Bữa cơm gia đình Việt Nam: nét đẹp văn hóa

BỮA CƠM GIA ĐÌNH VIỆT NAM: NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 9/10/2013

Ngày gia đình Việt Nam (Ảnh minh họa)
1-Vị trí và vai trò của gia đình trong xã hội
1-1-Khái niệm về gia đình
Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Những chủ đề nghiên cứu về gia đình luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Trong thực tiễn, khái niệm về gia đình vẫn chưa được xác định một cách thống nhất và rõ ràng.
Tuỳ thuộc vào quan điểm và các phương pháp tiếp cận, người ta có thể đưa ra những khái niệm khác nhau về Gia đình.
Trong “Tuyên bố của Liên hợp quốc về tiến bộ xã hội trong phát triển” đã định nghĩa: "Gia đình là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mỗi thành viên, nhất là trẻ em".
Ở Việt Nam, một định nghĩa về Gia đình được nhiều nhà xã hội học thừa nhận: "Gia đình là một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hoá, tình cảm). Giữa họ là những ràng buộc có tính pháp lý được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ, đồng thời có những qui định rõ ràng về quyền được phép và những cấm đoán trong quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình". (Nghiên cứu xã hội học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1996, trang 190).
Ở góc độ nghệ thuật, Họa sĩ Bùi Quang Ngọc có nhận xét: “Gia đình, ô lục giác trong tổ ong xã hội, hạt mầm của vườn hoa, chiếc lá giữa rừng đời, đơn vị sinh tồn cuối cùng tạo thành nhân loại. Không có gia đình, trái đất sẽ ra sao?”.
Khái niệm về gia đình mang tính pháp lý ở Việt Nam được ghi trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 8. Giải thích từ ngữ ): "Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau theo hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo qui định của Luật này;"
1-2-Vị trí và chức năng của gia đình trong xã hội
+Vị trí của gia đình
Trong tiến trình vận động và phát triển của lịch sử nhân loại, gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đặc thù có một vị trí và vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ các giá trị văn hoá. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gia đình được lịch sử sắp đặt ở vào vị trí trung tâm của mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Trước khi trở thành con người của xã hội thì con người cá nhân trước hết phải là sản phẩm của gia đình, được gia đình tác thành và nuôi dưỡng. Để trở thành con người hoàn chỉnh, cá nhân phải trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện của gia đình và xã hội, trong đó môi trường giáo dục đầu tiên, quan trọng nhất và kéo dài suốt cả cuộc đời, đó là  "giáo dục gia đình".
Nói như vậy có nghĩa là cá nhân chỉ trở thành con người xã hội thực sự khi bước qua ngưỡng cửa gia đình. Trong cái xã hội nhỏ bé và ấm cúng của cuộc sống gia đình, con người được chăm sóc, bảo vệ và giáo dục ngay từ thuở mới lọt lòng để đến khi trưởng thành, con người cá nhân được chuẩn bị những hành trang cần thiết cho cuộc sống tự lập.
Xã hội ngày càng phát triển theo chiều hướng tiến bộ thì gia đình càng gần với cái nghĩa là một xã hội thu nhỏ. Các thành viên là sự hợp thành của con người gia đình và con người xã hội.
Gia đình cũng là nơi thường diễn ra cuộc đấu tranh nội tại giữa cái thiện và cái ác trong từng cá nhân và giữa các thành viên với nhau trong gia đình, đôi khi vấn đề trở thành những xung đột gay gắt, nhưng lại là điều cần thiết trong quá trình đấu tranh tự hoàn thiện nhân cách (cá nhân) và hoàn thiện tổ ấm (gia đình), mà kết quả tích cực sẽ góp phần tạo dựng nên những chuẩn mực gia đình, cha ông ta vẫn thường gọi đó là "Gia phong" hay "Nếp nhà". 
+Chức năng của gia đình
Do khái niệm về gia đình không đồng nhất nên cũng có nhiều cách lý giải về chức năng của gia đình, tuy nhiên những chức năng cơ bản sau đây thường được trình bày trong các tài liệu chính thức:
+Chức năng sinh sản
Quan niệm truyền thống coi việc sinh con, đẻ cháu như một nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của gia đình. Việc thực hiện chức năng sinh sản, tái tạo nhằm duy trì và phát triển nòi giống được xem là mục đích xây dựng gia đình và cũng là nhu cầu cần được thoả mãn của các cặp vợ chồng đối với việc làm cha mẹ.
+Chức năng kinh tế
Trong lịch sử phát triển xã hội loài người, từ khi xuất hiện Nhà nước dù ở thời sơ khai hay hiện đại, gia đình đều được xem như là một đơn vị kinh tế.
Chức năng kinh tế của gia đình được biểu hiện trên cả hai phương diện sản xuất và tiêu thụ. Cho đến nay, kinh tế "Hộ gia đình" ở Việt Nam vẫn là một thành phần quan trọng trong việc đóng góp vào nền kinh tế quốc dân bên cạnh những thành phần kinh tế khác. Biểu hiện đơn vị tiêu thụ là nhu cầu thiết yếu của mọi gia đình để duy trì tồn tại và phát triển của các thành viên sinh sống trong gia đình (như ăn, mặc, nhà ở, đồ dùng, phương tiện đi lại, học tập, thông tin, giải trí...)
+Chức năng giáo dục
Gia đình là một thiết chế hạ tầng của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức cuộc sống của con người.
Con người sống gắn bó với gia đình, vì thế phẩm chất và giá trị của mỗi thành viên phụ thuộc rất nhiều vào cuộc sống gia đình, đặc biệt là phụ thuộc vào "giáo dục gia đình".
Thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ tiếp nối. Có thể gọi đây là quá trình xã hội hoá cá nhân để con người gia đình trở thành con người của xã hội.
+Chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm
Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên của gia đình, đặc biệt là tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Tổ ấm gia đình vừa là điểm xuất phát cho con người trưởng thành, vững tin bước vào cuộc sống xã hội, đồng thời cũng là nơi bao dung, an ủi cho mỗi cá nhân trước những rủi ro, sóng gió cuộc đời.
Càng về cuối đời, con người càng trở nên thấm thía và khao khát tìm về sự bình ổn, thoả mãn nhu cầu cân bằng trạng thái tâm lý, tình cảm trong sự chăm sóc, đùm bọc của gia đình.
1-3-Các yếu tố bên ngoài tác động đến gia đình
Có rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến gia đình, cả tích cực lẫn tiêu cực. Một số yếu tố góp phần làm tăng quyền năng cho gia đình, một số yếu tố khác thì lại làm giảm đi. Dưới đây là một số yếu tố như vậy:
-Điều kiện kinh tế đóng vai trò quan trọng quyết định khả năng gia đình có thể thực hiện được các vai trò của mình hay không. Điều này về phần mình sẽ ảnh hưởng đến các quan hệ cá nhân giữa các thành viên trong gia đình, có thể làm cho gia đình phát triển tốt hơn hoặc kém đi.
-Xã hội/cộng đồng: Tính tự lực, tinh thần tự nguyện, tin tưởng lẫn nhau và tinh thần hợp tác được các tổ chức xã hội/cộng đồng khuyến khích là những yếu tố quan trọng liên quan đến thành công của ảnh hưởng cộng đồng đối với gia đình.
-Mức độ phát triển của cộng đồng: Một cộng đồng có trình độ văn hoá, có năng lực sẽ dễ dàng hơn trong việc hỗ trợ các thành viên, so với cộng đồng nơi mà phần lớn các thành viên cùng kém phát triển như nhau.
-Cơ cấu chính trị/hệ tư tưởng: ở xã hội chú trọng thái quá đến tự do cá nhân mà lại không cân bằng hài hoà với trách nhiệm cộng đồng thì các gia đình thường ít nhận được sự hỗ trợ để phát triển. Ngược lại, ở xã hội chú trọng thái quá đến quyền của tập thể/cộng đồng mà hy sinh quyền cá nhân thì sẽ khó huy động được sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của cá nhân và gia đình.
-Đặc điểm văn hoá: ở cộng đồng, nơi phụ nữ phải đóng vai trò chính tại gia đình thì thường ít được học hành hơn nam giới, ăn uống và chăm sóc sức khoẻ cũng không được đầy đủ bằng.
-"Người lãnh đạo tâm huyết": ở cộng đồng có người lãnh đạo được tin cậy thường dễ dàng huy động cộng đồng vào các hoạt động hỗ trợ, phát triển gia đình hơn là ở những nơi không có những người lãnh đạo như vậy.
- sở hạ tầng: ở cộng đồng với đầy đủ cơ sở hạ tầng như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, giao thông liên lạc v.v... thì dễ dàng hơn trong việc giúp đỡ các gia đình cải thiện cuộc sống.
Một số yếu tố tác động từ bên ngoài nêu trên có thể được giải quyết ở cấp cơ sở, một số khác thì chỉ giải quyết được ở cấp cao hơn như tỉnh, quốc gia.  Do vậy, để tăng quyền năng cho gia đình cần có sự phối hợp hành động của các cấp khác nhau như gia đình, cấp cộng đồng, cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia và quốc tế.
Thế giới dù có những thay đổi về kinh tế-xã hội, nhưng vị trí và các chức năng cơ bản của gia đình trong việc tạo ra những lớp người mới cho một xã hội tiếp theo, văn minh hơn mà vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đó cũng là một qui luật khách quan, không dễ thay đổi.
1-4-Vị trí và vai trò gia đình trong xã hội Việt Nam
Từ xa xưa, trong ý thức hệ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, gia đình bao giờ cũng được coi là tổ ấm, là môi trường đầu tiên làm phát sinh, nuôi dưỡng thể lực, trí lực và những tình cảm trong sáng, tốt đẹp, hình thành nên nhân cách con người Việt Nam.
Lịch sử đất nước trải qua bao bước thăng trầm, nhưng những di sản truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình cảm thương yêu đùm bọc trong cộng đồng, sự cần cù lao động sáng tạo, ý chí kiên định vượt qua mọi khó khăn đã được chuyển giao trong gia đình và cộng đồng từ đời tổ tiên ông bà cho tới đời con cháu nhiều thế hệ theo suốt chiều dài lịch sử. Những giá trị truyền thống đó chính là nguồn sinh lực tiềm tàng, thường trực nơi mỗi gia đình, tại mỗi thành viên của "Tổ ấm".
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Gia đình thực hiện những chức năng cơ bản bằng cả sức mạnh của xã hội chứ không phải chỉ sức mạnh của riêng mình. Là một thiết chế xã hội đặc thù, gắn chặt với cơ cấu xã hội tổng thể, gia đình chịu tác động trước những biến đổi của xã hội. Đó là qui luật khách quan không thể né tránh. Lịch sử dân tộc đã để lại cho cho chúng ta những bài học kinh nghiệm sâu sắc và phong phú trong việc giao lưu, quan hệ với các nước khác, vừa giữ gìn được nền độc lập dân tộc mà vẫn tiếp thu được những kiến thức mới mẻ và tốt đẹp của dân tộc khác.
Với niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định về công tác gia đình trong sự phát triển của xã hội: Nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg ngày 04 tháng 5 năm 2001 chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hằng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm xuất phát từ truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước.
Ngày nay, việc thiết lập các mối quan hệ trong văn hoá gia đình cùng với các chức năng: sinh sản; nuôi dưỡng giáo dục con cái; thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình và kinh tế đồng thời quan tâm giáo dục văn hoá trong các hoạt động sống của gia đình: văn hoá ẩm thực; giao tiếp ứng xử, văn hoá trang phục,sắp xếp nhà ở, các tiện nghi gia đình, thưởng thức văn hoá nghệ thuật vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng được lồng ghép trong cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp.
2-Bữa cơm gia đình Việt Nam: nét đẹp văn hóa
2-1-Từ bữa cơm gia đình Việt Nam truyền thống

Bữa cơm gia đình Vệt Nam truyền thống
Ở Việt Nam từ lâu đời bữa cơm đồng nghĩa với bữa ăn. Bởi vì từ nền nông nghệp lúa nước nên thức ăn chính trong bữa ăn chủ yếu là cơm.
Người Việt thường ăn phụ vào buổi sáng với các thức quà vặt (như các loại bánh, xôi, cháo, phở, bún).
Một bữa cơm chính, đặc trưng của một gia đình Việt Nam diễn ra vào buổi trưa và buổi chiều hoặc tối, thông thường là khi gia đình đã tụ họp đông đủ. Bữa cơm chính của người Việt thường bao gồm một món chủ lực (cơm), một món gia vị (nước chấm) và ba món ăn cơ bản đủ chất và cân bằng âm dương:
-Một nồi cơm chung cho cả gia đình (mỗi người một bát và đôi đũa).
-Một bát nhỏ đựng nước chấm (nước mắm, tương hoặc xì dầu) cả gia đình dùng chung.
-Một món mặn có chất đạm động vật và chất béo được luộc, rán hoặc kho như thịt, cá
-Một món rau luộc hoặc xào, hoặc rau thơm, rau sống, dưa muối.
-Một món canh có thể đậm đà, cầu kỳ nhưng cũng không hiếm khi chỉ đơn giản là một bát nước luộc rau.
Vốn là cư dân gốc nông nghiệp lúa nước, sống quần cư trong các xóm làng, bữa cơm của các gia đình Việt Nam thường rất đơn giản, tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà mâm cơm cũng khác nhau. Thực phẩm chế biến món ăn rất phong phú và đa dạng, đó là sản vật trồng, nuôi được hoặc đánh bắt trong tự nhiên. Trong bữa cơm gia đình, người phụ nữ thể hiện tình cảm của mình đối với những người thân yêu vào mỗi món ăn.
Mỗi bữa cơm là dịp để cả gia đình quây quần sum họp, vợ chồng, con cái chia sẻ với nhau những suy nghĩ, tình cảm, chuyện công việc, chuyện học hành sau một ngày lao động vất vả.
Truyền thống, nền nếp gia đình cũng được hình thành từ những bữa cơm đạm bạc mà đầm ấm đó.  “Sợi chỉ hồng” này đã gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong bữa cơm, mọi người không chỉ chuyện trò vui vẻ, thể hiện sự quan tâm chia sẻ với nhau mà thông qua đó biết bao bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Đó không chỉ là bài học về văn hoá ăn uống: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” mà còn là những bài học về văn hoá ứng xử “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và biết bao bài học về đạo lý làm người.  
Trong bữa cơm gia đình, người Việt rất tôn trọng nhau và thể hiện một không khí hoà đồng. Mọi người cùng ngồi quanh bàn tròn với chiếc mâm và cùng gắp chung các thức ăn có trong mâm. Ở đây không có sự phân biệt giữa các thành viên trong gia đình, nếu có những ưu tiên, nhường nhịn thì chỉ là những quy ước tự giác không bắt buộc nhưng tuân thủ các quy tắc ấy chính là thể hiện một lối sống có văn hóa.
Khi có người khách được mời tham dự vào bữa cơm trong gia đình, thì người khách bao giờ cũng được mời ngồi ở mâm ưu tiên, vị trí ưu tiên (nếu như có nhiều mâm) và chủ nhà hết sức ân cần chăm sóc khách.
Bữa cơm gia đình và đặc biệt là bữa cơm gia đình nhiều thế hệ là một môi trường văn hóa, một không gian văn hóa thể hiện một quá trình tiếp nối và bảo lưu văn hóa khá độc đáo của người Việt. Ở đây, mọi yếu tố văn hóa không chỉ chuyển tải trong chuyện ăn gì mà còn luôn luôn được gìn giữ trong khuôn phép cổ truyền, một lối ăn theo trật tự truyền thống.
Đối với người Việt Nam, bữa cơm trong mỗi gia đình là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc. Bữa cơm thể hiện rõ nét tính cộng đồng khi cả nhà quây quần quanh một cái mâm tròn, cha mẹ, con cái vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ.
Bữa cơm gia đình là yếu tố rất quan trọng và liên quan mật thiết đến hạnh phúc của một gia đình. Những bữa cơm thể hiện ý nghĩa sâu sắc về khái niệm “Tổ ấm”, tạo thành công việc thường nhật và là nơi tuyệt vời để vợ chồng có dịp cùng nhau trò chuyện; con cái có thể học cách lắng nghe, bày tỏ ý kiến cũng như quan điểm sống của mình.
Bữa cơm gia đình là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình, đó cũng là lúc hai từ xum họp trọn vẹn ý nghĩa nhất.
2-2-Đến bữa ăn gia đình Việt Nam hiện đại
Hiện nay, do đời sống được nâng cao hơn, cơ cấu bữa ăn chính của người Việt hiện cũng đã cải thiện đáng kể theo hướng gia tăng các món mặn nhiều dinh dưỡng sử dụng nguyên liệu động vật. Bên cạnh xu hướng một số vùng miền (nhất là những vùng thôn quê) có đặc tính càng nhiều món trên mâm càng tốt, nhiều gia đình thành thị lại chú trọng xu hướng tinh giản bằng cách chỉ nấu một món trọng tâm có đủ chất đạm và các loại rau bày lên mâm, ăn kèm với các loại rau dưa lặt vặt khác. Một số gia đình làm các món ăn đặc biệt nhân ngày chủ nhật rảnh rỗi, những món cầu kỳ mà ngày thường ít có thời gian để làm. Bát nước chấm "cộng đồng" nay cũng dần được nhiều gia đình, hoặc các nhà hàng cầu kỳ san riêng ra bát cho từng người để hợp vệ sinh hơn, và có nhiều loại nước chấm khác nhau tùy theo trong bữa có loại đồ ăn gì.
Bữa ăn gia đình Việt Nam hiện đại không còn dựa vào món chính là cơm, mà là những món ăn có chất bột phong phú khác như bún, bánh hỏi, mì, bánh mì…với nhiều chất mặn như thịt, cá, hải sản…kèm theo.
Ngoài ra, trong xã hội Việt Nam hiên đại cũng đã có những người nội trợ thông thái biết: Chọn mua và bảo quản thực phẩm, biết bảo quản chế biến thực phẩm để giữ mãi ngọn lửa thiêng liêng hồn bếp Việt - tinh hoa ẩm thực, tinh hoa sự sống và tinh hoa hạnh phúc gia đình.

Bữa ăn gia đình Việt Nam hiện đại
3-Nguy cơ tan rã của những bữa ăn truyền thống gia đình Việt Nam
3-1-Các nguyên do không giữ được bữa ăn gia đình
Trong xã hội Việt Nam hiện đại, bữa ăn gia đình đang bị mất dần đi bởi nhiều lý do, tựu trung do cơ cấu gia đình có nhiều thay đổi. Đây là một tất yếu của lịch sử đã từng xảy ra tương tự ở các nước có nền văn minh lúa nước khi đi vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
-Gia đình truyền thống Việt Nam đã có nguồn gốc từ hàng ngàn năm, đó là những đại gia đình với nhiều thế hệ cùng chung sống. Nho giáo ảnh hưởng sâu sắc đến tôn ti, trật tự, gia phong, gia kỷ trong gia đình. Mối quan hệ phụ-mẫu-phu-thê-tử-tôn đã được phân định. Trong các đại gia đình có sự thống nhất về kinh tế, nguồn kinh tế chủ yếu là sản xuất tự túc, tự cấp. Trong đó người cha trong gia đình giữ vị trí gia trưởng quyết định mọi vấn đề về tài sản, phân chia tài sản, ra riêng tạo lập gia đình mới…
Trong biến đổi lịch sử, các đại gia đình ngày càng bị thu hẹp do điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều biến đổi mới. Các đại gia đình nhanh chóng bị tan rã để thay thế bởi các tiểu gia đình.
