Cây su hào

CÂY SU HÀO


Kỹ sư Hồ Đình Hải
Cập nhật ngày 6/12/2013

Cây su hào
- Tên gọi khác: Xu hào
- Tên tiếng Anh: German turnip, Turnip cabbage, Kohlrabi (gốc tiếng Đức)
- Tên khoa học: Brassica oleracea (nhóm Gongylodes)
- Tên đồng nghĩa:
Brassica napus L.
Brassica napobrassica (L.) Mill.
Brassica oleracea var. caulorapa.
-Các loài tương cận:
Brassica oleracea nhóm Acephala - cải xoăn
Brassica oleracea nhóm Alboglabra - cải làn (cải rổ)
Brassica oleracea nhóm Botrytis - súp lơ (hoa lơ, cải bông trắng, cải hoa)
Brassica oleracea nhóm Capitata - cải bắp (bắp cải)
Brassica oleracea nhóm Gemmifera - cải Brussels
Brassica oleracea nhóm Gongylodes - su hào
Brassica oleracea nhóm Italica - cải bông xanh

Phân loại khoa học (Scientific classification)


Giới (regnum)
Thực vật (Plantae)
Ngành (divisio)
Thực vật có hoa (Angiospermae)
Lớp (class)
Thực vật hai lá mầm (Eudicots)
Phân lớp (subclass)
Hoa hồng (Rosids)
Bộ (ordo)
Cải hay Mù tạc (Brassicales)
Họ (familia)
Cải (Brassicaceae)
Chi (genus)
Cải (Brassica)
Loài (species)
Brassica oleracea (nhóm Gongylodes)

Nguồn gốc và phân bố

Theo Hệ thống phân loại của APG II (2003) thì:
-Bộ Cải hay bộ Mù tạc (Brassicales) có khoảng 17 họ với 398 chi và khoảng 4.450 loài.
-Họ cải (Brassicaceae) trước đây được xếp vào họ Thập tự (Cruciferae) do các loài trong họ này có 4 cánh hoa trên cùng của chúng trông tương tự như hình “Chữ thập”. Họ Cải chứa khoảng 338- 350 chi và khoảng 3.700 loài.
Họ Cải tập trung trong khu vực ôn đới và có sự đa dạng về loài lớn nhất tại khu vực ven Địa Trung Hải.
-Chi Cải (Brassica) bắt nguồn từ loài cải hoang dại điển hình là Brassica oleracea. Có nguồn gốc ở khu vực Địa Trung Hải và Châu Âu ven Đại Tây Dương, là tổ tiên của cải bắp, cải brussels, cải bông xanh, su hào, súp lơ, cải xoăn và gần đây nhất là súp lơ bông xanh, một loại cây lai ghép giữa cải bông xanh và súp lơ.
Loài cải hoang dại (B. Oleracea) đã được thuần hóa để trồng cách nay trên 3.000 năm, từ đó phát triển thành 7 nhóm cây trồng chính, trong đó nhóm Acephala là nhóm gần giống nhất với cải bắp dại trong tự nhiên về bề ngoài:
Brassica oleracea nhóm Acephala - cải xoăn
Brassica oleracea nhóm Alboglabra - cải làn (cải rổ)
Brassica oleracea nhóm Botrytis - súp lơ (hoa lơ, cải bông trắng, cải hoa)
Brassica oleracea nhóm Capitata - cải bắp (bắp cải)
Brassica oleracea nhóm Gemmifera - cải Brussels
Brassica oleracea nhóm Gongylodes - su hào
Brassica oleracea nhóm Italica - cải bông xanh
Một số (đáng chú ý là Brussels sprout  cải bông xanh) chứa nhiều sinigrin, được coi là trợ giúp cho việc ngăn cản ung thư đường ruột.
-Loài Su hào hay xu hào (Brassica oleracea nhóm Gongylodes) còn có tên khoa học đồng nghĩa khác là: Brassica napus L., Brassica napobrassica (L.) Mill. và Brassica oleracea var. caulorapa. Là một cây rau cùng họ Thập tự với các loài Cải (Brassicaceae = Cruciferae) có nguồn gốc ở Châu Âu.
Su hào được tạo ra từ quá trình chọn lọc nhân tạo để lấy phần tăng trưởng của mô phân sinh ở thân, mà trong đời thường được gọi là củ. Nguồn gốc tự nhiên của nó là cải bắp dại được thuần hóa lâu đời ở Châu Âu và vùng Địa Trung Hải.
Hiện nay su hào được trồng ở các lục địa trên vùng cận nhiệt đới và vùng ôn đới để làm nguồn rau và thực phẩm có giá trị với nhiều phân loài hay thứ (varieties) như:
-Vienna trắng (White Vienna).
-Vienna tía (Purple Vienna).
-Đại Công tước (Grand Duke).
-Danube tía (Purple Danube).
-Danube trắng (White Danube).
-Su hào khổng lồ (Gigante/ Superschmelz).
-Giống Gigante (Giant Winter): đây là giống Su hào đặc biệt, gốc từ Tiệp Khắc. Cây cho củ rất to, đường kính trên 25 cm, bình thường nặng 4 - 5 kg. Củ Su hào giữ kỷ lục thế giới nặng đến 28 kg (cân cả lá). Su hào Gigante có thêm đặc điểm là phần thịt vẫn giữ được độ giòn, trắng và mềm dù thu hoạch trễ khi củ đã tương đối già.
Ở Việt Nam cây su hào được người Pháp du nhập từ Châu Âu hoặc vùng Địa Trung Hải từ thế kỷ thứ 19 và được trồng ở các vùng cao có nhiệt độ thấp như Lâm Đồng, Đà Lạt và trồng được trong mùa đông ở vùng đồng bằng của một số tỉnh ở Miền Bắc.
Các giống su hào được trồng ở Việt Nam gồm có 3 nhóm:
- Nhóm Su hào dọc tăm (hay su hào trứng): củ bé, tròn, cọng lá nhỏ, phiến lá nhỏ và mỏng. Tiêu biểu là giống su hào Sa Pa cũ.
Thời gian sinh trưởng từ gieo đến thu hoạch 75 - 80 ngày, do đó có thể trồng xen vào mép luống cải bắp, khoai tây.
- Nhóm Su hào dọc trung (hay su hào nhỡ): củ tròn, to, mỏng vỏ, cọng và phiến lá to hơn, dày hơn loại su hào dọc tăm. Điển hình là su hào Hà Giang.
Thời gian sinh trưởng 90 - 105 ngày.
- Nhóm Su hào dọc đại (hay su hào bánh xe): củ to hơi dẹt, vỏ rất dày, cọng và phiến lá rất to, dày. Thời gian sinh trưởng 120 - 130 ngày. Đặc trưng là su hào Tiểu Anh Tử ( gốc Trung Quốc) hoặc Thiên Anh Tử (gốc Nhật Bản).

Mô tả

Su hào cây trồng thuộc họ cải được chọn lọc nhân tạo theo hướng chọn thân mập phình to ở gốc gần như có dạng hình cầu để lấy phần tăng trưởng của mô phân sinh ở thân, mà trong đời thường được gọi là củ.
-Thân: Cây thân thảo, cao 30-50 cm. Phần gốc thân phình to được gọi là củ có dạng thon dài, hình tròn hay hình tròn dẹp. Phần vỏ củ có thể màu xanh nhạt hay màu tím.
-: Lá dơn, cuốn lá mọc trên thân củ, kích cở khác nhau tùy theo giống.
-Giống Su hào trắng (White Kohlrabi): lá ngắn, cỡ 30 - 40 cm, có cọng dày như ngón tay. Khi lá rụng để lại trên củ những vết sẹo.
-Giống Su hào tím (Purple Kohlrabi), khác với giống trắng ở chỗ củ, cọng lá và gân lá đều màu tím.
-Giống Vienna Kohlrabi: đây là giống ngắn ngày (2 tháng), rất ít lá và lá rất ngắn, cỡ 15 - 20 cm, cọng mỏng.
-Hoa: Hoa vàng, 4 cánh hoa xếp hình chữ thập, 6 nhị.
-Quả: Quả giác chứa nhiều hạt.


 Cây su hào trứng


Su hào bánh xe


Su hào tím


Củ su hào được cắt lá
Củ Su hào là loại củ được trồng nhiều trong mùa lạnh. Hiện tại, su hào vẫn còn được bán nhiều ở chợ. Bản thân củ su hào đem lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể con người. Su hào là thực phẩm ít chất béo hoà tan và cholesterol. Điều đó có nghĩa rằng, nó rất tốt cho tim và hệ tuần hoàn máu.

Thành phần dinh dưỡng

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 100 g củ su hào tươi chứa:

113 kJ (27 kcal)
6.2 g
2.6 g
3.6 g
0.1 g
1.7 g
0.05 mg (4%)
0.02 mg (2%)
0.4 mg (3%)
0.165 mg (3%)
0.15 mg (12%)
Folate (vit. B9)
16 μg (4%)
62 mg (75%)
0.48 mg (3%)
24 mg (2%)
0.4 mg (3%)
19 mg (5%)
0.139 mg (7%)
46 mg (7%)
350 mg (7%)
20 mg (1%)
Tỳ lệ % đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người lớn.

Công dụng

a-Lá su hào được dùng làm rau
+Lá su hào dùng làm rau
Lá Su hào cũng dùng làm rau, chứa: nước (82%), chất đạm (1,9%), chất béo (0,9%), chất xơ (2,2%). Lá Su hào có thể ăn sống cũng như được đem luộc, xào, nấu. Tuy nhiên phần làm rau chủ yếu được dùng là củ (hay phần thân phình của nó).
b-Củ su hào được dùng làm rau cao cấp
Mùi vị và kết cấu của su hào là tương tự như của thân cải bông xanh hay phần lõi của cải bắp (cả hai loại này là cùng loài với su hào, nhưng khác nhóm giống cây trồng), nhưng nhẹ hơn và ngọt hơn, với tỷ lệ phần cùi thịt/vỏ cao hơn.
Củ Su hào có thể ăn sống cũng như được đem luộc, xào, nấu, làm dưa. Su hào chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa cũng như chứa các chất như selen, axít folic,vitamin C, kali, magiê  đồng.
Ở Việt Nam, củ Su hào có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Sau đây là một số món ăn ngon từ củ su hào:
1-Canh su hào hầm thịt bò
Su hào có một đặc điểm là cứ cho lên hầm thì chúng ra sẽ cảm nhận được mùi thơm rất đặc trưng của nó. Với những món hầm này, chỉ cần thoảng một chút hương của su hào thôi chắc chắn chẳng ai có thể cưỡng lại được.

Canh su hào hầm thị bò

Nguyên liệu: (3-4 người)
- 300-400g thịt gân bò
- 1 củ su hào to, gọt vỏ và thái miếng
- 2 quả cà chua, xắt miếng 
- 1 mẩu gừng đập dập
- Rau mùi, thái nhỏ
- Nước mắm, hạt nêm
- Hạt tiêu
Cách làm:
- Thịt gân bò rửa sach, thái miếng vừa ăn, ướp thịt với gừng, nước mắm và tiêu xay khoảng 30 phút. Sau đó cho thịt vào nồi hầm, đổ nước ngập thịt bò và hầm đến khi thịt bò mềm.
- Lúc này cho su hào, cà chua vào nấu tiếp đến khi su hào cũng chín mềm.
- Trước khi ăn thì nêm lại gia vị cho vừa miệng, múc canh ra bát rồi rắc rau mùi lên trên.
2-Mực xào su hào
Thông thường chị em hay xào su hào với lòng, mề gà tuy nhiên mực xào su hào cũng là một sự kết hợp rất tuyệt!

Mực xào thịt bò
Nguyên liệu:
- Mực tươi: 500 g
- Su hào: 1 củ
- Cà rốt: 1 củ
- Hành hoa: 2 nhánh
- Rau mùi
- Hành khô: 1 củ
- Gia vị: dầu ăn, súp, bột nêm, mì chính, hạt tiêu.
Cách làm:
- Mực tươi mua về làm sạch, khứa nên mình mực rồi cắt miếng vừa ăn.
- Ướp mực với một ít gia vị để khoảng 15 phút.
- Su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa.
- Phi thơm hành khô với dầu ăn rồi cho mực vào xào với lửa lớn để mực không ra nước.
- Khi mực chín cho ra đĩa rồi cho su hào, cà rốt vào xào, đảo nhanh tay. Nêm chút xíu gia vị (vì ở mực đã được ướp gia vị nên cho một lượng gia vị vừa phải để rau xào không bị mặn).
Tiếp đến cho mực vào xào cùng rau, đảo đều rồi thêm hành hoa, mùi tàu thái nhỏ cùng chút mì chính, hạt tiêu.
- Xúc rau ra đĩa dùng nóng.
3-Canh sườn hầm su hào
Nguyên liệu:
- 500g su hào cắt miếng bắng ngón tay  
- 200g hành tây bi cắt làm đôi 
- 500 sườn non,  cắt khúc  
- 20g gừng tươi bào nhỏ 
- 100g Hành ngò    
- 1000ml Nước dùng heo 
- 15g hạt nêm   
- Đường vàng 
- 2 muỗng cà phê nước mắm ngon
Cách làm:
- Trụng sơ thịt sườn vào nước sôi khoảng 5 phút, vớt ra xả sạch với nước lạnh. Cho thịt sườn và gừng tươi vào 1,5 lít nước dùng, hầm nhỏ lửa khoảng 45 phút cho thịt mềm.
- Cho su hào vào thịt sườn tiếp tục hầm thêm 45 phút cho mềm, nêm nếm với hạt nêm, đường và 1 nước mắm ngon, gia giảm tùy theo khẩu vị.
- Trang trí hành ngò, dùng nóng.

Canh sườn hầm su hào
4-Dưa góp su hào
Làm dưa góp rất dễ mà lại ngon vô cùng.
Nguyên liệu:
- Cà rốt
- Su hào
- Dưa chuột
- Tỏi
- Muối, đường, giấm, nước mắm


Dưa su hào
Cách làm:
- Cà rốt các bạn nạo vỏ rồi xắt sợi dài.
- Su hào cũng lột vỏ và xắt sợi.
- Cho su hào, cà rốt vào bát, rắc 1 chút muối tinh rồi xóc đều. Su hào, cà rốt sẽ tiết ra nước, chắt bỏ phần đó đi các bạn nhé. Mục đích của việc làm này là để cho su hào và cà rốt được giòn hơn.
- Dưa chuột sau khi đã ngâm nước muối pha loãng được khoảng 20 phút, các bạn vớt ra để ráo, bỏ ruột và cũng xắt sợi giống như su hào, cà rốt. Riêng dưa chuột không cần nạo vỏ các bạn nhé, để dưa giòn và giữ được màu sắc đẹp.
- Cho su hào, cà rốt, dưa chuột vào 1 hũ thủy tinh. Đun sôi hỗn hợp nước gồm: nước, dấm, đường, nước mắm theo tỉ lệ 1:1:1:1. Thả tỏi đập dập hoặc thái lát mỏng vào, đợi hỗn hợp thật nguội mới từ từ chế vào lọ thủy tinh đựng dưa góp.
Sau khoảng 1 ngày là các bạn có thể dùng được. Vào mùa đông, dưa góp có thời gian sử dụng là 1 tuần, nếu cất cả lọ vào trong tủ lạnh thì sẽ bảo quản được lâu hơn.
Nguồn: Món ngon tại Bếp Eva:
c-Các bộ phận của cây su hào được dùng làm thuốc
Theo Đông y: Su hào được đánh giá là loại thực phẩm giúp thanh lọc máu và thận tốt, loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, giúp tiêu hóa dễ dàng. Trong su hào có chứa nhiều chất xơ, canxi, phôt pho, sắt, vitamin C, axit nicotic.
1. Giúp máu lưu thông tốt
Su hào là thực phẩm ít chất béo hoà tan và cholesterol. Điều đó có nghĩa rằng, nó rất tốt cho tim và hệ tuần hoàn máu. Chất béo hòa tan được biết đến là có hại cho cơ thể. Nếu ăn uống nhiều chất này sẽ làm tăng nồng độ cholesterol có hại ở trong máu. Từ đó dẫn đến nhiều bệnh ở tim như đau tim và đột quỵ. Hơn nữa, su hào giàu chất chống oxi hóa nên giúp tế bào ngăn ngừa sự tổn thương bởi các phân tử gốc tự do đi vào cơ thể qua hô hấp hoặc ăn uống. Những phân tử gốc này thường làm tăng nguy cơ đau tim và ung thư.
2. Giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh
Mùa đông hệ miễn dịch của chúng ta dễ bị tấn công do sự phát triển mạnh của vi rút, do vậy mà chúng ta dễ bị cảm cúm, ho, xổ mũi và mệt mỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu bạn chăm ăn su hào vào mùa đông, nó sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. 
Lý do là trong su hào có chứa rất nhiều vitamin C. Một bát su hào sống có chứa lượng vitamin C nhiều hơn 1,4 lần so với nhu cầu cơ thể cần mỗi ngày. Hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng giúp bạn chống lại các bệnh như tim mạch và ung thư. Ngoài ra vitamin C còn giúp cải thiện sự hấp thụ và phục hồi nguồn cung vitamin E cho cơ thể.
3. Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Su hào có hàm lượng chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Một bát su hào có chứa 5 gram chất xơ, bằng 19% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt bằng cách duy trì sức khỏe của ruột và ruột kết. Nó cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì lượng vi khuẩn có lợi trong ruột ở mức cân bằng. Tất cả những yếu tố trên giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh ở đường tiêu hóa, bệnh trĩ và ung thư ruột kết.
4. Tăng cường chức năng thần kinh và cơ
Su hào cũng là loại củ giàu kali. Một bát su hào sống đáp ứng được khoảng 14% lượng kali cơ thể cần mỗi ngày. Kali là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của cơ thể cũng như chức năng thần kinh. Nó cũng hỗ trợ tích lũy carbohydrate- thành phần được sử dụng như là “nhiên liệu” cho cơ bắp. Nếu cơ thể nhận đầy đủ lượng kali cũng sẽ giúp bạn xử lý thông tin nhanh và không bị kích động khi gặp chuyện rắc rối.
5. Tốt cho người muốn giảm cân
Mặc dù là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng su hào có chứa rất ít calo. Chúng ta biết rằng, mức dinh dưỡng trên mỗi ca lo càng cao thì thực phẩm đó càng tốt cho sức khỏe. Một bát su hào sống có chứa khoảng 36 calo. Do vậy su hào là thực đơn lý tưởng cho những người ăn kiêng vì nó đáp ứng được lượng vitamin và khoáng chất mà không làm vượt quá lượng calo. Chúng ta biết rằng calo thừa mà không được “đốt cháy” sẽ dẫn đến thừa cân.
Ngoài những chất trên, su hào còn chứa nhiều chất khoáng khác tốt cho cơ thể như đồng, canxi, mangan, sắt và phốt pho.
6. Thanh lọc máu và thận
Su hào được xem là loại thực phẩm cung cấp khá tốt về vitamin C, potassium, vitamin B6, vì vậy, theo các chuyên gia, su hào được đánh giá là loại thực phẩm giúp thanh lọc máu và thận tốt, loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể, giúp tiêu hóa dễ dàng. Tuy nhiên, nếu ăn nhiều su hào cũng gây hao tổn khí huyết.
7. Giúp mẹ và thai nhi phát triển tốt hơn
Các vitamin và khoáng chất có trong su hào như selen, axit folic, kali, magiê… giúp bổ sung dưỡng chất cho quá trình mang thai của bạn tốt hơn, hoạt động não bộ, hệ thần kinh của trẻ khoẻ hơn.
Nguồn: giaoduc.net.vn/dinh_duong_va_suc_khoe

Một số bài thuốc từ su hào

- Tiêu đờm: Thân hoặc lá su hào rửa sạch cắt miếng. Cho dầu vừng vào xào rồi nấu làm canh. Ăn ngày 1 - 2 lần. Hoặc su hào bỏ vỏ giã nát, thêm mật ong. Khi ăn kết hợp uống với nước đã đun sôi. 
- Miệng khô, khát nước: Su hào cắt miếng, giã nát, cho thêm đường trộn và nước đun sôi, dùng ăn sống. 
- Tiêu nhọt: Su hào đem giã nát nhừ đắp vào chỗ đau. Hoặc su hào giã nát, vắt lấy nước để uống./.
Nguồn:Dinhduong.com

Kỹ thuật trồng cây su hào

1.Đặc tính sinh học
Su hào được  hình thành từ thân cây phình to ra khi sinh trưởng (gọi là củ), trong chứa nhiều dinh dưỡng dùng làm thực phẩm (rau). Các yêu cầu ngoại cảnh giống bắp cải, nhưng su hào không đòi hỏi lắm đối với đất và phân bón, chịu được nóng hơn bắp cải 2-3 oC nên có thể trồng sớm hay trồng muộn hơn một chút. Tuy vậy nếu thiếu phân bón, thiếu nước, khí hậu nóng quá củ su hào thường khô, cứng và nhiều xơ.
2. Giống
Su hào trứng củ nhỏ, tròn , cuống lá nhỏ: có các gống su hào Sapa, Hà Giang (Thời gian sinh trưởng từ lúc gieo hạt đến thu hoạch 80 - 100 ngày).
Su hào bánh xe củ lớn hơn, hơi dẹt, vỏ củ dày, cuống lá lớn có các giống : Tiểu Anh Tử (Trung Quốc), Thiên Anh Tử (Nhật)
3. Thời vụ
Thời vụ thích hợp để gieo hạt và trồng vào tháng 9 và tháng 10, thu hoạch tháng 1-2 năm sau. Có thể gieo trồng sớm vào tháng 8 hoặc muộn vào tháng 11. Tuổi cây giống 25 – 30 ngày.
4. Cách trồng
-Gieo hạt su hào trên luống ươm để lấy cây con trồng. Trước khi nhổ trồng 4-5 ngày ngưng tưới nước để cây con ra rễ mới. Khi nhổ trồng nên tưới nước trước vài giờ để dễ nhổ.
-Luống trồng rộng 0,8 - 1,0 m. Khoảng cách 30 x 35cm với su hào trứng, 35 - 40cm với su hào bánh xe. Mật độ 5.000 - 7.000 cây/ 1.000m2
5. Phân bón ( cho 1.000m2)
-Bón lót : Phân chuồng ủ hoai 1,5 -2,0 tấn + 10 – 12 kg Super lân + 4-5 kg KCl.
-Bón thúc : 2-3 lần, mỗi lần 5 kg ure + 5 kg KCl hoặc 20 kg NPK 16-16-8.
Bón phân theo gốc hoặc giữa hàng cây. Có thể phun bổ  sung phân bón lá.
6.Phòng trừ sâu bệnh
Sâu bệnh gây hại chủ yếu trên su hào và biện pháp phòng trừ giống bắp cải và súp lơ
7. Thu hoạch su hào
Căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống, từng vụ, khi thấy lá non ngừng sinh trưởng, mặt củ đã bằng thì thu hoạch. Nếu để trễ củ già sẽ nhiều xơ, giảm phẩm chất. Năng suất trung bình 16-25 tấn/ha
Nguồn: Sổ tay trồng rau an toàn- Nguyễn Mạnh Chinh

Cây su hào được trồng


Trồng su hào

Kỹ sư Hồ Đình Hải
Tài liệu tham khảo
11-http://www.vegparadise.com/highestperch24.html

Xem Video: Mô hình trồng su hào sạch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét