn sàng mua với giá 6 USD/kg mủ khô (sau khi đã trừ các loại chi phí cho dân không thu lại).
Các hộ thực hiện hợp đồng trong dự án khai thác nhựa đu đủ của Công ty BPI.SA được Công ty cấp cây giống, mỗi cây đã trồng được cấp 3 kg phân chuồng, 50 gram NPK cho mỗi cây. Sau 3 tháng sẽ được cấp trở lại như vậy. Ngoài ra, cứ 5.000 cây thì được cấp 450.000 đồng tiền tưới mỗi tháng.
Nếu trồng xen giữa lô cà phê rộng 1 ha (1.000 cây) có thể cho 1.000-1.500 kg mủ khô, bán được trên 80 triệu đồng. Nếu trồng thuần đu đủ, mỗi ha (2.200 cây) sẽ cho thu hoạch trên 160 triệu đồng/năm. Hiện nay, BPI đã xây dựng nhà máy chế biến mủ đu đủ ngay tại địa phương. Họ sẵn sàng mua với số lượng không hạn chế.
Ma Nghé, người đang ký hợp đồng trồng 600 cây đu đủ với Ban quản lý dự án phát triển cây đu đủ của công ty BPI tại Đăk Lăk, cho biết:
“ Hai năm nay, cây cà phê mất giá, không biết lấy đâu ra tiền đầu tư tiếp cho vườn cà phê, may mà có được dự án này. Năm ngoái gia đình hợp đồng trồng 200 cây. Năm đầu thiếu kinh nghiệm nhưng cũng thu được hơn 3 triệu đồng. Ngoài ra, còn thu hoạch được rất nhiều quả (sau khi đã khai thác mủ) để chăn nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 5 con, thu được trên 4 triệu đồng. Vì thế mới có tiền mua gạo ăn và duy trì được vườn cà phê. Năm nay, Ma Nghé hợp đồng trồng thêm 600 cây. Đến giờ, đu đủ đã được 3 tháng tuổi, nhiều cây bắt đầu ra hoa. Ma Nghé nói, đu đủ được trồng là giống nước ngoài, cây nào cũng lùn, thân mới cách mặt đất ba bốn chục phân đã cho quả đến tận ngọn. Quả dài, không tròn như đu đủ ta, quả rất ít hạt. Vì thế một hạt giống đu đủ phải mua đến 1.000 đồng.
Công việc của người khai thác mủ là dậy từ 4-5 giờ sáng, dùng dao rạch theo chiều dài quả sâu khoảng 2 mm, mỗi quả rạch 4 đường, mỗi đường sẽ cho 30 giọt mủ nước. Nếu không rạch sớm, khi nắng lên, mủ sẽ nhanh chóng bị đông lại. Thông thường sau khi rạch khoảng 5 phút, mủ sẽ không chảy nữa, vì vậy vào đợt khai thác cần rất nhiều người mới lấy kịp. Mỗi quả cho khai thác 4 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày. Sau đó quả sẽ không còn mủ và chín rất nhanh. Quả chín ăn vẫn ngọt nhưng sức đâu mà ăn cho xuể, dùng để nuôi cá, nuôi lợn rất tốt.”
Theo Ma Nghé thì bón phân cho đu đủ, cây cà phê được hưởng lây, đỡ được một phần đầu tư.
Bây giờ, ở buôn Krông A, Krông B, đồng bào luôn nói về việc trồng đu đủ lấy mủ. Bà con đang rất hy vọng vào sản phẩm mới mẻ này để vượt qua khó khăn trong khi cà phê rớt giá. Trong tương lai, mủ đu đủ cũng có thể đem lại cho họ sự đổi đời như đã có trong "thời cà phê" hay "thời hồ tiêu".
Đây là tin vui cho cây đu đủ Việt Nam, là cây cao su thu hoạch liền hay vàng trắng của Tây nguyên!
Nguồn: Việt Báo (Theo VnExpress.net).
b- Thân cây đu đủ dùng làm sợi thừng, ván ép
Ở Ấn Độ thân cây đu đủ già sau khi đốn bỏ được đập dập, ngâm nước cho mụt rủ chất mềm (như ngây dây đay), phần xơ được dùng để đan dây thừng, làm nền cho ván ép, thảm sàn nhà…

6-Một số bài thuốc nam từ cây đu đủ

1- Chữa ho, viêm họng: Hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, củ mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào một bát nhỏ, thêm ít muối, hấp chín rồi nghiền nát. Ngày ngậm 2 - 3 lần, nuốt nước dần dần. (Theo AloBacsi.vn).
2- Chữa ho kèm theo mất tiếng: Hoa đu đủ đực 15g, lá hẹ 15g, hạt chanh 10g. Tất cả để tươi, nghiền nát rồi hòa với 20 ml nước, thêm ít mật ong hoặc đường cát trộn đều, uống làm 3 lần trong ngày. Dùng trong 3 - 5 ngày. (Theo AloBacsi.vn).
3- Chữa ho gà: Hoa đu đủ đực 20g, sao vàng; vỏ quýt lâu năm 20g; vỏ rễ dâu 20g, tẩm mật sao; bách bộ 12g; phèn phi 12g. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn, ngày uống 3 lần: trẻ em 1-5 tuổi, mỗi lần 1-4g; 6-10 tuổi, mỗi lần 5 - 8g. (Theo AloBacsi.vn).
4- Chữa bệnh ho, viêm cuống phổi, khàn tiếng hoặc mất tiếng ở trẻ em: hái 5 - 10 hoa đực, đem sao vàng, cho đường phèn hấp hoặc chưng khi nồi cơm cạn nước, cho trẻ uống trong ngày. (Theo AloBacsi.vn).
5- Chữa đái rắt, đái buốt, đau niệu đạo, nước tiểu ít và đỏ: Hoa đu đủ đực (hoặc quả của cây đu đủ đực lưỡng tính) 40g, lá bạc thau 50g, đậu đen 40g, phác tiêu 4g. Sắc lấy nước đặc, chia 3 lần uống vào lúc đói bụng. (Theo AloBacsi.vn).
6- Chữa tưa lưỡi ở trẻ: Lấy quả đu đủ đực thái nhỏ phơi khô, tán bột mịn, cùng với gốc cây mây (lấy chỗ mọc khô ráo), rồi đốt thành than, tán bột. Trộn hai loại bột này với nhau với tỷ lệ 3 phần bột quả đu đủ đực, 1 phần bột gốc mây. Sau đó lấy tăm bông chấm thuốc bôi hàng ngày đánh trên lưỡi trẻ bị tưa. (Theo AloBacsi.vn).
7- Chữa gai cột sống: Hạt đu đủ đem xát cho sạch phần nhớt bao quanh, giã nát trong túi vải rồi đắp lên vùng đau. Mỗi lần chỉ đắp tối đa 30 phút và theo dõi để tránh bị bỏng. Ngày làm một lần, liên tục trong 20 - 30 ngày. (Theo AloBacsi.vn).
8- Trị giun kim: ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói liên tục 3-5 hôm. (Theo AloBacsi.vn).
9- Tỳ vị hư nhược (ăn không tiêu, táo bón): đu đủ 30g, khoai mài (hoài sơn) 15g, sơn tra 6g, nấu cháo. (Theo AloBacsi.vn).
10- Chữa ít ngủ, hay hồi hộp: đu đủ chín 100g, chuối 100g, củ cà rốt 100g. Xay trong nước dừa non nạo. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày. (Theo AloBacsi.vn).
11- Chữa viêm dạ dày mãn tính: đu đủ 30g, táo tây 30g, mía 30g sắc uống. (Theo AloBacsi.vn).
12- Chữa đau đầu: lấy lá đu đủ tươi giã nát, gói vào miếng gạc, đắp thái dương. (Theo AloBacsi.vn).
13- Chữa đau lưng mỏi gối: đu đủ 30g, ngưu tất 15g, kỷ tử 10g, cam thảo 3g sắc uống. (Theo AloBacsi.vn).
14- Tạo sữa cho bà mẹ nuôi con bú: Đu đủ xanh hầm với mọi loại thịt động vật đều làm cho thịt mềm. Ở Việt Nam, bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thường ăn chân giò hầm với đu đủ xanh để có nhiều sữa. (Theo AloBacsi.vn).
15- Phép dưỡng sinh theo mùa: vào dịp xuân hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu đông, ăn đu đủ có tác dụng nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khỏe. (Theo AloBacsi.vn).
16- Phép dưỡng sinh chống lão suy: đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, da mai mái, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính.
Cách dùng: đu đủ chín 200g, chuối xiêm 300g, 2 thứ trên xay trong nước dừa non uống hàng ngày. Nếu có mật ong, sữa ong chúa cho vào càng tốt. Nên dùng nóng, tránh dùng lạnh và không cho đá vì bản thân đu đủ có tính hàn. (Theo AloBacsi.vn).
17- Nhuận da, dưỡng nhan sắc, chống lão hóa: đu đủ chín 1 quả 0,5kg, sữa tươi 4 ly, hạt sen 20g (bỏ tim) ngâm mềm cho nở, nếu loại tươi phải bóc vỏ, táo tàu đỏ 2 quả bỏ hột, đường phèn vừa đủ. Cho tất cả vào bát to chưng cách thủy độ 2 giờ cho đến khi hạt sen mềm là được. Ăn nóng. (Theo AloBacsi.vn).
18- Dùng làm mỹ phẩm (dùng ngoài): ở nước ngoài, người ta dùng đu đủ chín bỏ vỏ, hạt, nghiền mịn làm mặt nạ lột da mặt, giúp khỏi mụn trứng cá (theo Paul Neinast - Dallas).
19- Trị tàn nhang, vết chay: Đu đủ xanh nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay để chữa các vết tàn nhang ở mặt, tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema…(Theo kinh nghiệm dân gian Nam Bộ).
20- Chữa di, mộng, hoạt tinh: Quả Đu đủ bằng bắp tay, khoét cuống; cho 2 cục đường phèn vào, lắp cuống, gạt lửa than nướng chín, đem ra bóc vỏ da xanh bên ngoài, ăn lớp thịt bên trong, kể cả hạt. Chỉ cần ăn 1-2 quả là thấy kết quả (Theo Kinh nghiệm dân gian ở An Giang).
21- Hổ trợ chữa ung thư phổi, ung thư vú: Hái lá lẫn cuống Đu đủ để tươi, cho vào nồi, thêm nước nấu sôi, để nguội, chiết nước đặc uống, cũng có thể nấu thành nước cô lại. Uống 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 1 chén to (300 ml). Ngoài ra uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng. Có thể kết hợp với chiếu tia X quang và uống bột củ Tam thất thì hiệu quả càng nhanh. Tuy nước lá Đu đủ đắng, nhưng cần uống liên tục 15-20 ngày mới có kết quả. (Theo Đại học Huế).

7-Tình hình trồng cây đu đủ trên thế giới

Đu đủ là loại cây ăn quả nhiệt đới dể trồng, có năng suất cao và phẩm chất quả ngon nên được nhiều nước khai thác để cung cấp quả tươi và làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm trái cây công nghiệp.
Trong đầu thập niên 2010s sản lượng đu đủ toàn cầu đã đạt 11,22 triệu tấn, chiếm khoảng 15,36 % của tổng sản lượng quả nhiệt đới, so với xoài 38,6 triệu tấn (52,86%), dứ 19,41 triệu tấn (26,58%).
Sản xuất đu đủ toàn cầu đã phát triển đáng kể trong vài năm qua, chủ yếu là kết quả của việc tăng sản xuất ở Ấn Độ. Đu đủ đã trở thành một nông sản xuất khẩu quan trọng cho các nước đang phát triển, nơi mà doanh thu xuất khẩu của trái cây cung cấp sinh kế cho hàng triệu người, đặc biệt là ở Châu Á và Châu Mỹ La Tin. Xuất khẩu đu đủ góp phần cung cấp ngày càng tăng của các sản phẩm thực phẩm lành mạnh trên thị trường quốc tế. 
Ba nước xuất khẩu hàng đầu chiếm 63,28 % của tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của đu đủ giữa năm 2007 và 2009, với hơn một nửa sản phẩm của đu đủ xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Sản xuất đu đủ toàn cầu đang tập trung cao độ, với mười quốc gia hàng đầu chiếm trung bình 86,32% của tổng sản lượng trong giai đoạn 2008-2010. Ấn Độ là nhà sản xuất đu đủ hàng đầu thế giới, với thị phần 38,61% đu đủ xuất khẩu trong giai đoạn 2008-2010, tiếp theo là Brazil (17,5%) và Indonesia (6,89%). Các nước sản xuất đu đủ quan trọng khác trên thế giới và có sản phẩm xuất khẩu cho toàn cầu bao gồm Nigeria (6,79%), Mexico (6,18%), Ethiopia (2,34%), Cộng hòa Dân chủ Congo (2,12%), Colombia (2,08%), Thái Lan (1,95% ), và Guatemala (1,85%).
Hiện nay đu đủ là loại cây ăn quả có thế mạnh ở các nước nhiệt đới, sản phẩm của nó không những chỉ được tiêu thụ ở các vùng nhiệt đới mà có xu hướng ngày càng được tiêu thụ mạnh mẽ ở các nước ôn đới.
Mỹ là nước nhập khẩu đu đủ lớn nhất thế giới, người dân Mỹ rất thích ăn đu đủ vì loại quả này có phần tỷ lệ thịt quả cao nhất, hương vị thơm ngon và dể dàng thao tác khi ăn.
Ở Mỹ đu đủ là loại cây ăn quả thế mạnh ở bang Hawaii và cũng được trồng hạn chế ở bang Florida. Nói chung nhiều nước nhiệt đới đang ngắm tới thị trường xuất khẩu đu đủ sang Mỹ.
Để chống lại vi rút gây bệnh đốm vòng đu đủ (PRV) bùng phát ở Hawaii, đu đủ biến đổi gen đã được tạo ra và đưa ra thị trường bao gồm hai giống chuyển gen là 'SunUp' (Mặt trời lên) và 'Rainbow'' (Cầu vồng) có khả năng kháng virus PRVs. Từ thành công này đến  năm 2010, 80% diện tích trồng đu đủ ở Hawaii là các giống được biến đổi gen. 
Đu đủ là loài cây ăn quả được chuyển gen thành công đầu tiên trên thế giới để chống bệnh do virus và là loài cây ăn quả nhiệt đới đầu tiên được xác định sơ đồ gen.
Năm 2011 các nhà nghiên cứu Philippines đã báo cáo rằng họ đã lai tạo được giống đu đủ mới từ loài đu đủ thường (Carica papaya) với loài đu đủ Nam Mỹ (Vasconcellea quercifolia - tên đồng nghĩa Papaya quercifolia (A. St.-Hil.) Kuntze)). Loài đu đủ mới này kháng được bệnh do virus PRV nhưng không qua biến đổi gen. Đây là loài có thể xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ôn đới ở Châu Âu mà họ không ưu thích sản phẩm thực vật biến đổi gen.
Bằng nhiều phương pháp nhân giống hiện đại như cấy mô, lai tạo, sản xuất giống ưu thế lai F1 đã tạo ra nhiều giống đu đủ có năng suất cao, màu sắc thịt quả đa dạng, mùi vị và chất lượng quả phong phú thay thế cho hai nhóm giống truyền thống trước đây là giống đu đủ thịt đỏ và giống đu đủ thịt vàng.

Bản đồ các vùng trồng đu đủ trên thế giới (màu xanh)

8-Các giống đu đủ trồng ở Việt nam

Ở Việt nam ngoài ba giống đu đủ địa phương truyền thống là đu đủ thịt đỏ, đu đủ thịt vàng và đu đủ thịt vàng cam còn nhiều giống đu đủ được nhập nội từ nước ngoài như từ Viện Cây ăn quả nhiệt đới Á Châu (ở Đài Loan), Đài Loan, Thái Lan và Nam Mỹ.
Các giống đu đủ chủ lực ở Việt nam hiện nay gồm có:
+Các giống đu đủ nội địa:
1- Giống đu đủ thịt đỏ nội địa: Thịt quả màu đỏ, dày, giòn, thơm ngon, nhưng ít ngọt, trồng nhiều ở đất giồng đồng bằng sông Cửu Long, giáp biên giới Campuchia.
Đu đủ thịt  đỏ gồm nhiều hoa lưỡng tính đậu quả và như vậy cây nào cũng có quả. Quả hình bầu dục, đầu nhọn, màu xanh, hơi vàng khi quả chín.
2- Giống đu đủ thịt vàng nội địa: Cũng tìm thấy ở đất giồng, giống này có nhiều cây đực hơn, quả nhiều hơn, tròn hơn nhưng ngắn hơn và có màu vàng khi quả chín. Hột cũng nhiều hơn, ruột mỏng hơn và mềm nhũn, ăn hơi hôi.
3- Giống đu đủ thịt vàng cam nội địa: Có thịt quả màu vàng cam, quả hình bầu dục và ngọt nhưng ít thơm hơn đu đủ thịt đỏ.
Nói chung các giống đu đủ nội địa được trồng rải rác trong hộ nông dân, được trồng theo kiểu tự cấp, tự túc trong gia đình. Ưu điểm của các giống đu đủ nội địa là dể gieo ươn từ hạt, hạt có thể tự mọc rồi được bứng đem trồng. Các giống đu đủ nội địa không thích nghi thâm canh trên diện tích lớn.
+Các giống đu đủ nhập nội
Đu đủ có nhiều loại giống nhập nội khác nhau nhưng phổ biến nhất là các giống sau:
1- Giống đu đủ Hong Kong da bông: Cho năng suất cao, trọng lượng quả trung bình từ 2,5-3kg, vỏ dày, chống chịu khá với nhện đỏ và các bệnh do Virus. Thịt quả có màu vàng, hàm lượng đường từ 9-10%.
2- Giống đu đủ Đài Loan tím (F1): Năng suất rất cao, quả nhiều, trọng lượng quả từ 1,2-1,5 kg. Thịt quả có màu đỏ tím, chắc thịt. Hàm lượng đường từ 10-11%. Cây dễ bị nhện đỏ và các bệnh do Virus, nhưng vẫn có khả năng cho trái tốt trong những năm đầu.
3- Giống đu đủ EKSOTIKA: Cho phẩm chất ngon, thịt quả màu đỏ tía, chắc thịt, tươi đẹp, hàm lượng đường 13-14%, trọng lượng quả 0,5-1kg.
4- Giống đu đủ Solo: Có đặc điểm gần giống như EKSOTIKA nhưng thịt trái chắc hơn, thơm ngon hơn, hàm lượng đường 15-17%, trọng lượng trái  300-500g. Nguồn gốc xứ từ Barbade ở Nam Mỹ nhưng được tuyển chọn ở Hawaii lâu ngày là giống duy nhất được thương mại hóa ở thị trường quốc tế. Các quả đu đủ Solo đều phát sinh từ hoa lưỡng tính tự thụ phấn lấy, cỡ quả đều đặn, to vừa phải, hình quả lê tây và mùi vị được ưa chuộng.
Đu đủ Solo đã được phổ biến nhiều ở Phi Châu. Trước đây có đem trồng ở Việt Nam. Ở Việt Nam, đu đủ Solo có ruột màu cam.
Hiện ở Hawaii còn có giống Solo cải thiện gọi là giống “Solo trời mọc” (Sunrise Solo), có ruột màu hồng lợt, nên du nhập trồng thử ở Việt Nam.
5- Giống Đu đủ Hồng Phi 786 (Red Lady 786): Cây phát triển rất khỏe, cây có quả sớm, cây có quả đầu tiên lúc cây cao khoảng 80cm. Tỷ lệ đậu quả cao, một mùa 1 cây có thể đậu 30 quả trở lên, sản lượng rất cao. Quả lớn, trọng lượng quả từ 1,5-2Kg (có thể đạt 3kg/quả). Cây cái ra quả hình bầu dục, cây lưỡng tính cho quả dài. Da nhẵn bóng, thịt dày màu đỏ tươi, hàm lượng đường 13-14%, dễ vận chuyển.
Giống đu đủ này thích nghi để thâm canh với diện tích lớn, quả có giá trị xuất khẩu.
+Các giống đu đủ mới được lai tạo ở Việt Nam
Với mục tiêu nhanh chóng tuyển chọn, lai tạo được một số giống đu đủ mới có những ưu điểm vượt trội so với giống nhập nội như: khả năng kháng bệnh tốt hơn, năng suất, chất lượng tương đương hoặc cao hơn, sản xuất hạt giống lai F1 với giá thành thấp hơn để cung cấp cho nông dân nhằm mở rộng diện tích, từ năm 2005 đến nay các nhà khoa học Bộ môn Di truyền và chọn tạo giống thuộc Khoa Nông học, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và trồng thử nghiệm thành công 2 giống đu đủ mới đáp ứng những tiêu chí nói trên đặt tên là VNĐĐ9 và VNĐĐ10. 
-Giống VNĐĐ9 là kết quả của tổ hợp lai giữa giống đu đủ Đài Loan quả dài với giống đu đủ bản địa được thu thập từ tỉnh Sóc Trăng.
Giống VNĐĐ9 có dạng quả tròn, khối lượng bình quân 1,34kg/quả, thịt quả đỏ đậm.
-Giống VNĐĐ10 được lai giữa giống đu đủ Trung Quốc quả dài với giống đu đủ bản địa của tỉnh Quảng Ninh.
Giống VNĐĐ10 có dạng quả dài, khối lượng bình quân đạt 1,75kg/quả, thịt màu vàng tươi.
Đây là 2 giống tốt nhất trong số các tổ hợp lai triển vọng được đưa vào trồng thử nghiệm sản xuất từ tháng 11/2009 đến nay tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỏ ra thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu những nơi làm thí nghiệm.
Cả 2 giống mới được chọn tạo có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống đu đủ Hồng Phi, một giống nhập nội của Đài Loan hiện đang được trồng nhiều ở nước ta làm đối chứng: chất lượng tương đương (độ Brix từ 11,36-12,41, ăn có vị ngọt đậm); thấp cây, chiều cao đóng quả thấp thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch.
Thời gian cho thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng, 15 ngày cho thu quả một đợt, năng suất tương đương hoặc cao hơn, 81,6 tấn/ha (VNĐĐ9), 115 tấn/ha (VNĐĐ10) so với Hồng Phi 73,6 tấn/ha.
Cả 2 giống đều cho tỷ lệ cây cái và cây hữu tính rất cao, gần như 100%; nhiễm rất nhẹ với virus đốm nhẫn lá, không nhiễm với virus khảm lá, thối cổ rễ, cháy lá do vi khuẩn và nhện trong khi giống Hồng Phi bị nhiễm rất nặng các bệnh này.
KS. Nguyễn Thị Bích Hồng cùng nhóm nghiên cứu cho hay, năm 2010 anh Tiến ở xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ tham gia trồng 9 sào đu đủ mô hình hiện đã thu được trên 40 triệu đồng, bán với giá từ 5.000 đến 8.000 đồng/kg, giống dễ trồng, đầu tư ít mà thu lợi nhuận cao, hiện nông dân Thanh Sơn rất ưa chuộng và mong muốn có giống để mở rộng diện tích.
Điều đặc biệt khiến các thành viên hội đồng nhất trí đánh giá cao kết quả của đề tài là các tác giả đã tiến hành sản xuất thử hạt giống lai F1 với chất lượng cao, giá thành hạ nhiều so với giống nhập nội của Đài Loan (2,66 triệu đồng/khoảng 40 triệu đồng 1kg hạt giống), được coi là cơ sở thuận lợi để nước ta tiến tới chủ động sản xuất hạt giống thay thế cho giống nhập ngoại tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng diện tích, tăng thêm thu nhập.
+Các vấn đề phát sinh về giống đu đủ trồng ở Việt Nam hiện nay
Việt nam đã nhập nhiều giống đu đủ thuần và giống đu đủ lai F1 có thịt quả đỏ, vàng, vàng cam và tím từ Thái Lan, Đài Loan và Viện Cây ăn quả Á Châu (ở Đài Loan). Các giống đu đủ này có năng suất cao, phẩm chất quả ngon, thích hợp cho trồng thâm canh để xuất khẩu. Tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao từ gieo hạt đến chăm sóc và thu hoạch, bảo quản.
Vì có một di sản gen phức tạp, nên khó mà giữ cho đồng nhất một giống đu đủ có đầy đủ các đặc tính của giống nguyên sinh. Nếu để đu đủ thụ phấn tự do sẽ không lựa chọn được các cây đu đủ có loại hoa và loại trái nguyên dạng.
Việt thụ phấn chéo giữa các giống đu đủ cũng tạo ra nhiều giống mới phong phú mà nông dân có thể tự để hạt giống lại được. Tuy nhiên nếu trồng thâm canh với quy mô lớn cần phải trồng các giống lai F1 để có độ đồng đều về các giai đoạn phát triển của cây, kích thước và phẩm chất quả. Khi trồng các giống thuần cần có có phương pháp kiểm soát thụ phấn bằng tay để có thể duy trì lâu năm giống đu đủ gần đúng nguồn gốc ban đầu.

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Xem Video: Kỹ thuật trồng cây đu đủ


-
Xem Video: Công dụng của quả đu đủ



-