-Các tiểu gia đình chỉ gồm 1-2 thế hệ chung sống chủ yếu là thế hệ trẻ ngày càng phổ biến. Khi xã hội càng hiện đại, cuộc sống càng bận rộn khiến người ta ít chú trọng đến việc gìn giữ nét văn hoá rất thuần Việt đó. Nhiều gia đình trẻ lấy “cơm bụi” làm chính, buổi trưa phần lớn vợ chồng ăn tại nơi làm việc, con cái học bán trú ăn tại trường, tối về lại tụ tập với bạn bè quán xá đến khuya, nên có khi cả tuần, vợ chồng, con cái không ngồi ăn với nhau một bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Cũng không ít gia đình coi việc nấu nướng là mất thời gian, cứ thức ăn sẵn cho tiện, nên không còn cảnh vợ chồng cùng vào bếp, hay người vợ tỉ mẩn làm những món ăn chồng con mình yêu thích, cảnh cả nhà quây quần quanh mâm cơm mỗi tối đối với nhiều gia đình trẻ càng trở nên xa xỉ. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sự gắn kết các thành viên gia đình trong xã hội hiện đại ngày càng lỏng lẻo, thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau, tình cảm gia đình rạn nứt.
-Thêm nhiều lý do khác của đời sống công nghiệp, giờ giấc việc làm có sự ràng buộc. Giới lao động trẻ chưa lập gia đình là một lực lượng lao động quan trọng trong xã hội thường làm việc xa nhà, bữa ăn chủ yếu là cơm tiệm, cơm đường phố nên đã tác ly các bữa ăn gia đình.
Sự du nhập vô tội vạ của các nền văn hóa khác nhau thì đôi khi, con người vẫn có một gia đình nhưng lại cảm thấy cô đơn, xa lạ ngay chính trong tổ ấm của mình.
Nếu người phương Tây tôn trọng tự do cá nhân một cách tuyệt đối, thể hiện trong sự tự do chọn lựa thức ăn, cách ăn thì bữa cơm gia đình Việt Nam của chúng ta có phần hơi khác. Chúng ta ăn chung nồi cơm, ăn chung món ăn như tô canh, dĩa cá chứ không ăn theo “khẩu phần”. Quan niệm Tây hóa theo bữa ăn cá nhân chính là tự ly khai với bữa ăn truyền thống của Ta. Điều này cũng đã từng là nổi buồn day dứt của người Việt sống ở nước ngoài.

Cơm bụi

Cơm tiệm bình dân

Cơm nhà hàng
3-2-Hậu quả của việc mất đi bữa ăn truyền thống của gia đình Việt Nam
Nó tóm lại, mất đi bữa ăn truyền thống của gia đình Việt Nam là mất đi nét đẹp văn hóa Việt Nam. Mà khi văn hóa đã mất thì mất đi tất cả!
Mất đi bữa ăn gia đình Việt Nam là một báo động sự lung lay của gia đình. Trong gia đình truyền thống Việt Nam không thể có nhiều bếp ăn, nhiều mâm cơm riêng!
Theo GS Từ Giấy thì: “Sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn truyền thống” nhưng dường như, bữa cơm gia đình truyền thống của Việt Nam đang dần dần bị lãng quên !
4-Hãy cứu lấy những bữa cơm truyền thống trong gia đình Việt Nam
Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hạnh phúc là tiền đề, điểm tựa để mỗi thành viên gặt hái được những thành công trong cuộc sống. Trong đó mỗi bữa cơm gia đình là nơi kết nối tình cảm, gắn kết các thành viên, tạo nên không khí gia đình ấm cúng, xua tan những mệt nhọc lo toan.
Một gia đình hạnh phúc là ở đó luôn có sự yêu thương, tôn trọng và sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống của các thành viên với nhau. Và có 1 điều cũng quan trọng không kém để ngọn lửa yêu thương luôn ấm áp - đó còn là những bữa cơm gia đình.
Vì vậy cuộc sống dù có hiện đại, bận rộn đến đâu thì mỗi thành viên không nên xem nhẹ bữa ăn của gia đình, bởi đó là truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt, góp phần làm nên giá trị bản sắc văn hoá Việt Nam.
Là người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù sống trong đại gia đình hay tiểu gia đình, dù có gia đình riêng hay còn sống độc thân, hãy cố gắng tìm lại những bữa cơm gia đình truyền thống của Việt Nam.
Vì mất đi bữa ăn truyền thống của gia đình Việt Nam là mất đi nét đẹp văn hóa Việt Nam. Mà khi văn hóa đã mất thì mất đi tất cả!

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo

Xem Video: Cảm nghĩ của Việt kiều tại Mỹ về bữa cơm gia đình Việt Nam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét