Rau đay


RAU ĐAY

Cây đay hạt tròn

Canh cua rau đay
-Tên gọi khác: Cây bố, cây đai, đay dại, đay quả tròn.
-Tên tiếng Anh: Jute, White Jute, Bangla White Jute.
-Tên khoa học: Corchorus capsularis L.
-Tên đồng nghĩa:

Phân loại khoa học

Bộ (ordo):
Cẩm quỳ (Malvales)
Họ (familia):
Đay (Tiliaceae) trước đây
Bông (Malvaceae)-APG II (2003)
Phân họ (subfamilia):
Cò ke (Grewioideae)- APG II
Chi (genus):
Đay (Corchorus L.)
Loài (species)
Corchorus capsularis

Về phân loại khoa học đối với Chi đay (Corchorus L.) tương đối phức tạp.
Trong cách phân loại truyền thống Chi đay được xếp vào Họ đay (Tiliaceae).
Trong hệ thống phân loại được công nhận phổ biến gần đây nhất là hệ thống APG II (Angiosperm Phylogeny Group II)-2003 đã thống nhất xếp Chi đay (Corchorus) vào Họ Cẩm quỳ (Malvaceae), ở Việt Nam quen gọi là Họ Bông vải.
Theo mạng thông tin nguồn gen GRIN (Germplasm Resources Information Network) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)-2012 cho biết Họ Bông (Malvaceae) có khoảng 404 Chi (genus) với khoảng 2.918 loài (genus).
 APG II (2003) cho biết Phân Họ Cò Ke (Grewioideae) có khoảng 25 chi với 770 loài. Trong đó Chi đay (Corchorus L.) khoảng 40-100 loài.
Ở Các nước Đông Nam Á có 4 loài đay dại phổ biến là:
1-Corchorus capsularis = đay xanh.
2-Corchorus catharticus.
3-Corchorus olitorius).
Tại Việt Nam, các tên gọi khác nhau được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau, với đay là tên gọi phổ biến tại miền Bắc và bố, đai phổ biến tại miền Nam.
Trong bài viết này tác giả đề cập đến cây đay ở Việt Nam trong Chi đay (Corchorus L.) đó là cây đay xanh hay còn gọi là cây đay hạt tròn (tên Miền Bắc), hay cây bố (tên Miền Nam) có tên khoa học là (Corchorus capsularis L.) mọc hoang và được thuần hóa để trồng.
Ghi chú! Ở Việt nam còn có hai loài cây khác có tên gọi là cây đay, nhưng không thuộc Chi đay (Corchorus) mà thuộc về Chi Bông bụp (Hibiscus ). Đó là:
1-Cây đay cách (Hibiscus cannabinus ) còn gọi là cây Kenaf (tiếng Việt: Ki náp) là loài cây trồng lấy sợ phổ biến ở Việt Nam hiện nay.
2-Cây đay vông vang hay đay Nhật (Hibiscus sabdariffa) cũng được dùng để lấy sợi.
Cả hai loài này lá có thể làm rau ăn được nhưng không có giá trị như rau đay. Do đó không phải là đối tượng được đề cập trong bài viết này.

Phân bố

Chi Đay (Corchorus) là một chi của khoảng 40-100 loài có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp thế giới.
Cây đay dại (đay hạt tròn) hay cây bố (Corchorus capsularis L.) có nguồn gốc từ các nước Nam Á và được phân bố ở khắp vùng nhiệt đới Châu Á. Chúng mọc hoang ở khắp nơi, lá được dùng làm rau giàu dinh dưỡng cũng như dược liệu và được thuần hóa để trồng lấy sợi từ lâu đời với tên gọi là đay xanh (ở Việt Nam) hoặc đay trắng (ở Philippines).

Sinh thái

Cây đay hạt tròn hay bố (Corchorus capsularis L.)  thích hợp trên nhiều loại đất từ đất cát cho đến đất sét nặng. Phạm vị pH rộng từ axit đến kiềm nhẹ. Độ cao từ đồng bằng ven biển đến cao nguyên, Cây con nhạy cảm với úng nhưng chịu ngập vào giai đoạn trưởng thành và không thích nghi trong bóng râm. Là cây thân thảo , đứng ít nhánh và sống hằng niên, mọc hoang ở khắp mọi nơi và đã được thuần hóa để trồng hàng trăm năm trước đây.
Giống đay xanh được thuần hóa để trồng lấy sợi có thể cho sinh khối tươi khoảng 34 tấn/ha và năng suất sợi khô đạt 2 tấn/ha.

Mô tả

Đay quả tròn (Corchorus capsularis L.) là lòa cây thân gổ nhỏ hàng niên.
-Thân: Thân mọc đứng cao 1-2m, màu tím nhạt, ít phân nhánh.Đay trồng cao 2-4 m.
-Rể: Thuộc loại rể cọc có nhiều rể phụ mọc thành chùm phát triển mạnh trong đất.
-Lá: Lá hình bầu dục hẹp, dài 6-10cm, rộng 1,5-3cm, đầu nhọn, gốc tròn màu nhạt ở mặt dưới, mép lá khía răng nhọn, hai răng ở gốc phiến có lông dài ở đầu; gân gốc 3 - 5; cuống lá mảnh; có lông ở mặt trên; lá kèm hình dải, dài, nhọn đầu.
-Hoa: Hoa có cuống, tập trung 2-3 đóa trên một cuống chung ngắn. Nụ hoa hình bầu dục ngược rộng. Lá đài 4-5, có lông ở phía gốc, thuôn hay bầu dục ngược, có mũi nhọn ngắn ở đầu. Cánh hoa 4-5, hình bầu dục ngược rộng, có cựa ngắn. Nhị 18, bao phấn vuông. Bầu hình trứng cụt, có cạnh rõ và có ít lông; vòi nhụy rộng, khía răng và cụt ở đầu. Ra hoa vào tháng 6.
-Quả: Quả hình cầu, có 10 cạnh khá rõ, có mào ngắn ở đỉnh, mở làm 5 mảnh, mỗi mảnh có hai dãy hạt, mỗi dãy có 5 hạt; hạt có cạnh, dẹt. 
Các loại đay trồng là những giống nhập ngoại có chiều cao cây phát triển hơn và năng suất sợi cao hơn rất nhiều so với các giống hoang dại.

Thành phần hóa học

-Theo Nghiên cứu phân tích thành phần hóa học của lá cây đay Ở Việt nam cho thấy, trong rau đay có Ca 498mg%, P 93mg%, Fe 3,8mg%, K 650mg%, acid ôxalic 870mg%, vitamin B1 0,24mg%, vitamine B2 0,76mg%, vitamin C 168mg%, vitamin A 7,940 đơn vị, vitamin E 141 đơn vị. Trong hạt của quả rau đay có chứa nhiều glycoside khác nhau, nhưng chủ yếu là corchorosid và olitorisid.
-Theo nghiên cứu của Ấn Độ, trong 100g lá đay chứa: 43-58 calo; 80,4- 84,1 g nước; 4,5-5,6 g protein; 0,3 g chất béo; 7,6-12,4 g carbohydrate; 1,7-2,0 g chất xơ; 2,4 g tro; 266-366 mg Ca; 97-122 mg P; 7,2-7,7 mg Fe;12 mg Na; 444 mg K; 6,410-7,850 ug tương đương với beta-carotene; 0,13-0,15 mg thiamine; 0,26-0,53 mg riboflavin; 1,1-1,2 mg niacin và 53-80 mg acid ascorbic. 
Trong lá đay còn chứa axit chlorogenic và oxydase. Hàm lượng acid folic cao hơn đáng kể hơn so với các loại rau khác.
Trong 100g lá đay còn chứa 800 micrograms folacin-ca (ở 75% độ ẩm) hoặc3.200 microgram folacin so trọng lượng khô (Chen và Saad, 1981). 
Hạt đay chứa11,3-14,8% dầu trong đó có 16,9% palmitic, 3,7% stearic, 1,8% behenic, 1,1% lignoceiic, 9,1% oleic, 62,5% linoleic, và 0,9% linolenic acid cũng như giàu các chất vi lượng như B, Mn, Mo, ​​Zn. (Watt và Breyer-Brandwijk, 1962, Sharaf et al, 1979).
Lá đay giàu betacaroten, sắt, canxi, vitamin C. Các loài đay có tính hoạt hóa chống ôxi hóa trong cơ thể với một lượng đáng kể α-tocopherol (vitamin E) tương đương.

Công dụng

a-Lá rau đay được dùng làm rau
Lá non và đọt của vài loài đay được sử dụng làm rau ăn; đay quả dài (Corchorus olitorius) được sử dụng chủ yếu tại miền nam Châu Á, Ai Cập và Cyprus, đay quả tròn (Corchorus capsularis) được sử dụng làm rau ở vùng Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Rau đay là món ăn quốc gia của Ai Cập. Nó cũng là món ăn đặc trưng trong ẩm thực của Lebanon, Palestine, Syria và Jordan. Một món ăn điển hình của khu vực này là rau đay hầm ăn cùng cơm và thịt gà luộc.
Ở Nhật Bản và Philippines bột lá rau đay khô được sử dụng như một chất làm đặc trong súp. Quả non của cây đay xanh được thêm vào xà lách hoặc dùng làm rau ăn được.
Tại Việt Nam, rau đay chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Món canh rau đay với thịt cua đồng (đâm nhuyễn lọc bỏ xác) là món ăn truyền thống và bổ dưỡng ở Miền Bắc Việt Nam.
b-Lá rau đay được dùng làm nước giải khát
Ở Nhật Bản nước đun với bột lá đay khô được uống thay trà và cà phê, được những người ăn kiên và người thiền rất ứa chuộng, xem như một loại thực phẩm chức năng thanh khiết.
c-Bột lá rau đay dùng làm bánh
Bột lá rau đay được dùng làm bánh xuất xứ tại khu vực Shinjuku ở Tokyo, Nhật Bản.
Ở Mỹ bột lá rau đay được dùng làm thành phần của bánh bích quy ngọt với tên gọi là Molokhiya cookies, một loại bánh mới xuất xứ từ Nhật Bản đã tung ra thị trường từ năm 2007 và được người Mỹ ưa chuộng.
d-Lấy sợi
Vỏ cây đay dùng  để lấy sợi.
Các loài trong chi Corchorus thỏa mãn một lượng lớn nhu cầu của thế giới về sợi. Sợi từ các loài đay là sợi thực vật phổ biến hàng thứ hai sau sợi bông. Trong nửa đầu thế kỷ 20 ngành công nghiệp sợi đay và Ki náp phát triển mạnh mẻ trên thế giới. Sản phẩm chủ yếu của sợi đay là làm bao bì và dây thừng.
Tuy nhiên trong những thập niên 1960s trở lại đây với sự cạnh tranh của sợi PE. Ngành công nghiệp sợi đay co cụm và sắp bị cáo chung. Ấn Độ, Bangladesk bị thiệt hại lớn nhất trong sự cạnh tranh khốc liệt này.
Thân và vỏ cây đay dùng làm bột giấy
Do sợi đay bị cạnh tranh, hướng mới trong sử dụng cây đay và ki náp hiện nay là dùng cả thân và vỏ cây đay tươi để làm bột giấy. Thân và sợi đay được đánh tơi, cho tác dụng với chất kiềm sau đó xay làm bột giấy. Đây là hướng đi mới để cứu ngành trồng đay thoi thóp Châu Á.
e-Các bộ phận cây đai được dùng làm thuốc
Lá đay được dùng làm rau ăn, các bộ phận cây đay được dùng làm thuốc từ lâu đời ở các nước Châu Á và hiện nay bột lá rau đay đang được chế biến thành thực phẩm chức năng ở Nhật Bản và Mỹ.
-Theo Đông y
Rau đay có vị cay, tính lạnh, không độc, có công dụng giải nhiệt, nhuận tràng, tiêu đàm, cầm máu, giải cảm nắng, giải ngộ độc thực phẩm ôi thiu...
Lá và hạt non của cây đay vừ đươc dùng làm rau và làm dùng như vị thuốc ở nhiều nước như: Bangladesh, Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á, Bengal
Ở Nhật Bản lá rau đay được dùng trong bửa ăn như một loại thuốc bổ, đôi khi lá rau đay sấy khô thay thế cho cà phê và trà được dùng bởi những người ăn kiên.
Ở vùng Bengal lá rau đay được sấy khô và sắc nước uống để trị bệnh gan.
Ở Ấn Độ lá rau đay khô được sắc uống để trị bệnh nhức đầu, trướng hơi và giải nhiệt.
Ở Mã Lai sử dụng nước sắc của lá rau đay để trị kiết lỵ, ho và bịnh ho lao, và như một loại thuốc bổ cho trẻ em. Ngoài ra bột lá rau đay sấy khô tán nhuyễn và ngâm nước nóng dùng để băng vết thương.
Ở Quảng Tây (Trung Quốc) người ta dùng toàn cây trị thấp khớp đau xương và dùng ngoài trị lở ghẻ.
Ở Nhật Bản đay được sử dụng như một loại thuốc thảo dược để kiểm soát hay ngăn ngừa bệnh lỵ, sâu và táo bón lá đang được sử dụng làm thực phẩm chức năng-y tế.
Ngoài ra Y học cổ truyền ở nhiều nước Đông Nam Á cũng sử dụng rau đay để trị suy nhược khó tiêu, rối loạn gan,viêm bàng quang mạn tính, bệnh lậu, khó tiểu, đau ruột và dạ dày.
Hạt đay có vị đắng, tính nóng, có độc, có tác dụng hoạt huyết, trợ tim.
-Theo Tây y
Lá đay chứa một glucosid gọi là capsulin, một hoạt chất đắng và bổ, tác dụng lên tim như digitalin của cây Dương địa hoàng (hoa móng tay). Hạt chứa một chất đắng là corchorin và 2 glucosid digitalin là corchoroside A và corchoroside B, tác dụng tương tự như digitalin đối với tim.
Y học hiện đại Ấn Độ phát hiện trong hạt của cây đay có chứa một chất hoạt động tương tự như chất trợ tim digitalin (trích từ các loài Cây móng tay - Digitalis spp.), nhưng tác dụng ít mãnh liệt hơn, có tính an toàn hơn.
Rau đay lá có chứa chất kháng u Phytol và Monogalactosyl diacylglycerol. Nó có thể làm giảm nguy cơ ung thư. 
Ngành Tân dược Philippines đang có những công trình nghiên cứu được tính của cây đay:
1-Antinociceptive/viêm : Nghiên cứu chứng minh chiết xuất của cây đay xanh (Corchorus capsularis-CC) và xác định loài cây này có tác dụng khánh viêm và công nhận các ài thuốc dân gian dùng cây đay để trị các chứng bệnh có liên quan đến viêm và đau. (nguồn: Philippine Medical Plants-2012).
2-Galactolipid/Anti-khối u : Nghiên cứu chứng minh Galactolipid 1 đã có tác dụng chống khối u từ các loài cây đay (Corchorus capsularisC. olitorius). (nguồn: Philippine Medical Plants-2012).
3-Hạ sốt/Antinociceptive/viêm : Nghiên cứu chiết xuất dung dịch nước của lá cây đay, C. capsularis, kháng viêm đáng kể, và công nhận cách dùng nước sắc từ các bộ phận cây đay khô trong cách chửa bệnh trong dân gian. (nguồn: Philippine Medical Plants-2012).
4-Capsugenin : Cô lập chất capsugenin có tên hóa học glycoside-capsugenin-30-OB-glycopyranoside, từ lá của các cây đay Corchorus làm thuốc tân dược để trị các căn bệnh viêm và khối u. (nguồn: Philippine Medical Plants-2012).

Các bài thuốc từ cây đay

1-Canh giải nhiệt: Rau đay (không kể liều lượng) nấu với rau mồng tơi, cua đồng ăn với cơm hàng ngày có tác dụng giải nhiệt, dễ tiêu, bổ sung can xi, thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.
 (Theo Bác sĩ Thu Vân đăng trên báo sức Khỏe Đời Sống-2011)
2-Nhuận tràng, chữa táo bón:
- Lấy 20g lá rau đay sắc lên lấy nước uống làm 2 - 3 lần trong ngày. Uống 5 - 7 ngày.
- Rau đay, rau mồng tơi, lượng bằng nhau, nấu canh ăn ngày 1 lần trong 5-7 ngày.
- Rau đay, rau mồng tơi, rau lang, rau má, mỗi thứ 50g, nấu canh ăn ngày 1 lần trong 5 -7 ngày.  
(Theo Bác sĩ Thu Vân đăng trên báo sức Khỏe Đời Sống-2011)
3-Chữa cảm nắng nhẹ: Lấy một nắm rau đay tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống, còn bã đắp vào hai bên thái dương. Làm vài lần trong ngày.  Hoặc có thể lấy từ 20g hạt rau đay sắc uống nóng cho toát mồ hôi ra.  
(Theo Bác sĩ Thu Vân đăng trên báo sức Khỏe Đời Sống-2011)
4-Chữa phụ nữ sau sinh ít sữa: Tuần đầu tiên sau sinh mỗi ngày ăn từ 150 - 200g rau đay nấu canh vào các bữa ăn chính. Các tuần sau mỗi tuần ăn 2 lần, mỗi lần ăn từ 200 - 250g rau đay sữa ra đều và rất tốt. 
 (Theo Bác sĩ Thu Vân đăng trên báo sức Khỏe Đời Sống-2011)
5-Trị chứng táo bón, ho, suy nhược: Lấy lá rau đay non nấu canh để ăn. (theo Việt báo).
6-Trị tắc sữa, ít sữa không đủ cho con bú: Ăn rau đay thường ngày từ 150gr - 250gr. (theo Việt báo).
7-Ngoài ra, hạt rau đay còn được dùng làm thuốc lợi tiểu, thông đại tiện và tháo nước trong bệnh phù chướng. (theo Việt báo)

Tài liệu tham khảo
10-http://www.stuartxchange.org/PasauNaBilog.html
                                                                                        Kỹ sư Hồ Đình Hải

         Xem video: Canh cua đồng nấu rau đay



        Xem video: Công dụng dược liệu của Rau đay



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét