Cây cóc


CÂY CÓC

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 21/2/2014

Cây cóc


Quả cóc chín
-Tên gọi khác: Cây cóc Miền nam, cây cóc thường.
-Tên tiếng Anh: Otaheite apple, Tahitian quince, Polynesian plum, Jew plum, Ambarellam, Ambarella blossoms, Dwarf Golden Plum.
-Tên tiếng Pháp: Pomme cythere, Pommier de Cythère.
-Tên khoa học: Spondias dulcis L.
-Tên đồng nghĩa: Spondias dulcis Forst, Spondias cytherea Sonn.
-Các loài tương cận:
-Cóc Thái (Spondias lutea L./Spondias mombin L.).
-Cóc chua Ấn  Độ hay Cóc rừng (Spondias pinnata).

Phân loại khoa học:


Giới (regnum):
Thực vật (Plantae)
Ngành (Division):
Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (Class):
Hai lá mầm thực sự (Eudicots)
Phân lớp (Subclass):
Phân lớp Hoa hồng (tạm) (Rosids)
Bộ (ordo):
Bồ hòn (Sapindales)
Họ (familia):
Xoài/Đào lộn hột (Anacardiaceae)
Chi (genus):
Cóc (Spondias)
Loài (species):
Spondias dulcis

Theo Hệ thống phân loại APG III (2009), Họ Xoài/Đào lộn hột (Anacardiaceae) chứa khoảng 70 chi với khoảng 600 loài. Đôi khi Họ Xoài được chia thành hai phân họ là Phân họ Xoài (Spondoideae hay Spondiadaceae) với khoảng 10 chi và 115 loài   Phân họ Đào lộn hột (Anacardioideae) với khoảng 60 chi và 485 loài.
Chi Cóc (Spondias) thuộc Phân họ Xoài (Spondoideae). Chi này gồm 17 loài được mô tả, trong số đó có 10 loài tìm thấy ở vùng nhiệt đới Châu Á và 7 loài tìm thấy  ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ.
Trong số 17 loài cây Cóc được tìm thấy, có 10 loài có lá và quả ăn được, được thuần hóa để trồng ở vùng nhiệt đới Châu Á và Nam Mỹ. Trong đó có các loài quan trọng là:
1-Cóc thường hay Cóc trồng Việt Nam (Spondias dulcis L.).
2-Cóc Thái (Spondias lutea L. = Spondias mombin L.).
3-Cóc chua Ấn  Độ hay Cóc rừng (Spondias pinnata).
Cả ba loài này có giá trị dinh dưỡng và dược liệu gần giống như nhau.

Phân bố

-Về nguồn gốc phát sinh:
Có 3 giả thuyết:
1-Giả thuyết thứ nhất cho là Chi Cóc có hai nguồn gốc Phát sinh:
Nguồn gốc phát sinh thứ nhất ở Đông Nam Á và nguồn gốc thứ hai ở Nam Mỹ.
Giả thuyết này ít được chấp nhận vì các loài cùng 1 Chi không thể có hai nguồn gốc phát sinh ở hai vùng địa lý rất xa nhau.
2-Giả thuyết thứ hai cho là Chi Cóc phát sinh từ Nam Á, sau đó di chuyển sang vùng Đông Nam Á rồi đến các đảo Thái Bình Dương và cuối cùng đến Nam Mỹ.
3-Giả thuyết thứ ba cho là Chi Cóc có xuất xứ từ vùng Melanesia- Polynesia (Châu Đại dương) và sau đó được du nhập để trồng tại các vùng nhiệt đới của cả Cựu lẫn Tân Thế giới.
Giả thuyết thứ 3 được nhiều người công nhận hơn do có những bằng chứng về con đường du nhập của các loài trong Chi này.
Theo giả thuyết cuối cùng cho biết:
-Tại các đảo Thái Bình Dương vẩn có các loài hoang dại không có quả ăn được vẩn tồn tại nên không thể là những loài được du nhập từ nới khác đến.
-Cây khá phổ biến tại Mã Lai (cây trồng trong vườn), Ấn độ, Tích Lan.. Quả cóc được bán khắp các chợ Việt Nam từ trước thời Pháp thuộc. Ở các nước này không rõ các loài cây Có được du nhập từ lúc nào.
-Ở Nam Mỹ cây cóc thường (S. dulcis) xuất xứ từ Melanesia di chuyển qua Polynesia (Ở Thái Bình Dương) được đưa đến Jamaica vào năm 1782, và 10 năm sau Thuyền trưởng Bligh đã đưa thêm vào đây một giống cây Cóc khác, gốc từ Hawaii. Cây cóc thường cũng được trồng tại Cuba, Haiti, Cộng hòa Dominican, nhiều nước Trung Mỹ, Venezuela.
-Ở Hoa Kỳ: Bộ Canh nông Hoa Kỳ đã nhập hạt giống Cóc từ Liberia vào năm 1909 (tuy nhiên, theo Wester thì cóc đã được trồng tại Miami (Florida) từ 4 năm trước đó). Năm 1911, một số hạt giống khác đã được gửi từ Queensland (Úc) sang Washington. Hiện nay cây cóc đang được trồng và phát triển tại Florida.
-Cây cóc thường (S. dulcis)  được nhập vào Philippines từ 1915, sau đó dược giới thiệu trồng tại Queensland (Úc).
-Cây Có Thái (Spondias lutea L. = Spondias mombin L.) do dược thuần hóa, chọn lọc, theo hướng thâm canh nên có quả to, năng suất cao, chất lượng tốt nên trong vài thập kỷ trở lại đây được giới thiệu trồng làm cây cảnh và cây ăn quả trên vùng nhiệt đới khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
-Ở Florida (Hoa Kỳ) có trồng cả cây cóc Miền Nam Việt nam (S. dulcis) và cây có Thái (Spondias mombin) nên các kiều bào Đông Nam Á sống ở Mỹ hiện nay vẩn thưởng thức được quả cóc Á Châu.
Nguồn: Theo các tài liệu:
-Medicinal Plants of india (SK Jain & Robert DeFilipps).
-Whole Foods Companion (Dianne Onstad).
-A Connoisseur's Guide and Cookbook (Alan Davidson).
-Fruits of Warm Climates (Julia Morton).

Mô tả

-Thân: Cây cóc thuộc loại cây thân mộc cở lớn, mọc nhanh, cao 8-18 m, trung bình 9-12 m, phân nhánh nhiều, cành dòn dễ gẫy.
-Lá: Lá kép, lẻ, to, dài 20-60 cm, mọc ở ngọn nhánh; lá mang 7-12 đôi lá chét dài 6.25-10 cm, hình thuôn tròn; mép lá có răng cưa. Vào đầu mua khô, lá cây chuyển đổi sang màu vàng tươi, rụng.
-Hoa:Hoa mọc thành chùy to, có thể dài đến 30 cm, chùy mang ít hoa thường thòng xuống. Hoa nhỏ, màu trắng, có 10 nhị.
-Quả: Quả thuộc loại quả hạch, hình trứng hay hình bầu dục, dài 6-8 cm, rộng 4-5 cm, da ngoài vàng-cam; thịt màu vàng-xanh nhạt, dòn, vị chua; Quả mọc thành chùm từ 2-12 quả , thòng xuống.
-Hạt: Hạt khá lớn hình bầu dục có nhiều gai dạng sợi dính chặt với thịt, có 5,6 ô cách nhau không đều. 
Lưu ý! Ở Việt Nam còn có một loài cây có quả giống như quả cóc và được đặt tên là cây Cóc như cây “Cóc đỏ” Phan Rang, hay cây “Cóc đỏ” Phú Quốc, hay cây “Cóc độc chiêu” trong vường Cây cảnh của gia đình ông Ngô Đình Cẩn là loài cây rừng ngập mặn được báo động trong sách Đỏ Việt Nam có tên khoa học là Lumnitzera littorea (Jack) Voigt. 1845 hay Lunmitzela coccinea Wight et Arn. 1845 hay Pyrrhanthus littorens Jack, 1822. Thuộc Họ: Bàng (Combretaceae), Bộ: Sim (Myrtales).
Loài cây này không có liên quan gì đến cây cóc trồng (Spondias dulcis L. ) ở Nam Bộ.

Thành phần hóa học

+Giá trị dinh dưỡng của quả cóc chín:
-Theo tài liệu ở Việt Nam:
Qua phân tích, các nhà khoa học đã chứng minh được thành phần thịt trái cóc như sau: glucid 8% -10,5%; protein 0,5% - 0,8%; lipid 0,3% - 1,8%; cellulose 0,9% - 3,6%; tro 0,4% - 0,7%; acid 0,4% - 0,8%.
Trong 100 g thịt của trái cóc chứa tới 42 mg acid ascorbic, ngoài ra còn có nhiều chất sắt (Fe).
(Theo Lương y Đinh Công Bảy - Báo Người lao động).
-Theo tài liệu ở Philippines:
Trong 100 gram phần ăn được của quả cóc chín chứa :
- Calories 157
- Chất đạm 0.5-08 g
- Chất béo 0.28- 1.79 g
- Chất carbohydrate 1.2-9.5 g
- Chất sơ=fiber : 1.1-8.4g
- Calcium 0.42 g
- Sắt 0.02 g
- Magnesium 0.2 g
- Phosphorus 0.51 g
- Potassium 2 g
- Kẽm 1.9 mg
- Beta-Carotene 16 mg
- Niacin 105 mg
- Riboflavine 1.5 mg
- Vitamin C 42 mg
Nguồn: Số liệu phân tích của PhilippinesHawaii.
+Ngoài thành phần dinh dưỡng trên, một số bộ phận khác còn chứa:
-Các phân chất về thành phần chất nhựa (gôm) màu vàng nhạt trong trái Cóc tại ĐH La Universidad del Zulia (Venezuela) cho thấy hợp chất polysaccharide trong gôm chứa galactose, arabinose, mannose, rhamnose, glucuronic acid và chất chuyển hóa loại 4-O-methyl. (Carbohydrate Research Số 28-2003).
Dịch chiết này có hoạt tính kích thích sự hoạt động của thực bào ở màng ruột nên có tác dụng hạn chế viêm nhiểm đường ruột. (Fitoterapia Số 76, tháng 12/ 2005).
-Hạt cóc chứa nhiều khoáng chất như Calcium, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Sulfur. 
-Pectin trong Vỏ trái Cóc: Nghiên cứu tại ĐH Cameroun, phối hợp với Trung Tâm Nghiên cứu Nantes (Pháp) phân chất vỏ của quả cóc (thường bị vất bỏ) ghi nhận:Vỏ cóc chứa 9-30% pectin, uronic acid (557-727 mg/g trọng lượng khô), đường trung tính 9125-158 mg/g.
Sản lượng pectin cao nhất khi trích bằng dung dịch oxalic acid/ammonium oxalate, đồng thời pectin lấy được có trọng khối cao, độ methyl hóa tốt nên có thể dùng trong công nghiệp thực phẩm. Pectin trích từ vỏ Cóc có thể so sánh với pectin trích từ chanh xanh. Trong vỏ quả cóc chín chứ nhiều Vitamin C hơn cả trong thịt quả.
Về nguyên liệu hóa học, thành phần Viamin C và chất Pectin trong vỏ quả cóc chín có giá trị cao hơn so với giá trị của phần thịt quả nhưng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á vứt bỏ do không biết sử dụng, trong khi đó các nước có ngành dược và công nghệ thực phẩm ở vùng ôn đới phải tìm các nguồn nguyên liệu chiết xuất Vitamin C và pectin khác có hàm lượng thấp hơn và giá thành cao hơn!
Nguồn: (Food Chemistry Số 3, Bộ 106-2008).

Công dụng của cây cóc

a-Lá cóc non được dùng làm rau sống:
Ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia lá và đọt cóc non có vị chua thanh, thơm nên được dùng làm rau ghém.
-Ở Nam Bộ lá và đọt cóc non dược dùng chung với rau tập tàng. Lá cóc non còn được làm rau để nấu canh chua hoặc xắt nhỏ để bóp gỏi.
-Ở Indonesia lá cóc non được ăn kèm với mắm tôm (hayko).
-Ở Malaysia lá cóc non dược dùng chung với rau tập tàng (rujak).
b-Quả cóc được dùng làm rau chua:
Ở Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…quả cóc non còn nhỏ (hạt mềm) được để nguyên hoặc bổ đôi, quả già hơn được gọt vỏ, bổ dọc tách miếng để ăn sống hoặc thái mỏng hay nạo sợi để trộn gỏi chua.
Ngoài ra quả cóc non rụng hoặc cắt tỉa bỏ hoặc quả cóc xanh gọt vỏ, bổ dọc tách miếng còn được dùng để muối dưa ăn rất hấp dẫn như món dưa chua cà pháo, xoài non.


Quả cóc dùng làm rau

Gỏi cóc
c-Quả cóc dùng để ăn chơi:
-Ở Nam Bộ Việt Nam quả cóc xanh hoặc cóc chín gọt vỏ, bổ dọc, tách miếng chấm muối ớt hoặc nước mắm đường hay mắm ruốt là món hảo của trẻ con, của quý bà để ăn chơi trong những buổi trưa hè. Quả cóc chua bổ dọc ngâm nưới muối trong lọ được bày bán bên đường phố gần trường học là món ăn vặt rất bắt mắt với các em nữ sinh.
-Ở Nam Bộ cóc, ổi là món đưa cai bình dân nhất của quý chàng và quý ông khi muốn nhậu lai rai nhưng sợ tốn tiền. Do đó ở nông thôn có các quán “Cóc” để chỉ các quán nhậu rẽ tiền mà thực đơn ưu tiên là “Cóc, ổi”, sau đó đến các món nhậu bình dân khác. Hiện nay ở nông thôn có quán Cóc “Ba cô” là mode mới để thu hút khách hàng là “Hai lúa” vào nồm nượp!
Tương tự ở Việt Nam, các quán “Ba cô” ở nông thôn Malaysia cũng có món “Cốc ổi” được gọi là “kedongdong” và ở Indonesia được gọi là “Rujak-hayko” (cóc ổi-mắm tôm) và ở Singapore được đệ tử Lưu Linh gọi là “balonglong”.
-Tại các đảo quốc Fiji, Samoa và Tonga (Châu Đại Dương) quả cóc chín được sử dụng để làm mứt.
-Tại Jamaica (Nam Mỹ), quả cóc là một món ăn mới lạ, đặc biệt là trẻ em. Quả được bóc vỏ và rắc muối.Vị chua và mặn cung cấp giải trí. Trái cây cũng được làm thành một thức uống ngọt với đường và gia vị với một số gừng.

Món nhậu bình dân
d-Quả cóc chín được dùng để chế nước giải khát, ủ rượu:
Ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á dùng thịt quả có chín xay làm nước giải khát dạng sinh tố trái cây để bán trực tiếp ở các quán giải khát.
Ở Nam Mỹ và Hoa Kỳ có nhiều công ty chế biến nước cóc không gas hoặc có gas rất hấp dẫn người tiêu dùng vì có vị thơm, ngon, lạ và bổ dưỡng.
Ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á dùng quả cóc chín gọt vỏ, ướp dường để lên men rượu tự nhiên, rượu cóc được dùng trong khai vị.
Ở Tây Ấn tại Trinidad và Tobago, các nhà sản xuất thực phẩm đã dùng nước ép từ quả Cóc pha trộn trong một loại yoghurts (từ sữa trâu). Loại ya-ua này được đánh giá về hương vị, khẩu vị khá cao và được xem là một nguồn cung cấp rất tốt về phosphorus và chất đạm.
Nhiều công ty ở Châu Á đã chế biến rượu vang từ quả cóc để bán trên thị trường du lịch.
e-Các bộ phận của cây cóc được dùng làm thuốc:
-Ở Việt nam:
Dân Nam Bộ thường dùng trái cóc còn xanh, gọt vỏ rồi ngâm trong một thứ nước pha mặn, ngọt, sau đó thoa lên một lớp muối ớt đo đỏ trông rất hấp dẫn, bày bán nhiều nơi. Có người lại thích ăn cóc chín vì có thịt mềm, ngọt, nhiều nước, hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, món gỏi cóc xanh với tôm khô, cá khô thì đúng điệu là món nhậu “đặc sản Nam Bộ”.
Trái cóc từ lâu đã được ghi nhận là có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, giải nhiệt, sinh tân dịch, giải khát.
Nhai thật kỹ trái cóc với chút muối rồi nuốt dần còn giúp trị đau hầu họng.
Dân ở một số nơi còn nghiền nhỏ thịt trái cóc để chế món ăn có mùi thơm dễ chịu, tác dụng tiêu thực.
Cha ông ta từ lâu cũng đã sử dụng vỏ cây cóc làm nguyên liệu trong bài thuốc trị tiêu chảy, hiện Đông y vẫn dùng và cho hiệu quả tốt. Đó là lấy vỏ cây cóc  và vỏ cây chiêu liêu nghệ, sắc uống (lấy khoảng 4 miếng vỏ cây của 2 loại, mỗi miếng bằng ngón tay cái, nấu với 750 ml nước còn 250 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày).
(Theo Lương y Đinh Công Bảy - Báo Người lao động).
-Ở nước ngoài:
-Ở Campuchia: Vỏ của cây cóc dùng phối hợp với vỏ cây Chiêu liêu, mỗi thứ 4 mảnh nhỏ, cỡ ngón tay cái, sắc chung trong 2 lít nước, đến còn 0.5 lít, uống để trị tiêu chảy (chia làm 3 lần).
-Ở Ấn Độ, cóc chua Ấn  Độ (Spondias pinnata) được gọi là ambra, jangli am. Vỏ cây dùng trị đau bao tử, kiết lỵ; hay nghiền nát trộn nước đắp trị đau khớp xương, và thấp khớp; Quả dùng trị yếu tiêu hóa do mật; Nước sắc từ lá dùng trị xuất huyết. Rễ dùng điều hòa kinh nguyệt. 

                                                                                                    Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
                                                                         
Xem video: Cách chế biến món gỏi chay từ quả cóc



Xem video: Cách làm gỏi cóc





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét