Rau sam


RAU SAM

-Tên gọi khác: Mã xì hiện, mã xỉ.
-Tên tiếng Anh:Common Purslane,Verdolaga, Pigweed, Little Hogweed, Pusley hoặc Pusley Verdolaga,
-Tên khoa học: Portulaca oleracea L.
-Tên đồng nghĩa: Portulacaria oleracea

Cây rau sam

Phân loại thực vật

Bộ (ordo):
Cẩm chướng (Caryophyllales).
Họ (familia):
Rau sam (Portulacaceae).
Chi (genus):
Rau sam (Portulaca).
Loài (species):
Portulaca oleracea L.

Phân bố

Cây rau sam có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông, từ đó loài cây này lan tràn khắp Châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới. Hiện có nhiều ở Bắc Phi qua Trung Đông , Tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á  Úc . 
Ở Việt Nam cây rau sam có mặt trên cả nước như một loài cỏ dại mọc hoang trên môi trường đất cạn và ẩm. Ở Nam Bộ cây rau sam được dùng như một loại rau bổ dưỡng và có nhiều vị thuốc.

Mô tả

Rau sam (Portulaca oleracea) là một loài cây thân thảo sống một năm, thân mọng nước thuộc họ Rau sam (Portulacaceae).
-Thân bò sát mặt đất màu hơi hồng hoặc đỏ, trơn nhẵn , có thể vươn cao tới 40 cm. Thân có các lá mọc đối thành cụm tại các đốt hay đầu ngọn.
-Rể gồm có rễ cái với các rễ thứ cấp dạng sợi và nó có thể chịu đựng được các loại đất sét rắn, nghèo dinh dưỡng cũng như chịu hạn tốt.
- hình bầu dục, dầy, không cuống, giống hình răng con ngựa. Có vị hơi chua, mặn nên ít được ăn sống.
-Hoa màu vàng, mọc ở đầu cành và ngọn thân, có 5 cánh và đường kính tới 0,6 cm. Các hoa bắt đầu xuất hiện vào cuối mùa xuân và kéo dài cho tới giữa mùa thu. Hoa mọc đơn tại phần tâm của các cụm lá và chỉ tồn tại trong vài giờ vào những buổi sáng nhiều nắng.
-Quả nang, hình cầu, mở bằng một nắp (quả hộp) chứa nhiều hạt đen bóng. 
-Hạt được bao bọc trong các quả  nhỏ,chúng sẽ mở ra khi hạt đã phát triển thành thục.

Thành phần hóa học

Theo tài liệu của Giáo sư Đỗ tất Lợi nghiên cứu cây rau sam thấy có: 1,4% protit, 3% glucid,1,3% tro, 85 mg% calci, 56mg% P, 1,5 mg% sắt, 26mg% vitamin C, 0,32mg% caroten, 0,03mg%vitamin B1, 0,11mg% Vitamin B2 và 0,7mg% vitaminPP.
Theo sách Trung dược học và sách Trung dược ứng dụng lâm sàng, trong rau sam tươi có khoảng 0,25% I-noradrenalin C8H11O3N, glucozit, saponin, chất nhựa urea, nhiều muối kali (tươi 1%, khô 17%), kali nitrat, kali sulfat, KCl và muối kali khác, dopamin, dopa, acid hữu cơ và nhiều loại vitamin.
Theo tài liệu Phương Tây trong cây có glycosid saponin, chất nhựa, acid hữu cơ, các muối kali, các vitamin A, B1, B2, C, PP và men ureaze. 
Rau sam chứa nhiều các axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Nó là một trong số rất ít các loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài. Nó cũng chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali  sắt.
Trong rau sam còn có hai loại betalain ancaloit, là các betacyanin màu đỏ (trong thân cây màu hồng/đỏ) và các betaxanthin màu vàng (trong các hoa và những phần màu vàng của lá). Cả hai loại ancaloit này đều là các chất chống ôxi hóa tiềm năng và người ta cũng phát hiện ra các tính chất chống đột biến gen trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Trong 100 gam lá rau sam tươi tươi (1 chén) chứa từ 300 đến 400 mg của alpha-linolenic acid .Một cốc lá nấu chín chứa 90 mg canxi, 561 mg kali, và hơn 2.000 IU vitamin A.
Một nửa cốc lá một loại rau chứa 910 mg của oxalate , một hợp chất liên quan đến sự hình thành của sỏi thận , tuy nhiên, lưu ý rằng nhiều loại rau phổ biến, chẳng hạn như rau bina, cũng có thể chứa nồng độ cao của oxalat.
Rau sam là loài thực vật quang hợp theo con đường CAM, ban đêm nó vẩn hấp thu CO2 để chuyển đổi thành axit malic, vào ban axit malic được chuyển đổi thành glucose. Khi thu hoạch vào buổi sáng sớm, lá có mười lần hàm lượng axit malic so khi thu hoạch vào cuối buổi chiều, và do đó có một hương vị thơm nhiều hơn đáng kể.

Cách dùng cây rau sam

a-Rau sam được dùng làm rau

Rau sam có vị chua, mặn và nhớt nên không được thi2ch làm rau sống. Với thân lá mềm, rau sam thích hợp cho các món xào và nấu canh rau.
1-Rau sam luộc: Đoạn thân, lá rau sam non dược luộc để chấm với mắm kho, cá, thịt kho..
2-Rau sam nấu canh: Do có vị chua, mặn nên rau sam thích hợp để nấu món canh rau với thịt, cá, trứng, nấm..
Sau sam rất dể tìm, rất bổ dưỡng và nhiều dược tính, nhưng hiện nay nó bị lãng quên do trên thị trường có nhiều loại rau trồng hấp dẫn hơn, thật là điều đáng tiếc!

b-Rau sam được dùng như bài thuốc

Do có giá trị dinh dưỡng cao và có nhiều dược tính nên trong đông y có rất nhiều bài thuốc từ cây rau sam.
Theo đông y rau sam có vị chua, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết giải độc, trừ giun và hoạt trường. Rau sam có tác dụng làm co mạch, ức chế vi trùng lỵ, thương hàn, vi trùng gây bệnh ngoài da và bệnh ho lao. 
Rau Sam tên chữ hán là mã xỉ, có tính sát khuẩn, tiêu thũng, trị chứng đau mắt đỏ. Sách “bản thảo cửu hoang” nói rau Sam luộc chín trộn với dầu, muối có thể ăn thay cơm và là loại rau cảm thụ được nhiều khí âm.
Sách “Nam dược thần hiệu” cho rằng rau Sam vị chua, không độc, chữa trị ghẻ lở, sát khuẩn, tiêu sưng, trị mắt mờ, hòn cục trong bụng và cảm lị.
Đây là loại rau giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.

Các bài thuốc từ cây rau sam

a- Theo đông y

1-Bài thuốc chỉ định và phối hợp: Thường được dùng trị:
1. Lỵ vi khuẩn, viêm dạ dày và ruột cấp tính, viêm bàng quang;
2. Viêm ruột thừa cấp tính;
3. Viêm vú, trĩ xuất huyết, ho ra máu, đái ra máu;
4. Ký sinh trùng đường ruột (giun kim, giun đũa);
5. Sỏi niệu, giảm niệu;
6. Bạch đới.
Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. 
Dùng ngoài trị đinh nhọt sưng đau, ezema và lở ngứa, trẻ em lên đậu, chốc đầu.(theo Y học cổ truyền Việt Nam).
2-Trị bệnh lỵ: Rau sam giã nát, vắt lấy nước, đun sôi, chế thêm mật ong uống.
Ở An Giang có đơn thuốc trị lỵ, đau bụng quặn, sốt, đi ngoài lẫn đờm, máu; Hoàng đằng 12g, Rau sam 20g, Rau trai 20g; đổ 500ml nước, sắc còn 150ml, uống ngày một thang (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
3-Tẩy giun kim, giun đũa: Rau sam 50g rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, vắt lấy nước trong, uống vào buổi tối (có thể thêm đường). Uông liền 3 tối, không nhịn ăn. Hoặc dùng 3 nắm to rau sam sắc lấy một bát nước uống lúc đói, uống 2-3 lần thì giun ra (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
4-Ðái buốt, đái dắt: Rau sam tươi giã lấy nước cốt uống (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
5-Ðau mắt có màng và cam mắt: rau sam tươi giã lấy dịch nhỏ vào mắt (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
6-Xích, bạch đới: Rau sam tươi 100g, giã nát, vắt lấy nước, hoà với lòng trắng trứng gà, hấp chín, ăn liền trong 3 ngày (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
7-Loét giác mạc, miệng lưỡi: Rau sam 16g. Cỏ nhọ nồi 16g, Rau má 20g nước 450ml, sắccòn 150ml, thêm vài hạt muối, ngày uống 1-2 lần. Có thể dùng rau sam luộc ăn (theo Y học cổ truyền Việt Nam).
8-Trị lị trực khuẩn:
-Rau sam 40 - 80g, sắc nước uống hoặc dùng bột, ngày 3 lần, mỗi lần 6 - 8g, hoặc dùng tươi 200 - 250g giã nát vắt nước uống, thuốc có tác dụng cầm lị và tăng khẩu vị.
-Trị lị tính: Rau sam tươi 100g, Cỏ sữa tươi 100g, tiêu ra máu cho thêm cỏ nhọ nồi 20g, rau má 20g, cho 3 chén nước sắc còn 1 chén (150 - 200ml) ngày uống 1 - 2 liều.
Dùng 50% nước sắc rau sam, mỗi lần 40ml, ngày 3 lần, liệu trình 7 - 14 ngày (theo Tạp chí Trung y dược Phúc Kiến 1959).
9-Trị ho gà: Dùng sirô rau sam 50% 100ml chia 3 ngày uống, mỗi ngày 4 lần (theo Tạp chí Trung y dược Thượng Hải 1959).
10-Trị giun móc: Dùng rau sam tươi 90g, đổ nước sắc lấy 8 phân, bỏ xác gia giấm trắng và đường, mỗi thứ 15g uống tối trước khi ngủ. Trị 41 ca kết quả trứng giun phân âm tính 36 ca, tỷ lệ kết quả 87,8% (theo Tạp chí Tân y dược học (TQ)1973).
11-Trị bạch tạng: Dùng nước vắt của Rau sam hoặc gia ít đường mía và giấm lêm bôi ngoài, kết hợp phơi nắng (theo tạp chí Trung y dược Quảng tây 1978).
12-Trị bệnh ung nhọt ngoài da có mủ: dùng Rau sam trong uống ngoài đắp, thuốc có tác dụng tiêu sưng giảm đau ngứa, tiêu viêm tốt (theo y học cổ truyền Trung Quốc).
13-Trị viêm lóet cổ tử cung: Dùng rau sam 3.500g, Cam thảo 500g, sắc nước bỏ xác, cô còn 300ml, gia bột gạo (hoạt thạch hoặc thạch cao) 2.000g làm thành viên nhỏ, mỗi lần uống 2g, ngày 2 lần, uống liền trong 20 ngày (theo Tạp chí Thiên Tân Y dược 1973).
14-Trị xuất huyết tử cung sau đẻ, xuất huyết tử cung cơ năng, sẩy thai không hoàn toàn: Dùng rau sam uống hoặc tiêm (dạng ly trích)  đều có kết quả ( theo khoa Phụ sản Bệnh viện số 2- Trường Đại học Cát lâm Trung quốc-1972).
15-Trị giun kim: Rau sam tươi rửa sạch thêm ít muối giã vắt nước thêm ít đường uống liên tiếp trong 3 - 5 ngày (theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi).
16-Trị xích bạch đới: Giã nát rau sam vắt nước hòa với lòng trắng trứng gà hấp chín ăn trong vài ngày, mỗi ngày 100g rau sam tươi (theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi).
17-Trẻ em chốc đầu: Giã nát rau sam tươi, thêm nước sắc đặc bôi lên hoặc đốt thành than trộn mỡ lợn, dầu dừa bôi (theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi).
18-Trị đái ra máu: nấu canh rau sam ăn hằng ngày, liên tục 5 - 7 ngày (theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi).
19-Chữa mặt nổi mụn: Rau Sam rửa sạch, sắc đặc dùng nước này rửa hàng ngày, thoa lên mặt trước khi đi ngủ rất hiệu quả (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
20-Trị nổi mẫn đỏ và phòng ngừa sẹo: Rau Sam rửa sạch, giã nhuyễn đắp lên nơi mẫn đỏ ngứa hoặc nơi vết thương vừa lành. Cần đắp ngày vài lần mới hiệu.quả (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
21-Chữa đinh nhọt sưng tấy: Dùng rau Sam và vôi lượng bằng nhau đem tán nhỏ mịn rồi trộn với lòng trắng trứng gà đắp lên rất công hiệu. Cần lưu ý không được cạy mặt vùng nhọt này (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
22-Chữa chốc đầu ở trẻ em : Rau Sam một lượng lớn cho vào nồi nấu lấy nước đặc, đem cô lại thành cao lỏng dùng để bôi lên nơi chốc sẽ khỏi. Có thể lấy rau Sam đốt lên thành tro và hòa với mỡ lợn (heo) bôi cũng rất tốt (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
23-Chữa các chứng phong sang và các chứng lở loét lâu năm: Lấy lượng lớn rau Sam rửa sạch, sắc thật đặc, chắt lấy 3 bát nước (bỏ bã) cho vào niêu đất, thêm 3 lạng sáp ong, nấu cho sáp ong tan, để nhỏ lửa cô thành cao, bỏ thêm ít gầu (chải đầu gom lại) và quấy đều, mỗi lần lấy một ít phết lên giấy để dán nơi lở loét hoặc bôi vào nơi sưng loét.
Ngoài việc chữa trị trên, cao này còn dùng để chữa hắc lào, chốc đầu nơi chấn thương làm rách da, nhiễm trùng lở loét… rất hiệu nghiệm. Phương thuốc này được chép trong Nam dược thần hiệu (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
24-Chữa tràng nhạc vỡ loét: Lấy một lượng lớn rau Sam, phơi khô trong bóng râm, sau đó đốt và tán nhỏ thành bột, trộn với mỡ lợn (heo). Lấy đắp vào nơi đau sau khi đã rửa kỹ bằng nước vo gạo (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
25-Chữa trĩ mới phát: Rau Sam rửa sạch luộc ăn phần rau, còn nước luộc rau dùng xông và ngâm, rửa nơi có trĩ - kiên trì làm hàng ngày, chừng 1 tháng sẽ khỏi bệnh (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
26-Chữa hậu môn sưng, lở: Lấy một nắm rau Sam cùng 1 nắm me đất rửa sạch, cho vào nồi nấu để xông và rửa hậu môn, mỗi ngày xông và rửa 2 lần, làm liền chừng 5-7 ngày sẽ khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
27-Chữa cửa mình sưng đau: Dùng rau Sam rửa sạch, giã nát đắp vào sẽ khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
28-Chữa kiết lị đi ra máu: Lấy rau Sam rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt đủ 1 bát đun sôi hòa với một chén mật ong, uống vài lần sẽ khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
29-Chữa môi nứt nẻ không há miệng được: Trường hợp này do tỳ quá nhiệt (Nam dược thần hiệu). Dùng rau Sam sắc thật đặc và dùng nước này thấm vào môi, nơi lở loét rất mau khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
30-Chữa đau răng: Lấy rau Sam rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt để ngậm liền trong 1 ngày sẽ hết sưng đau (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
31-Chữa chứng mắt nổi mộng thịt, hoặc kéo căng màng trắng, đỏ: Nam dược thần hiệu cho rằng chứng này là do tâm nhiệt gây nên. Lấy rau Sam một nắm rửa sạch, giã nát rồi trộn với phác tiêu cho vào vải sạch bọc lại, đắp lên mắt sẽ rất hiệu nghiệm (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
32-Chữa phù thũng, trướng bụng, đi tiểu gắt: Dùng rau Sam nấu với nước vo gạo nếp, ăn hàng ngày rất hiệu quả (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
33-Chữa cước khí nặng chân: Khi xuất hiện chứng cước khí nghĩa là chân bị sưng phù, đau nhức, bụng đầy trướng, đi tiểu ít… Dùng rau Sam nấu với gạo tẻ ăn liền trong mấy ngày sẽ hiệu quả (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
36-Chữa chứng xích bạch đới: Rau Sam tươi 100g, giã nát vắt lấy nước hòa với lòng trắng trứng gà rồi đem hấp chín ăn liền trong 3 ngày sẽ hiệu nghiệm (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
37-Chữa ra mồ hôi nhiều sau khi sinh: Rau Sam tươi 1 nắm to, thái nhỏ, vắt lấy nước cốt hòa với 1 ly nước lọc thêm chút muối ăn uống vài lần sẽ khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
38-Chữa giun kim: Hàng ngày dùng từ 50-100g rau Sam tươi, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt uống, chừng 5-7 ngày sẽ kết quả. Lưu ý khi đang bị tiêu chảy không dùng (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
39-Chữa giun đũa: Rau Sam tươi 3 nắm to, rửa sạch cho vào siêu đất sắc còn lại 1 bát, uống vào lúc đói, uống vài lần giun sẽ ra hết (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
40-Chữa sán xơ mít: Rau Sam 1 nắm to, rửa sạch sắc lấy 1 bát, thêm muối và giấm mỗi thứ một ít, uống khi mới ngủ dậy buổi sáng, uống vài lần như vậy sán sẽ ra hết (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
41-Chữa tiêu chảy có bọt: Rau Sam, rửa sạch luộc nhừ rồi ăn cả cái lẫn nước, nếu nhiều nước không ăn hết có thể chia vài lần uống trong ngày (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
42-Chữa bí đại tiện: Khi đại tiện tuy không táo bón nhưng phân mềm và khuôn nhỏ, cảm giác trong bụng đầy khó chịu. Trường hợp này lấy rau Sam một bó nấu kỹ, gạt bỏ bã và cho gạo nấu cháo ăn bình thường hàng ngày sẽ có kết quả (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
Lưu ý: Khi cháo đã nhừ cần cho thêm 5 củ hành vào nấu chín kỹ hãy ăn thì kết quả sẽ cao hơn.
43-Chữa lỵ ở trẻ em: Dùng rau Sam, giã vắt lấy nước, đun sôi thêm một thìa mật ong khuấy đều lên cho uống (theo Nam dược thần hiệu).
44-Chữa sốt rét: Lấy mấy ngọn rau Sam giã nát đắp vào cổ tay (nơi động mạch quay đập dùng để bắt mạch) và lấy vải buộc lại, rồi cho một nắm rau Sam nấu lấy nước uống. Trường hợp này chỉ dùng trong sốt rét cơn và các trường hợp sốt cao khác kết hợp (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
45-Chữa lên đậu, vảy đóng không bong: Rau Sam rửa sạch, vắt lấy nước cốt, thêm mỡ lợn (heo), mật ong có lượng như nhau để cô thành cao, lấy thoa thường xuyên lên nơi vảy đóng không bong vài lần sẽ bong và lên da non (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
46-Chữa rắn, rết cắn, ong chích, hay chạm vào sâu róm, bọ nẹt: Rau Sam rửa sạch, giã nát đắp lên nơi bị cắn, đốt rất công hiệu. Nếu giã rau Sam vắt lấy nước cốt lại càng nhanh khỏi (Theo Sức khoẻ & Đời sống).
47-Chữa tích tụ trong bụng: Rau Sam một nắm to, cho vào một nhúm muối, giã nhỏ sau cho thêm vào một chén giấm, vắt lấy nước cốt uống uống làm nhiều lần sẽ tiêu (Theo Sức khoẻ & Đời sống).

b-Theo Y học hiện đại

1.Tác dụng kháng khuẩn: Rau sam có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau các loại: trực khuẩn lị, thương hàn, trực khuẩn coli, tụ cầu khuẩn vàng, một số nấm, lị trực khuẩn có khi sinh kháng thuốc.
2.Thuốc có tác dụng làm tăng nhu động ruột, co bóp cơ trơn tử cung: Rau sam có 2 tác dụng ngược nhau trên tử cung động vật thực nghiệm: hưng phấn hoặc ức chế, vì hưng phấn là do muối kali có trong thân rễ và tác dụng ức chế là do các thành phần hữu cơ chủ yếu của rau sam.
3.Thuốc có tác dụng lợi tiểu (do thành phần muối kali) Thuốc còn có tác dụng co mạch.
Từ dịch chiết của cây rau sam, tây y đã chế ra một số loại thuốc tân dược và thực phẩm chức năng.
                                                                                                       Kỹ sư Hồ Đình Hải

1 nhận xét:

  1. rau rung Viet Nam đung that la nhung loai rau rat co gia tri trong bua an hang ngay cua con nguoi giup tang cuong suc khoe va la loai duoc lieu tot đe chua tri benh cho con nguoi. khong đac tien mua ma con de tim. cam on tac gia HO DINH HAI đa đang bai viet nay.

    Trả lờiXóa